Thạc Sĩ Thiết kế E-Book hóa học hỗ trợ giáo dục môi trường ở trường THPT

Thảo luận trong 'Hóa Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Thiết kế E-Book hóa học hỗ trợ giáo dục môi trường ở trường THPT​
    Information

    MS: LVHH-PPDH054
    SỐ TRANG: 144
    NGÀNH: HÓA HỌC
    CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÓA HỌC
    TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
    NĂM: 2010



    Information

    GIỚI THIỆU LUẬN VĂN


    MỞ ĐẦU
    1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, con người đang từng ngày tàn
    phá chính môi trường sống của mình. Những cột khói của các nhà máy ngày đêm
    thải ra bầu trời, những khí độc do các loại xe có động cơ thải ra cùng với sự chặt
    phá rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản 1 cách bừa bãi đã dẫn đến sự giận dữ
    của thiên nhiên. Và điều chúng ta phải nhận lại từ những hành động của mình là
    những thiệt hại về người và của do các cơn bão, hạn hán, lốc xoáy, sóng thần gây
    ra. Thảm họa sóng thần ở Nam Á năm 2002 làm chết hơn 200 nghìn người, còn ở
    Thụy Điển: 4.000 hồ không hề có cá; 9.000 hồ bị mất một phần lớn các loài cá đang
    sinh sống, trong khi đó có tới 20.000 hồ khác cũng bị ảnh hưởng bởi mưa axit
    Rồi cùng với sự điều chế ra các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì số bệnh
    nhân bị trúng độc thực phẩm ngày càng gia tăng nhanh chóng. Sức khỏe con người
    bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trái Đất đang từng ngày kêu cứu!
    Nhận thức được nguy cơ này, tiếng chuông báo động về tình trạng ô nhiễm
    môi trường đã được gióng lên từ những năm 60 của thế kỉ trước. Năm 1972, hội
    nghị Liên hợp quốc ở Thụy Điển quyết định lấy ngày 5/6 là Ngày Môi trường thế
    giới. Và từ năm 1982, Việt Nam chúng ta bắt đầu hưởng ứng ngày này. Năm 1992,
    hội nghị Thượng đỉnh về Trái Đất ở Brazin đưa ra một số kế hoạch hoạt động về
    môi trường toàn cầu; năm 1998, hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc ở Kyoto đặt
    ra mục tiêu giảm 5% sự phát tán khí cacbonic vào năm 2012 cùng với nhiều hoạt
    động thiết thực như ngày sử dụng xe đạp đi làm đã cho thấy sự quan tâm các
    quốc gia, các cấp, các ngành đối với môi trường thế giới.
    Từ năm 1970, giáo dục môi trường đã được nhận biết giá trị và làm sáng tỏ.
    Trường học là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những người làm nên tương lai của quốc gia
    và thế giới, vì thế việc giáo dục môi trường trong trường học là vấn đề có ý nghĩa và
    được các nước trên thế giới quan tâm. Riêng ở Việt Nam, từ năm 1986 trở đi, các đề
    tài về bảo vệ môi trường đã được tìm hiểu. Và từ năm 1995, Bộ GD & ĐT đã đưa ra
    dự án giáo dục môi trường trong nhà trường phổ thông Việt Nam.
    Tuy nhiên, giáo dục môi trường ở trường PT chưa trở thành một môn học độc
    lập mà vẫn ở dạng tích hợp với các môn học khác. Trong đó hóa học là một môn
    học có nhiều cơ hội để giáo dục môi trường. Thông qua các bài giảng hóa học ở
    trường phổ thông, giáo viên hóa học có thể cung cấp thêm thông tin và giáo dục ý
    thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Những nội dung này cũng làm phong phú
    thêm những giờ học hóa khô khan, nối liền giữa lí thuyết và thực tiễn, đồng thời
    khơi dậy niềm say mê hóa học cho học sinh phổ thông. Từ năm 2008, Bộ GD & ĐT
    đã đưa vấn đề GDMT thành 1 bài riêng trong chương trình SGK hóa học lớp 12.
    Trong đó cũng nêu rõ quan điểm “GD bảo vệ môi trường không phải chỉ học một
    lần, mà là học suốt đời, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, không phải chỉ là một
    người mà của cả cộng đồng”.
    Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, người giáo viên có thể dễ dàng tìm
    thấy thông tin, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên công việc lấy thông tin,
    hình ảnh cũng làm mất nhiều thời gian, công sức. Đồng thời do hạn chế về tuổi
    tác, về trình độ tin học nên nhiều giáo viên còn có tâm lí lười tìm kiếm và cập nhật
    thông tin để đưa vào bài giảng. Dẫn đến một số giáo viên phớt lờ việc giáo dục môi
    trường, hoặc nếu có thì chỉ lướt qua, chưa đảm bảo tinh thần của Bộ GD & ĐT đề
    ra. Đặc biệt là đối với hoạt động ngoài giờ, rất nhiều người ngán ngại do mất rất
    nhiều thời gian chuẩn bị về nội dung cũng như hình thức. Nhận thấy những khó
    khăn đó nên chúng tôi mong muốn tạo ra một công cụ đơn giản, dễ sử dụng nhằm
    hỗ trợ giáo viên GDMT thông qua môn hóa học được thuận tiện hơn. Công cụ đó
    chính là một cuốn sách điện tử. Với nội dung phong phú, trình bày chi tiết các nội
    dung hóa học có thể khai thác để GDMT theo từng chương của các khối lớp 10, 11,
    12 được minh họa bằng các hình ảnh, phim tư liệu trực quan, sinh động, ebook sẽ là
    kho tư liệu cho giáo viên ngành hóa. Đặc biệt với các hướng dẫn cụ thể kèm theo
    các giáo viên lớn tuổi và không am hiểu về tin học cũng có thể sử dụng dễ dàng.
    Ngoài ra, ebook còn có những ví dụ, bài giảng cụ thể để các giáo viên tham khảo,
    và làm quen với phương pháp GDMT ở trường phổ thông.
    Với những suy nghĩ trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Thiết kế ebook
    hóa học hỗ trợ giáo dục môi trường ở trường THPT” để nghiên cứu và xây dựng.

