Luận Văn Sinh kế hiện nay của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Thảo luận trong 'Dân Tộc Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Trong những năm qua Việt Nam không ngừng có những chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Điều đó đã chứng minh và khẳng định dù trải qua thăng trầm lịch sử, qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt mà dân tộc ta vẫn đứng vững và vươn lên, đó là vì truyền thống yêu nước cộng hưởng với sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em đang từng ngày, từng giờ cùng chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, vươn cao cùng bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
    Thực tế cho thấy, trong công cuộc xây dựng đất nước, mục tiêu của Đảng ta là phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Cụ thể là Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình để phát triển toàn diện các địa bàn miền núi và biên giới là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt quan tâm tới những vùng còn nhiều khó khăn, để cho miền núi cũng như đồng bằng, dân tộc đa số hay thiểu số đều có điều kiện phát triển như nhau, đời sống được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
    Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang áp dụng nhiều chính sách nhất quán và mang tầm chiến lược đối với tất cả các vùng miền và các dân tộc thiểu số trên cả nước. Trong các chính sách đó, vấn đề sinh kế tộc người luôn được đặt lên hàng đầu. Ngay từ Đại hội VIII của Đảng, chương trình xóa đói giảm nghèo đã được triển khai trên toàn quốc, tập trung lớn ở các tỉnh miền núi, ven biển, hải đảo và biên giới với các chương trình 133, 134, 135 và chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 - 2010). Cuối năm 2008 lại có thêm Nghị quyết 30a (hỗ trợ cho 61 huyện nghèo) với hàng loạt kế hoạch về định canh, định cư và xây dựng khu kinh tế mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp nông - lâm - ngư . trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
    Tuy nhiên, tùy từng vùng miền, việc thực thi các chính sách hay chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo có thể ứng biến một cách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh và môi trường nơi đó. Nước ta có thành phần dân tộc đa dạng gồm 54 dân tộc anh em, các hoạt động sinh kế của họ cũng rất phong phú và đều tác động vào môi trường tự nhiên để tạo ra của cải vật chất đảm bảo cuộc sống mưu sinh. Sinh kế các tộc người đều không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh bức tranh sinh kế truyền thống - phương thức sản xuất mang tính đặc trưng tộc người, trong bối cảnh hội nhập và xu hướng mở rộng kinh tế thị trường, các tộc người không ngừng tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội để xác lập thêm nhiều sinh kế mới, nhằm cải thiện, nâng cao hơn về đời sống, tích cực vươn lên đẩy lùi đói nghèo. Thực trạng hoạt động sinh kế hiện nay ở người Dao nói chung và người Dao Thanh y nói riêng là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.
    Mặt khác, vấn đề sinh kế tộc người hiện vẫn đang được quan tâm đặc biệt của rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu, của các cấp các ngành, trong đó vấn đề đặt ra để làm sao đảm bảo sinh kế bền vững là yêu cầu bức thiết phải đạt được. Song, mấu chốt vẫn phải nắm bắt được đặc điểm sinh kế của con người và tộc người ở mỗi vùng, mỗi khu vực, từ đó mới có thể định hướng và hoạch định chính sách phát triển sinh kế bền vững. Bởi những lí do trên, tôi chọn đề tài: Sinh kế hiện nay của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang làm đề tài nghiên cứu cho Báo cáo tập sự của mình.
    2. Mục tiêu nghiên cứu
    Trên cơ sở các tài liệu đã được công bố, nhất là nguồn tư liệu điền dã dân tộc học (nguồn tư liệu chính) mà bản tôi thân thu thập được tại địa bàn được chọn, mục tiêu nghiên cứu của đề tài tập sự này như sau:
    - Trình bày một cách tổng quan về bức tranh sinh kế của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang;
    - Nêu lên những hoạt động sinh kế của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân trong bối cảnh hiện nay;
    - Khuyến nghị một số giải pháp cho việc phát triển sinh kế bền vững hơn trong khung cảnh mới đối với người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tinh Tuyên Quang.
