Luận Văn Sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (từ 1997 đến 2008)

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu

    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    Từ xưa đến nay, ruộng đất luôn là tư liệu sản xuất quan trọng, thứ tài sản quý giá của mọi quốc gia, nhất là đối với các quốc gia có đa số cư dân làm nghề nông nghiệp.
    William Petty (1623-1687) một nhà kinh tế học ở thế kỷ XVII đã nhận định về tầm quan trọng của đất đai đối với đời sống con người như sau: “Lao động là cha, đất là mẹ của của cải vật chất”.
    Việt Nam là một quốc gia có hơn 90% dân số làm nông nghiệp cho nên ruộng đất càng trở nên quan trọng và quý giá. Phần mở đầu của luật đất đai được quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ 15-10-1993 đã nhận định:
    “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bổ các nhu cầu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng”.
    Ở nước ta, dưới chế độ phong kiến, nông nghiệp luôn luôn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nó là nguồn chủ yếu cung cấp lương thực, thực phẩm; là ngành duy nhất tạo ra thức ăn các loại cho con người.
    Mà ruộng đất và nông dân lại là yếu tố cơ bản của nông nghiệp và nông thôn. “Ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, là loại tư liệu sản xuất đặc biệt, không gì có thể thay thế được”. Chính vì vậy mà các nhà nước phong kiến luôn quan tâm đến vấn đề ruộng đất. Các vương triều phong kiến luôn đề ra những chính sách nhằm nắm được ruộng đất để có nguồn thu thuế làm bổng lộc, lương cho đội ngũ quan lại, binh lính và giải quyết phần nào những đòi hỏi của nông dân.
    Đầu năm 1930, từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập thì cách mạng ruộng đất đã trở thành nội dung chủ yếu của nhiệm vụ chống phong kiến, là một trong hai nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Với đường lối đúng đắn, coi ruộng đất là nội dung cơ bản của chính sách liên minh công nông, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945, sau đó đánh đuổi thực dân Pháp 1954.
    Sau năm 1954, đất nước chia cắt thành hai miền Nam, Bắc với những hoàn cảnh và nhiệm vụ cách mạng khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng đã chủ trương tiến hành tập thể hóa nông nghiệp từ năm 1958 trở đi. Theo đó, hầu hết ruộng đất cũng như sản xuất nông nghiệp đều đặt dưới sự quản lý của hợp tác xã. Miền Nam còn chưa được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc phong kiến nên nhiệm vụ của cách mạng ruộng đất lúc này là: “Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng”. Thắng lợi của cách mạng ruộng đất đã xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất, bóc lột của địa chủ phong kiến và thực dân, thực hiện triệt để khẩu hiệu: “Người cày có ruộng”.
    Trước yêu cầu đổi mới và để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, ngày 13/1/1981, chỉ thị 100 CT/TW ra đời quyết định chủ trương thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Năm 1981 được coi là dấu mốc khởi đầu cho một quá trình đổi mới từng bước cơ chế quản lý nông nghiệp nói chung, cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp nói riêng ở nước ta. Tiếp theo đó, ngày 5/4/1988, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (gọi tắt là Nghị quyết 10). Nghị quyết 10 đã tiến một bước dài trong việc định lại vị trí của kinh tế hộ gia đình và vai trò quyền lợi của người lao động trong quan hệ kinh tế nông thôn. Từ đây, ruộng đất đã chuyển từ chế độ sở hữu tập thể sang chế độ công hữu tư dụng (sở hữu tư nhân hạn chế).
    Năm 1997, sau hơn 30 năm hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, tỉnh Thái Nguyên đã được tái lập lại gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên. Trong đó, huyện Phú Bình nắm giữ một vị trí quan trọng, Đảng bộ Phú Bình trở thành đầu mối trực thuộc tỉnh ủy Thái Nguyên. Sự đổi mới của Đảng đã đáp ứng đúng tâm lý, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, khơi dậy một khí thế mới, cổ vũ hàng triệu hộ nông dân bỏ vốn, bỏ sức phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn. Tại Phú Bình, diện tích và sản lượng lúa không ngừng tăng. Năm 1998 diện tích lúa gieo trồng tăng từ 12952 ha lên 13528 ha (năm 2000), sản lượng lúa tăng từ 43399 tấn (năm 1998) lên 52085 tấn (năm 2000). Sở dĩ sản lượng cũng như diện tích trồng lúa của huyện Phú Bình trong những năm này ổn định và có sự tăng trưởng khá là do sự thay đổi về sở hữu và sử dụng ruộng đất. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có một công trình khoa học hay một tài liệu chuyên khảo nào nghiên cứu một cách chi tiết về vấn đề này.
