Luận Văn Sự thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    1.1. Văn xuôi Việt Nam sau 1975 đến nay đã có những bước chuyển mình tương đối rõ nét và toàn diện. Riêng thể loại tiểu thuyết đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc, diện mạo riêng cho thời kỳ văn học này. Sự đổi mới về đề tài, cách miêu tả hiện thực, quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết. Trong đó, hình tượng người lính thời hậu chiến như là một sự tiếp nối tự nhiên đề tài chiến tranh và người lính cách mạng, tạo nên một mạch chảy nổi bật xuyên suốt hành trình văn học Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám. Chiến tranh đã qua đi, nhưng vẫn còn đó biết bao điều trăn trở, day dứt. Lấp đầy vết thương da thịt, vật thể đã là quá sức, hàn gắn vết thương lòng càng không thể dễ dàng. Sau cuộc chiến, văn học nhìn lại chiến tranh, nhìn thẳng vào cuộc đời trước mặt. Các nhà văn nói chung, các nhà tiểu thuyết nói riêng có điều kiện để “chăm sóc” ngòi bút của mình. Tiểu thuyết hậu chiến như đã bù đắp được phần thiếu hụt, phần hạn chế mà ngay trong thời kỳ khói lửa, các nhà văn chưa thể làm.
    1.2. Chu Lai, một người lính, một nhà văn được độc giả biết đến từ những năm chống Mỹ cứu nước. Ông “thuộc thế hệ thứ hai của những người chiến sỹ viết văn”. Tiểu thuyết là thể loại mà Chu Lai gặt hái được nhiều thành công. Đó là những tác phẩm chủ yếu viết sau chiến tranh nhưng số phận người lính (kể cả người lính trong cuộc chiến và sau cuộc chiến) lại là vấn đề cốt lõi. Chu Lai với đồng đội, với chiến trận, một sự gắn bó như là định mệnh. Có thể coi ông là một trong những nhà tiểu thuyết hàng đầu viết về người lính thời hậu chiến. Tiểu thuyết về thời kỳ hậu chiến nói chung, tiểu thuyết Chu Lai nói riêng, đặt ra nhiều vấn đề mang tính chất thời sự nóng bỏng. Một trong những vấn đề đó là giá trị đạo đức truyền thống, là nhân cách, nhân phẩm con người trong thời đại ngày nay. Thế kỷ XX của dân tộc gắn liền với hai cuộc vệ quốc vĩ đại. Đó là những năm tháng vinh quang, hào hùng. Đó là thời đại mà người lính là biểu tượng đẹp nhất cho con người Việt Nam. Trong tiềm thức của thế hệ trẻ hôm nay, những quan niệm như thế không còn nguyên vẹn. Đâu đó giữa cuộc đời, dù ít, dù nhiều, đạo đức truyền thống đang bị bào mòn, nhân cách con người đang bị lệch chuẩn. Đi sâu thẩm thấu giá trị nghệ thuật từ hình tượng người lính hậu chiến qua những trang tiểu thuyết sẽ là một hướng giải quyết phần nào những bức xúc đó.
    1.3. Chu Lai là một hiện tượng văn học khá nổi bật của những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là những sáng tác về người lính thời hậu chiến. Ông có ba tiểu thuyết đạt giải cao: Ăn mày dĩ vãng (Giải A, viết về đề tài lực lượng vũ trang, Hội Nhà văn, 1992, Giải B, Bộ Quốc phòng, 1994); Ba lần và một lần (Giải B, Bộ Quốc phòng, 1996 – 2000); Phố (Giải B, Nhà xuất bản Hà Nội, 1993). Với hơn chục cuốn tiểu thuyết trong lĩnh vực này, Chu Lai đã khắc hoạ một cách đậm nét số phận người lính từ thời chiến vắt qua thời bình. Từ góc độ này, ông đặt ra nhiều vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn như vấn đề nhìn lại cuộc chiến; vấn đề đời sống tâm linh của những người một thời hiến dâng máu xương cho tổ quốc trong bối cảnh đất nước đang trên đà đổi mới. Theo chúng tôi, Chu Lai là một nhà văn đã có phong cách tương đối ổn định. Tuy nhiên, nghiên cứu về Chu Lai hiện vẫn đang còn là một vấn đề “mở”, đang rất cần có những công trình khoa học đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về đóng góp của Chu Lai cho văn học Việt Nam đương đại.
