Thạc Sĩ Thơ khuê phụ đời Đường

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 17/9/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    1.1. Thơ Đường không chỉ là đỉnh cao trong lịch sử thơ ca Trung Quốc mà còn có vị trí đặc biệt trong lịch sử thơ ca nhân loại. “Thơ Đường vừa có nền rộng rãi vừa có những đỉnh cao”, như một thế giới rộng lớn, muôn màu, muôn sắc gợi mở không cùng. Vì thế, đến nay dù đã hơn một ngàn năm, dù đã có biết bao công trình nghiên cứu, khám phá cái hay, cái đẹp của thơ Đường nhưng thơ Đường vẫn là một thế giới còn nhiều điều bí ẩn, vẫn luôn tràn đầy sinh lực và hấp dẫn. Lựa chọn nghiên cứu đề tài này chúng tôi mong muốn khám phá thêm một vùng đất màu mỡ còn ẩn chứa nhiều điều thú vị trong thế giới rộng lớn của Đường Thi.
    1.2. Cũng là đề tài thơ vốn được người đương thời ưa ngâm vịnh như thơ biên tái, sơn thủy, điền viên, tống biệt ., mảng thơ khuê phụ với sự phản ánh chân thực, cảm động những vấn đề cuộc sống của một nhóm phụ nữ tương đối đặc biệt trong xã hội đương thời: những người phụ nữ phải sống trong cảnh tương tư li biệt với chồng, đã tạo được một dấu ấn đậm nét trên thi đàn đời Đường. Mảng thơ này ở Trung Quốc đã được quan tâm nghiên cứu nhưng đến nay chưa hoàn toàn thống nhất về tên gọi, về nội hàm khái niệm, vì vậy vẫn còn một vài điểm trống khoa học cần bổ sung.
    Ở Việt Nam, so với mảng đề tài về biên tái, tống biệt, sơn thủy, điền viên, vịnh vật .thì thơ viết về người khuê phụ với tư cách là một mảng đề tài của thơ Đường vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu thích đáng. Nghiên cứu sâu về mảng thơ khuê phụ này sẽ góp phần giúp độc giả yêu thơ Đường có cái nhìn đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về diện mạo phong phú của Đường thi.
    1.3. Việt Nam cũng như một số dân tộc phương Đông có mối quan hệ mật thiết với nền văn hóa Trung Hoa, trong quá trình xây dựng ngôn ngữ thơ ca của mình đều ít nhiều tiếp thu ảnh hưởng của thơ Đường. “Mã Đường thi” xuất hiện nhiều nhất trong thơ ca thời kỳ trung đại Việt Nam. Mảng thơ khuê phụ cũng có ảnh hưởng đến mảng sáng tác về đề tài phụ nữ. Trong đó, tiếp thu ảnh hưởng nhiều nhất, sâu đậm nhất phải kể đến tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Vì vậy, nghiên cứu mảng thơ này cũng có cơ sở để nghiên cứu sâu hơn mảng thơ cùng đề tài trong văn học trung đại Việt Nam.
    Hiện nay, thơ Đường vẫn được giảng dạy trong chương trình đại học, cao đẳng và THPT ở Việt Nam. Với việc thực hiện đề tài này chúng tôi hy vọng sẽ bổ sung một lượng kiến thức nhất định về thơ Đường, đặc biệt là về đề tài của thơ Đường cho thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy thơ Đường trong các nhà trường hiện nay.
    2. Mục đích nghiên cứu
    2.1. Kiến giải những nhân tố đặc thù tạo nên sự hưng thịnh của thơ khuê phụ đời Đường.
    2.2. Nghiên cứu những đặc trưng nổi bật về nội dung và nghệ thuật của mảng thơ khuê phụ để khẳng định vị trí và dấu ấn đặc biệt của mảng thơ này trong toàn cảnh thơ Đường.
