LỜI MỞ ĐẦU Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế khu vực, hoạt động đầu tư không chỉ của các ngành, địa phương mà đặc biệt là của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng hơn. Đầu tư phát triển đã được các doanh nghiệp coi đó là hướng phát triển lâu dài của mình, bởi đầu tư chính là sự hy sinh các nguồn lực hiện tại để tiến hành các hoạt động nhằm thu được các kết quả, mục tiêu nhất định trong tương lai. Tuy nhiên, đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là một vấn đề không hề đơn giản. Mặt khác, để đầu tư được thì phải có các nguồn lực như: nguồn vốn, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, trí tuệ nhưng một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp thường thiếu vốn khi tiến hành đầu tư. Để giải quyết khó khăn đó thì một trong những giải pháp thường được các doanh nghiệp chú trọng tới chính là việc vay vốn của ngân hàng. Ngân hàng thương mại tồn tại trong nền kinh tế thị trường với sứ mệnh chính là “đi vay và cho vay”, trong đó hoạt động cho vay có thể hiểu chính là một hoạt động đầu tư. Hoạt động cho vay tức là hoạt động tín dụng muốn đạt được hiệu quả cao, đảm bảo an toàn về nguồn vốn thì phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của công tác thẩm định. Thẩm định tốt sẽ tạo tiền đề để hoạt động tín dụng diễn ra thuận lợi, sẽ giúp cho ngân hàng đưa ra những quyết định phù hợp với từng dự án, từng doanh nghiệp trong những trường hợp cụ thể. Ngược lại, thẩm định không tốt có thể dẫn tới việc đưa ra những quyết định sai lầm về tín dụng, điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đây chính là lý do để em chọn đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Đông Đô”.