    1.4. Trong chương trình Văn bậc Trung học phổ thông, có nhiều tác phẩm liên quan đến chiến tranh và người lính. Nghiên cứu đề tài này giúp những nhà giáo có cái nhìn đối sánh trong giảng dạy.
    Từ thực tiễn trên đây, chúng tôi đi vào nghiên cứu đề tài “Sự thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai”
    2. Lịch sử vấn đề
    Cho đến nay nghiên cứu về hình tượng người lính thời hậu chiến trong văn học nói chung, trong tiểu thuyết Chu Lai nói riêng đã có được những thành tựu nhất định. Các bài nghiên cứu phê bình về Chu Lai tựu trung ở các vấn đề: sự gắn bó máu thịt của Chu Lai với đề tài chiến tranh và người lính cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ và sự trở về của họ với dòng đời bề bộn trăn trở, lo toan. Các bài nghiên cứu phê bình cũng đề cập đến vấn đề làm thế nào để tiểu thuyết Chu Lai viết về những điều đã “cũ” ấy mà vẫn “ăn khách”, vẫn tạo được sự hứng thú, đam mê của độc giả thời mở cửa. Chúng tôi tạm chia các bài nghiên cứu về Chu Lai theo các nhóm sau:
    Nhóm 1: Bao gồm các bài viết, bài phê bình mang tính chất tương đối quy mô được đăng tải trên các báo, tạp chí như: Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các bài công bố trong các cuộc hội thảo lớn. Nhóm này bao gồm nhiều bài đánh giá về đề tài, nhân vật, bút pháp trong sáng tác của Chu Lai. Ngoài những bài trên còn có rất nhiều bài tập trung vào những tác phẩm gây được tiếng vang như như: Ăn mày dĩ vãng, Phố, Cuộc đời dài lắm Phần lớn các nhận định của những nhà phê bình, nghiên cứu cho rằng, đề tài xuyên suốt và bao trùm trong sáng tác của Chu Lai là đề tài chiến tranh trong đó hình tượng trung tâm là người lính.
    Trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 2/1993, trong bài Một đề tài không cạn kiệt, Bùi Việt Thắng đã viết: “Nhân vật Chu Lai được thể hiện như những con người tâm linh. Họ sống bởi những ám ảnh của ảo giác, hối thúc bởi sự sám hối, luôn tìm kiếm sự giải thoát. Đó là những con người trở về sau chiến tranh bị mất thăng bằng, khó tìm được sự yên ổn trong tâm hồn. Họ sống trong cảm giác không bình yên đi vào ngõ ngách đời sống tâm linh con người, Chu Lai làm người đọc bất ngờ vì những khám phá nghệ thuật của mình: Nhân vật Chu Lai thường tự soi tỏ mình, khám phá mình, khám phá một bản ngã hay là một con người trong con người” [63,104].
    Hồng Diệu khẳng định: “Chu Lai là nhà văn thuỷ chung với đề tài chiến tranh, anh có nhiều tác phẩm viết về đề tài người lính trên cả ba mặt trận: Văn học -Sân khấu - Điện ảnh” [52,6].
    Lý Hoài Thu nói rõ về sự gắn bó sâu nặng giữa cuộc đời binh nghiệp Chu Lai với những sáng tác của chính anh. Với tư cách là người từng tham chiến, vốn sống chiến trường gần như tạo thế chủ động và còn hơn thế nữa, đủ để ngòi bút Chu Lai thả sức trong biên độ ít giới hạn của đề tài chiến tranh. Anh không chỉ là viết, là tiếp cận, là sống mà là day dứt vật vã bằng tâm linh và máu thịt của chính mình. Theo Lý Hoài Thu: “Nếu như trước kia, các nhân vật của anh được mô tả chủ yếu ở cốt cách anh hùng trận mạc thì hiện nay ( ) Chu Lai tập trung khai thác quãng đời thứ hai: quãng đời phía sau chiến trận của người lính” [69,69].
    Ăn mày dĩ vãng có lẽ là cuốn tiểu thuyết gây được sự chú ý đặc biệt nhất đối với người đọc trong toàn bộ sáng tác của Chu Lai. Báo Văn nghệ, số 7, tháng 7/1992, mục Tác phẩm và dư luận, có bài Trao đổi về tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, trong đó bao gồm rất nhiều ý kiến nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như: Hữu Thỉnh, Hồng Diệu, Cao Tiến Lê, Lê Thành Nghị, Thiếu Mai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Phạm Xuân Nguyên, Lê Tất Cứ, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Kiên và có cả ý kiến của Chu Lai về chính tác phẩm của mình. Trong bài viết này, có nhiều ý kiến đề cập đến cả hai mặt thành công và hạn chế của Ăn mày dĩ vãng. Hồng Diệu cho rằng Ăn mày dĩ vãng “cốt truyện li kỳ hấp dẫn” [52,6]. Cao Tiến Lê đánh giá: cái tên sách rất ăn nhập với chủ đề “hãy đừng lãng quên quá khứ, đừng xử tệ với những người đã hy sinh trong quá khứ” [52,6]. Lê Thành Nghị phát biểu: “Nhân vật của Chu Lai quyết không phải là những viên gạch nung ra từ một lò” [52,6]. Thiếu Mai cảm nhận: “Thấy rõ một vốn sống dồi dào, phong phú của tác giả trong cuốn sách mới này” [52,6]. Chủ đề của tác phẩm theo Thiếu Mai: “Những người trong chiến tranh, cả ta và địch đều không trở lại được bình thường trong hiện tại” [52,6]. Nguyễn Trí Huân cho rằng, thành công của tác phẩm chính là những trang viết thực sự xúc động về chiến tranh và người lính. Lê Thành Nghị bổ sung thêm: “vỉa sâu” của tiểu thuyết lại là sự tha hoá của con người trong hiện tại.
    Nhiều nhà phê bình cũng đã chú ý tới mặt hạn chế của tác phẩm. Tựu trung lại, tác phẩm còn có hạn chế về ngôn ngữ, cốt truyện hơi dài, vài tình huống chưa nhuyễn.
    Nguyễn Thanh Tú với bài Cuộc đời dài lắm – Một tiểu thuyết có tính hấp dẫn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 01/2002) đánh giá rằng: “Ngòi bút tiểu thuyết Chu Lai vẫn cách xây dựng nhân vật đẩy đến tận cùng của bi kịch. Có thể nói một cách khái quát là con người trong tiểu thuyết Chu Lai là con người của bi kịch , con người của những mâu thuẫn, có khi thật quyết liệt dữ dội; có số phận tận cùng ngang trái, có nhân cách vô cùng cao thượng, lại có loại người tận cùng của sự gian xảo” [72,101].
    Gần đây có hai bài đáng chú ý: “Hình tượng người lính trong văn học – cần một cái nhìn thực tế” của Bùi Vũ Minh in trên Báo Văn nghệ, số 6/2006, và bài “Nội lực Chu Lai” của Bùi Việt Thắng in trên Tạp chí Nhà văn, số 8/2006. Bùi Vũ Minh đặt ra mối quan hệ giữa người lính trong thực tại và người lính trong văn học. Ông cho rằng ở đâu người lính cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn bất cứ ai. Bùi Việt Thắng chứng minh sức viết dồi dào của Chu Lai. Tác giả đi sâu vào hai “dấu son đỏ” là Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng. Đồng thời, ông còn đưa ra những đánh giá mang tính bao quát toàn bộ các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết của Chu Lai ở phương diện nhân vật và giọng điệu. Theo nhà nghiên cứu này, nhân vật nữ và nhân vật người lính là “tài nghệ” của Chu Lai. Có thể nói, đây là bài viết mang tính tổng quan nhất trong các đánh giá về Chu Lai từ trước tới nay. Tuy nhiên, để tổng hợp tương đối hoàn chỉnh về mười một cuốn tiểu thuyết của Chu Lai thì còn cần nhiều hơn thế.
