.PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm xã hội. Hành vi này không chỉ trực tiếp xâm phạm an toàn trật tự công cộng mà còn cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý người phạm tội, gián tiếp khuyến khích người khác phạm tội, phạm tội nhiều lần. Trong khi nghiên cứu các nội dung cơ bản của loại tội phạm này, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ít được nghiên cứu đầy đủ và cụ thể, chưa thật chú ý tới bản chất của nó. Vì thế, việc xác định nguyên nhân và điều kiện của tội phạm còn hạn chế chưa bám sát với thực tiễn xảy ra. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm gia tăng tình hình tội phạm này, cũng như đề ra các biện pháp phòng ngừa đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Mặt khác, các sách báo, tài liệu còn chưa thật quan tâm tới tội phạm này hoặc có quan tâm nghiên cứu nhưng rất ít. Trong khi đó, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại đang diễn ra hằng ngày, vừa bí mật, vừa công khai có thể rất đơn giản hoặc vô cùng tinh vi, phức tạp dưới mọi hình thức nhằm hợp pháp hoá tài sản có được do thực hiện các hành vi phạm pháp để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, tính chất nguy hiểm của tội phạm này thể hiện ở việc nó có liên quan mật thiết tới tội phạm “rửa tiền” (loại tội phạm mà hiện nay người ta đã phải lên tiếng “báo động đỏ” về những con số tiền bị tẩy rửa khổng lồ trên thế giới). Vì vậy, việc nghiên cứu tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trở nên cấp thiết để đáp ứng với sự phát triển ngày càng gia tăng của loại tội phạm này cũng như phù hợp hơn với pháp luật quốc tế. Với tính chất nguy hiểm của nó như vậy, song các cơ quan tố tụng lại gặp những vướng mắc trong cách hiểu và vận dụng điều luật khi xét xử do còn thiếu văn bản hướng dẫn thi hành điều luật. Đây là một kẽ hở, để bọn tội phạm này lợi dụng thực hiện tội phạm trốn tránh sự truy tố của pháp luật. Vì vậy, để đáp ứng với yêu cầu mới của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, cũng như cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nói riêng, việc nghiên cứu loại tội phạm này là điều cần thiết và hết sức cấp bách hiện nay. Và đó cũng là lý do để tôi chọn đề tài “Thực tiễn tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An” làm khóa luận tốt nghiệp. Bố cục của đề tài Đề tài ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung được chia làm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo pháp luật hình sự Việt Nam Chương 2: Thực tiễn tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An Chương 3: Nguyên nhân và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có