Luận Văn thực trạng của sự phân công vai trò giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho con c

Thảo luận trong 'Xã Hội Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Thực trạng của sự phân công vai trò giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho con cái ở độ tuổi vị thành niên


    PHẦN MỞ ĐẦU
    I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

    Trong những năm đầu mở cửa, nền Kinh Tế Thị Trường một mặt đã đem lại những thành tựu kinh tế, xã hội nhất định nhưng mặt khác, dưới những tác động tiêu cực của nó cùng với sự mở cửa du nhập một cách ồ ạt của văn hoá phương Tây đã làm biến đổi nhiều mặt của xã hội. Hệ thống giá trị, chuẩn mực đã ít nhiều biến đổi, lối sống đạo đức của giới trẻ đang có xu hướng suy giảm dần đi những giá trị tốt đẹp.
    Con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Trong tiến trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tố con người nên đã đặt con người vào trung tâm của chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội và đưa công tác giáo dục lên mặt trận hàng đầu.
    Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân, số 526 ngày 1-6-1969, Bác Hồ có viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân . Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ .Trước hết, các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm tốt công việc ấy.” Chính vì vậy, Đảng và Nhà Nước ta đã xây dựng một nền giáo dục dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ ba mũi nhọn: Gia Đình - Nhà Trường - Xã Hội . Bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy - giáo dục nhà trường - thì hệ thống giáo dục phi chính quy trong đó có giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên những con người có ích cho xã hội. Gia đình được coi là trường học đầu tiên của trẻ, là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người ngay từ khi con người được sinh ra cho đến lúc trưởng thành, với những người thầy đầu tiên là người Cha và người Mẹ .
    Trong xã hội truyền thống, đối với việc giáo dục con cái, giữa người cha và người mẹ có sự phân công rất rành rẽ: Cha là người dạy con trai Chữ - Nghĩa ; Mẹ là người dạy con gái Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Và cha là người có quyền ra các quyết định về mọi công việc gia đình trong đó bao gồm cả những quyết định về giáo dục con cái. Sự phân công này không những thể hiện sự bất bình đẳng giữa đứa con trai và đứa con gái mà còn thể hiện sự bất bình đẳng về địa vị, vai trò giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái.
    Xã hội phát triển, khoa học đã chứng minh rằng một đứa trẻ sẽ phát triển hoàn thiện về nhân cách và thể chất khi nó nhận được sự giáo dục đầy đủ của cả cha lẫn mẹ. Như vậy, kiểu giáo dục riêng rẽ trong xã hội truyền thống đã không còn phù hợp trong một xã hội phát triển, hiện đại nữa mà thay vào đó cả người cha và người mẹ đều phải cùng gánh vác một trách nhiệm như nhau, cùng tham gia vào quá trình giáo dục con cái. Tuy nhiên, không phải là dễ dàng để có thể đạt được sự bình đẳng này bởi một mặt xã hội tạo cho người phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia vào các quá trình hoạt động xã hội hơn nhưng mặt khác, vẫn còn tồn tại những quan niệm truyền thống mang tính cổ hủ, lạc hậu, ràng buộc, chi phối, kìm hãm sự phát triển cũng như khả năng hoà nhập xã hội của người phụ nữ, đó là những quan niệm như: “ Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm ” hay “ Nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô” .
    Người phụ nữ một mặt vừa tham gia lao động sản xuất, mặt khác lại phải gánh vác các công việc gia đình như nội trợ, chăm sóc, dạy dỗ con cái, do đó việc chăm sóc và dạy dỗ con cái vẫn được coi là trách nhiệm chính của người phụ nữ còn trách nhiệm chính của người đàn ông là kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Một vấn đề nổi lên từ thực trạng này là sự bất bình đẳng Giới trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình trong đó có lĩnh vực giáo dục con cái. Đây là một vấn đề được Liên Hợp Quốc xem xét là một trong bốn vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay: Dân số, Môi trường sinh thái, Chuyển giao công nghệ và Bình đẳng Giới. Đó là điều cần thiết bởi vì cho đến nay chưa có một quốc gia nào trên thế giới mà ở đó người phụ nữ được hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Những phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng nam - nữ vẫn còn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
    Ở Việt Nam, vấn đề “Giới” cũng đang trở thành một vấn đề rất được các nhà nghiên cứu quan tâm . Các đề tài nghiên cứu về “Giới” ở Việt Nam thường tập trung nghiên cứu ở một số hướng chính như nghiên cứu về phụ nữ và gia đình. Những đề tài đi sâu nghiên cứu về mối quan hệ giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống gia đình vẫn còn chưa đầy đủ cũng như chưa khai thác hết được những khía cạnh đa dạng và phức tạp của mối quan hệ này. Từ những lý do trên, tôi đã lựa chọn nghiên cứu về mối quan hệ giới trên cơ sở tiếp cận một lĩnh vực của đời sống gia đình đó là lĩnh vực giáo dục đạo đức. Hướng đi của đề tài này là nhằm mục đích đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu thực trạng của sự phân công vai trò giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho con cái ở độ tuổi vị thành niên trên cơ sở đó rút ra những kết luận và bước đầu đưa ra những đề xuất, kiến nghị với mong muốn có thể rút ngắn khoảng cách giới trong gia đình. Với khuôn khổ nhỏ hẹp của một khoá luận tốt nghiệp, tôi đã tiến hành nghiên cứu tại Hà Nội với đặc trưng là một đô thị lớn của Việt Nam. Trong quá trình phát triển đi lên của đất nước, Hà Nội được coi là một trong hai đô thị có tốc độ phát triển và khả năng hội nhập lớn nhất nhưng đồng thời cũng là nơi diễn ra những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội đặc biệt là trong tư tưởng, lối sống đạo đức của thanh thiếu niên và hệ thống giá trị chuẩn mực trong gia đình hiện nay.

