Luận Văn Thực chất và ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Lý luận nhận thức được coi là học thuyết về khả năng nhận thức của con người, về sự xuất hiện và phát triển của nhận thức cũng như về con đường, phương pháp nhận thức . Từ trước đến nay, nó luôn là một chủ đề lớn của triết học.
    Nhận thức luận hay lý luận nhận thức cũng là một trong những nội dung cơ bản của nhiều hệ thống triết học lớn. Trong lịch sử triết học, vấn đề về nhận thức luôn đóng vai trò chủ yếu và thậm chí, có khi (thời cận đại ở Tây Âu) còn là vấn đề trung tâm của triết học. Vấn đề này với tính cách là một nội dung quan trọng trong vấn đề cơ bản của triết học, có thực chất là vấn đề về mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong quá trình nhận thức. Vì vậy, lý luận nhận thức có nội dung rất phong phú gồm quan niệm về bản chất của nhận thức, về quá trình nhận thức và các cấp độ của nhận thức, chân lý và tiêu chuẩn của chân lý cũng như tính tin cậy của tri thức . Vấn đề nhận thức luận trong triết học còn được thể hiện về phương diện bản thể luận, trong quan niệm về ý thức, sự lý giải về mối quan hệ giữa ý thức và vật chất và trong cả tư tưởng triết học về con người.
    Mọi trào lưu triết học trong sự phát triển của mình không thể không đề cập đến các vấn đề nhận thức luận. Triết học Phật giáo cũng vậy, có một nội dung quan trọng là bàn về các vấn đề nhận thức luận. Nhận thức luận Phật giáo không chỉ có tác dụng làm sáng tỏ những tư tưởng triết học của bản thân trường phái này, mà còn có những cống hiến nhất định cho sự phát triển của nhận thức luận nói chung. Vì vậy, sẽ thật là thiếu sót khi chúng ta bàn về nhận thức luận nói chung mà bỏ qua vấn đề nhận thức luận trong triết học Phật giáo, bởi nếu không bàn về nhận thức luận Phật giáo thì không thể bàn đến triết học Phật giáo - một trào lưu triết học đã từng có những ảnh hưởng nhất định trong lịch sử tư tưởng của loài người ở quá khứ, hiện tại và trong cả tương lai.
    Có thể nhận định rằng, mảng nhận thức luận trong triết học Phật giáo bên cạnh những hạn chế nhất định còn có những đóng góp to lớn cho sự phát triển tư duy triết học Phật giáo nói riêng và cho nền triết học của nhân loại nói chung. Vì thế, bàn về nhận thức luận Phật giáo là một điều cần thiết đối với những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học. Xuất phát từ lý do đó, tác giả chọn vấn đề: “Thực chất và ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo” làm đề tài luận văn của mình.

    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Có thể nói, các vấn đề của nhận thức luận đã được bàn đến ngay từ buổi ban đầu khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập ra Phật giáo. Ngoài số lượng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo được tích lũy hơn 2600 năm qua, còn có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài này vào những năm của thế kỷ XX và hiện nay.
    Trong tác phẩm “Tìm hiểu trung luận, Nhận thức và không tánh”, tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai đã bàn luận lời Đức Phật để giải thích và làm rõ các quan năng của nhận thức theo quan điểm của triết học Phật giáo.
    Khi đề cập đến nhận thức luận của triết học Phật giáo, trong tác phẩm “Cốt tuỷ của đạo Phật”, tác giả Suzuki cho thấy rằng, chính con người, chính chúng ta, với khả năng nhận thức của mình mới có thể làm cho thế giới lớn lên, và như vậy là cả chúng ta cũng đang lớn dần lên.
