PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ 1. Lý do chọn đề tài Cho vay là hoạt động mang lại lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng (NH), trong đó có thể kể đến khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động cho vay tiêu dùng (CVTD). Vì các khoản CVTD thường có lợi nhuận lớn do mức lãi suất tính trên các khoản CVTD cao hơn các khoản cho vay khác. Và trong hoàn cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng tăng cao, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân cũng ngày một lớn. Từ đó tạo điều kiện cho ngân hàng (NH) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay đem đến nhiều lợi nhuận tiềm năng này. Tuy nhiên lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, hoạt động CVTD của các ngân hàng thương mại (NHTM) có chi phí và rủi ro cao nhất trong các hoạt động cho vay khác. Thêm vào đó là yêu cầu của nền kinh tế xã hội ngày càng cao, sự cạnh tranh diễn ra gay gắt giữa các ngân hàng, bên cạnh chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng do mục tiêu thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của ngân hàng nhà nước (NHNN). Điều này đặt ra thách thức cho các ngân hàng trong việc tính toán làm sao để khoản vay vừa đem đến lợi nhuận cho ngân hàng vừa là một khoản vay có “chất lượng” để hạn chế rủi ro tín dụng đến mức thấp nhất có thể, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng (KH) và nâng cao vị thế của mình trên thị trường. Xuất phát từ thực tế đó, em đã chọn đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Huế” làm khóa luận tốt nghiệp với hi vọng góp phần nâng cao chất lượng CVTD nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh của NH nói chung trong những năm tới. 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài - Hệ thống những vấn đề cơ bản về cho vay tiêu dùng, nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng. - Tìm hiểu thực trạng chất lượng cho vay tiêu dùng tại ngân hàng. - Một số giải pháp và kiến nghị để nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 3. Đối tượng nghiên cứu Khóa luận tập trung nghiên cứu về CVTD và các vấn đề liên quan đến chất lượng CVTD của ngân hàng, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng của ngân hàng trong thời gian tới. 4. Phạm vị nghiên cứu - Về mặt thời gian: Đề tài được nghiên cứu trong phạm vi 3 năm 2009; 2010;2011. - Về mặt không gian: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Huế. 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp nghiên cứu tài liệu: là phương pháp tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đề tài bằng cách đọc, tổng hợp, phân tích thông tin từ giáo trình, internet, sách báo, các tài liệu có liên quan đến nghiệp vụ tại đơn vị thực tập. - Phương pháp quan sát: là phương pháp được sử dụng để đánh giá thực trạng hoạt động của ngân hàng. - Phương pháp phân tích: dựa vào số liệu thô từ phía ngân hàng cung cấp, tiến hành tính toán các chỉ tiêu, từ đó so sánh, phân tích, đánh giá chất lượng cho vay tiêu dùng tại ngân hàng. Phương pháp này được sử dụng trong khi xử lý số liệu. - Phương pháp tổng hợp: tổng hợp lại những thông tin đã thu thập được sao cho phù hợp với đề tài nghiên cứu và rút ra những kết luận cần thiết. Phương pháp này được sử dụng trong giai đoạn hoàn thành bản thảo của đề tài.