Thạc Sĩ Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Xét từ góc độ Địa lý kinh tế -

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 28/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn thạc sĩ
    Đề tài: Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Xét từ góc độ Địa lý kinh tế - xã hội)

    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    An Giang là tỉnh nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả
    nước với nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Nhiều năm liền tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về
    sản lượng lúa, thủy sản nước ngọt, Và ngành nông nghiệp An Giang luôn là ngành chiếm tỉ trọng
    cao trong nền kinh tế của tỉnh. Là người con của An Giang, những điều đó đã cho tôi rất đỗi kiêu
    hãnh và niềm tự hào để giới thiệu về quê hương mình mỗi khi có dịp trò chuyện với bạn bè. Đó là
    những cánh đồng lúa bát ngát, vàng mơ những làng bè cứ nối nhau trên sông xa ngút. Và những
    hình ảnh đó cũng gần như là một thương hiệu cho những ai coi mình là người con của quê hương
    An Giang.
    Với những tiềm năng to lớn cho phát triển nông nghiệp là thế, nhưng An Giang lại là tỉnh
    có dân số rất đông, đứng đầu ĐBSCL và thứ sáu so với cả nước. Năm 2008, toàn tỉnh có khoảng
    2,25 triệu người với hơn 460 ngàn hộ, trong đó có gần 80% dân số sống bằng nghề nông (tương
    đương 318 ngàn hộ, với khoảng 1,67 triệu người). Diện tích đất hẹp người lại đông nên số hộ nông
    dân có diện tích đất sản xuất dưới 1 hectare (ha) chiếm tỉ lệ cao trên 75,8%, trong đó số hộ có diện
    tích dưới 0,5 ha chiếm tỉ lệ 47,1%. Tôi cảm nhận được rằng, đất nước mình đang đổi mới và giàu có
    lên từng ngày. Song đó, tôi cảm thấy chạnh lòng và xót thương cho những người nông dân lam lũ
    trên quê hương mình. Họ sinh sống ngay trên mãnh đất màu mỡ, họ sản xuất ra lương thực thực
    phẩm để đảm bảo cuộc sống ấm no cho hàng triệu triệu đồng bào cả nước và là một trong những
    mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Nhưng đại bộ phận nông dân lại sống trong cảnh nghèo
    khó, nhất là mỗi khi trong nhà không còn hạt gạo để ăn trong những ngày giáp hạt. Cái nghèo khó,
    túng thiếu thường kéo theo cái thất học, rồi cái thất học lại kéo tiếp cái nghèo khó, cái vòng luẩn
    quẩn đó cứ đeo đuổi theo họ qua bao đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.
    Trong những năm gần đây, ngoài việc sản xuất hai vụ chính trong năm là Đông Xuân
    (ĐX) và Hè Thu (HT) thì bà con nông dân tại các địa phương có hệ thống đê bao kiểm soát lũ triệt
    để đã phát huy và khai thác lợi thế tiềm năng của đất, tiến hành thâm canh tăng hệ số sử dụng đất
    bằng cách tăng thêm một vụ nữa trong năm, là vụ Thu Đông (TĐ) mà thường được gọi là vụ ba.
    Sản xuất vụ ba mà chủ yếu là độc canh cây lúa trong những năm đầu mới được đê bao
    triệt để đã đạt hiệu quả kinh tế khả quan. Sản lượng lương thực của tỉnh tăng nhanh, góp phần giải
    quyết công ăn việc làm, giảm bớt thất nghiệp nông thôn và tăng thêm thu nhập cho nông dân. Tuy
    nhiên, việc sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã nảy sinh những hạn chế nhất định như: làm
    giảm độ phì nhiêu của đất, thoái hóa đất, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng
    cao nhưng năng suất lại có chiều hướng giảm, làm giảm nguồn thu của nông dân. Đặc biệt, sản xuất
    3 vụ lúa liên tục trong năm còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá lúa trong giai đoạn hiện nay thường
    không ổn định. Từ thực trạng trên, đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét, đánh giá đúng tầm hơn về vị
    trí, vai trò và ý nghĩa của sản xuất vụ ba. Bởi lẽ, qua những lợi thế so sánh cho thấy rằng, việc sản
    xuất vụ ba không những đơn thuần chỉ tận dụng được quỹ đất đai sẵn có để tăng thêm hệ số sử dụng
    mà sản xuất vụ ba còn giữ vị trí tiên phong trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm
    cải tạo và bảo vệ tài nguyên môi trường, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị
    diện tích, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương
    thực, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, . Chính từ những lý do trên, nên tôi đã quyết định
    chọn đề tài cho khóa luận tốt nghiệp Cao học của mình là “Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông
    nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Xét từ góc độ Địa lý kinh tế - xã hội)”. Và trong khuôn khổ đề
    tài này tôi sẽ : (1) Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng
    nghiên cứu; (2) Nêu lên hiện trạng sản xuất vụ ba và đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá
    trình sản xuất; (3) Đề ra định hướng và các giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trước
    mắt và lâu dài. Đồng thời, phát huy những lợi thế so sánh nhằm đưa sản xuất vụ ba nói riêng và nền
    nông nghiệp tỉnh An Giang nói chung phát triển nhanh và bền vững.