    2.3. Khẳng định sự trưởng thành và tiến bộ trong nhận thức và tình cảm của thi nhân đời Đường về con người và cuộc đời qua việc khám phá thế giới nội tâm với nhiều khát vọng và ẩn ức của những người khuê phụ.
    3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
    3.1. Khuê phụ là một đề tài xuất hiện sớm trên thi đàn thơ cổ Trung Hoa. Cũng như các đề tài: tống biệt, sơn thủy, điền viên, vịnh vật đã có mặt ở thời kỳ trước, nó đặc biệt hưng thịnh ở đời Đường. Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng thời kỳ này như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Xương Linh đã lấy khuê phụ làm đề tài sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Do đó, để nhận biết sâu sắc diện mạo thơ Đường không thể không tìm hiểu mảng thơ đặc biệt này.
    3.2. So với các đề tài khác của thơ Đường như thơ sơn thủy, điền viên, biên tái, tống biệt . nét nổi bật của thơ khuê phụ là sự giản dị, tinh tế mang đậm nét nữ tính. Cũng giống như người khuê phụ dịu dàng, nhỏ bé, lời thơ tuy nhẹ nhàng, thầm kín nhưng ẩn chứa “tiếng nói lớn”- tiếng nói phản kháng và khẳng định sự theo đuổi nhu cầu cuộc sống rất Người của những phụ nữ bất hạnh trong xã hội nam quyền thống trị. Những vấn đề mà thơ khuê phụ đặt ra không chỉ khiến người đương thời cảm động mà cho đến ngày nay, người đọc hiện đại khi tiếp cận cũng không khỏi ngạc nhiên, rung động. Nghiên cứu mảng thơ khuê phụ này có thể thấy được sự đột phá về mặt nhận thức, chiều sâu tư tưởng, tình cảm nhân đạo của những nhà thơ cổ điển sống cách chúng ta hơn một ngàn năm.
    Điều đặc biệt là mảng thơ này ít có chủ thể trữ tình trực tiếp, chủ yếu là chủ thể trữ tình nhập vai “nam tử tác khuê âm”, luận án sẽ tập trung làm rõ nét đặc trưng của chủ thể trữ tình trong thơ, nhất là chủ thể trữ tình nhập vai để thấy được vai trò ý nghĩa của nó trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Trong văn học Việt Nam cũng có nhiều trường hợp tương tự, việc phân tích mảng thơ này có thể gợi ý cho việc phân tích những tác phẩm có nét tương đồng ở Việt Nam.
    3.3. Khi cuộc sống của con người hiện đại càng nhiều “ưu tư” thì những “ưu tư” của những người khuê phụ càng tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Nhất là khi quan niệm về giới càng tiến bộ, cuộc sống của người phụ nữ càng được quan tâm chú ý thì mảng thơ khuê phụ đời Đường cũng trở nên thu hút hơn. Do đó tìm hiểu cuộc sống của người phụ nữ thời xưa qua mảng thơ khuê phụ đời Đường cũng là một cách chiêm nghiệm những giá trị cuộc sống nhân sinh.
