Thực trạng rèn luyện kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-07NCS (Đề tài cấp Viện của Nghiên Cứu sinh)
    Chủ nhiệm đề tài: NCS. Nguyễn Thị Quỳnh Phương
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 07 năm 2010 / tháng 07 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Hợp tác là một trong những giá trị sống vô cùng cần thiết đối với con người trong bối cảnh hiện nay. Song vấn đề này những năm qua chưa thực sự được nhà trường quan tâm giáo dục đúng mức cho thế hệ trẻ nên việc hình thành và phát triển kỹ năng này ở các em còn mang nặng tính tự phát, chưa hệ thống và kết quả khá hạn chế. Theo một số tài liệu đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì kỹ năng hợp tác (KNHT) của người lao động Việt Nam nói chung, sinh viên tốt nghiệp đại học nói riêng còn khá hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả lao động. Do đó, việc nghiên cứu tìm hiểu thực trạng kỹ năng này ở sinh viên để có những biện pháp giúp các em rèn luyện có hiệu quả kỹ năng hợp tác là rất cần thiết. Đặc biệt, với sinh viên sư phạm, những thầy cô tương lai, những người giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp trồng người của dân tộc, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và xây dựng nền kinh tế tri thức ở nước ta thì việc được trang bị cả về phẩm chất đạo đức, tri thức khoa học và các kỹ năng sư phạm, kỹ năng xã hội lại càng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đánh giá thực trạng kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm từ đó đề xuất biện pháp rèn luyện kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Xác định cơ sở lý luận của việc nghiên cứu thực trạng rèn luyện kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm.

    - Khảo sát thực trạng kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm và đề xuất biện pháp rèn luyện kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Sinh viên sư phạm các trường đại học: Đại học Hải Phòng, đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Vinh, đại học Sài Gòn.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lý thuyết

    - Sử dụng phối hợp các phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa trong nghiên cứu các nguồn tài liệu lý luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề nghiên cứu để phục vụ trực tiếp cho việc giải quyết các nhiệm vụ của đề tài.

    - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn

    - Phương pháp điều tra: Xây dựng bản hỏi đối với giảng viên và sinh viên nhằm tìm hiểu thực trạng kỹ năng học hợp tác của sinh viên sư phạm và các biện pháp rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho sinh viên sư phạm trong hoạt động nhóm ở các trường đại học.

    - Phương pháp phỏng vấn nhóm: Tiến hành phỏng vấn một số sinh viên và giảng viên nhằm thu thập thêm các thông tin cần thiết làm sáng tỏ kết quả nghiên cứu.

    - Phương pháo quan sát: Dự giờ và quan sát các hoạt động hợp tác của sinh viên trong các giờ học nhằm thu thập thêm các thông tin định tính góp phần khẳng định tính chính xác và độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.

    - Phương pháp chuyên gia: Nhằm trưng cầu những ý kiến trao đổi, tư vấn của các chuyên gia xung quanh vấn đề nghiên cứu.

    - Phương pháp thống kê toán học: Sử dụng một số công thức toán học để phân tích về mặt định lượng các kết quả nghiên cứu thực trạng và thực nghiệm.

    7. Kết cấu của đề tài

    Kết cấu đề tài: gồm 2 phần

    Chương I: Cơ sở lý luận của việc rèn luyện kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm
    1.1. Khái niệm hợp tác
    1.2. Khái niệm kỹ năng hợp tác
    1.3. Hệ thống kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm
    1.4. Rèn luyện kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm
    1.5. Kết luận chương

    Chương II: Thực trạng rèn luyện kỹ năng hợp tác của sinh viên sư phạm
    2.1. Những vấn đề chung về khảo sát thực trạng
    2.2. Kết quả khảo sát thực trạng
    2.3. Đề xuất các biện pháp rèn luyện kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm
    2.4. Kết luận chương 2

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    - Đề tài đã đưa ra quan điểm riêng về KNHT và rèn luyện KNHT cho sinh viên sư phạm;

    - Xác định hệ thống KNHT cần rèn luyện cho SV sư phạm trong quá trình đào tạo nghề bao gồm 20 kỹ năng;

    - Phản ánh được thực trạng KNHT của sinh viên sư phạm và đề xuất các biện pháp rèn luyện KNHT cho sinh viên sư phạm.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Hợp tác là vấn đề tất yếu trong cuộc sống, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa như hiện nay. Song, để đảm bảo sự hợp tác thành công người học cần có KNHT. Do đó, song song với việc giáo dục về phẩm chất đạo đức chính trị, đào tạo trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp thì việc rèn luyện kỹ năng hợp tác cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên sư phạm-những thầy cô tương lai nói riêng là một việc cần thiết.

