Luận Văn Thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị ở nướ

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THỰC THI QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚIHỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp bách của đề tài nghiên cứu
    Quá trình xây dựng CNXH là quá trình thiết định một chế độ xã hội có khả năng mang lại quyền dân chủ chân chính của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Bởi vậy, ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xem việc từng bước hình thành nền dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của toàn bộ quá trình đổi mới.
    Việc hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo đó đã mang lại những thắng lợi đáng kể: kinh tế tăng trưởng nhanh; ổn định chính trị được giữ vững; nhiều quan hệ xã hội lành mạnh từng bước được xác lập . Kết quả tổng hợp của toàn bộ những thay đổi tích cực đó là đất nước đã ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế- xã hội, những tiền đề để chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được tạo ra.
    Trong khi khẳng định những thành quả to lớn trên đây, chúng ta cũng thấy rằng con đường tiến lên của quá trình đổi mới không bằng phẳng và đồng đều trên mọi lĩnh vực. Xét riêng trên lĩnh vực chính trị, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng, một mặt, đã khẳng định rằng dân chủ trên lĩnh vực chính trị có bước tiến quan trọng; mặt khác, cũng thấy rõ tình trạng quan liêu còn nghiêm trọng, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng chính quyền, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức của nhà nước cũng như tự bản thân nhân dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật . còn nhiều hạn chế.
    Tình hình đó có nguy cơ tăng lên dưới tác động của những mặt trái thuộc cơ chế thị trường. Bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, mà chính vì vậy chúng ta sử dụng như một đòn xeo để thực hiện bước quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cơ chế thị trường cũng dễ sản sinh ra lớp người coi lợi ích vật chất - kinh tế là tất cả mà thờ ơ, lãnh đạm về chính trị. Hiện tượng tiêu cực đó mà gia tăng có thể làm cho quá trình đổi mới đi chệch hướng.
    Bởi vậy, tích cực hóa hoạt động chính trị của công dân thông qua việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực chính trị của họ trở thành vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay.
    2. Tình hình nghiên cứu vấn đề
    Từ lâu, vấn đề quyền lực nói chung, quyền lực chính trị nói riêng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà hoạt động chính trị cũng như các nhà khoa học của khoa học xã hội và nhân văn trong nước và trên thế giới.
    Quan điểm của các nhà lý luận phương Tây về quyền lực nói chung, về quyền lực chính trị nói riêng thường dựa trên sự tuyệt đối hóa các quyền tự do cá nhân. Họ thường lẩn tránh việc làm rõ tính lịch sử, tính giai cấp của quyền lực chính trị nhằm bảo vệ quyền lực chính trị của giai cấp tư sản cầm quyền.
    Trong những năm gần đây, vấn đề thực thi quyền lực chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động được xác định như một trong những nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới, cải cách ở một số nước XHCN. Khuynh hướng bảo vệ và mở rộng quyền lực chính trị của nhân dân lao động trên cơ sở cải cách thể chế kinh tế, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN . đang mang tính chủ đạo ở các nước này. Để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị thực tiễn đó, việc nghiên cứu nội dung, phương hướng nâng cao quyền lực của nhân dân nói chung, quyền lực chính trị của nhân dân nói riêng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý luận và chính trị - thực tiễn.
    Ở nước ta, việc nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến quyền lực chính trị của nhân dân lao động đã được nhiều người chú trọng trong thời kỳ đổi mới, trong đó có nhiều công trình đã được xuất bản, như: "Tổng quan về dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta: quan điểm, lý luận và phương pháp nghiên cứu" của PGS.TS Hoàng Chí Bảo, Tạp chí Thông tin Lý luận, 9/1992; "Quyền lực - một phạm trù cơ bản của chính trị học" của GS.TS Phạm Ngọc Quang, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 4/1992; "Vấn đề quyền lực và cơ chế thực hiện quyền lực trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta" của GS.TS Phạm Ngọc Quang, Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, 1/1993; "Những luận điểm của Lênin về chính trị và vấn đề dân chủ hóa chính trị ở nước ta" của TS. Ngô Hữu Thảo, Tạp chí Triết học, 3/1990; "Mấy vấn đề dân chủ trong hệ thống chính trị ở nước ta dưới góc độ quan hệ giữa các lợi ích" của PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, 5/1991; "Vấn đề dân chủ hóa ở Việt Nam trong chặng đầu của thời kỳ quá độ" của GS.TS Trịnh Quốc Tuấn, Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, 5/1990; "Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta" của GS.TS Nguyễn Duy Quý, Tạp chí Cộng sản, 4/1992; "Vấn đề đổi mới hệ thống chính trị trước yêu cầu phát triển của dân tộc" của GS.TS Trần Ngọc Hiên, Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, 6/1994; "Dân chủ hóa xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của PGS.TS Dương Xuân Ngọc, Tạp chí Thông tin Lý luận, 2/1996; "Suy nghĩ thêm về quyền lực chính trị như một phạm trù khoa học" của PGS. Bùi Thanh Quất, Tạp chí Triết học, 5/1996; .