    2. Mục đích của đề tài
    Trên cơ sở so sánh, phân tích, tổng hợp và đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp của
    tỉnh và hiện trạng của sản xuất vụ ba, luận văn sẽ làm rõ vai trò và ý nghĩa của “sản xuất vụ ba đối
    với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang”. Nhằm:
    - Khai thác tối đa lợi thế sản xuất vụ ba, đề ra định hướng và các giải pháp cho sự
    phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang.
    - Kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp tài liệu tham khảo cho giáo viên phổ thông
    và sinh viên khi tìm hiểu và nghiên cứu về Địa lí địa phương.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
    Tìm hiểu về “sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Xét
    từ góc độ Địa lý kinh tế - xã hội)” là nội dung cơ bản của đề tài. Trong đó, đề tài sẽ tập trung nghiên
    cứu sâu về hiện trạng sản xuất vụ ba, ảnh hưởng của vụ ba đối với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ,
    chuyển dịch cơ cấu cây trồng và ở mức độ nhất định đề tài sẽ đi tìm hiểu về chuyển dịch cơ cấu
    nông nghiệp theo lãnh thổ. Tài liệu và các số liệu nghiên cứu sẽ tập trung vào giai đoạn 2003 –
    2008.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Việc thực hiện đề tài này cần phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, trong
    đó có một số phương pháp chủ yếu sau:
    - Phương pháp khai thác thông tin: Tìm hiểu những nội dung cần thể hiện trong đề
    tài, tiến hành sưu tập tài liệu có liên quan để tập hợp lại, phân tích và chọn lọc ra những thông tin
    cần thiết cho bài viết.
    - Phương pháp thống kê và xử lý số liệu thống kê: Từ những số liệu thu thập được
    từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, cần phải có quá trình thống kê, xử lý, nhận xét và phân tích lại số
    liệu để phục vụ đúng mục đích của bài, nhằm làm cho bài viết mang tính thuyết phục hơn.
    - Phương pháp thực địa và phỏng vấn: Đi khảo sát thực tế những địa phương đang
    sản xuất vụ ba và một số nơi có quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ
    trong tỉnh. Gặp trực tiếp và phỏng vấn bà con nông dân tại các địa phương đó, trao đổi, thảo luận,
    xin ý kiến từ đó đúc kết ra những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời trao
    đổi, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đang công tác tại sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông
    Thôn (Nông Nghiệp & PTNN) để hiểu rõ hơn về thuật ngữ chuyên môn và hiện trạng ngành nông
    nghiệp của tỉnh nhà trong những năm qua, nhằm phục vụ cho bài viết mang tính khoa học và thực tế
    hơn.
    - Phương pháp sử dụng các công cụ tin học: Khai thác thông tin, tranh ảnh, bản đồ
    nhằm giúp cho bài viết đảm bảo được tính trực quan và cập nhật được những thông tin mới nhất.
    5. Quan điểm nghiên cứu
    - Quan điểm lãnh thổ: Đối với đề tài nghiên cứu là “Sản xuất vụ ba với sự phát triển
    nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang” thì việc sử dụng quan điểm lãnh thổ là rất quan trọng. Bởi vì,
    trong một tỉnh không phải mỗi huyện hay mỗi vùng đều có những tiềm năng tự nhiên và kinh tế - xã
    hội giống nhau. Vì vậy, dựa vào quan điểm lãnh thổ sẽ giúp ta xác định và phân biệt được các loại
    địa hình, đất đai cũng như các yếu tố tự nhiên và xã hội, .Qua đó sẽ đúc kết được những ưu thế
    riêng của từng vùng hay của từng huyện trong tỉnh mà đề ra hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông
    nghiệp cho phù hợp.
