Luận Văn Thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ hội nhập

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Linh Napie, 2/12/13.

  1. Linh Napie

    Linh Napie New Member

    Bài viết:
    4,057
    Được thích:
    5
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    “Thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ hội nhập”

    1. Thực trạng:
    Với tiềm năng vốn có, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa nông sản lớn nhất của cả nước, hàng năm cung cấp hơn 70% nông sản hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng các chỉ số phát triển về kinh tế - xã hội của ĐBSCL đa phần thấp hơn các chỉ số bình quân chung của cả nước. Thành quả đạt được trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng về đất, nước, khí hậu của Vùng, đặc biệt là so với các lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
    Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, kết cấu hạ tầng nhìn chung còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; môi trường đầu tư kém hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với số dân hơn 17 triệu người, trong đó gần 80% gắn bó với kinh tế nông nghiệp tạo ra một lực lượng lao động tại chỗ đông đảo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh và quản lý lại thiếu. Tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có kỹ thuật, tay nghề cao là phổ biến tại các tỉnh trong Vùng. Đây là thách thức lớn cho các nhà quản lý và doanh nghiệp.
    Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ “lực lượng lao động ở ĐBSCL dồi dào (chiếm 22% dân số cả nước) nhưng đa số thiếu chuyên môn (chỉ 14,33% qua đào tạo)”. Tính đến tháng 6 - 2008, toàn vùng ĐBSCL có 344 cơ sở dạy nghề công lập và 194 ngoài công lập. Theo đánh giá của các ngành chức năng, mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện nay còn mỏng, toàn Vùng mới có 5 trường cao đẳng nghề và 18 trường trung cấp nghề (1,38 trường/1 tỉnh; trong khi bình quân cả nước 5 trường/1 tỉnh) [1]. Cơ cấu đào tạo trong Vùng cũng rơi vào tình trạnh giống như cả nước “Thừa Thầy, thiếu Thợ”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giảng viên thiếu và yếu năng lực chuyên môn, nhất là cơ sở đào tạo mới thành lập; chậm đổi mới chương trình đào tạo, giáo trình; đồng thời hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo chưa phát triển mạnh. Việc huy động doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề . tham gia dạy nghề còn hạn chế. Mặt khác, ngành nghề đào tạo chủ yếu là nghề phổ thông (may, sửa chữa thiết bị nông nghiệp, điện tử dân dụng, phụ giúp việc nhà .) nên hoạt động dạy nghề của Vùng chưa bắt kịp nhu cầu thị trường lao động. Dạy nghề cho xuất khẩu lao động và để làm công nhân lành nghề hay làm dịch vụ cũng còn những hạn chế.
    Đến thời điểm hiện nay, trong Vùng có 11 trường Đại học. Trong đó, trường Đại học Cần Thơ là cơ sở có bề dầy thành tích đào tạo trong Vùng, trường Đại học An Giang thành lập thứ 2 nhưng mới bước vào năm thứ 10, các trường Đại học khác thành lập chưa được 10 năm, nên công tác đào tạo vẫn còn những hạn chế về quy mô, số lượng và chất lượng. Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền từ Trung ương đến Tỉnh Thành đã đặc biệt chú ý và quan tâm đến giáo dục, đào tạo của từng địa phương và trong Vùng. Thể hiện rõ thông qua các hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, với một đất nước còn nghèo như nước ta, đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục dù đã tăng nhưng vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển giáo dục, so với sự đầu tư cho giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới chúng ta vẫn còn những hạn chế. Đây là bài toán khó cho các tỉnh khu vực ĐBSCL trong tiến trình hội nhập.
    2. Định hướng đào tạo nhân lực cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn tới.
    Tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngày 23/8/2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận“ .Cần quan tâm chỉ đạo và tập trung vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho lao động trẻ tại chỗ, bồi dưỡng nhân tài; nâng cao tỷ lệ có tay nghề, đã qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó, công nghiệp hóa nông thôn là nội dung cơ bản; không để kéo dài tình trạng các chỉ số về giáo dục của Vùng là rất thấp so với cả nước”[2]. Kết quả bước đầu các Tỉnh tập trung thực hiện kiên cố hóa trường học, chú ý nhiều đến chất lượng giáo dục từng bậc học, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Theo đề án chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến 2009-2020, Bộ Giáo Dục đào tạo đã xác định “ Đảm bảo duy trì tỷ lệ đầu tư cho giáo dục trong tổng chi ngân sách nhà nước được là 20% trong giai đoạn 2008-1012, phấn đấu đạt 21% vào năm 2015, trong đó tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ tài chính cho những học sinh, sinh viên thuộc các nhóm thiệt thòi và các nhóm được hưởng chính sách ưu tiên.”
    Từ nay đến 2015, thế mạnh và điều kiện tự nhiên của ĐBSCL vẫn là sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây, một số tỉnh trong Vùng đã nhận diện được những cơ hội, nội lực và thách thức của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đã phát huy nội lực, lợi thế của từng địa phương và bắt đầu chuyển hướng phát triển mạnh các khu vực kinh tế còn lại (khu vực II, khu vực III), nhiều khu công nghiệp được xây dựng, mời gọi đầu tư bên ngoài; mở rộng lĩnh vực dịch vụ, tìm kiếm thị trường; thực hiện liên kết trong lĩnh vực du lịch; thực hiện chủ trương của nhà nước đầu tư phát triển địa phương theo chương trình “Tam Nông” (Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn) . Do đó, nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và nguồn nhân lực có tay nghề càng trở nên bức xúc. Các địa phương nên có chiến lược đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân sự phục vụ cho ngành sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập và là đòn bẩy để thực hiện tốt chương trình Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn của Chính Phủ.
    Do đó, các tỉnh trong Vùng nên chú trọng đào tạo các nhóm ngành công nghệ phục vụ trước tiên trong nông nghiệp, công nghệ thông tin, chế biến và bảo quản thực phẩm, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, kỹ thuật và công nghệ môi trường, xây dựng dự án, quản trị kinh doanh và thương mại quốc tế
    Đối với đào tạo nghề cần có chiến lược đào tạo các nghề phục vụ trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và các kỹ năng để làm công nhân. Về lâu dài, các tỉnh trong Vùng nên xác định ĐBSCL vẫn là nơi cung cấp lực lượng công nhân cho các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông và Cần Thơ.
    Phải giải quyết được bài toán về cơ cấu trong đào tạo; thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo theo chức danh, đồng thời mở rộng quy mô và phạm vi đào tạo. Tạo bước đột phá về giáo dục nghề nghiệp để tăng mạnh tỷ lệ lao động qua đào tạo. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được tái cấu trúc đảm bảo tính liên thông giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường cao đẳng, đại học để người dân có thể học cao hơn khi có điều kiện
    Các trường Đại học, cao đẳng và dạy nghề khi thực hiện chương trình đào tạo, ngoài nội dung kiến thức chuyên môn cần thiết cho từng ngành nghề, nên chú trọng việc cung cấp, rèn luyện các kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thương lượng, đàm phán, kỹ năng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu, học tập và làm việc .Đồng thời tạo điều kiện để sinh viên thực hành rèn luyện khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập, phê phán và năng lực giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng cao với những biến động của thị trường
    Các địa phương nên đầu tư đúng mức cho giáo dục thường xuyên được tiếp tục đẩy mạnh, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Đội ngũ người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn định kỳ và thường xuyên theo các chương trình giáo dục, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, góp phần tăng thu nhập hoặc chuyển đổi nghề nghiệp của cá nhân người lao động.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...