    Xuất phát từ lý do nêu trên chúng tôi chọn đề tài “Sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên 1997-2008” làm đề tài khoá luận tốt nghiệp. Chúng tôi hi vọng sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc tìm hiểu mức độ sử dụng ruộng đất của từng giai tầng. Trên cơ sở đó, giúp chúng ta có cái nhìn căn bản và toàn diện về tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, tập quán sản xuất Từ đó, tác giả mong muốn đóng góp thêm cơ sở khoa học cho Đảng bộ và địa phương trong việc quản lý ruộng đất, phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
    2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
    Cho đến nay, vấn đề ruộng đất đã được trình bày trong nhiều tác phẩm của các nhà lãnh đạo Đảng ta và các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
    Về lịch sử chế độ ruộng đất thời kỳ cổ trung đại và cận đại có các chuyên khảo của các tác giả như: Phan Huy Lê: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ, Nxb Văn-sử-địa, Hà Nội, 1959; Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XVII, Nxb khoa học xã hội, tập 1, Hà Nội, 1982
    Về vấn đề ruộng đất trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ có tác phẩm: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975 của đồng chí Trường Chinh; giai cấp vô sản với vấn đề nông dân trong cách mạng Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1965 của đồng chí Lê Duẩn.
    Về vấn đề ruộng đất, nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ đổi mới có những tác phẩm như: Thực trạng nông nghiệp nông thôn và nông dân Việt Nam từ năm 1976 đến 1990, Nxb Thống Kê, Hà Nội, 1991 của Nguyễn Sinh Cúc; vấn đề sở hữu và sử dụng ruộng đất trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở Việt Nam, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội, 1999 của Hoàng Việt.
    Gần đây, nhất là tác phẩm “Quá trình thực hiện quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân ở Thái Nguyên (1945-1957); Nxb chính trị quốc gia của tiến sĩ Nguyễn Duy Tiến. Một công trình nghiên cứu quy mô về tình hình cải cách ruộng đất của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 1945-1957 xem xét mức độ sở hữu, phương thức sử dụng ruộng đất của từng giai tầng. Tiếp theo là đề tài luận văn thạc sĩ lịch sử : sở hữu và sử dụng ruộng đất ở tỉnh Thái Nguyên (1988- 2005) của Phí Văn Liệu; Đại học sư phạm – ĐHTN ;2009 cũng đã bảo vệ thành công và nhận được sự đánh giá cao.
    Bên cạnh đó có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề ruộng đất huyện Phú Bình như:
    Tác phẩm “Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ” của Tạ Thị Thúy.
    Tác phẩm “Tiểu chí Thái Nguyên” 1932 của công sứ Pháp E. Chinard có đề cập nhiều vấn đề như diện tích đất đai, chăn nuôi, một số đồn điền lớn ở Thái Nguyên trong đó có huyện Phú Bình.
    Luận văn “Huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX” của tác giả Lê Thị Thu Hương. Một công trình nghiên cứu tập hợp có hệ thống các tài liệu và kết quả nghiên cứu về tình hình sở hữu ruộng đất của huyện Phú Bình”.
    Đề tài nghiên cứu khoa học “Đồn điền của thực dân Pháp ở huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên” của Trương Thị Khánh Dung tập trung nghiên cứu những hoạt động chung nhất của quá trình cướp đất, khai thác, quản lý và bóc lột của thực dân Pháp tại các đồn điền ở huyện Phú Bình trong giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1945.
    Với số lượng tài liệu đồ sộ trên đây, tình hình ruộng đất, nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở nước ta trong suốt một thời kỳ dài đã phần nào được làm rõ. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu nhỏ hẹp là “Sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên 1997-2008” thì cho tới nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu. Mặc dù vậy, các công trình nghiên cứu đi trước đã phác họa bức tranh toàn cảnh về vấn đề ruộng đất, nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Đó là ý kiến gợi mở quý báu, là cơ sở để tôi nghiên cứu và hoàn thành khoá luận tốt nghiệp.

