Sự cần thiết phải đa dạng hoá nguồn đầu tư phát triển Giáo dục và Đào tạo: Sau 15 năm đổi mới, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, từng bước hội nhập quốc tế nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Mặc dù Việt Nam là một nước nghèo với GDP đầu người năm 2000 chỉ đạt xấp xỉ 400 USD. Song những thành tựu tăng trưởng kinh tế gần đây đã góp phần thúc đẩy phát triển Giáo dục- Đào tạo. Với 91% trẻ em từ 5 đến 10 tuổi đến trường và 88% dân số trong độ tuổi lao động biết chữ, Việt Nam đã đạt một thành tích khá tốt về giáo dục, ngay cả khi so sánh với nhiều nền kinh tế khác có mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp, nguồn thu ngân sách nhà nước nhỏ, vốn đầu tư của xã hội cho giáo dục trong những năm qua còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế. Công tác Giáo dục- Đào tạo còn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể: - Tỷ lệ nhập học ở các vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bằng sông Mê Kông, vùng có điều kiện kinh tê- xã hội khó khăn còn thấp so với các vùng khác trong toàn quốc. Theo điều tra dân số, năm 1999 trong tổng số 16,5 triệu trẻ em ở độ tuổi 6- 14 tuổi thì có đến 1,1 triệu trẻ em chưa bao giờ đến trường. Trong số trẻ em không đến trường có 87% sống ở vùng nông thôn và 50% trong số đó là vùng dân tộc ít người, khu vực nghèo nhất trong xã hội. - Tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, trang thiết bị nghèo nàn, ở một số vùng trẻ em phải đi học xa đã hạn chế nhiệt tình đi học của trẻ, đó là chưa kể việc cho trẻ em đi học thì một số gia đình nghèo mất đi nguồn lao động trong việc chăm sóc gia đình và tạo ra thu nhập.