Thực trạng tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Văn Hồng
    Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Thư điện tử: [email protected] ; Điện thoại: 0438220912
    Thư ký đề tài: ThS. Đào Thanh Hải; Thành viên: ThS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, ThS. Vũ Xuân Hùng.
    Thời gian thực hiện: Từ 07/2010 đến 07/2011

    Mục tiêu nghiên cứu

    Xác định thực trạng tuyển sinh cao đẳng nghề (CĐN) của các trường CĐN trên địa bàn TP. Hà Nội.

    Nội dung nghiên cứu

    - Làm rõ được một số khái niệm có liên quan, làm rõ sự cần thiết và tính tất yếu của việc liên thông giữa loại hình CĐN với các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề;

    - Nghiên cứu thực trạng về tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội, cũng như những tồn tại, bất cập trong công tác tuyển sinh cao đẳng nghề;

    - Đề xuất một số khuyến nghị liên quan đến tuyển sinh CĐN và các yếu tố tác động đến công tác tuyển sinh CĐN cho các trường CĐN trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng và các cở sở đào tạo có tuyển sinh loại hình CĐN.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp hồi cứu tư liệu, phương pháp khảo sát thực tế, phương pháp phân tích và xử lý số liệu.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã đưa ra một số khái niệm liên quan. Cao đẳng nghề là cấp học thuộc hệ thống đào tạo nghề, mục tiêu của CĐN là “nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc”. Tuyển sinh là tuyển người vào học (đầu vào) của các cơ sở đào tạo. Họ đưa ra những yêu cầu (tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số) thích hợp với từng ngành nghề đào tạo, để người học đăng ký dự tuyển theo từng hình thức tuyển chọn (thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai) thích hợp, nhằm mục đích chọn được những thí sinh đạt yêu cầu. Thi tự luận là thi viết (kiểm tra 15 phút, 45 phút, kiểm tra học kỳ hoặc thi tuyển đầu vào, dưới hình thức tự luận). Nội dung các hỏi được lựa chọn những vấn đề cơ bản nhất trong những bài, chương đã học. Chuẩn bị ít nhất hai, ba đề có nội dung, khối lượng, mức độ khó của kiến thức, kỹ năng tương đương với nhau. Trắc nghiệm là một phương tiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức hoặc để thu thập thông tin. Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng ở Việt Nam trong tình hình hiện nay cần được nghiên cứu và có những đánh giá khách quan trước khi áp dụng đại trà. Mỗi hình thức thi tuyển đều có những điểm mạnh yếu khác nhau, chúng ta cần kết hợp các hình thức lại với nhau nhằm phát huy được tính tích cực và hạn chế được những điểm yếu của từng loại. Xét tuyển được dựa trên những tiêu chí đã có của người đăng ký dự tuyển mà cơ sở đào tạo làm căn cứ để tuyển chọn người học (chủ yếu là điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp THPT hằng năm, Học bạ THPT).

    Bên cạnh các khái niệm, đề tài cũng đã hệ thống các yếu tố đến tuyển sinh cao đẳng nghề. Các yếu tố này gồm cơ sở pháp lý cần đủ mạnh và thông thoáng là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo; yếu tố tâm lý có tác động đáng kể đến vấn đề tuyển sinh CĐN, hầu hết người dân vẫn tồn tại tâm lý chuộng bằng cấp; yếu tố phân luồng hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề có tác động rất lớn đến tuyển sinh CĐN; yếu tố đầu ra; yếu tố kinh tế về đầu tư đào tạo nghề và khả năng chi trả của người học.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tổng quan về tình hình hoạt động của các trường CĐN trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có mô tả quy hoạch mạng lưới các trường CĐN, cơ cấu các ngành nghề đang đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trong các trường CĐN, và một số khó khăn, hạn chế của các trường CĐN.