    II. Ý NGHĨA KHOA HỌC -Ý NGHĨA THỰC TIỄN:
    Tuy rằng đề tài này không thuộc nhóm đề tài nghiên cứu lý luận mà ở đây tôi chủ yếu vận dụng các lý thuyết, phương pháp, các phạm trù khái niệm của Xã Hội Học và một số nghành khoa học có liên quan vào nghiên cứu thực tiễn nhưng nó cũng có những ý nghĩa nhất định.
    Trước hết, trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, tôi đã có thể hiểu sâu hơn về các lý thuyết Xã Hội Học, những quan điểm tiếp cận “Giới” và nhất là vấn đề “Bình đẳng Giới” - một vấn đề đã được rất nhiều người quan tâm nghiên cứu và vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi.
    Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm đến việc đưa ra kết luận, khuyến nghị tôi mong muốn đề tài nghiên cứu của mình có thể đóng góp được phần nào những thông tin sâu hơn về một khía cạnh của vấn đề “Giới” cho các nhà quản lý xã hội, các nhà hoạch định chính sách và cho những người quan tâm đến vấn đề này.

    III. MỤC ĐÍCH - NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
    3.1.Mục đích nghiên cứu:
    - Tìm hiểu về sự phân công vai trò giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho con cái ở độ tuổi vị thành niên.
    - Đánh giá sự ảnh hưởng của vai trò giới trong sự hình thành nhân cách của trẻ vị thành niên.
    Trên cơ sở của những mục đích nghiên cứu trên tôi đã đặt ra cho mình những mục tiêu nghiên cứu cụ thể sau.

    3.2.Mục tiêu nghiên cứu:
    - Nghiên cứu nhận thức của người cha và người mẹ về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên.
    - Tìm hiểu về nội dung giáo dục đạo đức hay những giá trị đạo đức nào mà cha mẹ quan tâm và ai là người thường xuyên giáo dục những nội dung đó.
    - Tìm hiểu về thời gian giáo dục của người cha và người mẹ trong việc giáo dục con cái.
    - Tìm hiểu về phương pháp giáo dục của người cha và người mẹ đối với con cái trong độ tuổi vị thành niên.
     
Đang tải...