Lời mở đầu *********** Hơn nửa thập kỷ 90, Việt nam đã có những chuyển biến rõ rệt và đạt được những thành tựu phát triển khá nhanh về kinh tế và Thương mại. Trong vài năm trở lại đây, dưới ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực và châu lục, hệ thống kinh tế, thương mại trên toàn thế giới nói chung và Hà nội nói riêng đã có phần chững lại. Những đặc trưng của nền kinh tế thị trường chuyển đổi thiếu đồng bộ đã gây ra những áp lực lớn đến hệ thống kinh doanh. Mặt khác, xu thế không thể đảo ngược của tiến trình hội nhập kinh tế và thương mại với khu vực và thế giới cũng đang đặt ra những thách thức to lớn với các doanh nghiệp trong nước phải đẩy nhanh công cuộc cải cách doanh nghiệp, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng tiếp cận các mô hình chuẩn mực, thông lệ quốc tế đã được thử thách và đã chứng tỏ tính hữu hiệu. Một trong những mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ thương mại nhằm đáp ứng những đòi hỏi và thách thức trên là phát triển nghiên cứu và triển khai tổ chức nghiệp vụ marketing ở các doanh nghiệp, các công ty kinh doanh nói chung và công ty thương mại nói riêng. Thực tiễn cho thấy ở nước ta và các nước trong khu vực những năm vừa qua, nếu các công ty chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề về tiềm lực tài chính, sản xuất và công nghệ, về thị trường đầu vào là chưa đủ mà cần thiết và đặc biệt quan trọng phải tổ chức hợp lý và phát huy tối đa và hiệu quả phối thức marketing – mix mới cho phép các Công ty đạt tới mục tiêu tổng thể kinh doanh. Điều này càng trở nên cấp thiết và điển hình ở lĩnh vực thương mại bán lẻ do ảnh hưởng và tác động của tính phức hợp về mặt hàng, của nhu cầu tiêu dùng, cạnh tranh thị trường, những rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư và thương mại Tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động marketing ở các doanh nghiệp kinh doanh giúp chúng ta hiểu sâu hơn về môn học marketing từ lý thuyết hoàn toàn mới mẻ đến thực tế đầy sống động của công tác marketing. Xuất phát từ nhận thức trên, sau thời gian thực tập tôt nghiệp với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo và sự giúp đỡ của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Xí nghiệp thương mại đã thôi thúc tôi viết về đề tài: “Hoàn thiện phối thức marketing – mix tại Xí nghiệp thương mại thuộc Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài”. - Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở lý luận và nhận thức về chuyên ngành Marketing, cùng với phương pháp nghiên cứu tiếp cận khoa học, tôi tiến hành nghiên cứu phân tích và đánh giá thực trạng vận hành phối thức marketing – mix ở Xí nghiệp Thương mại, từ đó chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện phối thức marketing – mix bán hàng tại Xí nghiệp Thương mại. - Phạm vi nghiên cứu: Do giới hạn về thời gian và năng lực của sinh viên, tôi không thể nghiên cứu bao quát tổng thể toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh của Xí nghiệp thương mại Hàng không mà chỉ tập trung vào nghiên cứu những nghiệp vụ marketing tại cửa hàng Bách hóa và cửa hàng Lưu niệm trên cơ sở tiếp cận hai môn học chuyên ngành là “marketing Thương mại” và “ Hậu cần kinh doanh”. - Phương pháp nghiên cứu: Với mục đích và phạm vi nghiên cứu như trên, trong quá trình nghiên cứu, tôi có sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, thống kê, phân tích tổng hợp và vận dụng những hiểu biết thông qua khảo sát thực tế tại Xí nghiệp Thương mại. Ngoài lời mở đầu và kết luận, luận văn được kết cấu gồm 3 chương: Chương I: Những tiền đề lý luận về marketing – mix ở Công ty Thương mại. Chương II: Thực trạng vận hành phối thức marketing – mix ở Xí nghiệp Thương mại. Chương III: Một số giải pháp hoàn thiện marketing – mix ở Xí nghiệp thương mại thuộc Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài.