Tựa Nguyên truyện Thất-Chơn nầy, xưa có bổn cũ, mà câu văn chẳng đặng rành rẽ, nghĩa lý chẳng đặng minh bạch, sợ người coi chẳng hiểu thấu, nghe chẳng đặng thông mà bỏ qua, và trong truyện chẳng đặng mở mang, nhiều câu vắn tắt, khó rõ diệu mầu, thấy tưởng như việc thường, chẳng hiểu chỗ báu trọng. Tôi rất muốn mở mang trong truyện báu mà chưa đặng y như lời nguyện. May đâu năm nọ tôi ở tỉnh Vân-Nam rồi qua tỉnh Tứ Xuyên, đến nhà thờ của ông Thừa-Tướng ở nghỉ chơn. Nhớ tưởng lời lẽ trong bộ Thất-Chơn, thầm xét thấu nghĩa lý diệu mầu, trọn mấy ngày biên sắp thành thơ tên là “Thất-Chơn Nhơn-Quả truyện”. Hiệp theo lời tục mà bày tỏ chuyện xưa; do trong thế sự nhân tình đặng chỉ dẫn người lầm lỗi; đem việc tội phước mà tỉnh ngộ lòng người, lấy Đạo diệu mầu mà mở mang cho hậu thế. Thiệt lời khuyên lành răn dữ, có ích xiết bao! Khi đó có ông Vương-Đạo-Hội coi thấy đặng vui mừng, biểu tôi gắng sức ra công mà sửa cho trọn bộ. Tôi thấy ông có ý khắc bản ấn tống nên tôi hết lòng xét duyệt, xong đưa ông xem luôn chẳng nghỉ. Ông thường nói với tôi rằng: - Sách nầy thật đáng đứng bậc nhất trong sách dạy tu hành chơn lý. Tôi hỏi: “Xưa nay cũng có nhiều kinh sách nói việc tu chơn, sao chọn sách nầy làm bực nhứt?” Ông đáp: “Kinh sách tu chơn tuy nhiều, mà lời nói vọng cũng rất nhiều. Hoặc lấy phép lực mà nói Đạo, hoặc mượn Tiên Phật mà làm cớ đặng dụ người không biết, lầm hiểu mà ham thành Tiên Phật. Không xét trong thâm tâm tánh mạng của mình thì tu làm sao cho thành đặng? Lấy xảo dối đời, nói việc cao xa, làm cho người khó mà minh biện. Sách nói tu hành như vậy thì dùng sao đặng? Vì vậy mà cho sách nầy là bậc nhứt. Vả lại, sách nầy từ đầu đến cuối đã không một lời dối, lại thêm khuyên nhủ lòng người bước nơi đường đất chắc cầu theo lẽ thiệt chơn, trong việc đời nhiều chỗ thế tục thường nghe, nên lẽ giả chơn chắc thiệt hiện bày, đáng để số một. Tôi xét lại trong thiên hạ, ai mà gặp Thất-Chơn nầy là người hữu hạnh, rán xem tìm cho thấu nghĩa lý cùng chỗ cứu cánh diệu mầu. Sách nầy là sách của các vị Tiên Phật, trước kia cũng có lâm trần, mà biết hồi đầu tỉnh ngộ, thật là nẻo lương phương. Cũng như lấy kim vàng thử bịnh người, thấu trong gan phổi, há chẳng cho sách nầy là đứng bực nhứt sao?” Ông lại biểu để thêm hai chữ Nhơn-Quả thật rất hay! Than ôi! Ông Vương-Đạo-Hội đặng biết sách nầy là chỗ tri âm ngàn đời. Người đời sau có ai đọc sách này mà hiểu biết như ông vậy chăng? Ông hiểu sách này của Thất-Chơn thì ông là tri âm ngàn đời của Thất-Chơn, lại muốn khắc bản in truyền cho đời sau, thì ông cũng là tri âm của tu chơn đời sau. Ông một mình mà đặng làm tri âm hai đời, đáng bậc đạo cả, thiệt là người chí chơn chẳng sai! Huỳnh-Vinh-Lượng