Sách Sóng chìm

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Cuốn sách, theo như lời phi lộ của tác giả, lấy sự kiện tàu không số đã từng chở vũ khí vào Vũng Rô - Phú Yên làm bối cảnh. Và câu chuyện xoay quanh những số phận của người dân làng Cát. Giáo Sinh bỏ nghề dạy học, đi làm cách mạng rồi lên tới chức Bí thư Tỉnh ủy, chỉ huy mạng lưới điệp báo do ông gây dựng, còn tình riêng, ông vẫn đau đáu trong lòng bởi mối tình đầu không thành với Ba Hương. Cô lấy Trần Nhũng, con nhà địa chủ, sau trở thành gã Hội đồng khát máu. Đứa con của cô là Ba Hoàng sau lớn lên cũng theo chân Trần Nhũng làm cho CIA, gây bao tội ác với làng xóm. Còn Tư Nhâm, cô là một điệp báo viên, một mắt xích trọng yếu trong đường dây mà Sáu Sinh tổ chức. Cô luôn phải ẩn mình trong vỏ bọc đàn bà hư, không chồng mà có con (bé Thảo), mặc dù chồng cô chính là Tư Lăng - một cán bộ tập kết, giữ chức thuyền phó tàu không số. Hơn chục năm trời, Tư Nhâm phải sống trong vỏ bọc đó, chịu bao đau khổ vì xa chồng, xa con, bao điều tiếng của người làng để làm tốt nhiệm vụ. Ngày tàu không số cập Vũng Rô, được Sáu Quyên báo Tư Lăng trở về, chị khấp khởi đi gặp anh thì cũng là lúc nhận được tin vì tàu bị lộ, có quyết định phá hủy tàu, Tư Lăng đã dũng cảm gài lại mìn và hi sinh cùng con tàu. Đau đớn, mất mát cùng cực nhưng Tư Nhâm vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, cố gắng làm tròn phận sự của mình trước yêu cầu của cách mạng. Vì sợ tổ chức và bản thân bị lộ, vì hiểu với vai trò của mình có thể đóng góp rất lớn cho cách mạng, Tư Nhâm nén lòng nhận lời cầu hôn của viên thiếu tá ngụy Hai Rạng, người theo đuổi cô bấy lâu nay. Cô lại có một vỏ bọc chắc chắn hơn, đóng góp được cho cách mạng nhiều hơn nhưng phải chịu bao đau khổ vì không chỉ bà con xóm làng mà cả mẹ cô, con gái, cậu ruột đều xa lánh, dè bỉu.


    Đường dây Sáu Quyên - A5 - Tư Nhâm hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhưng Ba Hoàng, với sự thính nhạy của kẻ làm tay chân cho CIA và sự khát máu điên cuồng đã theo dõi, nghi ngờ Tư Nhâm, bắt và giết Sáu Quyên. Trong một cuộc vây ráp, săn đuổi, Ba Hoàng hỉ hả vì đã bắn chết được Bí thư Tỉnh ủy Sáu Sinh, và rồi sau đó y bàng hoàng khi được ông Năm Bào thông báo rằng Sáu Sinh chính thực là cha ruột của y. Lấy Hai Rạng vì nhiệm vụ, Tư Nhâm hiểu rõ con người anh ta tuy đi sai đường nhưng có hiểu biết, học thức và nhất mực yêu vợ, nên dần dần tình cảm trong cô đã nảy sinh và thành hình hài trong đứa con trai nhỏ (cu Đức). Cuộc kháng chiến chống Mỹ càng giành được nhiều thắng lợi và ngày chiến thắng đã đến gần. Tư Nhâm sống trong tâm trạng vui buồn khó tả, vui vì thành quả cách mạng mà cô và Tư Lăng cùng bao đồng đội đã chịu đựng gian khổ, hi sinh cống hiến sắp thành hiện thực; buồn vì biết sắp phải xa chồng con. Ngày quân giải phóng tiến vào Phú Yên, Hai Rạng tuy biết được sự thật rằng vợ mình chính là chiến sĩ điệp báo của Cộng sản nằm vùng nhưng vì yêu vợ vẫn hối thúc Tư Nhâm di tản cùng hai cha con. Tư Nhâm vẫn nhất quyết ở lại. Sáu Sinh - người chỉ huy đường dây điệp báo, Sáu Quyên - người liên lạc giữa A5 (trung sĩ Độ, tùy tùng của Ba Hoàng) và Tư Nhâm, cả hai đều đã hi sinh. Không còn ai biết rõ, không còn ai chứng minh cho những hoạt động, những chiến công của A5 và Tư Nhâm. Hai Độ phải ra trình diện và đi cải tạo vì mang danh trung sĩ ngụy quyền. Tư Nhâm sống trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh bởi mang danh vợ một thiếu tá ngụy đã di tản.


