LỜI NÓI ĐẦU Thực tập là một giai đoạn rất quan trọng trong chương trình đào tạo của trường đại học. Thực tập là việc sinh viên tới cơ sở quan sát tìm hiểu thực tế, từ đó nghiên cứu thực hành và đối chiếu với những kiến thức đã được lĩnh hội trên ghế giảng đường. Thực tập là con đường hiểu quả nhất để gắn lý thuyết với thực tiễn, thực hiện mục tiêu đào tạo toàn diện về con người của nhà trường. Tại cơ sở thực tập sinh viên sẽ thực tập tổng hợp và sau đó là thực tập theo chuyên đề. Trong giai đoạn thực tập tổng hợp, sinh viên sẽ tìm hiểu mọi mặt hoạt động của cơ sở về lịch sử hình thành và phát triển, cơ cấu và tổ chức, các hoạt động nghiệp vụ theo chương trình học của mình, từ đó nắm được hoạt động cơ bản của cơ sở thực tập, nắm được sự vận động trên thực tiễn của các vấn đề lý thuyết đã học, tạo nên sự hiểu biết và thành thạo nhất định về chuyên môn sau khi tốt nghiệp. Được sự đồng ý của Nhà trường và giáo viên hướng dẫn cũng như của đơn vị thực tập, em đã đến thực tập tại Sở giao dịc I -Ngân hàng phát triển Việt Nam. Báo cáo này là kết quả sau 4 tuần em thực tập tổng hợp tại đây. Báo cáo thực tập tổng hợp này được hoàn thành nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy T.S Từ Quang Phương cũng như sự giúp đỡ nhiệt thành của các cán bộ, nhân viên chi nhánh Sở giao dịch I – Ngân hàng phát triển Việt Nam và sự nỗ lực của bản thân sinh viên. Cho phép em được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới sự giúp đỡ nhiệt tình đó cũng như những chỉ bảo để hoàn thiện báo cáo này. CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ SỞ GIAO DỊCH I - NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (VDB) I. Quá trình hình thành và phát triển của Sở giao dịch Quỹ hỗ trợ phát triển ( trước đây ) được thành lập theo nghị định 50/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của chính phủ Theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nước ta phấn đấu đến năm 2010, GDP tăng ít nhất gấp 2 lần so với năm 2000 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân mỗi năm từ 7,5%-8,0%; tăng trưởng xuất khẩu từ 14%-16% và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 Để đạt dược mục tiêu đó, tổng đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 1.850-1.960 nghìn tỷ đồng, chiếm 37%-38% GDP; trong đó, dự kiến kế hoạch nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt 160-170 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với giai đoạn 2001-2005. Đây là một kênh tín dụng rất quan trọng để Nhà nước tập trung hỗ trợ vào các chương trình, dự án, sản phẩm trọng điểm nhằm chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy được lợi thế từng ngành, từng vùng, từng sản phẩm; tăng cường trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa các ngành sản xuất công nghiệp,trước hết tập trung vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, cơ sở hạ tầng của một số ngành kinh tế-xã hội, các vùng miền khó khăn mà ngân sách Nhà nước không có nguồn để hỗ trợ; các tổ chức tín dụng không muốn cho vay và các nhà đầu tư ngần ngại vì vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, độ rủi ro cao Cùng với việc huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nứớc cho đầu tư phát triển, một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, chống thất thoát lãng phí vốn của Nhà nứớc là đổi mới tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ( bao gồm cả cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện), góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động tín dịng đầu tư phát triển của Nhà nước, nhằm sử dụng các nguồn vốn đầu tư tập trung, đúng quy hoạch, kế hoạch có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải -Việc hoàn thiện chính sách tài chính, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư và xuất khẩu, chích sách chi ngân sách Nhà nước phải đảm bảo tính minh bạch, cải cách hệ thống ngân hàng phải tách bạch rõ hoạt động cho vay theo chính sách và cho vay thương mại, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và một hệ thống chính sách ổn định, công khai, rõ ràng phù hợp với thông lệ quốc tế từ khâu hoạch định, tổ chức bộ máy và triển khai thực hiện. Từ đó đăt ra yêu cầu cần đổi mới chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo hướng tiếp cận với thị trường, minh bạch về tài chính, chủ động, độc lập và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nghiệp vụ; đảm bảo nguồn vốn tín dụng đầu tư Nhà nước ngày càng ổn định và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.