Tài liệu Thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong những năm gần đây

Thảo luận trong 'Kinh Tế Vĩ Mô' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI MỞ ĐẦU

    Chính thức được thành lập từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều thăng trầm, thị trường ngoại hối Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như loại nghiệp vụ giao dịch. Tuy nhiên thị trường ngoại hối Việt Nam cho đến nay vẫn bị đánh giá là kém phát triển so với thị trường ngoại hối của nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới. Thực trạng trên xuất phát từ những yếu kém từ cơ chế, trong đó có những yếu kém về chính sách tỷ giá hối đoái. Việc nghiên cứu thị trường hối đoái, chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong những năm gần đây là rất cần thiết nhằm tạo lập một thị trường ngoại hối có tính thanh khoản cao, đồng thời đưa ra những chính sách tỷ giá hối đoái có hiệu quả nhất cho nền kinh tế. Đây chính là lý do em lựa chọn đề tài: “Thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong những năm gần đây”.
    NỘI DUNG

    I. Cơ sở lý thuyết về thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái
    1. Thị trường ngoại hối
    Thị trường ngoại hối là thị trường diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi các loại tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hệ thống chuyển đổi thả nổi tự do. Trên thực tế do hoạt động mua bán tiền tệ xảy ra giữa các ngân hàng (chiếm khoảng 85% tổng số giao dịch) vì vậy theo nghĩa hẹp thị trường ngoại hối là nơi mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng.
    Thị trường ngoại hối là thị trường toàn cầu, không có giới hạn về không gian và thời gian: hoạt động của thị trường ngoại hối không nhất thiết phải tập trung tại vị trí địa lý hữu hình nhất định mà là ở bất cứ đâu diễn ra các hoạt động mua bán các đồng tiền khác nhau, do sự chênh lệch múi giờ giữa các khu vực trên thế giới nên giao dịch diễn ra suốt ngày đêm; lượng tiền giao dịch chủ yếu tập trung trên thị trường ngân hàng (tới 85%); giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện hiện đại như điện thoại, internet ; chi phí giao dịch thấp, hoạt động rất hiệu quả; đồng tiền được sử dụng trong giao dịch nhiều nhất là USD (trên 40%).
    Chức năng là cung cấp dịch vụ trao đổi tiền tệ; cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro ngoại hối; là nơi thực hiện các hoạt động đầu cơ, kinh doanh chênh lệch giá; nơi ngân hàng trung ương thực hiện can thiệp ngoại hối.
    2. Tỷ giá hối đoái và chính sách tỷ giá hối đoái
    Tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ của một nước tính bằng đơn vị tiền tệ của một nước khác. Thông thường thuật ngữ “tỷ giá hối đoái” được ngầm hiểu là số đơn vị tiền nội tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ. Ở Việt Nam tỷ giá hối đoái đồng Việt Nam do ngân hàng Ngoại thương công bố là theo thông lệ quốc tế: số đơn vị tiền đồng Việt Nam cần thiết để mua một đơn vị tiền nước ngoài (chẳng hạn 20000 đồng/USD). Để tránh nhầm lẫn thì tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ tính theo đồng tiền nước ngoài kí hiệu là e. Còn tỷ giá hối đoái của đồng ngoại tệ tính theo đồng nội tệ kí hiệu là E. Việc xác định tỷ giá hối đoái phải dựa trên cơ sở cung cầu hay trên thị trường ngoại hối cụ thể cầu về ngoại tệ chính là cung về đồng nội tệ và cung về ngoại tệ là cầu nội tệ.
    Chính sách tỷ giá hối đoái là tổng thể các nguyên tắc, công cụ, biện pháp được nhà nước vận dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong một thời kỳ nhất định nhằm đạt được mục tiêu đã định ra trong chiến lược phát triển của quốc gia đó. Với các chính sách quản lí tỷ giá hối đoái, chính phủ các nước nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá trong phạm vi một biên độ dao động nhất định nhằm góp phần ổn định thương mại, đầu tư và cán cân thanh toán quốc tế, chủ động với sự di chuyển của luồng vốn. Thêm vào đó việc quản lí tỷ giá hối đoái cũng góp phần vào thực hiện các chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mục tiêu của các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo sự ổn định dự trữ quốc gia để thực hiện các nghĩa vụ tài chính quốc tế.
    Để quản lý và và điều hành chính sách tỷ giá hối đoái ở mức có lợi nhất cho nền kinh tế, Chính phủ và ngân hàng nhà nước sử dụng một số công cụ, bao gồm các công cụ trực tiếp (mua bán đồng nội tệ, mua bán đồng ngoại tệ, biện pháp kết hối, quy định hạn chế đối tượng được mua ngoại tệ, quy định số lương và thời gian mua ngoại tệ ) và các công cụ gián tiếp (như lãi suất tái chiết khấu, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ với ngân hàng thương mại, quy định mức lãi suất trần )
    II. Thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong những năm gần đây
    1. Thị trường ngoại hối
    Năm 2008, thị trường ngoại hối từng có những đợt biến động mạnh và căng thẳng; tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có lúc lên sát 19.000 VND. Những diễn biến này được đặt trong những áp lực cơ bản: nhập siêu tăng kỷ lục và lạm phát tăng rất mạnh.