    Kết quả thực hiện mục tiêu nghiên cứu của đề tài đã được thể hiện rõ trong bản báo cáo tập sự. Cụ thể là nội dung của bản báo cáo này đã trả lời được các câu hỏi như sau:
    Thứ nhất: Sinh kế truyền thống của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân trước đây bao gồm những hoạt động như thế nào? Câu hỏi này được thể hiện ở Chương 2 của báo cáo với 2 nội dung chính: Một số khái niệm về sinh kế - sinh kế tộc người; các hoạt động sinh kế truyền thống của người Dao Thanh y.
    Thứ hai: Trong bối cảnh hiện nay, sinh kế của người Dao Thanh y thay đổi như thế nào? Dưới tác động của yếu tố nào? Đây là nội dung của Chương 3 trong báo cáo, cụ thể là đã giải quyết 2 vấn đề lớn: Bức tranh sinh kế của người Dao Thanh y hiện nay và yếu tố tác động tới sự biến đổi sinh kế.
    Thứ ba: Những giải pháp gì có thể đặt ra để các cấp các ngành trợ giúp người Dao Thanh y phát huy được các thế mạnh của mình cũng như biết nắm bắt cơ hội, đối mặt với thử thách mà tộc người sẽ phải lựa chọn?
    Qua đó, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng muốn cung cấp thêm một số tư liệu nhằm góp phần cho việc hiểu biết và nghiên cứu về người Dao nói chung và người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân nói riêng. Từ đó, có những chính sách giúp họ phát huy được thế mạnh sẵn có, tận dụng được nhiều hơn cơ hội làm giàu cho chính tộc người mình và làm giàu cho xã hội.
    3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
    Người Dao ở nước ta có số lượng tương đối đông, đứng hàng thứ 9 sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ me, Hoa, Nùng và Hmông. Tính đến tháng 4 năm 2009, dân số người Dao ở nước ta là 751.067 người, trong đó nam 377.185 người, nữ 373.882 người, được xếp vào nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao thuộc ngữ hệ Nam Á. Ngoài tên gọi chung là Dao, còn có tên gọi khác là: Mán, Động, Trại, Dìu miền, Kiềm miền, Kìm mùn . được phân bố ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng . Trong đó Tuyên Quang có số lượng người Dao khá đông. Ngoài ra, người Dao còn có mặt ở một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên như Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước . Bởi vậy, người Dao ở nước ta đã từ lâu luôn là đối tượng được quan tâm của nhiều ngành khoa học và nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
    Người đầu tiên ở nước ta viết về người Dao là Lê Quý Đôn với tác phẩm Kiến văn tiểu lục đã phác họa một vài nét khái quát về đặc điểm hoạt động sinh kế, phong tục của người Dao xứ Tuyên Quang. Sau đó, các tác giả Hoàng Bình Chính với Hưng Hóa phong thổ lục, Phạm Thận Duật trong tác phẩm Hưng Hóa kí lược cũng đã đề cập tới một số nhóm người Mán như Mán Sừng (Dao Đỏ), Mán Đạn Tiên (Dao Làn Tiẻn), kể cả nhóm người Sơn Tạng và nhóm Mán ở châu Thủy Vĩ Văn Bàn (Lào Cai)
    Năm 1959, nhà dân tộc học Mạc Đường trong cuốn Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1959) đã tổng hợp rất nhiều tư liệu và thông tin về Người Dao trên lãnh thổ Việt Nam, từ khu vực cư trú, tên gọi, đặc điểm văn hóa - xã hội, phong tục tập quán cũng như hoạt động kinh tế tộc người. Năm 1968 Phan Hữu Dật viết chung với Hoàng Hoa Toàn Về vấn đề xác minh và phân loại nhóm Dao ở Tuyên Quang in trong cuốn “Một số vấn đề Dân tộc học” đã trình bày các cơ sở khoa học phân loại các nhóm Dao ở Tuyên Quang nói chung, về sau phương pháp phân loại này cũng đã được nhiều công trình nghiên cứu tiếp thu.