    Để đánh giá thực trạng tuyển sinh CĐN trên địa bàn Tp. Hà Nội, nhóm nghiên cứu đề tài đã tổ chức khảo sát thực tiễn. Một số thông tin thu được sau quá trình tổng hợp, phân tích được mô tả như sau:

    Hai bậc học này thuộc hai hệ thống pháp lý khác nhau (CĐN theo luật dạy nghề, cao đẳng chuyên nghiệp theo luật giáo dục) nên ở một phía cạnh nào đó, có sự giao thoa giữa các thành tố (nội dung chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, phương thức tuyển sinh vv .) nhưng về cơ bản chúng vẫn giữ được những nét đặc trưng;

    Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên trường CĐN đều thừa nhận các yếu tố trên (cơ sở pháp lý, yếu tố tâm lý, yếu tố phân luồng, yếu tố đầu ra, yếu tố kinh tế, ) đã có sự tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh CĐN, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà lãnh đạo nhà trường cũng như ban tuyển sinh cần có những biệt pháp khắc phục để hạn chế những tác động tiêu cực, và phát huy những mặt mạnh của từng yếu tố;

    Các kênh thông tin cũng góp phần làm cho công tác tuyển sinh được thuận lợi, đưa thông tin đến người học một cách nhanh nhất có thể, nhưng vì thiếu công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề (như trên đã phân tích) nên các em luôn trong trạng thái loạn thông tin tuyển sinh, nhiều em không biết nên chọn ngành nào, trường nào cho thích hợp. Hơn nữa chính sự đa dạng về kênh thông tin tuyển sinh cũng là một nhân tố góp phần làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường với nhau;

    Ưu điểm của công tác tuyển sinh CĐN như sau: 1/ Mạng lưới các trường CĐN đã được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, nhất là các tỉnh tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp; 2/ Số lượng các trường CĐN ngày càng tăng; tỷ lệ cơ sở dạy nghề thuộc thành phần kinh tế ngày càng nhiều thể hiện sự xã hội hóa trong dạy nghề ngày càng sâu rộng; 3/ Quy mô tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp CĐN có việc làm ngay sau khi ra trường đạt cao, doanh nghiệp trong và nước ngoài đánh giá tích cực về kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp của sinh viên tốt nghiệp CĐN; 4/ Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng lên do đầu tư cho dạy nghề ngày càng tăng. Các trường CĐN đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị mới hiện đại, nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thường xuyên cập nhật bổ sung kỹ thuật công nghệ mới vào chương trình, giáo trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề; 5/ Việc ban hành những quy định về đổi mới giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh là cần thiết, khoa học và phù hợp với yêu cầu thực tế. Điều này đã hạn chế tình trạng giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo theo chủ quan; 6/ Các trường CĐN đã đi vào hoạt động ổn định và ngày càng phát triển; Các trường đã chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề tốt hơn (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên, chương trình .), do đó chất lượng đào tạo CĐN đã từng bước được nâng cao; 7/ Các trường đào tạo nghề trình độ CĐN đã xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở những chương trình khung đã được ban hành. Do đó chất lượng chương trình, giáo trình đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống; 8/Việc Nhà nước ban hành những văn bản quy định về liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐN lên trình độ cao đẳng, đại học thể hiện sự thống nhất, nhất quán trong hệ thống giáo dục cả nước, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tiếp tục học lên trình độ cao hơn; 9/ Các chính sách hỗ trợ cho người học nghề cũng đã phát huy hiệu quả như: chính sách hỗ trợ vay vốn cho người học nghề, chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 49/NĐ-CP quy định hỗ trợ giảm 50% học phí với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS học TCN.

