Thực trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông hiện nay

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Thị Ngọc Anh
    Đơn vị công tác: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Điện thoại: 0439424894
    Thư ký đề tài: TS. Nguyễn Thị Hồng Vân; Thành viên: TS. Nguyễn Thị Lan Phương, PGS. TS. Nguyễn Tuyết Nga, PGS. TS. Nguyễn Thị Hạnh, TS. Phạm Thị Luyến, ThS. Phạm Bích Đào, ThS. Đào Vân Vy, ThS. Nguyễn Tích Lăng, ThS. Nguyễn Phương Hồng.
    Thời gian thực hiện: Từ 07/2008 đến 07/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Tìm hiểu thực trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông và đề xuất một số kiến nghị về giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của vấn đề đánh giá kết quả học tập của học sinh.

    Nội dung nghiên cứu

    - Cơ sở lý luận về đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông: một số khái niệm cơ bản, một số yêu cầu cơ bản về nguyên tắc và phương thức đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông;

    - Kinh nghiệm của một số nước về đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông;

    - Thực trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông;

    - Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông.

    Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lý luận: nghiên cứu các tài liệu liên quan để xây dựng cơ sở lý luận của đề tài;

    - Phương pháp hồi cứu tư liệu: thu thập, phân tích, tổng hợp các tư liệu khoa học đã có trong và ngoài nước;

    - Phương pháp chuyên gia: tham khảo ý kiến chuyên gia đánh giá trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan đến đề tài;

    - Phương pháp điều tra, khảo sát: tìm hiểu thực trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhà trường phổ thông hiện nay.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã đưa ra một số khái niệm cơ bản về đánh giá kết quả giáo dục. Đánh giá trong giáo dục là quá trình thu thập và lý giải kịp thời, có hệ thống thông tin về hiện trạng, khả năng hay nguyên nhân về chất lượng và hiệu quả giáo dục căn cứ và mục tiêu dạy học, mục tiêu đào tạo, làm cơ sở cho những chủ trương, biện pháp và hành động giáo dục tiếp theo. Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập thông tin, xử lý thông tin và diễn giải hiện trạng, nguyên nhân, hiệu quả, chất lượng giáo dục theo hai khía cạnh khác nhau: kết quả học tập đạt được của học sinh so với kết quả học tập của học sinh khác, và kết quả học tập đạt được của học sinh so với mục tiêu giáo dục đạt ra. Phương pháp đánh giá là cách thức tương tác giữa người đánh giá và người được đánh giá nhằm thu thập thông tin cho quá trình đánh giá. Mỗi phương pháp đánh giá lại có các kỹ thuật đi kèm, kỹ thuật đánh giá là cách thức triển khai các giai đoạn cụ thể trong quy trình đánh giá. Và để thực hiện các chức năng đánh giá, việc đánh giá cần đảm bảo một số nguyên tắc sau: nguyên tắc khách quan, nguyên tắc công bằng, nguyên tác đảm bảo tính toàn diện, nguyên tác đảm bảo tính công khai, nguyen tác đảm bảo tính giáo dục và nguyên tắc đảm bảo tính phát triển.

    Đề tài đã tiến hành thực hiện tổng quan kinh nghiệm quốc tế về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo ba bước. Thứ nhất, lựa chọn một số quốc gia phát triển và đang phát triển ở các châu lục, có hệ thống giáo dục tương đồng hoặc tương đối khác biệt với Việt Nam. Thứ hai, tập tủng mô tả và so sánh về phương thức đánh giá trong lớp học và thi cử cấp quốc gia, phân cấp quản lý việc đánh giá kết quả học tập, cách sử dụng kết quả đánh giá kết quả học tập. Thứ ba, khái quát hóa xu thế đánh giá kết quả học tập của học sinh trên thế giới. Từ đó, đề tài đã rút ra những bài học kinh nghiệm về quản lý và chỉ đạo việc đánh giá kết quả học tập của học sinh như sau: 1/ Cần phân cấp quản lý về đánh giá kết quả học tập; 2/ Cần khôi phục lại kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở; 3/ Tăng cường các kỳ đánh giá quốc gia định kỳ ở các giai đoạn lớp 3, 5,7, 9 và 11; 4/ Sử dụng đa dạng hóa các phương pháp đánh giá; 5/ Sử dụng đa dạng, hợp lý các công cụ khác nhau; 6/ Tiêu chí hóa chuẩn kiến thức, kỹ năng và xây dựng chuẩn đánh giá thống nhất trên cả nước; 7/ Cần phân tích nhiều loại thông tin về kết quả học tập.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã đưa ra thực trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông, trong đó đã đề cập đến phương thức đánh giá, đến công tác chỉ đạo hoạt động đánh giá, và đến quá trình triển khai công tác đánh giá kết quả học tập của học sinh ở trường phổ thông. Từ đó, đề tài đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông.