    Nhóm 2: Bao gồm các bài nói chuyện, trò chuyện, trả lời phỏng vấn của nhà văn Chu Lai xuất hiện rất nhiều trên các loại thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo điện tử Theo chúng tôi, khi các phóng viên, bạn đọc trên mạng Internet đặt ra những câu hỏi xung quanh nghề nghiệp, tác phẩm của Chu Lai nghĩa là họ cũng đang nhận xét bình phẩm đánh giá. Ý kiến của họ cũng phải được xem là một cách hiểu, một cách cảm thụ bổ sung cho việc phê bình nghiên cứu tiểu thuyết Chu Lai. Và như vậy đây cũng là một dạng nghiên cứu phê bình. Chúng tôi đã tập hợp được một số bài tiêu biểu như sau:
    Báo Ngày nay, số 21/2003, có bài: Nhà văn Chu Lai phẫn khí mà thành tài do Trương Ngọc Lan thực hiện. Tác giả bài báo đã có những nhận định về Chu Lai “thời mở cửa” rất độc đáo: “ Cứ thấy cả tháng nay Chu Lai cần mẫn CHAT với độc giả trẻ trên mạng như một chị Thanh Tâm đầy ria mép về đủ các thể tài, trong đó không thể không dính dáng đến chuyện văn chương” [40,17].
    Bài Nhà văn Chu Lai những ám ảnh của nghiệp viết cũng là một cuộc đàm đạo dân chủ của Chu Lai và các bạn trẻ qua mạng. Độc giả cùng nhà văn quan tâm đến vấn đề mối quan hệ giữa những năm tháng binh nghiệp và đời văn Chu Lai. Nhà văn bộc bạch nỗi ám ảnh lớn nhất của ông là khi “trang viết của mình hoàn toàn trống trải, vô nghĩa lý là sự vô cảm trước nỗi đau nhân tình.” [53,1].
    Trong bài Nhà văn Chu Lai trò chuyện về nghiệp văn chương (http//www.google.com.Vn/12/02/2004), bạn “chat” của Chu Lai đặt câu hỏi: “Đa số các nhà văn thường có cách hồi tưởng về chiến tranh với niềm tự hào về một thời oanh liệt, còn trong các tác phẩm về chiến tranh của anh luôn có những kết thúc buồn và day dứt. Vì sao vậy?” [54,1]. “Nếu coi tình yêu là một “bảo chứng” cho sức hút của tác phẩm, thì tại sao trong tiểu thuyết của anh hầu như mối tình nào cũng phảng phất dư vị buồn và khó đi đến trọn vẹn?” [54,2]. Bài Nhà văn Chu Lai hướng văn chương đến độc giả trẻ trên báo Vn.net bày tỏ sự thẳng thắn trong cuộc đối thoại giữa Chu Lai và bạn đọc trẻ. Chu Lai được quan tâm ở góc độ đời tư, gia đình và tất nhiên không thể thiếu văn chương.
    Bài Viết văn nghề tự ăn óc mình do Minh Thụy phỏng vấn nhà văn Chu Lai đăng trên báo Pháp luật, số ra ngày chủ nhật, 25.12.2005. Tác giả bài báo đặt ra vấn đề: “Dường như bất cứ tác phẩm nào của anh cũng có người lính và chiến tranh. Có phải mỗi lần anh ngồi vào bàn viết là ký ức chiến tranh lại ùa về?” [70,10]. Một lần nữa chính nhà văn Chu Lai khẳng định sự gắn bó của anh với đề tài chiến tranh. Ngoài ra, bài báo còn đề cập tới một số vấn đề khác như: Chu Lai quan niệm như thế nào là văn học chân chính và làm thế nào để có một nền văn học vững mạnh? Sau cuốn Ăn mày dĩ vãng liệu Chu Lai có còn viết được nữa không hay anh “như quả pháo đùng đã nổ tung hết ruột gan phèo phổi không còn gì nữa” [70,10].
