Tài liệu Sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt

Thảo luận trong 'Triết Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    A/ LỜI MỞ ĐẦU
    Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật hết sức phổ biến trong công cuộc xây dựng đất nước. Sự mâu thuẫn hay phù hợp đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Sự tổng hòa mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tạo nên một nền kinh tế có lực lượng sản xuất phát triển kéo theo một quan hệ sản xuất phát triển. Nói cách khác, quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất là điều kiện tất yếu để phát triển một nền kinh tế. Việc nghiên cứu đề tài “Sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay” sẽ giúp cho em có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nền sản xuất xã hội.
    B/ NỘI DUNG
    1. Vấn đề lí luận về quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    1.1. Khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
    1.1.1. Khái niệm lực lượng sản xuất.
    Lực lượng sản xuất là toàn bộ những tư liệu sản xuất do xã hội tạo ra, trước hết là công cụ lao động và những người lao động với kinh nghiệm và thói quen lao động nhất định đã sử dụng những tư liệu sản xuất đó để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Lực lượng sản xuất là nhân tố cơ bản, tất yếu tạo thành nội dung vật chất của quá trình sản xuất; không một quá trình sản xuất hiện thực nào có thể diễn ra nếu thiếu một trong hai nhân tố là người lao động và tư liệu sản xuất. Thế nhưng, chỉ có lực lượng sản xuất vẫn chưa thể diễn ra quá trình sản xuất hiện thực được, mà còn cần phải có những quan hệ sản xuất đóng vai trò là hình thức xã hội của quá trình sản xuất ấy.


