CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẤU THẦU VÀ ĐẤU THẦU XÂY LẮP I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẤU THẦU 1. Khái niệm đấu thầu và vai trò của đấu thầu 1.1. Khái niệm đấu thầu Theo định nghĩa trong từ điển Bách khoa Việt Nam năm 1995: Đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt, người muốn xây dựng công trình (người gọi thầu) công bố trước các yêu cầu và điều kiện xây dựng công trình để người nhận thầu xây dựng công trình (người dự thầu) công bố giá mà mình muốn nhận. Người gọi thầu sẽ lựa chọn người dự thầu nào phù hợp với điều kiện của mình với giá thấp hơn. Theo định nghĩa này thì đấu thầu là một hoạt động mua bán, trong đó người mua là người mời thầu, người bán là người dự thầu và đối tượng mua bán là các công trình xây dựng. - Theo định nghĩa trong từ điển Tiếng Việt năm 1998: Đấu thầu là việc đọ công khai, ai nhận làm, nhận bán với điều kiện tốt nhất thì được giao cho làm hoặc được bán. Đối tượng mua bán trong định nghĩa này rộng hơn so với định nghĩa đấu thầu trong từ điển bách khoa không chỉ là công trình xây dựng mà còn có thể là các hàng hoá và dịch vụ khác. - Theo quy chế đấu thầu Việt Nam 1/9/1999: Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng những yêu cầu của bên mời thầu. ở đây bên mua còn gọi là Bên mời thầu, bên bán còn gọi là các Nhà thầu. Vì là một quá trình lựa chọn do vậy bên mua sẽ đưa ra cho bên bán những yêu cầu như: thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc, các công việc được tiến hành tuần tự như thế nào và đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn Nhà thầu. Tất cả những yêu cầu đó được để trong Hồ sơ mời thầu do bên mời thầu lập. Sau một thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu bên bán sẽ trả lời cho bên mua và nộp một bản chào hàng (thể hiện trong Hồ sơ dự thầu). Việc quyết định có đấu thầu hay không phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ cho dự án. Nếu là vốn của doanh nghiệp tư nhân thì chủ đầu tư tự quyền quyết định có thực hiện đấu thầu hoặc không. Nhưng nếu sử dụng vốn của Nhà nước hay vốn do Nhà nước quản lý thì bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Nhà nước và các tổ chức tài trợ. Hoạt động đấu thầu mang tính chất bắt buộc phụ thuộc vào nguồn vốn và tuân theo pháp luật hiện hành. 1.2. Các nguyên tắc hoạt động đấu thầu - Nguyên tắc hiệu quả: Hoạt động đấu thầu đòi hỏi hiệu quả về mặt tài chính và hiệu quả về mặt thời gian. - Nguyên tắc công bằng: nguyên tắc này đảm bảo bên mời thầu đối xử như nhau đối với các nhà thầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể một số nhà thầu cụ thể được ưu tiên. - Nguyên tắc cạnh tranh: Bên mời thầu tạo điều kiện để số nhà thầu tham gia là tối đa tức là tạo điều kiện cho các nhà thầu cạnh tranh nhau ở phạm vi rộng nhất có thể. - Nguyên tắc minh bạch: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất nhưng khó thực hiện và khó kiểm tra nhất. Nguyên tắc này đòi hỏi tất cả các việc làm trong quá trình đấu thầu không được gây nghi nghờ cho các nhà thầu, bên mời thầu và các cơ quan quản lý.