Ai là đại gia ở Việt Nam? Lê Hải* Dr. Lisa Drummond Với tôi, đó là câu hỏi xuyên suốt quyển sách mới nhất về Việt Nam, vừa được GS Lisa Drummond [1] cùng các đồng nghiệp [2] xuất bản trong bộ sách của ARI do Springer (Asia Series Vol 2, 2012) phát hành [3]: The Reinvention of Distinction: Modernity and the Middle Class in Urban Vietnam (tạm dịch là "Tái lập đẳng cấp: Hiện đại và Tầng lớp trung lưu ở Đô thị Việt Nam”). Khởi đầu là nhìn vào câu chuyện một túp lều tranh hai trái tim vàng thời Tự Lực Văn Đoàn mà chính là Thạch Lam - nhà văn, nhà báo, học trường Tây, nói tiếng Pháp, biết uống rượu vang, biết thưởng thức những loại cà phê đang mốt nhất, tức là vô cùng văn minh theo bước tiến của quá trình đô thị hóa, nhưng lại thích - đem cô vợ mới cưới về nhà quê sống. Tiếp đó là phong trào của các nghệ sĩ thành đạt sau thời Đổi Mới - theo mô tả của GS Nora Taylor từ học viện nghệ thuật Chicago - cũng lại tìm về chốn thôn quê để ở như Phủ Thành Chương. Lịch sử như lặp lại sau 70 năm đã khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi và muốn tìm hiểu (lịch sử và biến đổi) xã hội Việt Nam qua tầng lớp trung lưu đang hình thành và tác động mạnh vào xã hội, là lực lược tạo ra các nguồn vốn cho sự biến đổi của Việt Nam: vốn xã hội, vốn văn hóa, và vốn chính trị. Nằm giữa hai nhóm trung lưu vừa kể - trí thức thời Pháp thuộc và nghệ sĩ thời sau Đổi Mới - là tầng lớp trung lưu Việt Nam Cộng Hòa. Như phân tích của Van Nguyen-Marshall, các hoạt động thiện nguyện - với nhiều ảnh hưởng từ chế độ miền Nam Việt Nam và các cơ quan viện trợ của Hoa Kỳ - giữ vai trò then chốt trong việc hình thành nên tầng lớp này, cũng như kết dính cho siêu đô thị (cosmopolitan city) Sài Gòn. Chuyện các nghệ sĩ về quê sống tưởng chừng như chỉ là một trò tiêu khiển vô hại, nhưng khi các Đại gia - dân có tiền ở thành phố, như trong mô tả của Tô Xuân Phúc - về làng mua ruộng đất chuyển thành biệt thự hay lên núi mua rừng để chơi thì không chỉ đơn giản tạo ra cơn sốt giá cả hay động lực kinh tế, mà còn gây ra biến động xã hội làm thay đổi cấu trúc văn hóa và xã hội ở địa phương. Quá trình đô thị hóa làng quê, hay đô thị đổ bộ lên núi, xâm lấn nông thôn được tác giả - vốn là nhà nghiên cứu địa lý nhân văn về rừng và các dân tộc thiểu số phía Bắc - khái quát hóa từ các quan sát và phỏng vấn ở Ba Vì, Sóc Sơn kết hợp với dữ liệu từ báo chí và các cuộc tranh cãi trên công luận. Đến lượt chính các đại gia ở thành phố mà đặc biệt là tp.HCM thì lại bị mê hoặc từ một “vật thiêng” mà các ngân hàng nước ngoài đem vào: máy rút tiền ATM. Chỉ đơn giản là một chiếc máy để tiết kiệm nhân viên giao dịch, nhưng sang đến xứ Việt Nam thì được báo chí sùng bái như linh vật của văn minh và hiện đại, chỉ dẫn cách người ta ứng xử như thế nào cho phù hợp [4] - như mối quan tâm của GS Allison Truitt từ ĐH Tulane, New Orleans, Louisiana, Mỹ. Chiếc thẻ rút tiền ATM hay hơn nữa, thẻ tín dụng trở thành vật thể hiện của tầng lớp trung lưu. Với Hà Nội, 20 năm chuyển đổi kinh tế - qua