Thực trạng và giải pháp quản lý việc dạy học tiếng dân tộc ở cấp tiểu học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: B2009-37-07NV
    Chủ nhiệm đề tài: TS. Mông Ký Slay
    Các thành viên tham gia: TS. Bùi Văn Thành
    ThS. Đào Thị Hồng Minh
    CN. Vũ Thị Đào
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 04 năm 2009 / tháng 12 năm 2010

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Chính sách về ngôn ngữ dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trước sau nhất quán là tôn trọng ngôn ngữ các dân tộc và tạo điều kiện để Tiếng dân tộc thiểu số (gọi tắt là Tiếng dân tộc – TDT) được dạy trong trường học. Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS), ngành giáo dục với chức năng của mình đã và đang triển khai dạy một số TDT trong trường học.

    Sau nhiều năm triển khai, TDT được đưa vào trường học với nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Có nhiều yếu tố tác động tới những thành công và thất bại của việc dạy học TDT nhưng vấn đề quản lí, chỉ đạo dạy học TDT bao giờ cũng là yếu tố quyết định.

    Hiện có 7 thứ TDT được dạy trong trường phổ thông, đó là các tiếng: Chăm, Khmer, Êđê, Bahnar, Jrai, Hmông, Hoa. Năm học 2009-2010, việc dạy học TDT được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố, với 740 trường, 4.789 lớp, 110.862 HS. HS học TDT ở cấp Tiểu học là chủ yếu, với 90.290 HS. Số lượng trường lớp, GV, HS đang tăng lên qua từng năm học, nhưng chất lượng dạy học TDT chưa cao, công tác quản lí dạy TDT thiếu đồng bộ, thống nhất và chưa hiệu quả.

    Sau khi Nghị định 82/2010/NĐ-CP được ban hành, việc dạy học TDT trong trường học sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Hơn lúc nào hết, công tác quản lí dạy học TDT cần được thực hiện bài bản, khoa học và thống nhất. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu về việc quản lí dạy học TDT, phục vụ tốt hơn chức năng quản lí nhà nước trong thời gian tới cauare Bộ GD & ĐT và các cơ quan quản lí cơ sở giáo dục địa phương.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Trên cơ sở thực trạng quản lí dạy học TDT trong trường học ở cấp Tiểu học và nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia khác để đề xuất các giải pháp quản lí phù hợp, nhằm đưa việc dạy TDT cấp tiểu học vào nền nếp và có chất lượng.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Đề tài thực hiện nghiên cứu các nội dung sau: 1/ Nghiên cứu các quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc dạy học TDT; 2/ Nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức dạy học TDT của một số nước trên thế giới; 3/ Nghiên cứu thực trạng quản lí dạy học TDT tại các địa phương; 4/ Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp quản lí dạy học TDT ở cấp Tiểu học.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Nghiên cứu thực trạng quản lí việc dạy học TDT từ năm học 2006-2007 đến nay với cấp Tiểu học và với 7 thứ TDT hiện nay đang được đưa vào dạy trong các trường phổ thông thuộc các tỉnh: Đắk Lắk (tiếng Êđê), Gia Lai (tiếng Jrai), Ninh Thuận (tiếng Chăm), Bình thuận (Tiếng Chăm), Trà Vinh (tiếng Khmer), Sóc Trăng (tiếng Khmer), Tp Hồ Chí Minh (tiếng Hoa), Yên Bái (tiếng Hmông). Xây dựng các giải pháp quản lí theo các văn bản hiện hành của Chính phủ.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: 1/ Phương pháp nghiên cứu lí luận; 2/ Phương pháp nghiên cứu thực tiễn; 3/ Phương pháp tổng kết kinh nghiệm; 4/ Phương pháp chuyên gia; 5/ Phương pháp thảo luận, hội thảo, thảo luận chuyên đề; 5/ Các phương pháp khác

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 4 phần

    Phần 1. Cơ sở pháp lí về dạy học TDT
    1.1. Vài nét về ngôn ngữ các dân tộc
    1.2. Các văn bản cảu Đảng và Nhà nước về dạy học TDT
    1.3. Các quy định về quản lí nhà nước về giáo dục

    Phần 2. Thực trạng công tác quản lí dạy học TDT ở trường phổ thông
    2.1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về dạy học TDT
    2.2. Tổ chức biên soạn chương trình, xuất bản sách giáo khoa
    2.3. Tổ chức, quản lí việc bảo đảm chất lượng giáo dục dạy học TDT
    2.4. Bộ máy quản lí dạy học TDT
    2.5. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lí dạy học TDT
    2.6. Huy động các nguồn lực trong dạy học TDT
    2.7. Những tồn tại và thách thức

    Phần 3. Kinh nghiệm các nước trong dạy học TDT ở trường phổ thông
    3.1. Dạy tiếng các dân tộc thiểu số - một yêu cầu bức thiết
    3.2. Một số biện pháp nhằm dạy học TDT có hiệu quả ở một số nước

    Phần 4. Những giải pháp quản lí dạy học TDT ở cấp tiểu học trong thời gian tới
    4.1. Ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc văn bản quy phạm pháp luật về dạy học TDT
    4.2. Tiếp tục tổ chức biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa; Xây dựng danh mục thiết bị dạy học đúng tiến độ, có chất lượng
    4.3. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm chất lượng dạy học TDT
    4.4. Kiện toàn tổ chức quản lí dạy học TDT
    4.5. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng GV và cản bộ quản lí dạy học TDT
    4.6. Đẩy mạnh côn tác tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng; Phối hợp các cấp các ngành trong quản lí, tổ chức dạy học TDT.