    4. Phạm vi nghiên cứu
    4.1. Phạm vi văn bản khảo sát:
    Về phạm vi của thơ khuê phụ, chúng tôi có dựa trên cách khái niệm hóa từ khuê phụ (闺妇). Theo nghĩa gốc: 1. Khuê (闺): Thời xưa chỉ phòng ở của con gái (thâm khuê, khuê các .). 2. Phụ (妇): Người con gái đã lấy chồng (phụ nhân, thiếu phụ .); Thê (vợ), tương phản với phu (chồng); Nàng dâu (phụ cô, tức phụ); Chỉ chung giới nữ (phụ nữ). Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, “khuê” không chỉ là biểu tượng cho giới hạn không gian sống của người phụ nữ mà còn là biểu tượng liên quan đến mối quan hệ vợ chồng, và hình tượng nhân vật khuê phụ không chỉ chung phụ nữ mà là những người phụ nữ đã có chồng (người vợ). Nét đặc trưng của nhân vật là thế giới nội tâm phong phú, tinh tế với tình điệu chính là buồn thương ai oán. Nguyên nhân sâu xa của những tâm tình nơi khuê phòng ấy là hoàn cảnh vợ chồng ly biệt hoặc người phụ nữ bị chồng phụ bạc bỏ rơi, phải một mình cô quạnh nơi phòng vắng. Trực tiếp hoặc gián tiếp, những khuê phụ ấy đều thổ lộ một mong ước thiết tha là được đoàn tụ với chồng để được hưởng một cuộc sống gia đình hạnh phúc bình thường. Họ đã nhận được sự trân trọng, xót thương, đồng cảm của thi nhân đời Đường. Các nhà thơ đã cho họ cơ hội được giãi bày tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc phong phú, sâu sắc của đời sống cá nhân thực sự. Đó là những nhớ thương ngút ngàn gói chặt trong chữ (思), là nỗi buồn vô tận như dòng nước chảy gửi theo chữ sầu (愁) ., cũng có khi là nỗi oán hận thâm sâu dù họ không thốt ra lời một chữ oán (怨), thậm chí cá biệt còn có cả nỗi hân hoan, vui mừng trong chữ hỉ (喜) hiếm hoi .
    Thơ khuê phụ là thơ viết về đề tài khuê phụ (có những bài thơ trực tiếp lấy nhan đề là Khuê phụ), trong đó có cả thơ của người khuê phụ tự bạch nỗi lòng và phần nhiều là thơ của nhà thơ nam giới thay lời người khuê phụ mà giãi bày tâm tư tình cảm. Những khuê phụ ở đây cụ thể là những người vợ của những người lính đi binh dịch nơi biên ải xa xôi (chinh phụ - 征妇), là những người vợ có chồng đi buôn bán xa nhà (thương nhân phụ - 商人妇), là vợ của những người làm quan phải nhậm chức, hoặc đôi khi bị biếm trích đi xa (hoạn phụ -宦妇), là vợ của những người thích du ngoạn ngắm cảnh đẹp núi sông, kết bạn tâm giao khắp bốn phương, thực hiện lý tưởng (du tử phụ - 遊子妇), hoặc những người vợ có chồng bội bạc, bị ruồng rẫy, bỏ rơi trong cô đơn, sầu tủi (khí phụ - 弃妇). Thơ khuê phụ được khu biệt với các mảng đề tài thơ khác trong thơ Đường bằng tên gọi hình tượng nhân vật chính trong thơ: khuê phụ. Nội hàm khái niệm thơ khuê phụ có một số điểm khác biệt so với thơ khuê oán (thơ về nỗi oán giận nơi khuê phòng), khuê tình (thơ về tình cảm nơi khuê phòng) và thơ tư phụ (thơ về người vợ tương tư). Về thơ khuê oán (闺怨诗), theo tác giả Lưu Khiết trong cuốn Bàn về các loại đề tài của thơ Đường, thơ khuê oán được hiểu là “đề tài nhỏ” trong sáng tác thi ca, chủ yếu phản ánh nỗi niềm li sầu biệt hận của những người phụ nữ chốn khuê phòng” [141.283]. Đây là mảng