    Trong lĩnh vực văn hóa vật chất không thể không kể tới Nguyễn Khắc Tụng đã có không ít công trình nghiên cứu về đặc điểm cư trú và nhà ở của người Dao ở Việt Nam. Đặc biệt, Ông là người đầu tiên tìm ra những tiêu chí khá thuyết phục để phân chia tộc người Dao ở nước ta thành nhiều ngành nhóm địa phương khác nhau. Bên cạnh đó, Nguyễn Khắc Tụng cùng với tập thể tác giả Bế Viết Đẳng, Nông Trung và Nguyễn Nam Tiến đã viết và cho xuất bản cuốn sách Người Dao ở Việt Nam (1971). Cuốn sách này được coi như cẩm nang cho những ai bước đầu tìm hiểu và nghiên cứu về người Dao ở nước ta. Ngoài các vấn đề liên quan đến nguồn gốc lịch sử, địa vực cư trú, phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa của người Dao, cuốn sách đó còn đề cập khá sâu về hoạt động sinh kế của người Dao ở cả 3 vùng sinh thái trong những năm trước năm 1970, trong đó có tỉnh Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.
    Đặc biệt, vào năm 1972, hai tác giả Hà Văn Viễn và Hà Văn Phụng đã cho ra mắt cuốn sách chuyên khảo với tiêu đề Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang (1972). Trong đó, nội dung cuốn sách này cũng đã có nhiều tư liệu viết về tập quán hoạt động sinh kế của người Dao ở tỉnh Tuyên Quang nói chung, ở huyện Yên Sơn nói riêng.
    Một trong những tài liệu không thể không nhắc tới là cuốn Sự phát triển văn hóa xã hội người Dao: Hiện tại và tương lai do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản tại Hà Nội 1998. Đây là công trình tập hợp các bài viết, các bài nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế trình bày tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về người Dao (tổ chức tại thành phố Thái Nguyên vào tháng 12 năm 1995). Nội dung các bài viết về người Dao trong công trình này đã thể hiện trên tất cả các khía cạnh từ nguồn gốc lịch sử, trang phục, phong tục tập quán . đến sự phát triển kinh tế xã hội của người Dao ở nước ta thời kỳ trước và sau đổi mới. Trong đó, nổi bật lên là các vấn đề về nhân học ứng dụng, nhân học phát triển như nghiên cứu về tri thức của người Dao với việc quản lí tài nguyên thiên nhiên. Hay như vấn đề phát triển nông thôn miền núi và dân tộc trong thời kì chuyển đổi kinh tế .
    Riêng các công trình và nghiên cứu đã được công bố viết về người Dao ở tỉnh Tuyên Quang, ngoài các cuốn sách như Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang (1972), Các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang (2003) . trong nhiều năm trước đây cho đến nay cũng đã có nhiều luận văn, luận án, kể cả khóa luận tốt nghiệp của sinh viên các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học văn hóa Hà Nội viết về người Dao ở Tuyên Quang dưới nhiều góc độ. Trong đó có một số đáng chú ý sau đây:
    + Những biến đổi của dân tộc Dao ở Tuyên Quang trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp (Luận văn tốt nghiệp Đại học của Nguyễn Văn Huy, 1967). Nội dung luận văn này đã đề cập đến các hoạt động sinh kế của người Dao ở Tuyên Quang trong thời kỳ làm ăn theo cơ chế hợp tác xã .
    + Vai trò phụ nữ dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Luận văn tốt nghiệp của Lý Thị Thanh Hà, 1999).
    + Văn hóa truyền thống người Dao Đỏ với dự án di dân tái định cư ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Khóa luận tốt nghiệp cử nhân văn hóa, 2008 của Triệu Thị Nhất).