    Những tồn tại của công tác tuyển sinh CĐN là: 1/ Tâm lý trọng bằng cấp của người dân, xã hội vẫn còn khá phổ biến, trong khi đó công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề; mặt khác các trường đại học, cao đẳng được mở ra quá nhiều, điểm chuẩn hạ thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào học đại học, cao đẳng, do đó tuyển sinh học nghề bị hạn chế; 2/ Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường CĐN phân bố chưa đều giữa các vùng, các trường CĐN có chất lượng chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, chi phí học tập cao, do đó khó thu hút học sinh ở vùng sâu, vùng xa; 3/ Chưa có chế độ tiền lương theo cụ thể cho hệ CĐN, vì vậy việc xếp lương cho người lao động sau khi tốt nghiệp CĐN, gặp khó khăn đã hạn chế học sinh lựa chọn học nghề; Quan hệ giữa các trường CĐN với các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, do đó học sinh chưa xác định rõ học xong có việc làm thuận lợi, có mức tiền lương tương xứng với trình độ đào tạo không; 4/ Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đã tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, nhưng qua phân tích số liệu tuyển sinh đã bắt đầu cho thấy đa số các trường tập trung tuyển sinh những nghề phổ biến theo nhu cầu xã hội. 5/ Các chính sách trong và sau khi học nghề chưa phát huy được hiệu quả, chưa đủ mạnh, nhất là chính sách tuyển sinh đối với một số nghề đặc thù có điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, chính sách thu hút học sinh vào CĐN; 6/ Kinh phí thường xuyên cấp cho chỉ tiêu dạy nghề trình độ CĐN tại một số tỉnh miền núi giảm, giải quyết việc làm chưa thuận lợi, do đó không thu hút được người học là người dân tộc vào học; 7/ Đối với trường CĐ, ĐH có dạy nghề khi đăng ký chỉ tiêu CĐN chưa tách rõ được giáo viên tham gia dạy nghề để đảm bảo học sinh quy đổi/giáo viên quy đổi cũng hạn chế giao chỉ tiêu đào tạo nghề.

    Từ thực trạng đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số biện pháp tăng cường công tác tuyển sinh CĐN, nhằm cải thiện công tác tuyển sinh của các trường CĐN (trình độ CĐN) và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tiến tới phát triển hệ CĐN ngày một bền vững hơn.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đối với các Bộ, ngành và địa phương:

    - Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu cấp trình độ đào tạo và theo vùng miền giúp cho các trường CĐN trong công tác đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh học nghề;

    - Ban hành chính sách tiền lương phù hợp với loại hình trình độ CĐN;

    - Các Bộ, ngành và tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần nhận thức đầy đủ về việc đào tạo nghề nói chung và CĐN nói riêng là một trong những nhân tố quyết định thành công và phát triển bền vững kinh tế - xã hội;;

    - Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường trực thuộc các Bộ, ngành trên cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề của các trường, tránh việc giao chỉ tiêu đào tạo cho trường vượt mức cho phép của đăng ký hoạt động dạy nghề.

    Đối với các trường CĐN:

    - Thiết lập mạng lưới tuyển sinh CĐN đến cấp huyện và các trường THPT, THCS; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo về tuyển sinh cũng như hội chợ việc làm, dạy nghề cấp vùng, liên vùng; tham mưu cho Tổng cục dạy nghề sớm quyển xuất bản những quyển những điều cần biết về tuyển sinh CĐN hành năm;

    - Thành lập và nâng cấp các bộ phận chuyên trách về tuyển sinh, mạnh dạn giao thêm quyền tự chủ cho cán bộ đến mức có thể (tự chịu trách nhiệm);

    - Tổ chức biên soạn chương trình đào tạo nghề, trình độ cao đẳng theo chương trình khung trình độ CĐN đã ban hành, ưu tiên những nghề mà thị trường lao động đang cần;

    - Các trường khi được nâng cấp lên CĐN phải đảm bảo tốt cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đào tạo CĐN;

    - Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề trình độ cao đẳng để nâng cao chất lượng đào tạo.

    TỪ KHÓA: 1/ Công tác tuyển sinh; 2/ Cao đẳng nghề; 3/ Trung cấp nghề; 4/ Hà Nội

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...