Tài liệu Sông Hằng và Phật giáo

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Sông Hằng và Phật giáo

    Trong truyền thống văn hóa tâm linh của Ấn Độ, Himalaya và sông Hằng (Gangā) được xem là hai hình ảnh thiêng liêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả năng siêu việt và một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ ước đến. Nếu như dãy Himalaya là một biểu tượng cho sự vĩ đại và oai hùng của tinh thần dân tộc, thì sông Hằng cũng được ví như một nữ thần từ ái, luôn dang rộng đôi tay để bảo bọc, dưỡng nuôi và bồi đắp cho nền văn minh xứ Ấn suốt bao thiên niên kỷ qua. Lịch sử tôn giáo và văn hóa của Ấn Độ sẽ giảm đi tính huyền bí và thiêng liêng bao đời nay nếu đất nước này thiếu đi hai biểu tượng tôn nghiêm và kỳ vĩ như thế. Vô số các vị ẩn sĩ, các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết đã dành trọn đời mình để chiêm nghiệm, tu trì và truyền bá những tinh hoa tư tưởng tại những trú xứ thiêng liêng này. Dấu ấn về hành trạng và sự nghiệp của họ vẫn còn lưu lại đâu đó trên những hang động heo hút thâm nghiêm, những triền đá cheo leo, cô tịch của miền núi tuyết hay bên những dòng nước khi cuồn cuộn, khi êm ả, những bãi cát mênh mông, những ngôi đền cổ kính sớm chiều vọng tiếng chuông ngân hòa trong âm thanh cầu nguyện theo ngữ điệu từ ngàn xưa, và rực sáng dưới những ánh lửa kỳ ảo bên bờ sông Hằng lịch sử.

    Bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya, băng qua một vùng đồng bằng dài trên 2500 km với những trung tâm đô thị lớn như Kanpur, Allahabad, Varanasi, Patna, Calcutta, và cuối cùng đổ ra vịnh Bengal, sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Đối với Bà-la-môn giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hóa mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi. Theo các bộ sử thi Mahābhārata và Rāmāyaṇa, giống dân Aryan thường cư trú tại đồng bằng sông Hằng vì dòng sông này là khởi nguồn của bảy con sông thiêng tại Ấn Độ.

    Các huyền thoại khác nhau về nguồn gốc của dòng sông này được tìm thấy trong các sử thi, các bộ huyền sử cùng các kệ tụng bằng Phạn ngữ. Một trong những huyền thoại phổ biến nhất kể lại như sau:

    Tương truyền vua Sagara có hai người vợ rất đáng yêu. Người vợ đầu sanh sáu mươi ngàn người con và người vợ thứ hai chỉ sanh một người con. Trong một buổi lễ nọ, vì mải đuổi bắt một con ngựa, sáu mươi ngàn vương tử đã quấy rầy sự yên tĩnh của thánh Kapila nên vị này đã dùng lửa trong mắt mình thiêu sống tất cả các vương tử kia. Về sau, Bhagiratha, người cháu nội của vua Sagara đã cầu thỉnh được nữ thần sông Hằng và thần Śiva. Từ thiên giới, sông Hằng chảy xuống qua và chân của thần Śiva trước khi chảy xuống mặt đất. Theo tín đồ Ấn giáo, nơi mà sông Hằng chảy từ thiên giới xuống chân của thần Śiva chính là khu vực Gangotri ngày nay. Vừa lúc sông Hằng chảy xuống mặt đất, Bhagiratha liền lên ngựa quay về nơi các vương tử bị thiêu sống. Dòng sông Hằng chảy theo chân của Bhagiratha đến nơi ấy và linh hồn các vị vương tử ấy được siêu thoát. Nơi mà tro cốt của các vương tử được hòa trong sông Hằng chính là đảo Sagar, từ nơi này sông Hằng bắt đầu đổ ra đại dương.

    Với một niềm tin sâu đậm từ huyền thoại trên, tín đồ Bà-la-môn giáo ngày xưa hay Ấn giáo ngày nay thường hành hương đến năm địa điểm quan trọng của con sông này, đó là: Gangotri, nguồn của sông; Hardwar, nơi sông đổ vào đồng bằng; Prayāg, nơi giao lưu của sông này với hai con sông lớn khác là Yamunā và Sarasvatī; Kāsī (Ba-la-nại), trú xứ của thần Śiva; và Sagar, nơi sông Hằng đổ ra biển. Khi đến những nơi ấy, người ta thường tắm rửa, uống nước, lễ bái và cầu nguyện. Hàng triệu người đến tắm trên sông Hằng mỗi ngày. Tín đồ Ấn giáo luôn tin rằng những ai được tắm, hoặc thậm chí thấy tận mắt con sông này sẽ tiêu trừ được tội lỗi và tiến gần đến bờ giải thoát. Những ai không đến được dòng sông này thường hành lễ với nước sông được những người hành hương mang về.

    Trong số những nơi hành hương của người Ấn, có lẽ Ba-la-nại là nơi đông đúc nhất. Ba-la-nại được mệnh danh là thành phố thiêng, nhưng nó cũng có tên là thành phố hỏa táng. Người dân Ấn ở khắp nơi đổ về thành phố này để làm lễ hỏa táng cho người thân. Thường thì tử thi được quấn trong những lớp vải trắng hoặc đỏ, và được đưa lên đài hỏa táng đốt bằng củi sau vài lời cầu nguyện ngắn của người dự lễ. Người dự lễ không tỏ ra đau xót hay than khóc, vì họ tin rằng sau khi hoả táng, tro cốt của người chết sẽ được rải trên sông Hằng và nhờ đó họ được giải thoát. Việc hỏa táng diễn ra suốt hai mươi bốn giờ trong ngày. Tại những bến sông ở thành phố này, có những đoạn dài chỉ khoảng bảy cây số nhưng có đến hai ngàn ngôi đền lớn, nhỏ nằm san sát nhau. Mỗi khi bình minh lên, tất cả những sinh hoạt tôn giáo nơi đây như bừng dậy, sôi động và nhộn nhịp. Các đạo sĩ Bà-la-môn ra bến sông rung chuông và nâng cao những cây đèn lửa hướng về phía mặt trời đang mọc, miệng lâm râm tụng kinh, dân chúng đổ xuống sông tắm, kẻ đốt nến, người dâng hoa, lại có những người ngồi theo tư thế Yoga dọc theo những hàng tâng cấp, từng đàn chim bay lượn trên bầu trời mờ ảo, du khách phương xa đáp thuyền dạo sông, thả đèn trên dòng nước và ngắm bình minh đang lên bên kia bờ sông. Trời càng về sáng, bến sông càng đông đúc hơn, thuyền bè bắt đầu rời bến, người người chen nhau ra sông tắm giặt, cầu nguyện, thả tro cốt người chết và lấy nước sông đem về.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...