    + Trang phục cổ truyền người Dao Đỏ ở Na Hang, Tuyên Quang (Luận văn thạc sĩ khoa học văn hóa, 2000 của Đặng Thị Quang) .
    Những nghiên cứu trên đã ghi lại những phong tục tập quán cũng như đặc điểm sinh kế của người Dao ở Tuyên Quang nói chung, có cả đối tượng là người Dao Thanh y. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung mô tả các yếu tố truyền thống như phong tục tập quán, trang phục, nghi lễ vòng đời . của người Dao trên cơ sở nhìn nhận dưới góc độ dân tộc học. Còn về khía cạnh sinh kế tộc người thì cũng đã thuộc thời kỳ trước đổi mới đất nước, sinh kế trong bối cảnh hiện nay của người Dao Thanh y thì chưa có nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt, cho đến nay, hầu như chưa có nghiên cứu riêng và chuyên sâu về nhóm Dao Thanh y nói chung, ở Tuyên Quang và huyện Yên Sơn nói riêng. Vì vậy, rất cần những nghiên cứu tìm hiểu về sinh kế của nhóm người Dao này trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế hiện nay, để thấy được sự biến đổi, thích ứng với hoàn cảnh môi trường, tinh thần vươn lên làm giàu cho bản thân người Dao Thanh y và tộc người Dao. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên là những tư liệu quý giá để giúp tôi hoàn thành tốt đề tài tập sự: Sinh kế hiện nay của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
    4. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu
    - Đối tượng nghiên cứu: Người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
    - Phạm vi nội dung nghiên cứu: Sinh kế của người Dao Thanh y trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có đề cập đến truyền thống và hiện tại dưới tác động của các yếu tố phát triển hiện nay.
    - Địa bàn nghiên cứu: Xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
    5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
    Cơ sở lí luận
    - Cơ sở lý luận:
    Cơ sở lí luận của Luận văn chủ yếu dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc.
    - Cách tiếp cận:
    + Tiếp cận từ góc nhìn Dân tộc học/Nhân học: Dân tộc là chủ thể của các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội và các vấn đề đó đều mang tính tộc người. Trong đó, một trong những nghiên cứu quan trọng của nghành Dân tộc học/Nhân học là xem xét sự vật như nó vốn có từ con mắt của chủ thể, người trong cuộc, bởi vậy càng không được tìm cách áp đặt những đánh giá chủ quan của nhà khoa học. Có nghĩa là, mọi hoạt động sản xuất kinh tế cần được trao quyền và tiếng nói để người dân tộc thiểu số nói lên tâm sự, nguyện vọng của mình, đây cũng là lí do để người dân tộc thiểu số được lên tiếng. Ngoài ra, nhà nghiên cứu cũng cần đặt các hoạt động sinh kế tộc người trong mối quan hệ biện chứng của chủ nghĩa duy vật lịch sử để thấy được quy luật của sự phát triển và mâu thuẫn là động lực của nó. Từ đó đưa ra những nhận xét chính xác và cụ thể về bức tranh sinh kế tộc người. Trong quá trình nghiên cứu về sinh kế của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, chúng tôi luôn quán triệt quan điểm này, tức tiếp cận từ góc nhìn Dân tộc học/Nhân học.
    + Tiếp cận từ góc nhìn thực tiễn ở địa phương: Đó là việc tiến hành khảo sát và trực tiếp nghiên cứu các hình thức hoạt động sinh kế của người Dao Thanh y tại địa bàn được chọn là xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận xét, kết luận từ kết quả nghiên cứu đã thu thập được tại địa phương.
    + Tiếp cận từ góc độ hệ thống: Trong quá trình nghiên cứu các hình thức hoạt động sinh kế của người Dao Thanh y, được xem xét mối quan hệ giữa các hình thức sinh kế với nhau và trong mối liên quan với các tộc người láng giềng như Tày, Kinh . Đồng thời, đặt trong bối cảnh vùng sinh thái của xã Xuân Vân và huyện Yên Sơn.
