Tài liệu Thời hiệu dân sự - nhìn từ góc độ lịch sử và so sánh

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THỜI HIỆU DÂN SỰ - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LỊCH SỬ VÀ SO SÁNH
    TS. TRẦN ANH TUẤN – Khoa Pháp luật Dân sự – Đại học Luật Hà Nội
    1. Cơ sở của việc quy định thời hiệu dân sự
    Xét dưới góc độ nhân sinh, đời sống của con người vốn không phải là bất diệt. Sinh, lão, bệnh, tử dường như là con đường mà con người ta ai cũng phải trải qua trong cõi nhân gian[1]. Có lẽ do thấu hiểu rằng sự sống của con người vốn là hữu hạn nên từ cổ chí kim, khi pháp luật được hình thành thì đều có những hạn định về thời gian đối với các hành vi và quyền lợi của con người. Vấn đề thời hiệu trong đời sống dân sự có lẽ cũng có nguồn gốc sâu xa từ quy luật chung này.
    Theo góc nhìn lịch sử thì dường như vấn đề thời hiệu dân sự là thành tựu của nền văn minh nhân loại, ra đời do nhu cầu tự thân của đời sống chứ không phải là phát minh riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, phụ thuộc vào truyền thống, lịch sử, văn hoá và quan niệm của nhà lập pháp mỗi nước mà các quy định về vấn đề này trong nội luật của mỗi quốc gia có thể có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định.
    Về phương diện xã hội, thời hiệu là phương tiện được sử dụng nhằm ổn định tình trạng hiện hữu của các quan hệ xã hội sau một thời gian nào đó vì lợi ích của thương mại hay pháp lý. Do vậy, việc kiện tụng không thể được hành xử vô hạn định mà cần phải được thực hiện trong thời hạn được nhà lập pháp ấn định. Việc không hạn định thời gian thực hiện việc kiện có thể gây nên những xáo trộn, làm thiệt hại cho nền kinh tế xã hội. Ngoài ra, nếu người có quyền để vụ việc trôi qua quá lâu mới thực hiện việc kiện thì người có nghĩa vụ sẽ ở vị thế bất lợi và khó có thể đưa ra được chứng cứ để biện hộ cho mình.
    Theo nguyên tắc tự do ý chí, thời hiệu được coi như là một sự suy đoán có tính mặc nhiên về ý chí của chủ thể đối với quyền lợi. Luật suy đoán rằng người có quyền lợi đã từ bỏ tố quyền nếu họ không hành động trong thời hạn mà họ đã có thể thực hiện nó. Như vậy, nếu trong một thời hạn nhất định, người có quyền lợi đã không khởi kiện mặc dù không có bất kỳ trở ngại nào cản trở việc thực hiện quyền này thì có thể suy đoán rằng họ đã từ bỏ quyền khởi kiện của mình. Theo góc nhìn này, người có nghĩa vụ có thể được giải thoát khỏi gánh nặng về nghĩa vụ dân sự.
    2. Thời hiệu dân sự trong cổ luật Việt Nam
    Mục đích của việc triển khai nội dung này là mong có một cái nhìn thấu đáo hơn về các quy định về thời hiệu đã tồn tại trong lịch sử lập pháp trước đây. Song tiếc rằng do thời gian và hoàn cảnh lịch sử nên nhiều thư tịch cổ của tiền nhân đã bị thất truyền. Điều này quả thực là một trở ngại cho việc khảo cứu tài liệu để có thể hiểu thấu đáo hơn về vấn đề thời hiệu dân sự trong cổ luật.
    Theo sử liệu thì thời hiệu dân sự đã từng được ghi nhận dưới thời Lý – Trần và dưới triều Lê. Tháng giêng năm Đại Định thứ ba (1142), vua Lý Anh Tông (1128 – 1175) khi ban hành quy định về việc kiện tụng và chuộc lại ruộng đất đã định rằng « Các ruộng cày cấy đã đem cầy cấy có thể chuộc lại trong một hạn là hai mươi năm. Các vụ tương tranh về điền thổ không thể xin vua xét xử sau một thời hạn 5 hay 10 năm.
    Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng.