thơ miêu tả một cách sinh động và chân thực những tình cảm tinh tế, kín đáo, sâu sắc về thế giới nội tâm đầy bi khổ ai oán của người phụ nữ, luôn khát khao một cuộc sống bình thường mà không được. Chủ thể của khuê oán có thể là thiếu nữ chưa chồng, ví như thiếu nữ trong bài Xuân nữ oán của Tưởng Duy Hàn. Tuy nhiên đối tượng được miêu tả nhiều nhất trong mảng thơ này là người phụ nữ đã có chồng nhưng phải sống trong cảnh cô đơn, sầu muộn vì ly biệt, tương tư hay bị ruồng bỏ, như thiếu phụ trong bài Xuân tứ của Lý Bạch, Khuê oán của Vương Xương Linh, Hàn khuê oán của Bạch Cư Dị . Nguyên do của “oán” cũng có rất nhiều, có thể nhớ người, có thể nhớ quê, có thể nuối tiếc chuyện xưa, cũng có thể là thương tiếc người đã mất Đối tượng của “oán” có thể là người chồng đi xa chưa quay về, có thể là tình lang trong mộng, có thể là phu quân chết trận, có thể là chiến tranh tàn khốc, có thể là những kẻ phụ tình, cũng có thể là thời thanh xuân đã mất đi Cũng có những bài không rõ thân phận của nhân vật chính trong thơ, chỉ thấy tâm tư sầu muộn oán hờn của người phụ nữ nơi khuê phòng, không rõ chủ thể của “oán”, nguyên do của “oán”. Còn Khuê tình (闺情) là cách gọi tên mảng thơ viết về tình cảm của người phụ nữ nơi khuê phòng, cũng gần giống khái niệm thơ khuê oán, miêu tả tình cảm của người phụ nữ có chồng đi xa nhớ nhung, oán hờn ly biệt, hoặc của thiếu nữ chưa chồng đương tuổi xuân thì bày tỏ khát vọng yêu đương “Khuê oán”, “khuê tình” có thể là cách gọi tên mảng thơ được gợi ý từ nhan đề quen thuộc của các bài thơ thuộc mảng đề tài này, chẳng hạn “Khuê oán” có: Khuê oán (Vương Xương Linh); Khuê oán (Trương Hoành); Khuê oán (Ngư Huyền Cơ); Khuê oán từ (Bạch Cư Dị); Khuê oán từ (Lưu Vũ Tích); Hàn khuê oán (Bạch Cư Dị) . “Khuê tình” có : Khuê tình (Lý Đoan); Khuê tình (Mạnh Hạo Nhiên), Khuê tình (Lý Bạch) .
    Về phạm vi của Tư phụ thi (思妇诗)(thơ về người phụ nữ nhớ nhung chồng) lại hẹp hơn nhiều. Chủ thể của “thơ miêu tả hình tượng người tư phụ” chỉ giới hạn trong nội dung miêu tả những người phụ nữ nhớ nhung người chồng đi xa. Cách phân loại thơ này dựa vào đặc trưng tâm trạng của nhân vật chính trong thơ: tư - 思 (nhớ), chẳng hạn Tử Dạ thu ca; Ô dạ đề (Lý Bạch); Văn dạ châm (Bạch Cư Dị); Dạ địch từ (Thi Kiên Ngô) .
    Những khái niệm nhằm phân loại mảng thơ như trên đều có những cơ sở hợp lý, tuy nhiên nó chưa thực sự tập hợp, xâu chuỗi được một hệ thống nhân vật trong thơ Đường nhiều điểm thống nhất, tương đồng về ý nghĩa hình tượng và nội dung miêu tả. Chúng tôi gọi mảng thơ miêu tả cuộc sống (chủ yếu là cuộc sống tinh thần) của những người phụ nữ cô đơn nơi phòng vắng do cảnh ngộ vợ chồng ly biệt hay vì chồng phụ bạc bỏ rơi là thơ khuê phụ. Do vậy, những bài thơ về tâm tư của những thiếu nữ nơi khuê phòng, như tâm trạng oán hờn của cô gái mới lớn vì những ràng buộc của giới hạn không gian sống: khuê phòng luôn phải cửa đóng then cài, không được tự do yêu đương trong bài Xuân nữ oán của Tưởng Duy Hàn không thuộc phạm vi khảo cứu của luận án.