    2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
    Thiết kế ebook hóa học hỗ trợ giáo dục môi trường ở trường THPT.

    3. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI
    - Nghiên cứu cơ sở lí luận của đề tài.
    - Nghiên cứu các phần mềm tin học dùng thiết kế ebook.
    - Tìm hiểu thực trạng giáo dục môi trường qua môn hóa học ở trường PT.
    - Sưu tầm, chọn lọc các thông tin, tư liệu về môi trường có liên quan tới hóa
    học ở trường PT.
    - Sưu tầm và phân loại các hình ảnh minh họa về tình trạng môi trường hiện
    nay.
    - Sưu tầm các đoạn video clip về ô nhiễm môi trường và giáo dục môi trường
    ở trường PT.
    - Sử dụng các phần mềm thiết kế ebook.
    - Thiết kế, sưu tầm một số bài giảng hóa học có tích hợp giáo dục môi trường.
    - Thực nghiệm sư phạm và đánh giá kết quả.

    4. KHÁCH THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
    4.1. Khách thể nghiên cứu
    Giáo dục môi trường qua môn hóa học ở trường THPT.
    4.2. Đối tượng nghiên cứu
    Việc thiết kế ebook hóa học hỗ trợ giáo dục môi trường ở trường
    THPT.

    5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    - Đọc và nghiên cứu tài liệu có liên quan.
    - Điều tra, phỏng vấn.
    - Xử lí số liệu bằng phương pháp thống kê.
    - Phân tích và tổng hợp thông tin.
    - Sử dụng máy tính và các phần mềm thiết kế ebook.
    - Thực nghiệm sư phạm.

    6. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    Những nội dung hóa học ở trường THPT có liên quan tới môi trường.
    Địa bàn nghiên cứu: tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố phía Nam.

    7. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC
    Việc sử dụng ebook sẽ hỗ trợ giáo viên giáo dục môi trường qua môn hóa có
    hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm tăng chất lượng giờ lên lớp.

    8. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI
    Sử dụng công nghệ thông tin để thiết kế ebook với hệ thống các nội dung hóa
    học có thể khai thác GDMT ở trường THPT cùng các bài giảng, ví dụ minh họa.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...