    Các ruộng cày cấy hoặc bỏ hoang, đã có văn tự bán đứt, không thể chuộc lại được – Ai trái lệnh cũng phải phạt cùng một tội ». Giáo sư Vũ Văn Mẫu nhận xét rằng « Đây là điều luật cổ nhất ngày nay ta còn thấy ghi chép rõ ràng trong sử về quy chế các điền thổ – Đạo luật ấy đã bênh vực quyền lợi của nông dân » và « Để cho người dân quê tránh khỏi nạn bóc lột của chủ nợ thường manh tâm chiếm đoạt của họ, Vua Lý Anh Tông đã ấn định một thời hạn khá dài là 20 năm, cho phép họ được chuộc lại ruộng đất trong thời hạn ấy »[2].
    Nếu so sánh với các quy định về thời hiệu dân sự trong pháp luật đương đại của một số nước điển hình trên thế giới (kể cả các cải cách về thời hiệu trong thời gian gần đây) thì quy định trên về thời hiệu dân sự có thể xem là một thành tựu lập pháp trong cổ luật Việt Nam cả về phương diện kỹ thuật và tính nhân bản của pháp luật. Dưới góc nhìn lập pháp thời nay, trong bối cảnh « đất chật người đông », « tấc đất tấc vàng » thì quy định về thời hiệu thủ đắc trong hạn một năm đối với ruộng đất bỏ hoang dường như là quá dễ dãi với người chiếm hữu và việc bảo vệ quyền lợi của chủ đất cũ đã không được chú trọng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể giải thích, bởi bối cảnh cổ xưa của nền văn minh nông nghiệp, tình trạng đất đai bị hoang hoá và sự cần thiết phải thực hiện chính sách « trọng nông » đối với các vương triều phong kiến Việt Nam. Việc coi trọng quyền lợi của người nông dân đã thực sự cầy cấy những ruộng đất bỏ hoang và coi họ như sở hữu chủ những ruộng đất ấy sau một năm cầy cấy là một chính sách pháp luật nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang hoá ruộng đất, không có người khai thác.
    Giáo sư Vũ Văn Mẫu nhận xét rằng « luật pháp triều Lý có một tính cách rất thiết thực. Sự bênh vực quyền lợi của lớp nông dân không phải là một chính sách hoàn toàn đạp đổ quyền sở hữu trong mọi trường hợp. Vì vậy, nhà làm luật đã phân biệt rõ ràng sự cầm cố với sự bán đứt hay đoạn mại các ruộng nương. Trong trường hợp có văn tự biên rõ là đoạn mãi, các ruộng nương không thể chuộc lại được. Đây là một nguyên tắc rất cần thiết cho tính cách vững ổn các hợp đồng đã được ký kết giữa các tư nhân. Nhờ nguyên tắc ấy, các sự mua bán mới có một căn bản vững chắc, và các sự kiện tụng mới mong giảm bớt được »[3].
    Tinh thần căn bản nói trên về thời hiệu cũng được kế thừa trong pháp luật triều Trần và triều Lê. Năm 1299, Vua Trần Anh Tông có chiếu định rằng ai đã bán ruộng đất và gia nhân làm nô tỳ trong hai năm 1290, 1291 thì cho chuộc về, để quá hạn năm 1299 thì không cho chuộc[4]. Có lẽ do xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp nên pháp luật về thời hiệu dân sự dưới các vương triều phong kiến Việt Nam đều chú trọng tới vấn đề ruộng đất. Dưới triều Lê, Điều 387 Bộ luật Hồng Đức định rằng, đối với những ruộng đất cầm mà chủ ruộng xin chuộc thì phải trong niên hạn. « Nếu quá niên hạn mà xin chuộc thì không được (niên hạn là 30 năm). Trái lẽ mà cố cưỡng đi kêu, thì phải phạt 50 roi, biếm một tư » (Điều 384). Ngoài ra, « Con trai từ 16 tuổi, con gái từ 20 tuổi trở lên, mà ruộng đất của mình để người trưởng họ hay người ngoài cày hay ở, đã quá niên hạn mới cố cưỡng đòi lại, thì phải phạt 80 trượng và mất ruộng đất (niên hạn: người trưởng họ 30 năm, người ngoài 20 năm). Nếu vì binh hoả hay đi siêu bạt mới về, thì không theo luật này »[5].
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...