quan sát của GS Lisa Drummond - đã làm cho thành phố này dãn nở nhanh một cách đáng báo động cả về chiều ngang - tràn sang các vùng ngoại thành và nuốt luôn cả một tỉnh lân cận - lẫn về chiều cao – trèo lên cùng tốc độ thi công của các tòa cao tầng. Quan trọng nhất là bức tranh thể hiện tầng lớp trung lưu (middle-class landscape) hay nhà giàu mới nổi, cũng đang là mối quan tâm chung của các nhà nghiên cứu vùng Đông Nam Á. Không giống như kiểu nhìn của các nhà kinh tế học hay xã hội học - định nghĩa tầng lớp trung lưu bằng thước đo thu nhập - cách tiếp cận hậu hiện đại ảnh hưởng nhiều từ Pierre Bourdieu [5] của các tác giả trong tập sách này đưa ra một cái nhìn đa dạng hơn và đời thường hơn về tầng lớp đại gia đang hình thành tại Việt Nam - một quá trình gọi là becoming, luôn chuyển động chứ không phải một cấu trúc hay cơ thể cố định. Khẩu vị cũng là thứ có thể tạo nên một tầng lớp mới trong xã hội, ngay chính từ việc chuyển đổi thói quen ăn uống - như bài viết của sử gia Erica Peters, người cũng đang phát hành quyển sách về lịch sử ẩm thực Việt Nam [6]. Với các bạn trẻ Việt Nam muốn hiểu hơn về xã hội xung quanh mình, thì tập sách này là bước mở đường để tìm hiểu và đi tiếp trong thế giới khoa học hậu hiện đại. [1] GS Lisa Drummond dạy ở khoa Đô thị học tại ĐH York ở Toronto, Canada, từng sống ở Việt Nam và viết luận văn về đô thị Việt Nam cho chuyên ngành địa lý nhân văn, cũng như có các hoạt động chuyên môn liên quan tới dự án "thành phố công cộng" ở Hà Nội http://hanoi.org.vn/publiccity/vi/2010/10/lisa-drummond/. Trang nhà của cô tại ĐH York ở địa chỉ http://people.laps.yorku.ca/people.nsf/researcherprofile?readform&shortname=drummond, cũng như một số giới thiệu về các nghiên cứu của cô trong thời gian thỉnh giảng tại TT ĐNÁ của ĐH Lunds, Thụy Điển http://www.ace.lu.se/o.o.i.s/10123. [2] Đồng biên tập còn có GS Danièle Bélanger từ ĐH Tây Onratio với nhiều nghiên cứu Việt Nam nhìn từ giới tính http://sociology.uwo.ca/people/Faculty/Belanger.html, và GS sử học từ ĐH Trent Van Nguyen-Marshall http://www.trentu.ca/history/publications_nguyen.php [3] Độc giả quan tâm có thể xem phần tóm tắt và một vài trang đầu của các chương/bài viết hay đặt mua tại địa chỉ của NXB Springer http://rd.springer.com/book/10.1007/978-94-007-2306-1/page/1 [4] Bài viết này làm tôi nhớ đến thời gian trời nóng, báo chí Việt Nam chụp ảnh các cô gái nhanh nhạy chui vào phòng máy rút tiền để ngồi cho mát, cũng lại thêm một cách sử dụng có lẽ chỉ có ở Việt Nam. [5] Với tác phẩm nổi bật về phân giai cấp qua khẩu vị, với bài giới thiệu trên VCV http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17564 [6] Độc giả quan tâm có thể liên hệ qua trang mạng giới thiệu sách của hội viết sử ẩm thực Bắc California http://www.chonc.com/, hoặc nếu sống ở gần San Francisco thì có thể đến dự buổi giới thiệu sách vào mùng 4 Tết: Appetites and Aspirations in Vietnam: Food and Drink in the Long Nineteenth Century (AltaMira Studies in Food and Gastronomy, 2012)