    Về phương thức đánh giá kết quả học tập, cần xác định mục tiêu đánh giá, đó là phạm vi, là linh vực đánh giá đối với từng lớp, từng chương cụ thể, Cần căn cứ vào tính chất của giai đoạn giáo dục và thời điểm tiến hành hoạt động động đánh giá để lựa chọn mục tiêu đánh giá thích hợp. Đối với chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay, mục tiêu đánh giá được phân chia thành ba lĩnh vực là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Mỗi mục tiêu thuộc lĩnh vực lại được diễn tả cụ thể hơn bởi các chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh mục tiêu được phân chia như trên, cần hướng tới mục tiêu đánh giá theo cách tiếp cận năng lực. Khi đó cần căn cứ vào mục tiêu của môn học để xác định các năng lực cần hình thành và phát triển ở người học thông qua các môn học. Sau khi đã xác định mục tiêu, cần xây dựng nội dung và tiêu chí đánh giá. Nội dung đánh giá là những kiến thức, kỹ năng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Các tiêu chí đánh giá chính là cơ sở đánh giá sự thành công, tiến bộ trong học tập của học sinh. Tiếp đó, cần xác định các loại hình đánh giá, lựa chọn phương pháp và kỹ thuật đánh giá. Cuối cùng là phân tích và sử dụng kết quả đánh giá.

    Về công tác chỉ đạo hoạt động đánh giá kết quả học tập, Bộ đã thông qua hệ thống văn bản pháp quy. Theo đó, Bộ đã quy định một số vấn đề cụ thể triển khai đánh giá về mục đích đánh giá, các phương pháp đánh giá, các hình thức đánh giá, thang đánh giá, và chuẩn đánh giá. Định hướng trên của Bộ đã công tác đánh giá đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông dần đưa nước ta dần tiếp cận với những thành tựu hiện đại về khoa học đánh giá thế giới. Điều đó được thể hiện như sau: 1/ Kết quả học tập của học sinh được so sanh với yêu cầu cần đạt được về kiến thức, kỹ năng của từng môn học; 2/ Đa dạng hóa hình thức đánh giá; 3/ Đa dạng hóa các loại thông tin về chứng cứ thành công của học sinh; 4/ Kết hợp kết quả học tập định tính và kết quả học tập định lượng; e/ năng lực quản lý, chỉ đạo của cán bộ quản lý, năng lực triển khai của giáo viên đối với việc đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông. Bên cạnh những ưu điểm cơ bản trên, còn một số hạn chế chủ yếu sau: 1/ Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai cụ thể vấn đề đánh giá kết quả học tập phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu thái độ của chương trình giáo dục phô thông; 2/ Quy chế chỉ sử dụng kết quả nhận xét và điểm số của cuối chương, giữa học kỳ, đầu học kỳ và cuối năm học nên khó thuyết phục cán bộ quản lý và giáo viên trường phổ thông sử dụng phương pháp đánh giá như chuyên gia, nghiên cứu sản phẩm, trình diễn, tự đánh giá, ; 3/ Quy định về thang đánh giá kết quả học tập nhưng không quy đinh tiêu chí cho từng mức điểm của thang định khoảng, nên giáo viên thường xây dựng thang chấm điểm căn cứ vào trình độ nhận thức của học sinh là chủ yếu; 4/ Quy chế cho phép điểm thô làm căn cứ để xếp loại học lực trung bình môn học, nhưng điểm thô không thể so sánh và phân tích được sự tiến bộ của học sinh, cần phải chuyển điểm thô về cùng một thang quy chuẩn.