    Cũng là mảng thơ viết về nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội đương thời nhưng thơ khuê phụ (闺妇诗) có nhiều khác biệt so với mảng thơ cung oán (宫怨诗). Nhân vật của thơ khuê phụ là những người phụ nữ có chồng đi xa, hoặc không đi xa nhưng phải một mình sống cô đơn nơi phòng vắng. Nhân vật của thơ cung oán là những cung nữ được tuyển chọn vào hầu hạ vua, là hoàng hậu, là những cung phi đã nhận được ân sủng của quân vương. Trong đó, cung (宫) cũng là biểu tượng cho giới hạn không gian sống của người phụ nữ nhưng là không gian sống hoàn toàn khác biệt với khuê (闺), vì chủ nhân của hai không gian ấy có thân phận khác nhau. Về nghĩa đen, khuê (phòng, buồng trong, chỗ con gái ở) nhỏ hơn rất nhiều so với cung (cung cấm, một thế giới khác hẳn: thế giới của vua – Thiên tử) nhưng dù sao vẫn còn có thể là không gian mở. Những người phụ nữ nhớ chồng quanh quẩn trong cái không gian bé nhỏ, chật hẹp ấy nhưng vẫn còn có hy vọng, còn có lối thoát, còn có manh mối liên kết với cuộc đời bên ngoài kia. Những cung nữ đã nhập cung thì coi như vĩnh viễn cắt đứt với thế giới bên ngoài. Đây là nơi giam hãm vĩnh viễn linh hồn và thể xác những người con gái đẹp, hy vọng sống còn duy nhất của họ chỉ là ơn mưa móc của quân vương. Nếu những khuê phụ, bi kịch chính của họ là do hoàn cảnh vợ chồng ly biệt tạo nên thì với nhân vật của thơ cung oán, bi kịch chủ yếu do “dĩ sắc sự tha nhân” (nhan sắc hiến cho người), nỗi đau khổ của những người phụ nữ đẹp bị nhốt chung vào một không gian sống (cung) là giành giật sự sủng ái của một người (Vua) và oán cũng có căn nguyên chính từ sự thất sủng này. Hiện thực đời sống được phản ánh trong thơ khuê phụ rộng hơn, phong phú hơn thơ cung oán vì đối tượng liên quan trực tiếp đến những tâm tình nơi khuê phòng là người chồng – bao gồm rất nhiều người trong xã hội, có hoàn cảnh, địa vị, xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau (chinh nhân, quan nhân, thương nhân, du tử ). Đối tượng liên quan trực tiếp đến những oán hận nơi cung cấm chỉ có một là vua. Do đó những bài thơ miêu tả cuộc sống của những người phụ nữ nơi cung cấm là một mảng đề tài khác, mặc dù có nhiều nét tương đồng với mảng thơ khuê phụ, cũng không thuộc phạm vi khảo cứu của luận án này.
    Từ thời Sơ Đường đến Vãn Đường đều có những nhà thơ sáng tác về mảng đề tài này và chắc chắn với số lượng không nhỏ, trong đó có nhiều bài thơ xuất sắc gắn liền với những nhà thơ có danh tiếng. Tuy nhiên, do một số hạn chế nhất định chúng tôi không thể thống kê chính xác số lượng bài thơ khuê phụ và các nhà thơ có sáng tác mảng đề tài này trong gần năm vạn bài thơ và hơn hai nghìn nhà thơ của Toàn Đường thi. Chúng tôi tổng hợp khảo cứu được 234 bài thơ về hình tượng khuê phụ, từ các tuyển tập thơ Đường được tuyển chọn và dịch sang tiếng Việt như Thơ Đường (2 tập), Nam Trân ; Thơ Đường (3 tập), Trần Trọng San; Đường thi tam bách thủ, Hành Đường Thoái Sĩ tuyển chọn, Trần Uyển Tuấn bổ chú (Ngô Văn Phú dịch); Đường thi tuyển dịch (2 tập), Lê Nguyễn Lưu; Đường thi trích dịch, Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản Ngoài ra, từ gợi ý của một số chuyên luận nghiên cứu liên quan đến mảng thơ này chúng tôi có tham khảo thêm một số bài từ nguyên tác tiếng Hán trong Toàn Đường thi, Bành Định Cầu (彭定求, 1960, 全唐 ); Đường thi giám thưởng từ điển, Lưu Học Khải, Viên Hành Bái bổ sung, sửa chữa năm 2007 (刘学凱, 袁行霈 , 诗鉴赏辞书 ).