    - Quan điểm tổng hợp: Các yếu tố tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung
    và sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nói riêng không thể tách rời nhau mà chúng luôn luôn có sự
    hỗ trợ hoặc tác động qua lại lẫn nhau tạo nên một quá trình chuyển dịch cơ cấu nhất định. Cũng như
    khi tìm hiểu về sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang, ta không chỉ
    xét riêng lẽ về hiện trạng của sản xuất vụ ba là đủ, mà ta cần phải đặt sản xuất vụ ba trong mối quan
    hệ tác động qua lại, hỗ trợ và bổ sung cho nhau với các vụ sản xuất khác như Đông Xuân, Hè Thu
    và các yếu tố, tiềm năng ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp chung của tỉnh, .Từ đó phát
    hiện ra những yếu tố trội, đặc trưng tích cực tác động đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong sản
    xuất vụ ba nói riêng và nền nông nghiệp toàn tỉnh nói chung. Để có định hướng đầu tư phát triển
    hợp lý nhằm làm cho nền nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững.
    - Quan điểm viễn cảnh: Dựa vào quan điểm này để dự báo một số vấn đề nào đó.
    Chẳng hạn như khi nghiên cứu về hiện trạng sản xuất vụ ba tỉnh An Giang trong giai đoạn 2003 –
    2008, qua quá trình này sẽ giúp ta dự đoán được tình hình phát triển sau này của ngành nông nghiệp
    tỉnh nhà, từ đó có thể đề ra mục tiêu và định hướng phát triển tiếp theo.
    PHẦN NỘI DUNG
    Chương 1: Cơ sở lý luận về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và
    phát triển nông nghiệp bền vững
    1.1 Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp
    1.1.1 Khái niệm cơ cấu kinh tế
    Hiện nay, có rất nhiều quan niệm về cơ cấu kinh tế, nhưng nhìn chung có thể quan niệm
    về cơ cấu kinh tế như sau: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các bộ phận hợp thành nền kinh tế của mỗi
    nước. Các bộ phận đó gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và biểu hiện ở các mối
    quan hệ tỉ lệ về số lượng, tương quan về chất lượng trong những không gian và thời gian nhất định,
    phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế xã hội cao.
    “Nguyễn Thị Bích Hường (2005)”
    Tất cả các nước trên thế giới đều xây dựng cho mình một mục tiêu chung là phát triển
    kinh tế cao, ổn định và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đó thì cần phải xây dựng một cơ cấu
    kinh tế hợp lí. Do đó, việc phân chia và đánh giá cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải xem xét cấu trúc bên
    trong của nền kinh tế, biểu hiện ở mối quan hệ hữu cơ giữa các bộ phận đó trong hệ thống kinh tế,
    những mối quan hệ đó ràng buộc lẫn nhau và được biểu hiện về mặt lượng và chất.
    Cơ cấu kinh tế còn phản ánh mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất
    của nền kinh tế, đó là kết quả của quá trình phân công lao động. Một cơ cấu kinh tế hợp lí thì các
    yếu tố bên trong cơ cấu kinh tế đó phải kết hợp một cách hài hòa, sử dụng một cách hiệu quả các
    nguồn lực tài nguyên của đất nước, làm cho nền kinh tế của đất nước đó phát triển lành mạnh có
    nhịp độ tăng trưởng ổn định. Cơ cấu đó phải phản ánh được các yêu cầu của quy luật khách quan:
    quy luật tự nhiên và quy luật kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cần phải nhận thấy vai trò rất quan trọng
    của nhân tố chủ quan là con người.
    Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của nhân loại đã cho thấy rằng, cơ cấu kinh tế không
    phải là một hệ thống tĩnh, bất biến mà luôn ở trạng thái vận động và không ngừng biến đổi, phát
    triển. Do tác động của khoa học kĩ thuật, ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh tế
    - xã hội, làm cho cơ cấu kinh tế ngày càng phát triển hoàn thiện hơn. Theo sự phát triển đó, lực
    lượng sản xuất ngày càng phát triển, phân công lao động xã hội ngày càng sâu rộng, cơ cấu kinh tế
    ngày càng tiến bộ.
    Để xác lập được một cơ cấu kinh tế hợp lí, đòi hỏi con người phải nghiên cứu các quy
    luật tự nhiên và kinh tế xã hội. Vấn đề đặt ra cho các nhà lý luận và những người quản lí là hoạch
    định và dự báo cơ cấu kinh tế hiện tại và tương lai.
