Luận Văn Tăng trưởng nguồn vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Thảo luận trong 'Ngân Hàng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    83 trang

    PHẦN MỞ ĐẦU



    1.Tính cấp thiết của đề tài

    Hiện nay hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia và thị trường thế giới trở thành sân chơi chung cho tất cả các cá nhân, doanh nghiệp cũng như các quốc gia khác nhau. Các thị trường tài chính cũng sẽ mở rộng, không còn có giới hạn trong phạm vi một quốc gia tạo điều kiện để tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại quốc tế, nhưng bên cạnh đó thì nó cũng làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính trong nước với các tổ chức tài chính bên ngoài.

    Trong nền kinh tế của một quốc gia thì ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Sức mạnh của hệ thống ngân hàng sẽ là thước đo quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia.

    Khi chúng ta bước vào hội nhập thì sẽ có rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế xâm nhập vào thị trường Việt Nam, vì thế các tổ chức tài chính nói chung cũng như các ngân hàng thương mại nói riêng phải tìm cách nâng cao được khả năng cạnh tranh, một trong những biện pháp nhằm tăng khả cạnh tranh của các ngân hàng đó là phải tìm cách nhằm thúc đẩy nguồn vốn tăng trưởng và tăng trưởng một cách ổn định.

    2.Mục đích nghiên cứu

    Tác giả nghiên cứu về hoạt động huy động vốn và phân tích thực trạng về huy động vốn tại Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, từ đó chỉ ra được những vấn đề đã đạt được và chưa đạt được trong nghiệp vụ huy động vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

    Trên cơ sở đó tác giả đưa ra những giải pháp cũng như kiến nghị nhằm tăng trưởng nguồn vốn tại Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam trong thời gian tới.



    3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    Trong luận văn, tác giả đã nghiên cứu hoạt động huy động vốn của Ngân hàng thương mại nói chung và Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam nói riêng trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2005.

    4.Phương pháp nghiên cứu

    Tác giả đã sử dụng các phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử kết hợp với phương pháp thống kê, so sánh và phân tích hệ thống để phục vụ nghiên cứu.

    5.Tên và kết cấu của luận văn

    Tên luận văn: “Tăng trưởng nguồn vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam”.

    Kết cấu luận văn: Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:

    Chương 1. Nguồn vốn và phương thức huy động vốn tại NHTM

    Chương 2. Thực trạng nguồn vốn và huy động vốn tại NH ĐT&PT VN

    Chương 3. Tăng trưởng nguồn vốn tại NH ĐT&PT VN





    CHƯƠNG 1: NGUỒN VỐN VÀ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


    1.1 Tổng quan về ngân hàng thương mại

    1.1.1 Khái niệm về ngân hàng thương mại

    Ngân hàng ra đời và phát triển gắn liền với quá trình phát triển của nền sản xuất hàng hóa. Quá trình phát triển kinh tế là điều kiện và đòi hỏi sự phát triển của ngân hàng, và sự phát triển của ngân hàng lại trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

    Theo các nhà kinh tế học thì ngân hàng thương mại có nguồn gốc từ những người thợ kim hoàn, ngân hàng bắt đầu với các nghiệp vụ đổi tiền hoặc đúc tiền, ngân hàng ra đời vào cuối thế kỷ 15 và đã rất phổ biến ở Châu Âu. Ngân hàng thương mại là một loại hình tổ chức có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng cá nhân nói riêng. Các ngân hàng có thể được định nghĩa qua các chức năng, các dịch vụ hoặc vai trò mà chúng thực hiện trong nền kinh tế. Trên phương diện những loại hình dịch vụ mà ngân hàng cung cấp thì ngân hàng là các tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất - đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán và thực hiện nhiều chức năng nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế.

    Như vậy, NHTM được coi là một trung gian tài chính quan trọng nhất trong hệ thống tài chính, là kênh dẫn vốn từ những người thừa vốn đến cho những người thiếu vốn thông qua hoạt động chính đó là nhận tiền gửi và cho vay tiền. Trong Luật Các tổ chức tín dụng của Việt Nam thì ghi “Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán”.