    4.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài.
    Hướng tiếp cận chủ đạo của chúng tôi trong phạm vi đề tài này là khám phá mảng thơ khuê phụ đời Đường từ phương diện thi pháp học, tìm hiểu những nét đặc trưng của hệ thống hình tượng nhân vật và những quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc đời mà các nhà thơ gửi gắm trong đó.
    Nghiên cứu tổng thể thơ khuê phụ rất rộng, là việc làm công phu, vì vậy chúng tôi chỉ tập trung vào những vấn đề rất cơ bản như:
    - Nội dung tư tưởng chủ đạo của thơ khuê phụ qua việc “giải mã” nét đặc trưng của chủ thể trữ tình và nhân vật trong thơ .
    - Đặc trưng hình thức nghệ thuật của thơ khuê phụ trong tính cách là một mảng đề tài của thơ Đường.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Chúng tôi thực hiện Luận án này dựa trên sự phối hợp của hai cách tiếp cận: thi pháp học và văn hóa, trong đó cách tiếp cận từ thi pháp học là chủ đạo. Cách tiếp cận thi pháp học: Chúng tôi bắt đầu từ việc miêu tả đặc điểm của các phương thức, phương tiện biểu hiện nhân vật để thâm nhập hình tượng nghệ thuật, tìm hiểu tư tưởng nhận thức và tình cảm của các nhà thơ. Cách tiếp cận văn hoá: Chúng tôi tiến hành giải mã thơ khuê phụ đời Đường bắt đầu từ mã văn hoá truyền thống Trung Hoa. Đồng thời chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau:
    - Phương pháp liên ngành: Sử dụng các khái niệm và thành tựu của các ngành khoa học có liên quan như: văn hóa học, sử học, tâm lý học để nghiên cứu sâu hơn, làm nổi bật đặc điểm của mảng thơ khuê phụ trong toàn cảnh thơ Đường.
    - Phương pháp thống kê, phân loại: Hệ thống, thống kê, phân loại các đơn vị kiến thức như: nhân vật, sự kiện, các hình ảnh, biểu tượng để đánh giá, rút ra các kết luận có ý nghĩa khoa học.
    - Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phân tích, tổng hợp văn bản thơ, tư liệu tham khảo làm cơ sở rút ra những đánh giá, kết luận chính xác, triển khai chương mục, Luận án theo cấu tứ phù hợp.
    - Phương pháp so sánh: So sánh, đối chiếu mảng thơ khuê phụ ở đời Đường với mảng thơ khuê phụ ở các thời đại khác, trước đó và sau đó (văn học cổ trung đại); so sánh tác phẩm của những tác giả khác nhau để làm nổi bật những nét truyền thống và sáng tạo, đa dạng và độc đáo của mảng thơ khuê phụ đời Đường.
    6. Cấu trúc của Luận án
    Ngoài các phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo, phụ lục, phần nội dung chính của Luận án được trình bày trong 4 chương:
    Chương 1: Tổng quan về các vấn đề nghiên cứu
    Chương 2: Sự hưng thịnh của thơ khuê phụ đời Đường
    Chương 3: Chủ thể trữ tình trong thơ khuê phụ đời Đường
    Chương 4: Nghệ thuật thể hiện nhân vật trong thơ khuê phụ đời Đường
    Quy ước trong luận án:
    - Trích dẫn tài liệu tham khảo: Trong ngoặc vuông, đứng đầu là số thứ tự tài liệu tham khảo trong Thư mục tài liệu tham khảo của luận án, sau là số trang được trích dẫn, ví dụ [2. 415].
    - Phụ lục luận án: Những bài thơ đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam chúng tôi chỉ thống kê tên bài và tác giả, những bài chưa dịch sang tiếng Việt chúng tôi trích nguyên văn chữ Hán và phần Tạm dịch do tác giả luận án thu thập và tham khảo, phiên dịch sang tiếng Việt.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...