    3. Đối tượng nghiên cứu, mục đích và phạm vi nghiên cứu
    3.1 Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu đề tài là:
    Tìm hiểu về tình hình sở hữu và sử dụng ruộng đất trong đó nhấn mạnh về phương thức khai thác ruộng đất ở huyện Phú Bình – một huyện có 98,8% cư dân nông thôn sống bằng nông nghiệp trong các làng xã từ sau khi có quyết định tách tỉnh năm 1997.
    3.2 Mục đích nghiên cứu
    Trên cơ sở hệ thống hóa các nguồn tư liệu và các kết quả nghiên cứu về ruộng đất huyện Phú Bình, mục đích của đề tài nghiên cứu này là nhằm:
    Hệ thống hoá các nguồn tư liệu về ruộng đất ở huyện Phú Bình từ 1997-2008.
    Xem xét sự thay đổi về hình thức sở hữu và phương thức sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình so với giai đoạn trước đó.
    Xem xét những biến đổi trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Bình.
    Tìm hiểu những mặt mạnh, những vấn đề còn yếu kém ở địa phương trong quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó đưa ra một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân huyện Phú Bình.
    3.3 Phạm vi nghiên cứu
    Phạm vi không gian được nghiên cứu của đề tài là toàn bộ huyện Phú Bình hiện nay.
    Phạm vi thời gian được nghiên cứu là từ năm 1997 (từ khi có quyết định tách tỉnh) đến 2008.
    4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
    4.1 Nguồn tư liệu
    Để hoàn thành đề tài nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các nguồn tài liệu sau:
    Tài liệu chuyên khảo: các tạp chí chuyên ngành, các tác phẩm thông sử đã được công bố và xuất bản
    Tài liệu lưu trữ: bao gồm các Thông tư, Chỉ thị, Sắc lệnh, Số liệu thống kê, Báo cáo của các cơ quan, Đảng và nhà nước các cấp đang lưu tại phòng lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên, lưu trữ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Đây đều là những tài liệu có độ chính xác cao và đáng tin cậy.
    Nguồn tư liệu địa phương: Lịch sử đảng bộ huyện Phú Bình, Dư địa chí Thái Nguyên (trong đó có ghi chép rất kỹ về huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên).
    Nguồn tư liệu điền dã: để hiểu thêm thực tế những vấn đề ruộng đất trong thời kỳ này, cũng như để thẩm định một số vấn đề mà tư liệu lưu trữ không nói rõ hoặc có những mâu thuẫn, tôi đã tiến hành các đợt thực địa tại huyện Phú Bình. Qua đó cũng phần nào thấy được những thay đổi trong đời sống của nhân dân.
    Ngoài ra các tư liệu truyền miệng do các cụ già cao tuổi kể lại rất phong phú và đa dạng giúp tôi có thêm những tư liệu cần thiết để hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. Đồng thời đề tài còn được kế thừa những kinh nghiệm quý báu từ những công trình nghiên cứu trước đó.
    4.2 Phương pháp nghiên cứu
    Từ nguồn tư liệu trên, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và logic là chủ yếu.
    Đề tài cũng sử dụng phương pháp thống kê, đối chiếu, so sánh nhằm rút ra sự tương đồng hay khác biệt về sở hữu và sử dụng ruộng đất của địa bàn qua các thời điểm cũng như giữa địa bàn với nơi khác.
    Ngoài ra đề tài còn sử dụng phương pháp điền dã và phương pháp hệ thống.
    Do các nguồn tư liệu báo cáo, số liệu thống kê còn nhiều chỗ cần làm rõ. Vì vậy tôi đã tiến hành khảo sát thực địa tại một số nơi để sưu tầm tư liệu mà các báo cáo, số liệu thống kê không phản ánh đầy đủ.
    5. Đóng góp của đề tài
    Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình giai đoạn 1997-2008. Trên cơ sở các nguồn tư liệu, đề tài góp phần làm rõ những biến đổi về tình hình ruộng đất ở huyện Phú Bình từ năm 1997-2008 trên các phương diện hình thức sở hữu, phương thức khai thác và sử dụng.
    Trên cơ sở đánh giá thực trạng ruộng đất ở huyện Phú Bình, đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân huyện Phú Bình. Qua đó, mong muốn đóng góp thêm cơ sở khoa học giúp các nhà hoạch định đề ra được những chính sách phù hợp thúc đẩy nông nghiệp của huyện Phú Bình phát triển.
    6. Cấu trúc của đề tài
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục, tài liệu tham khảo, bản đồ, nội dung của đề tài được chia làm ba chương:
    Chương 1: Khái quát về huyện Phú Bình
    1.1 Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
    1.2 Điều kiện kinh tế, xã hội
    Chương 2: Chuyển biến sở hữu ruộng đất ở huyện Phú Bình dưới tác động của khoán 10
    2.1. Sở hữu ruộng đất ở Phú Bình trước khoán 10
    2.2 Chuyển biến sở hữu ruộng đất ở Phú Bình dưới tác động của khoán 10
    Chương 3 : Sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (1997 – 2008)
    3.1 Các hình thức sở hữu
    3.2 Hiện trạng sử dụng ruộng đất
    3.3 Phương thức khai thác
    3. 4. Một vài giải pháp nhằm nâng cao quyền sở hữu và hiệu quả sử dụng ruộng đất cho nông dân ở huyện Phú Bình trong giai đoạn hiện nay




     

    Các file đính kèm:

Đang tải...