    Tổ chức hoạt động nhóm trong dạy học có tiềm năng to lớn trong việc rèn luyện kỹ năng hợp tác cho người học. Song quá trình rèn luyện KN hợp tác cho sinh viên sư phạm trong hoạt động nhóm là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, theo đúng bản chất hợp tác của hoạt động nhóm và vận dụng hợp lý quy trình rèn luyện kỹ năng hợp tác.

    Trong quá trình đào tạo, sinh viên sư phạm (SVSP) cần được rèn luyện một hệ thống kỹ năng hợp tác bao gồm 20 tiểu kỹ năng được phân làm 4 nhóm: nhóm KN hình thành nhóm hợp tác, nhóm KN giao tiếp trong nhóm, nhóm KN xây dựng và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau và nhóm KN giải quyết bất đồng. Các KN này có quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau và có thể hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển.

    Khảo sát thực trạng KNHT của SVSP cho thấy: 1/KNHT của SVSP còn hạn chế. Các em đã có một số hiểu biết và KN nhất định về hợp tác và KNHT, tuy nhiên kiến thức và KN này được hình thành tự phát nên thiếu tính hệ thống, chưa đầy đủ và chưa chính xác. Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập và đặc biệt là công tác sau này. 2/ Kết quả khảo sát 4 nhóm KN cho thấy mức độ phát triển của các nhóm này không ngang bằng nhau. 3/ Hiện nay, nhận thức của các thầy cô giáo và các em SV về sự cần thiết rèn luyện KNHT tương đối đúng đắn, nhưng kiến thức và KN cần thiết để tổ chức và rèn luyện KNHT thì còn hạn chế nên đã làm hạn chế kết quả rèn luyện KNHT của SVSP. 4/Qua khảo sát, HĐN được đánh giá là một biện pháp có tiềm năng to lớn trong việc rèn luyện KNHT cho SVSP. Tuy nhiên, việc rèn luyện KNHT của SVSP trong HĐN chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là yếu tố nhu cầu, tính tích cực rèn luyện của SV.

    Tổ chức rèn luyện cho sinh viên sư phạm trong hoạt động nhóm được tiến hành theo 3 giai đoạn: Cung cấp kiến thức, giáo dục nhu cầu, tính tích cực rèn luyện của SVSP; Tổ chức rèn luyện KNHT cho SVSP trong HĐN; Kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện KNHT của SVSP trong HĐN. Trong mỗi giai đoạn cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp rèn luyện KNHT.

    Khuyến nghị

    Các nhà quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo giáo viên: cần có quan điểm chỉ đạo phù hợp về đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của SV; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tạo điều kiện thuận lợi để GV và SV vận dụng biện pháp rèn luyện KNHT trong HĐN đạt hiệu quả cao.

    Các giảng viên tại các cơ sở đào tạo giáo viên: Coi trọng việc giáo dục KNHT cho SVSP và coi đó như một yêu cầu cần được quán triệt trong quá trình đào tạo nghề cho SVSP; Giúp SVSP có nhận thức đúng đắn về hợp tác, có nhu cầu rèn luyện KNHT, nắm được cách thức rèn luyện KNHT; Nghiên cứu chương trình, tìm tòi những nội dung, cách thức tổ chức HĐN trong các loại giờ học, từ đó tác động tích cực đến việc rèn luyện KNHT của SVSP; Không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu, vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả rèn luyện KNHT của SVSP trong HĐN.

    Sinh viên sư phạm cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện KNHT. Trên cơ sở đó, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc rèn luyện và tự rèn luyện KNHT trong quá trình học tập ở trường sư phạm.

    Từ khóa: 1/ Kỹ năng hợp tác; 2/ Sinh viên sư phạm; 3/ Hoạt động nhóm.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...