    Cơ cấu kinh tế của một nước được xét trên tổng thể các bộ phận hợp thành nền kinh tế
    nước đó như: các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế và các vùng kinh tế. Ở mỗi ngành, mỗi vùng
    lại có những cơ cấu kinh tế riêng của mình tùy thuộc vào những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
    Tuy nhiên, có thể xét cơ cấu kinh tế ở ba phương diện cấu thành:
    - Cơ cấu ngành kinh tế.
    - Cơ cấu thành phần kinh tế.
    - Cơ cấu vùng lãnh thổ.
    Cơ cấu ngành kinh tế là tổ hợp các ngành hợp thành các tương quan tỉ lệ, biểu hiện mối
    quan hệ giữa các ngành của nền kinh tế quốc dân. Cơ cấu ngành phản ánh phần nào trình độ phát
    triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội của một quốc gia.
    Cơ cấu kinh tế lãnh thổ được hình thành bởi việc bố trí sản xuất theo không gian địa lí.
    Trong cơ cấu lãnh thổ, có sự biểu hiện của cơ cấu ngành trong điều kiện cụ thể của không gian lãnh
    thổ. Tùy theo điều kiện và tiềm năng phát triển mà có thể phát triển tổng hợp hay ưu tiên một vài
    ngành kinh tế nào đó. Việc chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ phải đảm bảo sự hình thành và phát triển có
    hiệu quả của các ngành kinh tế.
    Cơ cấu thành phần kinh tế biểu hiện hệ thống tổ chức kinh tế với chế độ sở hữu khác
    nhau có khả năng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội.
    Ba loại hình cơ cấu trên đặc trưng cho cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Chúng có
    mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó cơ cấu ngành kinh tế có vai trò quan trọng hơn cả. Cơ cấu
    ngành và thành phần kinh tế chỉ có thể được hình thành và phát triển trên phạm vi vùng lãnh thổ và
    trên phạm vi cả nuớc. Đồng thời, việc phân bố sản xuất trên những vùng lãnh thổ một cách hợp lý
    có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành và các thành phần kinh tế trên vùng
    lãnh thổ.[6], [7], [9]
    1.1.2 Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế
    Như trên đã phân tích, cơ cấu kinh tế không phải là một hệ thống tĩnh mà luôn biến đổi.
    Sự thay đổi của cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với môi trường
    phát triển được gọi là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. “Nguyễn Trần Quế (2004)”
    Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố
    như: quy mô kinh tế, mức độ mở cửa của nền kinh tế bên ngoài, dân số của quốc gia, các lợi thế về
    tự nhiên, nhân lực, điều kiện kinh tế, văn hóa, chính sách, Nhưng nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy
    quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình chuyên môn hóa trong phạm vi quốc gia và mở
    rộng ra quốc tế, hoặc sự thay đổi công nghệ, tiến bộ khoa học kĩ thuật.
    Thực chất của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phát triển không đồng đều giữa
    các ngành. Ngành có tốc độ phát triển cao hơn tốc độ trung bình của nền kinh tế thì sẽ tăng tỉ trọng
    và ngược lại ngành có tốc độ phát triển thấp hơn sẽ giảm tỉ trọng. Nếu tất cả các ngành có cùng tốc
    độ tăng trưởng thì tỉ trọng sẽ không thay đổi, nghĩa là không có sự chuyển dịch cơ cấu ngành.
    Từ đó, có thể hiểu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế quốc dân là sự vận động phát triển
    của các ngành làm thay đổi vị trí, tương quan tỉ lệ và mối quan hệ, tương tác giữa chúng theo thời
    gian, dưới tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội nhất định của đất nước và quốc tế.
    Cơ cấu kinh tế ngành thường được xét gồm 3 ngành cấu thành: nông nghiệp, công nghiệp
    và dịch vụ. Do đó, sự biến đổi cơ cấu kinh tế ở tầm vĩ mô là kết quả của quá trình vận động, phát
    triển của ba ngành này hoặc từng phân ngành của chúng làm thay đổi trong tương quan tỉ lệ đã hình
    thành trước đó cũng như mối quan hệ tương đối ổn định vốn có của chúng.
    Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay đổi nhiều trong thời kì kinh tế tăng trưởng nhanh
    do sự chênh lệch về tốc độ giữa các bộ phận sẽ lớn. Ngược lại tăng trưởng thấp sẽ làm giảm tốc độ
    chuyển dịch cơ cấu kinh tế.[6], [7], [9], [13]
    1.1.3 Cơ cấu nông nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
    1.1.3.1 Khái niệm cơ cấu nông nghiệp
    Nông nghiệp là một hệ thống nên sự tương quan giữa các thành phần của nó rất chặt chẽ.
    “Cơ cấu nông nghiệp chính là tỉ lệ cân đối giữa các ngành, thành phần nông nghiệp bao gồm tỉ lệ
    cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, tỷ lệ cân đối giữa các loại cây trồng (cơ cấu cây trồng) và các
    loại vật nuôi (cơ cấu vật nuôi), tỉ lệ cân đối giữa các hệ thống canh tác, các hình thức tổ chức sản
    xuất nông nghiệp, ” “Được trích dẫn từ Trần Thị Xuân Thùy (2006)”.
    1.1.3.2 Một số kiểu hệ thống canh tác nông nghiệp
    Hệ thống canh tác: để chỉ các hoạt động sản xuất được sắp xếp phù hợp với điều kiện tự
    nhiên, cơ sở vật chất, tiền vốn, vật tư, sức người và lưu thông phân phối của từng địa phương. Cũng
    có định nghĩa cho rằng, hệ thống canh tác là một nhóm các phần tử (con người, động vật, cây cỏ, )
    cùng tác động để sản xuất ra lương thực, thực phẩm, tiền, .nó có khả năng phản ứng lại như một
    thể thống nhất với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Trong trồng trọt có một vài hệ thống
    canh tác phổ biến sau:
    a) Luân canh
    Hệ canh tác này gồm việc trồng luân phiên các loại cây trồng khác nhau theo vòng tròn
    trên cùng một mãnh đất. Nó làm giảm độ thoái hóa độ phì, hiện tượng thiếu dinh dưỡng, vi lượng và
    các dịch bệnh đặc biệt xảy ra. Để xây dựng một kế hoạch luân canh tốt, ta cần phải nghiên cứu tính
    chất của từng loại cây trồng. Có hai nhân tố cần nghiên cứu: Một là, mức độ tiêu thụ chất dinh
    dưỡng, hai là tính chất chống chịu được dịch bệnh. Thí dụ: Lúa (Đông Xuân) - Đậu, Bắp, Mè (Hè
    Thu) – Lúa (Thu Đông); Lúa (Đông Xuân) – Lúa (Hè Thu) – Rau, Đậu (Thu Đông),
    b) Độc canh
    Thuật ngữ để chỉ trên khu ruộng quanh năm ta chỉ trồng có một loại cây trồng duy nhất.
    Thí dụ: Lúa (Đông Xuân) – Lúa (Hè Thu) – Lúa (Thu Đông) và năm nào cũng vậy.
    c) Canh tác kết hợp
    Hệ thống canh tác kết hợp là một biến dạng của kiểu canh tác nhiều loài gồm việc trồng
    nhiều loại cây khác nhau trên cùng một lô đất. Thí dụ: trồng bắp xen với đậu. Bắp là loại cây cao có
    rễ ăn sâu và yêu cầu dinh dưỡng cao, còn đậu là loài thấp cây hơn, rễ ăn cạn, ít yêu cầu dinh dưỡng
    lại có khả năng cung cấp đạm trở lại cho đất. Không có sự cạnh tranh nào giữa bắp và đậu, vì vậy
    tổng sản lượng của bắp và đậu cộng lại sẽ cao hơn là sản phẩm riêng lẻ của việc trồng bắp hay đậu.