    1.1.2 Chức năng của ngân hàng thương mại.

    Ngân hàng là tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực tạo lập và cung cấp các dịch vụ quản lý quỹ cho công chúng, đồng thời nó cũng thực hiện nhiều chức năng khác trong nền kinh tế như:

    1.1.2.1 Chức năng trung gian tài chính

    Ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính với hoạt động chủ yếu là chuyển những khoản tiền tiết kiệm thành những khoản đầu tư, như thế thì đòi hỏi phải có sự tiếp xúc với hai bộ phận đó là những cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế đó là các cá nhân và tổ chức tạm thời thâm hụt chi tiêu, tức là chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư vượt quá thu nhập, vì thế họ là những người cần bổ xung vốn và các cá nhân, tổ chức thặng dư vốn trong chi tiêu tức là thu nhập hiện tại của họ lớn hơn các khoản chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ và do vậy họ có tiền để gửi tiết kiệm. Sự tồn tại hai loại cá nhân và tổ chức trên hoàn toàn độc lập với ngân hàng. Điều tất yếu là tiền sẽ chuyển từ nhóm thặng dư vốn tới nhóm thiều vốn nếu cả hai cùng có lợi. Nhưng trên thực tế để hai nhóm này gặp nhau được là rất khó nếu không có sự trung gian của ngân hàng.

    Ngân hàng làm trung gian tài chính với hoạt động chủ yếu là chuyển vốn từ những người thừa vốn tới những người thiếu vốn. Thông qua nghiệp vụ huy động vốn và cho vay trên thị trường.

    1.1.2.2 Tạo phương tiện thanh toán

    Ngân hàng thay mặt khách hàng thực hiện thanh toán cho việc mua hàng hoá và dịch vụ (như bằng cách phát hành và bù trừ séc, cung cấp mạng lưới thanh toán điện tử, kết nối các quỹ và phân phối tiền giấy và tiền đúc).

    Ngoài ra toàn bộ hệ thồng ngân hàng cũng tạo ra phương tiện thanh toán khi các tài khoản tiền gửi được mở rộng từ ngân hàng này đến ngân hàng khác trên cơ sở cho vay. Khi khách hàng tại một ngân hàng sử dụng khoản tiền vay để chi trả thì sẽ tạo nên một khoản thu tức làm gia tăng số dư tiền gửi) của một khách hàng tại một ngân hàng khác từ đó tạo ra các khoản cho vay mới. Trong khi không một ngân hàng riêng lẻ nào có thể cho vay lớn hơn dự trự dư thừa, toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể tạo ra một khối lượng tiền gửi (tạo phương tiện thanh toán) gấp bội thông qua hoạt động cho vay (tạo tín dụng).

    1.1.2.3 Ngân hàng có chức năng trung gian thanh toán

    Ngân hàng trở thành trung gian thanh toán lớn nhất nhiện nay ở hầu hết các quốc gia. Thay mặt khách hàng, ngân hàng thực hiện thanh toán giá trị hàng hóa và dịch vụ. Để việc thanh toán được nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, ngân hàng đưa ra cho khách hàng nhiều hình thức thanh toán như thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi, nhờ thu, các loại thẻ, cung cấp mạng lưới thanh toán điện tử, kết nối các quỹ và cung cấp tiền giấy khi khách hàng cần. Các ngân hàng còn thực hiện thanh toán bù trừ với nhau thông qua ngân hàng Trung ương hoặc thông qua các trung tâm thanh toán. Công nghệ thanh toán qua ngân hàng càng đạt hiệu quả cao khi qui mô sử dụng công nghệ đó ngày càng được mở rộng.

    Ngoài ra ngân hàng còn có một số chức năng khác như:

    Ngân hàng là người bảo lãnh

    Ngân hàng cam kết trả nợ cho khách hàng khi khách hàng khi khách hàng mất khả năng thanh toán cho người bán như khi nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của ngân hàng.

    Chức năng đại lý

    Ngân hàng đứng ra thay cho khách hàng để quản lý và bảo vệ tài sản cho họ, phát hành hoặc chuộc lại chứng khoán - chức năng này thường được thực hiện tại Phòng uỷ thác.

