Báo Cáo Thực tế sử dụng đầu đề bài báo hiện nay

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Thực tế sử dụng đầu đề bài báo hiện nay


    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. TÍNH THIẾT THỰC CỦA ĐỀ TÀI
    Mỗi ngày, công chúng báo chí được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó báo in được coi là một loại hình thông tin hiệu quả nhất. Cầm một tờ báo trên tay, dù quen hay lạ, độc giả bao giờ cũng lướt qua xem có thông tin gì mới, sau đó mới tìm những chuyên mục yêu thích. Việc nhanh chóng tìm ra thông tin mới lạ nhiều khi không phải qua việc đọc hết nội dung một tin, bài mà là nhờ những đầu đề bài báo. Chính những đầu đề ấy – tên gọi của bài báo sẽ trả lời cho độc giả thông tin họ cần biết.
    Bản chất của báo chí là thông tin và thông tin đó có tính chats hai chiều ( báo chí thông tin cho công chúng và được thông tin lại qua phản hồi). Để thông tin báo chí có hiệu quả thì với bất cứ tác phẩm báo chí nào cũng phải hay về nội dung và hấp dẫn về hình thức. Hiệu quả đó bao giờ cũng phụ thuộc nhiều yếu tố: thông tin sự kiện, thể loại, cách diễn đạt, cách đặt đầu đề trong đó đầu đề là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đầu đề là cái tác động thị giác đầu tiên đối với độc giả. Nó vừa là nội dung, vừa là hình thức của tờ báo, do đó bài báo có được người đọc quan tâm, chú ý hay không phụ thuộc rất nhiều vào đầu đề. Đọc báo là để tìm kiếm thông tin, cho nên càng tìm được thông tin trong thời gian ngắn nhất, độc giả càng có cơ hội thu nhận được nhiều thông tin từ nhiều bài, nhiều tờ báo khác nhau. Đối với báo chí, đầu đề phải là cách thể hiện thông tin và có sức hấp dẫn tốt nhất để kích thích, thôi thúc độc giả đến với bài báo.
    Đầu đề tưởng như nằm ngoài bài báo nhưng thực chất lại có mối quan hệ mật thiết với bài báo. Bài báo chứa thông tin gì thì đầu đề phải khái quát được thông tin đó một cách đầy đủ nhất, cho nên, đầu đề cũng có ý nghĩa quan trọng như thông tin trong bài. Vì vậy, nghiên cứu đầu đề là công việc gắn liền với thực tế hoạt động báo chí và mang tính thực tiễn cao. Đó cũng là công việc để hoạt động thông tin của báo chí hiệu quả hơn.
    2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
    Trước khoá luận này đã từng có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về đầu đề bài báo từ nhiều góc độ khác nhau.
    Về công trình nghiên cứu, có thể kể đến đầu tiên là cuốn “Ngôn ngữ báo chí” của PGS.TS Vũ Quang Hào (NXB ĐHQG, 2001) trong đó có một phần nghiên cứu tương đối đầy đủ về đầu đề bài báo. Bên cạnh đó cũng có nhiều khoá luận tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học về vấn đề này: Nguyễn Thu Hà, “Về những khiếm khuyết của một số tít báo tiếng Việt theo cách nhìn của ngôn ngữ học”, Luận văn cử nhân (ngắn hạn), Khoa Báo chí, ĐH Tổng Hợp, H.1994; Nguyễn Đức Thắng, “Tính hấp dẫn của tít báo Việt ngữ”, Luận văn tốt nghiệp, Khoa Báo chí, ĐH Tổng Hợp, H.1995; Trần Đỗ Thuỳ Ngân, Khảo sá tít báo tiếng Anh ở Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp (Hệ chính quy VB2), Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV, H., 2003
    Về những bài viết, có thể kể đến nhiều bài viết về đầu đề bài báo hoặc vấn đề có liên quan đến đầu đề bài báo trên tạp chí Ngôn ngữ: Hồ Lê, Nhờ đâu những tiêu đề bài viết có sức hấp dẫn, số phụ, 1982; Nguyễn Thị Thanh Hương, Một số nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại, số 9/2001
    Có thể nói đó là những công trình nghiên cứu khá đầy đủ và đã cung cấp được cái nhìn toàn cảnh về đầu đề báo chí ở Việt Nam. Tuy nhiên những công trình này mới chỉ dừng lại ở mức khảo sát để tìm ra những thủ pháp đặt đầu đề thông thường hay những khiếm khuyết của một số loại đầu đề mà chưa đi sâu vào mới quan hệ giữa tên và bài. Nhưng dù sao đây cũng là những tài liệu bổ ích có giá trị tham khảo để chúng tôi hoàn thành tốt khoá luận này.
    3. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
    Mục đích lớn nhất của chúng tôi là tìm hiểu về thực tế sử dụng đầu đề bài báo hiện nay thông qua khảo sát một số đầu đề, phân tích nội dung để tìm ra mối quan hệ giữa bài và đầu đề, từ đó đánh giá chất lượng, hiệu quả và rút ra những kết luận, nêu những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của đầu đề bài báo trên báo chí.