    1.1.2. Khái niệm quan hệ sản xuất.
    Quan hệ sản xuất là mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (sản xuất và tái sản xuất xã hội). Quan hệ sản xuất bao gồm: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức – quản lý quá trình sản xuất và trong quan hệ phân phối kết quả của quá trình sản xuất đó. Những quan hệ sản xuất này tồn tại trong mối quan hệ thống nhất và chi phối, tác động lẫn nhau trên cơ sở quyết định của quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất.
    - Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất tức là quan hệ giữa người với tư liệu sản xuất, nói cách khác tư liệu sản xuất thuộc về ai.
    - Quan hệ tổ chức và quản lí sản xuất, kinh doanh tức là quan hệ giữa người với người trong sản xuất và trao đổi của cải vật chất như phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa lao động quan hệ giữa người quản lý với công nhân.
    - Quan hệ phân phối sản xuất, sản phẩm tức là quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng một mục tiêu chung là sử dụng hợp lí và có hiệu quả tư liệu sản xuất để làm cho chúng không ngừng được tăng trưởng, thúc đẩy tái sản xuất mở rộng, nâng cao phúc lợi người lao động.
    1.2. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    1.2.1. Trình độ của lực lượng sản xuất.
    Lực lượng sản xuất là yếu tố có tác dụng quyết định đối với sự phát triển của phương thức sản xuất. Trình độ của lực lượng sản xuất trong từng giai đoạn của lịch sử loài người thể hiện khả năng chinh phục tự nhiên của loài người trong giai đoạn đó. Khái niệm trình độ của lực lượng sản xuất nói lên khả năng của con người thong qua việc sử dụng công cụ lao động thực hiện quá trình cải biến tự nhiên nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của mình. Trình độ lực lượng sản xuất thể hiện ở: trình độ công cụ lao động, trình độ quản lí xã hội, trình độ ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm và kỹ năng của con người và trình độ phân công lao động.
    1.2.2. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là hai mặt cơ bản, tất yếu của quá trình sản xuất. Sự tác động lẫn nhau của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ tính chất biện chứng. Chính sự thống nhất và tác động giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất đã hình thành nên quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    Lực lượng sản xuất là nhân tố thường xuyên biến đổi và phát triển, ngược lại quan hệ sản xuất thường có tính ổn định trong một thời gian dài. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đến một giới hạn nhất định sẽ đặt ra nhu cầu xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ. Việc xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ thay bằng quan hệ sản xuất mới cũng có nghĩa là diệt phương thức sản xuất lỗi thời, lạc hậu và sự ra đời của phương thức sản xuất mới. Những quan hệ sản xuất cũ và hiện có từ chỗ là hình thức kinh tế cần thiết để đảm bảo duy trì khai thác, phát triển của lực lượng sản xuất và giờ đây trở thành những hình thức kìm hãm sự phát triển đó. Đó cũng chính là nội dung về quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của trình độ sản xuất.
    2. Sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay.
    2.1. Thực trạng.
    Đại hội Đại biểu lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kĩ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp, quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần phải được nâng cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh”. Đối với nước ta để phù hợp với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất Đảng ta đã chỉ ra rằng công nghiệp hóa phải đi đôi với hiện đại hóa kết hợp những bước tiến tuần tự về công nghiệp với việc tranh thủ những cơ hội đi tắt, đón đầu, hình thành những mũi nhọn phát triển theo trình độ tiến lên của khoa học công nghệ mới. Mặt khác chúng ta chú trọng xây dựng và phát triển nền kinh tế hang hóa nhều thành phần vận dụng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là hai nhiệm vụ được thực hiện đồng thời chúng luôn tác động thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Bởi lẽ nếu công nghiệp hóa hiện đại hóa tạo nên lực lượng sản xuất cần thiết cho chế độ xã hội thì việc xây dựng thì việc xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần chính là để xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, đưa nước ta ngày một đi lên như Đảng và nhà nước ta mong muốn.
    Sự đổi mới của Việt Nam được bắt đầu ngay từ giữa những năm 80 và được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực từ đó đến nay. Quá trình đổi mới mang lại nhiều thành tựu to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều lí luận quan trọng mà việc áp dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vào việc giải quyết chúng một cách đúng đắn sẽ là cơ sở hết sức cần thiết cho việc tiếp tục hoạch định và đẩy nhanh sự nghệp đổi mới, cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
    Việt Nam đã xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 30 năm ở miền Bắc và hơn 10 năm trên phạm vi toàn quốc nếu tính đến thời điểm bắt đầu đổi mới. Ngôi nhà xã hội chủ nghĩa mà chúng ta muốn xây dựng có thể có nhiều đặc trưng, nhưng hai đặc trưng chất lượng quan trọng nhất mà dứt khoát chúng ta phải đạt đến đó là vừa giàu có hơn, vừa công bằng hơn so với trong chủ nghĩa tư bản. Trong những năm qua, nhờ sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất Đảng và toàn dân đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Một là kinh tế tăng trưởng khá: tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân 7 – 8%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều phát triển và có những tiến bộ vượt bậc. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển khá, đáp ứng yêu cầu trước mắt và tạo được những năng lực gối đầu cho thời kì sau; kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển. Hai là văn hóa, xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất. Vấn đề việc làm từng bước được giải quyết và đời sống nhân dân có phần được nâng cao. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc, chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
    Tuy nhiên trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội thì nền kinh tế sản xuất nước ta lại chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn này có thể có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng đó là không nắm vững quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nghị quyết đại hội VIII đã chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém:
    - Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước và nhịp độ tăng sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu không đạt chỉ tiêu đề ra. Nhìn chung năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao. Hệ thống ngân hang – tài chính còn yếu kém và thiếu lành mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lí, đầu tư còn phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều. Nhịp độ thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm, công tác quản lí, điều hành còn nhiều vướng mắc và thiếu sót. Quan hệ kinh tế nhà nước chưa được củng cố tương xứng với vai trò lãnh đạo, chưa có chuyển biến đáng kể trong việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước.
    - Một số vấn đề văn hóa – xã hội còn nhiều bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Tỉ lệ thất nghiệp còn ở mức khá cao. Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
    - Cơ chế chính sách chưa đồng bộ và chưa tạo được động lực mạnh để phát triển. Một số cơ chế còn thiếu, chưa nhất quán, chưa sát với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Nhiều cấp, ngành chưa thay thế, sửa đổi những quy định về quản lí nhà nước không còn phù hợp, chưa bổ sung những cơ chế, chính sách mới có tác dụng giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, nhà nước ta đã không thấy rõ bước đi có tính quy luật trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội nên đã tiến hành ngay cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế quốc dân và xét về thực chất là theo đường lối đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa quan hệ sản xuất đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Điều đó có nghĩa là đưa quan hệ sản xuất đi trước để tạo địa bàn rộng rãi, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Điều đó là hoàn toàn mâu thuẫn với quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    2.2. Giải pháp.
    - Cải tạo xã hội chủ nghĩa phải luôn thấu suốt đặc điểm quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất luôn luôn gắn bó với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp lên cao, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Trên mỗi bước đi phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật, tạo ra lực lượng sản xuất mới trên cơ sở đó tiếp tục đưa quan hệ sản xuất lên hình thức, quy mô thích hợp để cho lực lượng sản xuất phát triển.
    - Không ngừng phát triển lực lượng sản xuất bằng việc nhanh chóng đưc những tiến bộ khoa học của các nước đi trước và tăng cường sự giáo dục định hướng cho người lao động để có thể tiếp thu những thành tựu của khao học công nghệ.
    - Bình thường hóa quan hệ sản xuất, có cách nhìn đúng đắn giữa người làm thuê và ông chủ của mình.
    C/ KẾT LUẬN
    Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ không thể tách rời. Trong đó lực lượng sản xuất giữ vai trò quan trọng quyết định, nó là nội dung còn quan hệ sản xuất giữu vai trò hình thức của phương thức sản xuất. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật hết sức phổ biến. Trên thực tế không phải lúc nào cũng có sự phù hợp tuyệt đối giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do vậy phải nắm bắt tốt quy luật này chúng ta mới có thể áp dụng thích hợp vào từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt sản xuất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất còn nhiều lộn xộn trong việc nghiên cứu sử dụng và phát triển các phương thức sản xuất. Nếu chúng ta sử dụng đúng quy luật trên cộng với điều hòa quan hệ sản xuất thì không lâu sau nước ta sẽ tiến nhanh cùng các nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng và nhà nước ta đã chọn.











    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. CTGQ, Hà Nội, 2009.
    2. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình triết học Mác-Lênin (dùng trong các trường đại học cao đẳng), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007.
    3. Văn kiện đại hội Đảng lần thứ VIII.
    4. Tạp chí cộng sản số 13 tháng 6/1996.
    5. Tạp chí cộng sản, số tháng 9/2003.
    6. Tạp chí triết học, số tháng 1 và tháng 6/2002; số tháng 3/2003.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...