    Chọn đề tài về những chiến sĩ điệp báo nằm vùng, nhà văn Đình Kính đã khai thác khá toàn diện công việc, nhiệm vụ, đời sống tinh thần của họ, những chiến công không thể phủ nhận và cả những nỗi đau, sự mất mát mà họ phải chịu đựng. Tiêu biểu là hình ảnh Tư Nhâm. Chị đã phải hi sinh hạnh phúc riêng tư của mình, phải xa chồng, xa con, tạo một vỏ bọc để hoạt động, mặc dù biết mang vỏ bọc ấy là phải sống trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh. Rồi những nỗi đau mất chồng, con ruột, mẹ ruột từ mặt, có lúc tưởng chừng chị không thể đứng vững. Nhưng vì nghĩ cho đại cục, cho cách mạng, cho tự do, độc lập mà chị gắng dậy, vững vàng làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao. Những tin tức mà Tư Nhâm có được nhờ vai trò vợ thiếu tá Hai Rạng đã khiến cho phía ta tránh được bao cuộc đổ máu và lập nhiều chiến công lớn, chủ động trên chiến trường. Nhưng khi ngày chiến thắng cận kề, Tư Nhâm còn phải đối diện với nỗi đau lớn hơn. Bé Thảo - đứa con với Tư Lăng thì biệt tích. Cu Đức theo cha di tản. Dù thương con đứt ruột, Tư Nhâm quyết ở lại trên mảnh đất quê hương, nhận về mình những thiệt thòi. Chị đã phải đối diện với nỗi đau lớn nhất của một người mẹ, nỗi đau mất con. Trong khi đó, những mối liên lạc với cách mạng của chị đã hoàn toàn bị cắt đứt. Sáu Sinh, Sáu Quyên đã hi sinh cả. A5 thì lại có vỏ bọc là trung sĩ ngụy, tự bản thân anh cũng không thể chứng minh cho mình. Không ai có thể đứng ra làm chứng cho quá trình hoạt động, những thiệt thòi, mất mát, hi sinh của Tư Nhâm. Tuy vậy họ vẫn kiên gan sống và từ trong lòng luôn thanh thản với những điều đã làm được cho cách mạng, cho quê hương như lời Hai Độ: “Ta gắng làm một con người tốt, hữu ích, chỉ cần ta hiểu cho ta là đủ ”.


    Viết về đề tài này, nhà văn Đình Kính đã đi sâu tìm hiểu và khai thác tâm lý nhân vật khá thành công. Đọc bản thảo có cảm giác như nhà văn đã hóa thân vào nhân vật để cùng sống cuộc sống thực của họ, của những con người như Tư Nhâm. Ông đã hóa thân để cảm nhận, để đi tận cùng tâm lý nhân vật trong những cảnh huống rất thực, rất đời mà như trò đùa của tạo hóa, của số phận cùng những vui buồn lẫn lộn đan xen trong nhân vật. Xây dựng hình ảnh, phản ánh tâm lý Tư Nhâm thực sự là rất khó. Song ở đây, thiết nghĩ nhà văn Đình Kính đã thành công. Bởi qua câu văn, con chữ của ông, người đọc có thể thấu hiểu, đồng cảm với nỗi cô quạnh rất đời của người đàn bà đương thì với những khát khao rất con người; những nỗi đau, sự mất mát bởi xa con, mất chồng; những đan xen phức tạp trong Tư Nhâm khi đối diện với Hai Rạng; những đau khổ mà kết truyện cô vẫn phải đối diện. Cuộc đời Tư Nhâm, có thể nói là một chuỗi dài những nỗi đau nối tiếp nhau. Chị đã lần lượt hai lần phải chịu đựng nỗi đau xa con, hai lần chịu đựng nỗi đau mất chồng (dù lấy Hai Rạng với mục đích là cơ sở cho cách mạng). Xét ở khía cạnh con người, khía cạnh nhân bản, còn nỗi đau nào lớn hơn. Song, điều đáng khâm phục ở Tư Nhâm là dù ở hoàn cảnh nào, chị nhận thức rõ mình thiệt thòi, đau đớn, nhưng chị luôn biết vượt qua chính mình, hi sinh cho cách mạng, cho sự nghiệp chung. Chị tựa hình ảnh những con sóng chìm mà nhà văn lấy làm kết truyện. Những con sóng đó dù chìm dưới sâu thẳm đại dương, dù nhẹ nhàng hay cồn lên từng đợt thì ngàn năm vẫn vỗ vào bờ. Với hình ảnh Tư Nhâm, nhà văn Đình Kính muốn gửi gắm đến độc giả thông điệp: Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng nhìn lại nó, vẫn còn rất nhiều điều đáng nói; những chiến sĩ điệp báo như Tư Nhâm, A5 đã phải gánh chịu bao thiệt thòi, mất mát để góp phần không nhỏ cho cách mạng, song khi cuộc sống bình yên rồi, rơi vào hoàn cảnh bị cắt đứt liên lạc với cách mạng, họ còn phải chịu nhiều đau khổ hơn. Quan trọng nhất là với bản lĩnh của những người cộng sản, họ luôn biết vượt lên hoàn cảnh để sống có ích cho đời. Chiến tranh là như vậy. Có những khúc tráng ca hào hùng song cũng có những nốt nhạc trầm buồn. Sóng chìm là một tác phẩm như thế.

     

    Các file đính kèm:

Đang tải...