    Năm 2009, thị trường ngoại hối vẫn còn căng thẳng nhưng áp lực thì không còn lớn như năm 2008 nữa. Tỉ giá USD/VND tiếp tục đà tăng trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới rộng biên độ tỉ giá lên ±5% khiến cho tỉ giá ngoại tệ liên ngân hàng đã có đợt tăng đột biến.
    Năm 2010, trong khi giá USD đã tăng khá mạnh trong năm 2009, sang đến tháng 1/2010 lại giảm nhẹ và tiếp tục dao động quanh mức 18.479đồng/USD cho đến giữa tháng 2/2010. Nguyên nhân là do: Nguồn cung USD có thể tăng từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp; từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức; từ vốn đầu tư gián tiếp; từ nguồn kiều hối từ Việt kiều và từ lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng; nguồn thu từ khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng trở lại; kim ngạch xuất khẩu chuyển từ tăng trưởng âm (-) sang tăng trưởng dương (+) Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, sức ép tâm lý găm giữ USD do lo sợ rủi ro tỉ giá giảm, chênh lệch giữa giá thị trường tự do với giá niêm yết trên thị trường chính thức đã giảm đáng kể.
    Đến cuối năm 2010, thị trường ngoại hối VN rơi vào tình trạng căng thẳng khi cầu ngoại tệ quá lớn, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Điều này khiến cho giá USD/VND tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
    Năm 2011, với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, điểm nổi bật nhất của thị trường ngoại tệ là duy trì được sự ổn định. Tỉ giá giao dịch dần hạ xuống. Bắt đầu từ sự “giảm nhiệt” của tỉ giá trên thị trường tự do, chênh lệch tỉ giá giữa thị trường này so với thị trường chính thức giảm dần xuống, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả thị trường chính thức – một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 5 tỉ USD dự trữ ngoại hối, một động thái mà từ giữa năm 2008 đến trước tháng 5/2011 chưa thực hiện được. Các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng; bước đầu chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng; việc niêm yết giá thanh toán, mua – bán trực tiếp bằng ngoại tệ đã được thu hẹp.
    Ghi nhận thành công lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2012 vừa qua là duy trì tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 20,828 VND/USD, giữ nguyên so với mục tiêu điều hành trong năm 2012 (tỷ giá năm 2012 biến động không quá 2-3%). Đối với ngoại tệ, lãi suất huy động và cho vay bằng ngoại tệ tương đối ổn định, lãi suất huy động phổ biến ở mức 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0.5 -1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, lãi suất cho vay phổ biến ở mức từ 5.3-7.5%/năm. Bên cạnh đó, tình hình cung – cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tỏ ra khả quan hơn khi Việt Nam có xuất siêu trở lại sau 19 năm (kể từ năm 1993) với 284 triệu USD; cán cân vãng lai thặng dư sau khi đã thâm hụt trong năm 2010 – 2011, góp phần quan trọng tạo nên thặng dư của cán cân tổng thể nửa đầu năm 2012. Dự trữ ngoại tệ từ mức 9 tỉ USD hồi cuối năm 2011 đến nay đã tăng trên 25 tỉ USD, đủ để trang trải hơn 2.4 tháng nhập khẩu. Dự trữ ngoại tệ đã quay trở lại sau đợt sụt giảm mạnh kể từ 2008. Tất cả những điều này đã giúp diễn biến tỷ giá USD/VND duy trì xu thế ổn định trong suốt năm 2012.
    Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường tiền tệ trong nước năm 2013 nhìn chung sẽ tiếp tục chịu sự kiểm soát của ngân hàng Nhà Nước như thường thấy với mục tiêu chung kiểm soát tỷ giá, ngăn chặn tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Năm 2013 được lưu ý là bối cảnh và tình hình chung sẽ có những khác biệt so với năm 2012, có nhiều thử thách. Song định hướng chung là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, điều hành có sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô la hóa nền kinh tế.
    2. Chính sách tỷ giá hối đoái
    Trong một thời gian dài Nhà nước thi hành chính sách quản lí tỷ giá “thả nổi có sự điều tiết của nhà nước”. Đến đầu năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ giá bán ra niêm yết tại các ngân hàng thương mại luôn ở mức trần. Tháng 3-2008, ngân hàng nhà nước quyết định tăng biên độ dao động được phép từ 1% - 3%, tuy nhiên động thái này của Chính phủ cũng chỉ giúp thị trường ngoại tệ tại các ngân hàng bớt căng thẳng. Đến tháng 3-2009, thêm một lần nữa biên độ dao động lại được điều chỉnh tăng thêm 2% lên mức 5% kèm theo đó tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng 3,4%.
    Với hi vọng những can thiệp mạnh tay của ngân hàng nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong việc niêm yết tỷ giá. Tuy nhiên liên tục tỷ giá của các ngân hàng thương mại đạt mức kích trần. Liên tiếp trong 2 năm 2009 và 2010, nhà nước hạ biên độ dao động và tăng tỷ giá liên ngân hàng, nhờ đó biên độ dao động được phép trở về mức 1%.