    Tác giả Thích Tâm Phương trong tác phẩm: “Tìm hiểu lộ trình tâm qua luận pháp thắng tập yếu” (Nhà xuất bản tôn giáo) cho rằng: “Đức Phật đặt nặng sự chú ý vào tâm và những hiện tượng tâm linh, vì đời sống nội tâm đóng một vai trò rất lớn làm phát khởi hành động của con người. An lạc hay khổ tâm đều ở nơi tâm. Tâm lý học Phật giáo hướng dẫn hành giả vào đường lối phân biệt và khảo sát nhằm khuyến khích mỗi người tự phát triển năng lực nhận thức và phẩm chất nội tâm”.
    Trong “Luận thành duy thức” tác giả Thích Thiện Siêu có bàn rằng: “Nói duy thức chính là đưa ra lời khai thị, thức tỉnh người ta hãy tự giác, hãy quán tâm mình, nhìn lại các năng lực thiên biến vạn hoá ở ngay trong mình để gạn lọc nó, trau dồi nó, sữa chữa nó, phải biến hoá như thế nào để chỉ đem lại lợi lạc, chứ đừng gây ra đau khổ”.
    Hòa thượng Thích Nhất Hạnh với tác phẩm “Vấn đề nhận thức trong duy thức học” đã đưa ra sự phân tích các hình thái nhận thức: hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng. Ông nhấn mạnh: “ .điều hệ trọng nhất là thức bao gồm trong nó cả phần chủ thể và đối tượng. Kiến phần và Tướng phần là hai phần thiết yếu không thể không có của thức, của nhận thức”.
    Trong luận án tiến sĩ “Một số vấn đề lôgíc học Phật giáo”, tác giả Phạm Quỳnh đã chỉ ra các cấp độ của nhận thức được thể hiện trong thuyết Tam tự tính của triết học Phật giáo là: Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thực tính.
    Bên cạnh những công trình nói trên, khi bàn về nhận thức luận Phật giáo còn có các tác phẩm như: “Lối vào nhân minh học” của Thích Thiện Siêu, “Duy thức học nhập môn” của Thích Thiện Hoa; “Tâm lý học Phật giáo” của Thích Tâm Thiện .
    Các công trình trên đây đã bàn về Nhân minh luận, Duy thức học, Lôgic học, Tâm lý học Phật giáo và có gián tiếp đề cập đến một số khía cạnh nhất định của nhận thức luận có liên quan đến đề tài. Những công trình đó là tài liệu tham khảo quý giá, đã có nhiều gợi ý giúp chúng tôi hoàn thành luận văn của mình.

    3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài
    Mục đích của đề tài là làm rõ thực chất và ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo.
    Trên cơ sở mục đích đó, tác giả đặt ra nhiệm vụ là:
    - Phân tích thực chất của nhận thức luận Phật giáo.
    - Phân tích ý nghĩa của nhận thức luận Phật giáo đối với sự phát triển của bản thân triết học Phật giáo nói riêng và đối với sự phát triển của tư tưởng triết học nói chung.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đề tài
    Cơ sở lý luận của đề tài là các nguyên lý duy vật biện chứng của triết học Mác - Lênin; đặc biệt là các nguyên lý duy vật biện chứng về nhận thức.
    Phương pháp luận nghiên cứu của đề tài là các nguyên tắc của phép biện chứng. Để vận dụng các nguyên tắc này vào việc giải quyết các nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi kết hợp sử dụng các phương pháp chung như phân tích và tổng hợp, trừu tượng hóa và khái quát hóa, thống kê và chú giải các tài liệu.
    5. Đóng góp của luận văn
    Với luận văn này, tác giả cố gắng trình bày một cách cơ bản, có tính hệ thống về nhận thức luận Phật giáo trong sự so sánh với nhận thức luận của các hệ thống triết học khác, nhất là với nhận thức luận mácxít; từ đó đánh giá ý nghĩa của bộ phận này trong triết học Phật giáo.
    Nếu thực hiện được mục đích này, luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy môn triết học Phương đông, mà đặc biệt là môn triết học Phật giáo ở các trường đại học, cao đẳng.
    Luận văn này cũng có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các tăng ni sinh theo học các hệ đào tạo Phật giáo.
    6. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn có hai chương (5 tiết).
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...