Thực trạng công tác bồi dưỡng cho giáo viên dạy ở các trung tâm giáo dục thường xuyên

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2012-11
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Hoài Thu
    Các thành viên tham gia: ThS. Nguyễn Lê Vân Dung
                                                  ThS. Nguyễn Thị Hương Lan
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 8 năm 2012/ tháng 8 năm 2013

    2. Tính cấp thiết

    Trong thời đại ngày nay, khi giáo dục đào tạo trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia thì vấn đề chất lượng giáo dục cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Trong đó, vai trò của người GV trong quá trình dạy học ngày càng được nâng cao.

    Đào tạo GV là một quá trình liên tục, trong suốt cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mỗi GV. Quá trình đào tạo GV bao gồm hai giai đoạn: đào tạo ban đầu (pre-service teacher education) và tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình dạy học (in-service teacher education). GV ở mọi lĩnh vực giáo dục, cả giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy đều đòi hỏi những cơ hội thường xuyên, tiếp tục học tập nhằm hoàn thiện nhân cách và phát triển nghề nghiệp để có thể duy trì động lực và nhiệt tình, cập nhật hóa kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp của mình.

    Trong những năm vừa qua, GDTX ở Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng về quy mô và mạng lưới cơ sở. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ GV còn nhiều hạn chế, bất cập so với yêu cầu về phát triển quy mô của GDTX. Đội ngũ GV của các trung tâm GDTX ở nước ta chủ yếu được đào tạo tại các trường sư phạm về giáo dục chính quy, không được đào tạo về GDTX. Do đó, trong quá trình giảng dạy, GV gặp không ít khó khăn về phương pháp dạy học, thực hiện chương trình, hay những đặc thù khác của GDTX.

    Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác bồi dưỡng cho GV GDTX chưa thực sự được chú trọng, chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học ở các trung tâm GDTX. Trong khi đó, những công trình nghiên cứu, bài viết về vấn đề bồi dưỡng GV GDTX, chưa tập trung nghiên cứu về thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở các trung tâm GDTX một cách đầy đủ. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở các trung tâm GDTX là một vấn đề cần thiết và cấp bách trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV cũng như nâng cao chất lượng dạy học tại các trung tâm GDTX.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Nghiên cứu thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở các Trung tâm GDTX, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cho GV GDTX trong thời gian tới.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Một số khái niệm có liên quan: bồi dưỡng GV, GDTX, trung tâm GDTX, GV dạy ở trung tâm GDTX.
    - Những vấn đề chung về công tác bồi dưỡng GV trung tâm GDTX.
    - Thực trạng công tác BD GV dạy ở trung tâm GDTX về các văn bản chỉ đạo công tác bồi dưỡng; lập kế hoạch bồi dưỡng; tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng, quản lý, giám sát công tác bồi dưỡng; một số nhận xét, đánh giá về công tác bồi dưỡng
    - Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng GV trung tâm GDTX.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Trong khuôn khổ kinh phí và thời gian của đề tài cấp Viện, nhóm nghiên cứu giới hạn phạm vi nghiên cứu thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV thuộc đối tượng GV dạy văn hóa tại các trung tâm GDTX và tìm hiểu thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV tại 2 trung tâm GDTX trên địa bàn Hà Nội và Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội như là những nghiên cứu điển hình.

    6. Phương pháp nghiên cứu


    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: nghiên cứu lí luận, nghiên cứu thực tiễn và phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 chương:

    Chương 1. Cơ sở lí luận của đề tài

    1.1. Một số khái niệm có liên quan
    1.2. Những vấn đề chung về công tác bồi dưỡng GV trung tâm GDTX

    Chương 2. Thực trạng công tác bồi dưỡng GV dạy ở trung tâm GDTX

    2.1. Khái quát chung về trung tâm GDTX và đội ngũ GV dạy ở trung tâm GDTX
    2.2. Kết quả khảo sát về thực trạng công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở trung tâm GDTX
    2.3. Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng GV dạy ở trung tâm GDTX

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và GV đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định là một trong hai khâu then chốt nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Người GV không chỉ được đào tạo một lần trong đời để có tay nghề làm việc lâu dài mà họ cần được GDTX, giáo dục liên tục để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng những yêu cầu hiện tại và lâu dài của nền giáo dục. Khi đó, bồi dưỡng GV được xem như là một hình thức đào tạo lại nhằm đổi mới, cập nhật kiến thức, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp.

    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã làm sáng tỏ cơ sở lý luận về công tác bồi dưỡng cho GV dạy tại trung tâm GDTX trên cơ sở tổng quan, phân tích những nội dung sau: làm rõ những khái niệm có liên quan như: bồi dưỡng GV, GDTX, trung tâm GDTX, GV dạy ở trung tâm GDTX. Đề tài đã phân tích những vấn đề chung về công tác bồi dưỡng GV dạy ở các trung tâm GDTX. Từ đó thấy được công tác bồi dưỡng GV trung tâm GDTX là công việc cấp thiết và cần được tiến hành thường xuyên.

    Trong phần thực trạng công tác bồi dưỡng GV dạy ở các trung tâm GDTX, đề tài đã phân tích thực trạng công tác bồi dưỡng trên các vấn đề: văn bản chỉ đạo công tác bồi dưỡng GV trung tâm GDTX; lập kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức thực hiện và quản lý giám sát. Thực tế điều tra cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở các trung tâm GDTX hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

    Trên cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn, nhóm đề tài đã đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cho GV dạy ở các trung tâm GDTX .

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Với những nghiên cứu thực trạng công tác bồi dưỡng cho giáo viên dạy ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, đề tài đã khuyến nghị:

    Với Bộ GD&ĐT: 1/ Bộ GD&ĐT cần kịp thời ban hành những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với công tác bồi dưỡng GV TTGDTX. 2/ Với sự hạn chế của nguồn GV/HDV cấp tỉnh hạn chế như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần có chính sách xây dựng đội ngũ GV/HDV cốt cán cấp tỉnh để đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong công tác BD tại địa phương. 3/ Tăng cường hơn nữa việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cho GV, đồng thời mở rộng đối tượng GV tham gia các lớp bồi dưỡng.

    Với các Sở GD&ĐT: 1/ Các Sở GD&ĐT dựa trên sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cần ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các trung tâm GDTX triển khai công tác bồi dưỡng. Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố cần sẵn sàng hỗ trợ các trung tâm GDTX, đặc biệt là đội ngũ GV/HDV và tài liệu bồi dưỡng, thực hiện công tác bồi dưỡng GV tại Trung tâm. 2/ Trên cơ sở chương trình và tài liệu bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT và các trung tâm GDTX cần tích cực, chủ động xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng GV, tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với thực tế địa phương. 3/ Sở GD&ĐT phải luôn giữ vai trò điều hành chính, huy động được các lực lượng tại địa phương, tận dụng tối đa nguồn cán bộ giảng dạy ở trường sư phạm, những GV có trình độ chuyên môn và khả năng bồi dưỡng tốt để tham gia vào công tác bồi dưỡng.

    Với các trung tâm GDTX
    : 1/ Các trung tâm GDTX cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và GV toàn Trung tâm về vai trò, ý nghĩa của công tác bồi dưỡng. 2/ Các trung tâm GDTX cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng GV tại Trung tâm, đặc biệt là hình thức bồi dưỡng tại chỗ; khuyến khích các GV đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thông qua tự học, tự bồi dưỡng, tăng cường chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...