    Phương pháp nghiên cứu
    - Phương pháp luận:
    Luận văn quan tâm áp dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin để xem xét bức tranh hoạt động sinh kế truyền thống và biến đổi hiện nay của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Với phương pháp luận này, cần xem xét các hoạt động sinh kế của người Dao Thanh y nơi đây trong tương quan với các điều kiện cụ thể ở địa phương xã và huyện cũng như với các tộc người láng giềng.
    - Phương pháp nghiên cứu cụ thể:
    + Điền dã dân tộc học, trong đó sử dụng các công cụ: Khảo sát thu thập thông tin về hộ gia đình từ nguồn tài liệu thứ cấp như sổ hộ khẩu, sổ thống kê diện tích đất đai, gia súc, gia cầm, số lượng hộ giàu nghèo, các chính sách đầu tư hỗ trợ mà xã Xuân Vân nhận được . Phỏng vấn sâu các đối tượng như trưởng thôn, chủ tịch xã, chủ tịch hội phụ nữ, người già . để có được những thông tin cần thiết và cụ thể nhất về hoạt động kinh tế trước kia và hiện nay của người Dao Thanh y. Quan sát tham dự: Được sử dụng tối đa kết hợp với chụp ảnh, ghi chép hàng ngày, nhất là thảo luận trực tiếp với người dân Dao Thanh y tại các xóm thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn .
    + Phương pháp chuyên gia: Tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đồng nghiệp nghiên cứu về người Dao.
    + Phương pháp hệ thống, phân tích, so sánh đối chiếu: Hệ thống, phân tích, so sánh các tư liệu, tài liệu thu thập được khi viết Luận văn.
    6. Nguồn tài liệu
    Nguồn tài liệu chính của Luận văn là các tư liệu điền dã thu thập được qua các đợt khảo sát nghiên cứu từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011 tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, việc tham khảo các công trình nghiên cứu đã được công bố, các bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, khóa luận tốt nghiệp, các cuốn sách viết về người Dao . và nguồn tài liệu thứ cấp của địa phương cũng được xử lý tối đa nhằm đem lại những thông tin cần thiết và cụ thể nhất cho Luận văn.
    7. Đóng góp của Luận văn
    - Đây là công trình đầu tiên phản ánh một cách rõ nét và chuyên sâu về các hình thức hoạt động sinh kế (Bức tranh sinh kế) của người Dao thanh y.
    - Cho thấy được những tích cực trong sự vươn lên cũng như những hạn chế của chính bản thân tộc người thiểu số trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững như hiện nay.
    - Cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc đề xuất kiến nghị và giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát huy thế mạnh tộc người tạo sinh kế bền vững góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của người Dao nói chung và người Dao Thanh y ở Tuyên Quang nói riêng.
    - Đóng góp thêm tư liệu cho sự hiểu biết về người Dao nói chung, người Dao Thanh y nói riêng.
    8. Bố cục của Luận văn
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, nội dung chính của Luận văn được bố cục thành 3 chương:
    Chương 1: Khái quát về người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
    Chương 2: Bức tranh sinh kế truyền thống của người Dao Thanh y ở xã Xuân Vân
    Chương 3: Hoạt động sinh kế của người DaoThanh y ở xã Xuân Vân trong bối cảnh hiện nay
    Đây chỉ là Luận văn nặng về mô tả bức tranh sinh kế và sự biến đổi của người Dao Thanh y tại một địa phương cụ thể. Tôi hy vọng bản Luận văn này sẽ cung cấp những tư liệu thiết thực về sinh kế của người Dao Thanh y. Trong điều kiện thời gian có hạn, cùng với năng lực bản thân còn nhiều hạn chế, Luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo của các nhà nghiên cứu đi trước cùng các bạn đồng nghiệp.