    Trong bài Bản chất cuộc đời là bi tráng (Báo Thanh niên, số 355, chủ nhật 21/12/2003, hai tác giả Thu Hồng - Hương Lan nói tới một số vấn đề khá sâu sắc và cập nhật liên quan đến văn và người Chu Lai. Nổi bật nhất là vấn đề sự độc đáo, mới lạ của Chu Lai trong quá trình khai thác đề tài chiến tranh: “Những người từng đi qua cuộc chiến, mỗi người có một cách hồi tưởng chiến tranh không giống nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là một cảm giác tự hào về một thời oanh liệt. Chỉ riêng một mình Chu Lai khai thác chiến tranh ở một góc độ khác hẳn ” [19,9]. Đó chính là sự tàn khốc của chiến tranh, những kỷ niệm liên quan đến máu và nước mắt. Đó là gam màu đậm chất bi tráng của cuộc đời in hằn trên những trang văn của Chu Lai.
    Bài Tôi đi chênh vênh trên miệng vực (Báo Quân đội nhân dân cuối tuần) do Hồng Sơn thực hiện. Nhà báo Hồng Sơn đưa ra một số câu hỏi đối với nhà văn Chu Lai xung quanh việc viết về chiến tranh như thế nào cho đúng, cho hay, cho tâm huyết. Bản thân nhà văn tự nhận thấy mình “đi chênh vênh trên bờ vực, chỉ cần sa sang phải là lao xuống vực, ngả sang trái là vùng đất bằng nhạt nhẽo”
    Tóm lại: Nhóm 1 tập trung những bài viết, những ý kiến đánh giá sát thực, bộc lộ những cảm nhận sâu sắc của các nhà nghiên cứu đối với sáng tác của Chu Lai. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, những nhận định ấy mới chỉ “điểm” mà chưa “diện”. Có thể khái quát các bài ở nhóm 1 vào hai dạng: dạng thứ nhất tập trung vào một khía cạnh nào đó của văn Chu Lai. Chẳng hạn như đề tài, nhân vật, kết cấu Suy cho cùng những đánh giá đó vẫn còn mang tính chất phiến diện. Dạng thứ hai bao gồm các ý kiến bàn luận về một tác phẩm cụ thể. Khi đó, tác phẩm được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn Hội thảo về Ăn mày dĩ vãng, bài của Nguyễn Thanh Tú về Cuộc đời dài lắm Đây là những đánh giá tương đối hoàn chỉnh nhưng mới chỉ khoanh vùng trong phạm vi một tác phẩm cụ thể. Nhóm 2 tập trung ý kiến của giới trẻ, những người quan tâm đến Chu Lai và văn của ông nhưng không mang tính chất chuyên nghiệp. Những vấn đề đặt ra ở nhóm này tương đối phong phú và đa dạng. Người phát ngôn cơ bản vẫn là Chu Lai. Tuy nhiên, sắc màu phê bình văn học ở đó khi đậm, khi nhạt, không phải là không có.
    Nghiên cứu về tiểu thuyết Chu Lai vẫn còn thiếu một cái nhìn tổng quan, một công trình quy mô mang tính chất tổng thể. Tiếp thu những ý kiến quý báu và định hướng cho mình từ những người đi trước, đề tài của chúng tôi tìm hiểu một cách tương đối toàn diện về các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết của Chu Lai trong việc thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến.
    3. Mục đích của đề tài
    3.1. Phác thảo một cái nhìn tổng quan thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 trong việc thể hiện hình tượng ngưòi lính thời hậu chiến.
    3.2. Tìm hiểu những đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tiểu thuyết Chu Lai trong việc thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn sử dụng các phương pháp sau:
    4.1. Phương pháp so sánh, đối chiếu.
    4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp.
    4.3. Phương pháp thống kê, phân loại.
    5. Cấu trúc của luận văn
    Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được trình bày trong 3 chương .


    Chương 1. Sự thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    Chương 2. Một số vấn đề nổi bật về số phận người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai.
    Chương 3. Những nét đặc sắc về nghệ thuật thể hiện hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...