    Đối với việc đánh giá kết quả học tập ở nhà trường phổ thông, đề tài đã chỉ ra một số ưu điểm sau: 1/ Về nhận thức, đa số cán bộ quản lý, giáo viên đã nhận thức được mục đích quan trọng nhât của hoạt động đánh giá. Do đó, giáo viên đã nhận thức cần giảm áp lực của điểm số vì điểm số chỉ có tác dụng khi xếp loại học lực, đồng thời tăng cường nhận xét để giúp học sinh nhìn thấy rõ những yếu kém, sai lệch của mình trong học tập và tìm cách khắc phục; 2/ Về phương thức đánh giá, các nhà trường đã và đang triển khai công hoạt động đánh giá kết quả học tập theo một tiến trình gồm ba công đoạn với hành động cụ thể là thu thập thông tin đánh giá, xử lý và phân tích thông tin đã thu thập, ra quyết định đánh giá. Bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế cơ bản về nhận thức và về phương thức đánh giá. Giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành các mục tiêu học tập ở mỗi bài, mỗi chương cho học sinh, chưa khác phục hoàn toàn áp lực về điểm số. Giáo viên đã tăng cường đánh giá bằng nhận xét, tuy nhiên các nhận xét mang tính chủ quan vì không dựa hệ thống tiêu chí rõ ràng và thống nhất.

    Từ thực tiễn trên, đề tài đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông, bao gồm giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt là giải pháp đối với công tác chỉ đạo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và của địa phương. Bộ cần có những điều chỉnh quy đánh giá, xếp loại học lực; cần có những hướng dẫn đánh giá kết quả học tập dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu thái độ của chương trình phổ thông; và cần biên soạn các bộ công cụ đánh giá chuẩn hóa, minh họa cho các loại hình đánh giá ở nhiều thời điểm khác nhau. Ở địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh; cần tạo sự thông nhất cao từ chỉ đạo đến triển khai đánh giá là “so sánh năng lực học tập của cá nhân học sinh với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình môn học”; cần quán triệt đặc trưng của môn học trong quá trình đánh giá; cần tăng cường xây dựng và sử dụng nhiều loại công cụ đánh giá; cần cải tiến cách tổ chức để đảm bảo thu thập được các thông tin chân thực, khách quan, khoa học; cần đảm bảo đối chiếu kết quả đạt được với các mục tiêu học tập, với các chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình môn học; và cần sử dụng kết hợp kết quả của tất cả các loại hình đánh giá và phương pháp đánh giá trong việc phân tích, giải thích và xếp loại học lực của học sinh. Về lâu dài, chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một chương tình giáo dục phổ thông mới cho giai đoạn sau 2015, với mục tiêu thiết kế một chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực của các đối tượng học sinh, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

    - Xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo thống nhất nhằm hướng dẫn cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện tốt công tác đánh giá;

    - Cân nhắc để điều chỉnh các quy định về đánh giá, đặc biệt là quy định về các kỳ thi tốt nghiệp và đại học;

    - Có kế hoạch tập huấn theo chuyên đề về vấn đề đánh gái cho cán bộ quản lý và giáo viên để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đánh giá;

    - Nghiên cứu và triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi nhằm từng bước nâng cao chất lượng các đề kiểm tra;

    - Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể tham gia vào các chương trình đánh giá quốc gia và quốc tế;

    - Xác định các định hướng đổi mới đánh giá trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sau 2015.

    Đối với các trường sư phạm (đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm):

    - Đưa vào chương trình đào tạo những nội dung về đổi mới đánh giá kết quả học tập để giáo viên trẻ tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng về đánh giá;

    - Phối hợp tổ chức các chương trình bồi dưỡng thường xuyên về triển khai chương trình giáo dục, trong đó có hoạt động đánh giá;

    - Phối hợp xây dựng và triển khai các tài liệu về đổi mới mới về đánh giá kết quả học tập của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Đối với các Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo:

    - Có các văn bản hướng dẫn cụ thể giúp giáo viên thực hiện tốt hoạt động đánh giá trong quá trình dạy học;

    - Có kế hoạch tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát hoạt động đánh giá của giáo viên;

    - Có các chỉ đạo cụ thể trong việc triển khai các phương pháp đánh giá phù hợp với đặc thù môn học, cấp học.

    TỪ KHÓA: 1/ Đánh giá kết quả học tập; 2/ Học sinh phổ thông.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...