    Trong quá trình thực hiện bản luận văn này, bản thân tôi đã nhận được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của cán bộ hướng dẫn khoa học TS. Lý Hành Sơn; sự ủng hộ khuyến khích của lãnh đạo Viện Dân tộc học và tập thể cán bộ Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc ngôn ngữ Hmông-Dao và Hán-Tạng; cùng với sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo và nhân dân Dao Thanh y ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nhân đây, tôi xin trân trọng cảm ơn những sự giúp đỡ nhiệt tình và quý báu đó.

    MỤC LỤC
    MỞ ĐẦU 2
    1. Tính cấp thiết của đề tài 2
    2. Mục tiêu nghiên cứu. 3
    3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề. 4
    4. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu. 8
    5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu. 8
    6. Nguồn tài liệu. 10
    7. Đóng góp của Luận văn. 10
    8. Bố cục của Luận văn. 11
    CHƯƠNG 1. 12
    KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI DAO THANH Y 12
    Ở XÃ XUÂN VÂN, HUYỆN YÊN SƠN, TỈNH TUYÊN QUANG 12
    1.1. TỔNG QUAN VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 12
    1.1.1. Huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. 12
    1.1.2. Xã Xuân Vân. 16
    1.2. KHÁI QUÁT NGƯỜI DAO THANH Y Ở XÃ XUÂN VÂN 20
    1.2.1. Đôi nét về người Dao ở Tuyên Quang. 20
    1.2.2. Người Dao Thanh Y ở xã Xuân Vân. 26
    Tiểu kết chương 1. 33
    CHƯƠNG 2. 35
    BỨC TRANH SINH KẾ TRUYỀN THỐNG 35
    CỦA NGƯỜI DAO THANH Y Ở XÃ XUÂN VÂN 35
    2.1. KHÁI NIỆM VỀ SINH KẾ VÀ SINH KẾ TỘC NGƯỜI 35
    2.1.1. Sinh kế. 35
    2.1.2. Sinh kế tộc người 35
    2.2. SINH KẾ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DAO THANH Y Ở XÃ XUÂN VÂN, HUYỆN YÊN SƠN 38
    2.2.1. Hoạt động trồng trọt 38
    2.2.2. Chăn nuôi 44
    2.2.3. Ngành nghề thủ công truyền thống. 47
    2.2.4. Hoạt động chiếm đoạt nguồn lợi tự nhiên. 49
    2.2.5. Trao đổi mua bán. 53
    Tiểu kết chương 2. 56
    CHƯƠNG 3: 58
    HOẠT ĐỘNG SINH KẾ CỦA NGƯỜI DAO THANH Y 58
    Ở XÃ XUÂN VÂN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY 58
    3.1. BỨC TRANH SINH KẾ HIỆN NAY CỦA NGƯỜI DAO THANH Y Ở XÃ XUÂN VÂN 58
    3.1.1. Sự đổi mới trong trồng trọt và chăn nuôi 58
    3.1.2. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hàng hóa. 65
    3.1.3. Sinh kế từ rừng. 67
    3.1.4. Sinh kế từ đi làm ăn xa. 69
    3.2. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI BIẾN ĐỔI SINH KẾ. 72
    3.2.1. Sự phát triển cơ sở hạ tầng. 72
    3.2.2. Quá trình tổ chức lại sản xuất 76
    3.2.3. Các chính sách của Nhà nước. 78
    3.3. CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SINH KẾ BỀN VỮNG Ở VÙNG NGƯỜI DAO THANH Y 79
    3.3.1. Cơ hội nâng cao và đảm bảo cuộc sống. 79
    3.3.2. Những khó khăn cộng đồng Dao Thanh y phải đối diện. 82
    3.3.3. Khuyến nghị một số giải pháp phát triển sinh kế bền vững. 87
    Tiểu kết chương 3. 92
    KẾT LUẬN 94
    TÀI LIỆU THAM KHẢO 99
    PHỤ LỤC 103
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...