    Từ sau ĐH VI của Đảng, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng. Báo chí ngày càng phong phú hơn về nội dung thông tin, hấp dẫn về hình thức thể hiện đã đem đến cho công chúng lượng thông tin dồi dào, hấp dẫn và bổ ích. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo chí cũng có không ít những hạn chế cần xem xét, chỉnh đốn lại. Trong những hạn chế đó phải kể đến việc sử dụng ngôn từ trên báo chí. Sự tuỳ tiện trong ngôn ngữ dẫn đến sự thiếu chính xác về câu từ và khó hiểu về cách diễn đạt đang ngày càng phổ biến. Bằng chứng là đã có nhiều độc giả phản hồi, nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng về tình trạng này. Về chủ thể, nhiều tờ báo cũng đã mở hẳn chuyên mục hoặc ra nội san nêu những trường hợp sử dụng chưa chính xác về câu từ trong bài viết cũng như trong cách đặt đầu đề. Rõ ràng, cùng với sự chính xác về thông tin thì sự chuẩn mực trong ngôn ngữ thể hiện là điều rất quan trọng. Một đầu đề tốt thì trước tiên phải chuẩn xác về ngôn từ. Do đó, làm trong sáng ngôn ngữ báo chí nói chung và đầu đề bài báo nói riêng cũng là làm trong sáng ngôn ngữ Tiếng Việt là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong khuôn khổ là một khoá luận tốt nghiệp, chúng tôi không có tham vọng thống kê toàn bộ đầu đề bài báo được sử dụng hiện nay mà cố gắng tập trung vào những đầu đề có tần số xuất hiện lớn, qua đó làm rõ phần nào về thực tế sử dụng đầu đề bài báo trên báo chí hiện nay.
    4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Cơ sở lý luận của khoá luận tốt nghiệp này là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, nhà nước ta về báo chí. Cơ sở thực tiễn của chúng tôi là tổng hợp những đầu đề bài báo, so sánh tần số xuất hiện của từng loại trên mỗi tờ báo và phân tích về nội dung và đầu đề.
    Các thao tác chúng tôi sử dụng:
    - Thao tác tổng hợp, so sánh.
    - Thao tác thống kê
    - Thao tác phân tích.
    5. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    Hàng ngày có rất nhiều loại báo, tạp chí xuất hiện, mỗi tờ báo lại có tới hàng chục, hàng trăm đầu đề bài báo. Trước một khối lượng lớn đầu đề như vậy, việc nghiên cứu quả là không dễ dàng. Do vậy, đối tượng khoá luận của chúng tôi là những đầu đề có tần số xuất hiện lớn trên 3 tờ báo: Hànộimới hàng ngày, Tuổi trẻ hàng ngày và Lao động cuối tuần.
    - Báo Hà nội mới - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân thủ đô, là tờ báo địa phương lớn nhất, hàng ngày đem đến cho người dân Hà Nội và cả nước những thông tin về mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
    - Báo Tuổi trẻ, cơ quan của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Là tờ báo có số lượng phát hành lớn, nội dung phong phú, đặc sắc cùng với phong cách thể hiện tốt đã làm cho tờ báo này trở nên hấp dẫn, được nhiều tầng lớp công chúng quan tâm.
    - Báo Lao động cuối tuần. Đây là một ấn bản của báo Lao động – cơ quan TW của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Với phương hướng đứng trên quan điểm lập trường của Đảng cộng sản Việt Nam để nói lên tiếng nói của người lao động, Lao động cuối tuần là một tờ báo có sức hấp dẫn bạn đọc bằng sự đa dạng hóa thông tin, bổ ích cho người đọc. Đây cũng là một trong số ít các tờ báo có lượng phát hành cao.
    KẾT CẤU CỦA KHOÁ LUẬN GỒM:
    Ngoài Phần mở đầu & Phần kết luận.
    Chương I – Lý luận chung về đầu đề bài báo trên báo chí
    Chương II – Thực tế sử dụng đầu đề bài báo hiện nay
    Chương III – Một số kết luận rút ra từ thực tế sử dụng đầu đề bài báo hiện nay
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Nguyễn Thị Thanh Hương, Một số nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại, “Ngôn ngữ”, số 9/2001.
    [2]. Michel Voilrol, Hướng dẫn cách biên tập, Nguyễn Thu Ngân dịch, Nxb Thông Tấn, H., 2003.
    [3]. Trần Quang, Món “khai vị” trong một bài báo, “Người làm báo”, số tháng 1/2003
    [4]. Jean – Luc Martin – Lagardette, Hướng dẫn cách viết báo, Nhiều dịch giả, Nxb Thông Tấn, H., 2003.
    [5]. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, Nxb ĐHQG, H., 2001.
    [6]. Loic Hervouet, Viết cho độc giả, bản Việt văn, Hội nhà báo VN xb, H., 1999.
    [7]. Dương Xuân Sơn, Đinh Hường, Trần Quang, Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb VH-TT, H., 1995.
    [8]. Trung tâm KHXH&NV QG, Ngữ pháp Tiếng Việt, Nxb KHXH, H., 2002.
    [9]. Hoàng Trọng Phiến, Ngữ pháp Tiếng Việt-câu, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.,1980
    [10]. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 2000.
    [11]. Hoàng Anh, Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Lao động, H., 2003
    [12]. Hoàng Phương Ngọc, Tính nghiệp dư trong các tác phẩm báo chí của sinh viên, Khoá luận tốt nghiệp, Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV, H., 2001.
    [13]. Nguyễn Quang Hoà, Phóng viên và toà soạn, Nxb VH-TT, H., 2002
    [14]. Nguyễn Tri Niên, Ngôn ngữ báo chí, Nxb KHXH, H., 2004
    [15]. Vũ Quang Hào, Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển, Nxb Lý luận chính trị, H. 2004
    [16]. Hồ Lê, Nhờ đâu tiêu đề bài viết có sức hấp dẫn, “Ngôn ngữ”, Số phụ, H., 1982
    [8]. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb GD, H., 2003
    Lời cảm ơn
    Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã dạy dỗ chúng em trong bốn năm học vừa qua.
    Em cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nhà báo Tạ Việt Anh, Phó tổng biên tập báo Hànộimới, người đã chỉ bảo và hướng dẫn em hoàn thành khoá luận này.

    Hà Nội, tháng 5 năm 2005
    Sinh viên: Nguyễn Thị Phương Mai
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...