    Lý giải cho điều này, nguyên nhân chính là từ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam mất cân đối, hàm lượng chế biến trong hàng xuất khẩu thấp trong khi lại nhập khẩu nhiều hàng hóa tiêu dùng mà chưa chú trọng đến việc nhập khẩu để sản xuất hàng hóa trong nước. Điều này làm cho nhập siêu của Việt Nam tăng cao trong năm 2007-2008 dẫn đến nhu cầu về ngoại tệ cho nhập khẩu tăng. Thêm vào đó Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng Thương mại cho doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ để bán lại cho ngân hàng lấy VND để thu mua hàng hóa trong nước. Vì thế các khế ước vay này đến hạn trả nợ cũng tạo sức ép lên thị trường ngoại tệ. Một lý do nữa là trong khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại tệ mua bán trong các ngân hàng thương mại thì lại thả nổi thị trường tự do. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại và tỷ giá ngoài thi trường tự do có thời điểm lên tới hàng nghìn điểm.
    Bước sang năm 2011, tỷ giá hối đoái biến động khá mạnh vào dịp đầu năm, giảm mạnh vào giữa năm rồi lại tiếp tục tăng mạnh vượt lên trên giá trần quy định của ngân hàng Thương mại vào cuối năm. Với tình hình tỷ giá biến động như trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và thực thi khá nhiều chính sách nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 lên 20.693 (tương đương với việc VND bị phá giá 8,5%). Cùng với đó, Ngân hàng đã giảm biên độ dao động tỷ giá từ +/-3% xuống còn +/-1%. Trong những tháng tiếp theo của năm 2011 nhằm ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt các chính sách như kiểm soát chặt thị trường ngoại hối tự do, không cho huy động và cho vay bằng vàng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hoạt động kinh doanhvangf miếng trên thị trường tự do, hạn chế huy động và cho vay ngoại tệ, mở rộng đối tượng phải thực hiện kết hối ngoại tệ, quy định mức phạt đối đối với các giao dịch ngoại hối trái phép. Với những chính sách quyết liệt của Chính phủ trong năm 2011, tỷ lệ hối đoái đã có những chuyển biến tích cực.
    Năm 2012 là một năm thành công trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhìn lại diễn biến tỷ giá VND/USD trong năm 2012 cho thấy, vào đầu năm duy trì ổn định với biến động không quá +/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với chiều hướng giảm từ 21.030 VND/1USD, xuống còn khoảng 20.850 VND/1USD vào cuối năm. Có được kết quả như trên, trong năm 2012 Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng linh hoạt các biện pháp điều hành chính sách tỷ giá để ổn định thị trường. Trước hết, Ngân hàng nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ấn định ở mức 1USD = 20.828VND trong suốt năm 2012. Trong năm 2012 Ngân hàng nhà nước cũng đã trực tiếp mua bán ngoại tệ, mua ròng khoảng 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời kiểm soát tín dụng ngoại tệ, thu hẹp và siết chặt hơn các khoản vay bằng ngoại tệ trong nước. Với các biện pháp tác động gián tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất chiết khấu 6 lần trong năm 2012, giảm từ 13% còn 7%; thu hẹp trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng từ +/-30% xuống còn +/-20% vốn tự có; siết chặt quản lý thị trường vàng; kiểm soát, trấn áp thị trường ngoại hối tự do; đẩy mạnh công tác truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
    Tuy diễn biến tỷ giá VND/USD trong năm 2012 là ổn định nhưng năm 2013 vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động và áp lực ngoại hối. Trước những áp lực trên, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc chuyển đổi sang chế độ tỷ giá linh hoạt và chính sách mục tiêu lạm phát để phù hợp với sự tự do hóa thị trường vốn trong những năm tới; điều hành lãi suất theo định hướng củng cố giữ vững giá trị đồng nội tệ, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; tiếp tục nâng cao tính minh bạch, nhất quán trong các chính sách can thiệp của Chính phủ nhằm điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
    KẾT LUẬN

    Thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá hối đoái là những vấn đề hết sức phức tạp. Đặc biệt là trong điều kiện nước ta hiện nay, khi mà xu thế toàn cầu hóa và quốc tế hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới thì vấn đề cần thiết là có những chính sách tỷ giá phù hợp bởi nó quyết định tới sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh tế đối ngoại. Thêm vào đó cần có những cơ chế quản lý và ổn định thị trường ngoại hối một cách hiệu quả để giải quyết tốt bài toán tỷ giá ở Việt Nam trong thời gian tới.


    MỤC LỤC

    LỜI MỞ ĐẦU 1
    NỘI DUNG 1
    I. Cơ sở lý thuyết về thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái 1
    1. Thị trường ngoại hối 1
    2. Tỷ giá hối đoái và chính sách tỷ giá hối đoái 2
    II. Thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong những năm gần đây 3
    1. Thị trường ngoại hối 3
    2. Chính sách tỷ giá hối đoái 5
    KẾT LUẬN 7
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...