    Ngân hàng là người thực hiện các chính sách

    Ngân hàng thực hiện các chính sách kinh tế của chính phủ, góp phần điều tiết sự tăng trưởng kinh tế và theo đuổi các mục tiêu xã hội.

    1.1.3 Hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại

    1.1.3.1 Hoạt động nhận tiền gửi

    Cho vay được coi là hoạt động sinh lời cao, do đó các ngân hàng đã tìm mọi cách để huy động được tiền nhằm đáp ứng nhu các khoản cho vay của ngân hàng. Một trong những nguồn quan trọng là các khoản tiền gửi thanh toán và tiết kiệm của khách hàng. Ngân hàng mở dịch vụ nhận tiền gửi để bảo quản hộ người có tiền với cam kết hoàn trả đúng hạn. Trong cuộc cạnh tranh để tìm và giành được các khoản tiền gửi, các ngân hàng đã trả lãi cho tiền gửi như là phần thưởng cho khách hàng về việc sẵn sàng hi sinh nhu cầu tiêu dùng trước mắt và cho phép ngân hàng sử dụng tạm thời để kinh doanh. Như vậy, khi thực hiện hoạt động nhận tiền gửi, ngân hàng đã thu phí gián tiếp thông qua thu nhập của hoạt động sử dụng tiền gửi đó.

    1.1.3.2 Hoạt động cho vay

    Cho vay là quan hệ giao dịch giữa ngân hàng với các chủ thể khác, trong đó ngân hàng giao tiền cho chủ thể đó để họ được sử dụng số tiền đó trong một khoảng thời gian nhất định và bên nhận tiền phải cam kết hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi theo thời hạn đã thỏa thuận. Đây là hoạt động có vị trí rất quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng vì đây là hoạt động tạo ra thu nhập chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập của một ngân hàng thương mại.

    Dựa trên các tiêu chí khác nhau mà hoạt động cho vay được phân chia thành nhiều danh mục cho vay khác nhau:

    Cho vay thương mại: Ngay từ thời kỳ đầu, các NHTM đã chiết khấu thương phiếu mà thực tế là cho vay đối với những người bán. Sau đó ngân hàng cho vay trực tiếp đối với người mua, giúp họ có vốn để mua hàng dự trữ nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Cho vay tiêu dùng: Ban đầu, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thường bị hạn chế do bởi các ngân hàng cho rằng các khoản cho vay tiêu dùng là rủi ro, nguy cơ vỡ nợ là tương đối cao. Sau đó, sự gia tăng thu nhập của người tiêu dùng và sự cạnh tranh trong cho vay đã hướng các ngân hàng tới người tiêu dùng như là một khách hàng tiềm năng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tín dụng tiêu dùng trở thành một trong những loại hình tín dụng tăng trưởng nhanh nhất ở các nước có nền kinh tế phát triển.

    Tài trợ dự án: Bên cạnh cho vay truyền thống là cho vay ngắn hạn, các ngân hàng ngày càng trở nên năng động trong việc tài trợ trung, dài hạn như tài trợ xây dựng nhà máy, phát triển ngành công nghệ cao. Một số ngân hàng còn cho vay để đầu tư vào bất động sản.

    1.1.3.3 Các hoạt động khác

    Ngoài những hoạt động cơ bản nhất của ngân hàng là huy động vốn và cho vay thì ngân hàng thương mại còn một số các hoạt động khác như:

    Mua, bán ngoại tệ: Ngân hàng thực hiện trao đổi (mua, bán) ngoại tệ đó là mua hay bán một loại tiền tệ này lấy một loại tiền tệ khác để hưởng phí dịch vụ.

    Bảo quản tài sản hộ: Ngân hàng thực hiện việc lưu giữ vàng, các giấy tờ có giá và các tài sản khác cho khách hàng trong két (hoạt động này còn gọi là hoạt động cho thuê két). Hoạt động này phát triển cùng với nhiều hoạt động khác như mua bán hộ các giấy tờ có giá, thanh toán lãi hoặc cổ tức hộ, .

    Cung cấp các tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán: Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng không chỉ bảo quản mà còn thực hiện các lệnh chi trả hộ cho khách hàng.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...