    Lợi ích của canh tác kết hợp là giảm được sâu bệnh, đồng thời sử dụng đất, ánh sáng mặt
    trời và lượng mưa tốt hơn.[1], [12], [21]
    1.1.3.3 Sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
    Xét theo nghĩa rộng thì nông nghiệp bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp. Ở mặt này sự
    chuyển dịch về ngành nông nghiệp được xét trong sự tương quan giữa 3 lĩnh vực: nông nghiệp, lâm
    nghiệp và thủy sản. Trên thực tế sự chuyển dịch ngành này của các nước chủ yếu là chuyển dịch
    theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp và tăng tỉ trọng trong thủy sản. Còn nếu xét theo nghĩa
    hẹp thì nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi. Sự chuyển dịch trong lĩnh vực này là tăng lên
    về chăn nuôi và giảm xuống trong trồng trọt. Có thể thấy nông nghiệp được chuyển dịch theo xu
    hướng sau:
    Chuyển dịch của cơ cấu ngành nông nghiệp là chuyển dịch từ nền nông nghiệp tự cấp, tự
    túc, thuần nông, độc canh sang phát triển đa dạng, bền vững về sinh thái và phát triển nông nghiệp
    hàng hóa hướng ra xuất khẩu. Chuyển từ một nền nông nghiệp mất cân đối giữa chăn nuôi và trồng
    trọt sang phát triển cân đối giữa hai ngành này. Xuất phát từ nguồn lực và yêu cầu xã hội, từ sự tác
    động qua lại giữa chăn nuôi và trồng trọt mà cần phải tăng trưởng nhanh hai ngành đó. Chăn nuôi
    phải tăng trưởng nhanh hơn trồng trọt để đáp ứng kịp nhu cầu đòi hỏi của thị trường trong nước và
    xuất khẩu. Ngành chăn nuôi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp
    theo nghĩa hẹp. Xu hướng chính vẫn là chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành những mô hình
    chăn nuôi lớn, những giống có năng suất cao ngày càng được đầu tư phát triển.
    Trên cơ sở phát triển lương thực đẩy mạnh phát triển các loại rau, đậu các cấp. Cây ăn
    quả và cây công nghiệp trở thành nhiều vùng chuyên môn hóa có quy mô lớn tạo ra nhiều sản phẩm
    hàng hóa và trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn. Tỷ trọng các ngành này ngày càng lớn lên và tỷ
    trọng ngành lương thực trong trồng trọt sẽ giảm đi tương ứng. Việc sản xuất rau sạch ngày càng
    được ứng dụng rộng rãi, đây là xu hướng chung trong trồng trọt hiện nay. Ứng dụng màng phủ nông
    nghiệp để trồng cây ăn quả, rau củ cũng được phổ biến rộng rãi và sử dụng ngày càng nhiều.
    Phát triển từ một nền nông nghiệp theo nghĩa hẹp sang một nền nông nghiệp theo nghĩa
    rộng có sự kết hợp chặt chẽ giữa nông, lâm, ngư nghiệp nhằm khai thác và sử dụng tốt tiềm năng
    của đất nước. Đồng thời phải khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái phát triển một nền nông
    nghiệp bền vững.
    Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu nông nghiệp.
    Vì vậy, mà một xu hướng chuyển dịch nữa là kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là
    công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí. Hình thành nên một dây truyền sản xuất, chế biến trong
    nông nghiệp nhằm hạn chế tổn hao kinh phí bảo quản tốt sản phẩm. Bên cạnh đó nông nghiệp cũng
    cần phải liên kết với dịch vụ để nắm bắt thông tin giá cả thị trường và điều tiết sản xuất cho hợp lí.
    Trong nông nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều nông trại gia đình, sản xuất hàng hóa, hình
    thành các quy mô hợp tác xã nông nghiệp với quy mô lớn và các vùng chuyên canh sản xuất theo
    hướng hàng hóa ngày càng được phát triển cao.
    Nhìn chung xu hướng chính của chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là chuyển từ một nền
    nông nghiệp lạc hậu sang nền nông nghiệp cơ khí hóa, cơ giới hóa cao, áp dụng nhiều thành tựu
    khoa học – kĩ thuật để tăng năng suất nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiến đến một nền nông nghiệp
    hàng hóa hướng ra xuất khẩu.
    Trong định hướng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi qua một số văn bản của
    chính phủ cũng thể hiện: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là đòi hỏi búc xúc của nông
    dân và của Nhà nước. Đây cũng là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững mà theo lý thuyết
    phát triển kinh tế thì phát triển bao gồm tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
    Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả của
    nền nông nghiệp hàng hóa của nước ta, trước hết phải bảo đảm hai yêu cầu cơ bản:
    - Nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị ha đất.
    - Tăng thu nhập cho nông dân, nghĩa là giá trị sản xuất ra một ha phải lớn, đồng thời
    phải có lãi thỏa đáng, từ đó sẽ nâng cao thu nhập cho người nông dân.
    Cùng với quan điểm định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng
    ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng thì:
    - Quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải phát huy lợi thế của vùng và từng
    khu vực nhưng phải phù hợp với điều kiện thị trường, tập trung các loại cây trồng, vật nuôi, hàng
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...