    Ngoài những công trình khoa học của cá nhân, vấn đề dân chủ nói chung, dân chủ trên lĩnh vực chính trị nói riêng cũng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của một số chương trình khoa học cấp nhà nước, cấp bộ. Chẳng hạn, trong chương trình nghiên cứu cấp nhà nước mang mã số KX.05 "Hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta" (do GS. Nguyễn Đức Bình làm chủ nhiệm) có các nhánh đề tài: "Cơ chế thực hiện dân chủ trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay", mã số KX.05.05; "Đặc điểm, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị", mã số KX.05.06; "Vị trí và tính chất hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị", mã số KX.05.10 .
    Liên quan tới chủ đề này, từ năm 1990 đến nay còn có một số luận án tiến sĩ đã được bảo vệ. Chẳng hạn, "Vấn đề dân chủ hóa trong lĩnh vực chính trị ở nước ta hiện nay" của Ngô Hữu Thảo; "Bệnh quan liêu trong hệ thống chính trị và phương hướng khắc phục để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam hiện nay" của Trần Quang Minh; "Dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay" của Lê Thanh Thập .
    Các công trình đã được công bố đã làm rõ nội dung, tính chất và cơ chế thực hiện dân chủ nói chung, dân chủ trong chủ nghĩa tư bản và dân chủ trong chủ nghĩa xã hội nói riêng. Vấn đề quyền lực chính trị của nhân dân lao động mới chỉ được đề cập như một vấn đề bộ phận của tổng thể chung đó, chưa có công trình nào nghiên cứu vấn đề thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động trong tiến trình đổi mới HTCT ở nước ta hiện nay với tính cách một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt.
    3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
    Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị của nhân dân lao động và quá trình hiện thực hóa nội dung của quyền lực đó dưới những thể chế chính trị khác nhau, luận án góp phần làm rõ hiện trạng thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động ở nước ta trong thời kỳ đổi mới; xác định nguyên nhân những hạn chế trong việc thực thi quyền lực đó và bước đầu tìm một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực chính trị của nhân dân ở nước ta hiện nay.
    Để đạt mục đích trên, luận án phải giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
    Một là, làm rõ bản chất, hình thức và cơ chế thực thi quyền lực chính trị trong CNXH; nội dung quyền lực chính trị và vai trò của HTCT nhằm bảo đảm quyền lực đó trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
    Hai là, làm rõ hiện trạng thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động nước ta trong những năm đổi mới vừa qua; xác định nguyên nhân những hạn chế trong việc thực thi quyền lực đó.
    Ba là, bước đầu tìm một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực chính trị của nhân dân theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.
    4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
    Cơ sở lý luận: Khi thực hiện luận án này, tác giả dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và quyền lực chính trị của nhân dân lao động; dựa trên quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, tổ chức thực thi quyền lực chính trị ở nước ta.
    Cơ sở thực tiễn: Xuất phát từ thực tiễn thực thi quyền lực chính trị ở nước ta, trực tiếp nhất là từ thực tiễn thực thi quyền lực chính trị ở nước ta trong hơn 10 năm đổi mới vừa qua để luận chứng những vấn đề có liên quan tới việc thực hiện những nhiệm vụ cơ bản mà luận án nêu ra.
    Phương pháp nghiên cứu: Để giải quyết các vấn đề mà luận án nêu ra, chúng tôi vận dụng tổng hợp những nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; trong đó, chú ý sử dụng phương pháp lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp và một số phương pháp của xã hội học .
    5. Cái mới của luận án
    Luận án đã góp phần:
    - Làm sáng tỏ bản chất, hình thức, cơ chế thực thi quyền lực chính trị trong CNXH; nội dung quyền lực chính trị và vai trò của HTCT nhằm bảo đảm quyền lực đó trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
    - Làm sáng tỏ hiện trạng thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động ở nước ta trong hơn 10 năm đổi mới vừa qua; xác định nguyên nhân những hạn chế của việc thực thi quyền lực đó.
    - Xác định một số giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động. Những giải pháp đó được nghiên cứu trong tính đồng bộ và tính hệ thống của chúng, làm cho chúng trở thành những nhân tố trong cấu trúc phát triển các giá trị quyền lực chính trị của nhân dân theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
    Luận án góp phần làm sáng tỏ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về việc thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động trong tiến trình đổi mới ở nước ta hiện nay. Vì vậy, luận án có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức cũng như trong việc thực thi quyền lực chính trị của nhân dân ở nước ta.
    Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận về dân chủ XHCN, về nhà nước trong các chương trình triết học, CNXH khoa học ở các trường chính trị và đại học, cao đẳng.
    7. Cấu trúc của luận án
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm 3 chương, 9 mục, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
     
Đang tải...