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Thông qua việc xem xét thực trạng công tác quản lí dạy học TDT trong trường phổ thông, có một cách nhìn toàn diện, khách quan, trung thực về công tác quản lí dạy học TDT hiện nay nói chung và dạy TDT ở tiểu học nói riêng.

    Hệ thống các giải pháp quản lí tương đối toàn diện liên quan tới các yếu tố, đối tượng tham gia dạy học TDT sẽ là những gợi ý tốt cho cơ quan quản lí giáo dục các cấp trong việc pháp triển số lượng và nâng cao chất lượng dạy học TDT ở tiểu học trong thời gian tới.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Tiếng dân tộc được triển khai dạy học trong trường phổ thông có quy mô, phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt ở cấp Tiểu học. Các TDT có quy mô triển khai dạy học khác nhau, nhưng đều được tổ chức nghiêm túc, bài bản, ngày càng đi vào chất lượng.

    Công tác quản lí dạy học TDT đã được chú trọng và tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan quản lí giáo dục đã tổ chức xây dựng và thực hiện những văn bản quy phạm pháp luật về dạy học TDT; Xây dựng và chỉ đạo việc xây dựng chiến lược, kế hoạch pháp triển dạy học TDT; Tổ chức biên soạn chương trình, xuất bản SGK TDT; Tổ chức, quản lí việc bảo đảm chất lượng dạy học TDT; Tổ chức bộ máy quản lí giáo dục dân tộc, trong đó có quản lí dạy học TDT; Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lí giáo dục và huy động các nguồn lực trong dạy học TDT. Tuy nhiên, công tác quản lí dạy học TDT còn một số bất cập: Một số chương trình, SGK chưa được thẩm định và ban hành chính thức; Thiếu những điều kiện để thực hiện chương trình: thiếu TBDH, thiếu quỹ thời gian thực hiện chương trình, thiếu GV dạy TDT; Công tác quản lí dạy học TDT còn lúng túng; Bộ phận chỉ đạo và đội ngũ cán bộ quản lí dạy học TDT chưa được củng cố

    Để việc dạy học TDT ở cấp Tiểu học phát triển bền vững, có chất lượng, cần có những giải pháp tổng thể nhằm tăng cường công tác quản lí dạy học TDT, cụ thể là: Ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về dạy học TDT, trước hết tỏ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 82/2010/NĐ-CP; Xây dựng kế hoạch tổng thể dạy TDT trong 5-10 năm tới. Tiếp tục tổ chức biên soạn, thẩm định chương trình. SGK; Xuất bản, phát hành SGK kịp thời; Xây dựng danh mục thiết bị dạy học đúng tiến độ, có chất lượng. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Kiện toàn tổ chức quản lí dạy học TDT; Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lí về chỉ đạo dạy học TDT; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế về dạy học TDT; Nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong dạy học TDT; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lí dạy học TDT; Xây dựng tiêu chuẩn GV dạy TDT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng; Phối hợp các cấp các ngành trong quản lí, tổ chức dạy học TDT nhằm huy động các nguồn lực trong dạy học TDT.

    Khuyến nghị

    Để triển khai dạy học TDT trong trường học, cần tăng cường và hoàn thiện công tác quản lí dạy học TDT như đã được đề cập trong báo cáo. Các cơ quan quản lí giáo dục từ các cơ quan thuộc Bộ đến các cơ quan quản lí cơ sở giáo dục đều có trách nhiệm trong công tác này.

    Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lí dạy học TDT nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của dạy học TDT trong trường học, coi đây là nhiệm vụ chính trị của giáo dục vùng dân tộc, có như vậy công tác quản lí dạy học TDT mới đạt được hiệu quả.

    Ngành giáo dục cần chủ động trong việc phối hợp với các ngành và địa phương trong việc hoàn thiện các điều kiện để nâng cao chất lượng dạy học TDT, chẳng hạn, phối hợp với ngành Văn hóa – Thông tin trong việc tạo môi trường TDT bằng cách in ấn các ấn phẩm in bằng chữ dân tộc; Phối hợp với Viện Khoa học xã hội (Viện Ngôn ngữ) trong việc hoàn thiện các bộ chữ cũng như soạn thảo các công cụ để làm cơ sở cho việc dạy học TDT

    Từ khóa: 1/ Tiếng dân tộc; 2/ Tiểu học; 3/ Dạy học tiếng dân tộc.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...