Thạc Sĩ Rèn luyện các thao tác lập luận trong dạy học Làm văn nghị luận ở trung học phổ thông

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 16/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    1.1. Thao tác lập luận có vai trò quyết định hiệu quả lập luận - một trong những yếu tố tạo nên giá trị của bài văn nghị luận
    Nghị luận là kiểu văn bản được con người dùng ngôn từ, lí lẽ, dẫn chứng và thông qua biện luận mà nêu ra những nhận định về các sự việc, sự kiện, hiện tượng của thế giới khách quan. Qua đó, con người rút ra được những hiểu biết về tự nhiên, về xã hội, về cuộc sống. Hơn nữa, từ việc bàn luận về thế giới khách quan như vậy, người viết (người nói) hướng tới mục đích là tạo ra sự thuyết phục đối với người tiếp nhận nhằm tác động tới nhận thức, tình cảm, hành động của người tiếp nhận. Bởi vậy, khi nghiên cứu về văn nghị luận, nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Văn nghị luận là một loại văn trong đó người nói (người viết) đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng về một vấn đề nào đó và thông qua cách thức bàn luận mà làm cho người nghe (người đọc) hiểu, tin, tán đồng những ý kiến của mình và hành động theo những điều mà mình đề xuất (đối với vấn đề đó) [16, 5].
    Nói một cách khác, nghị luận là kiểu văn bản được con người sử dụng nhằm biện hộ cho mình, thuyết phục người tiếp nhận, qua đó giải quyết các vấn đề về thế giới khách quan. Để đạt được mục đích ấy, người viết (người nói) phải thực hiện một quá trình nêu sự thực, trình bày lý lẽ, phân biệt đúng sai, tiến hành phân tích luận chứng khoa học đối với khách quan và quy luật bản chất của sự vật, tức là phải thực hiện hành động lập luận nhằm tường minh nội dung được nghị bàn. Cũng vì thế, lập luận là một trong những hành động cơ bản được người nghị luận sử dụng khi tạo lập văn bản nghị luận (VBNL). Nhờ có hành động này, người nghị luận dẫn dắt người tiếp nhận đi đến những chân lý khách quan, khoa học một cách chính xác, thuyết phục. Cho nên, lập luận là nhân tố quan trọng trong bài văn nghị luận, bởi lẽ nghị luận là "bàn luận, là nói lý nói lẽ, là thuyết phục người đọc bằng lập luận lôgic chặt chẽ. Cái hay, cái đẹp của bài văn nghị luận cũng là ở chỗ đó" [106, 210].
    Muốn tiến hành lập luận, người nghị luận thường tiến hành tổ chức các yếu tố của lập luận, sắp xếp chúng theo dụng ý của bản thân. Khi đó, người nói, người viết sử dụng các thao tác lập luận (TTLL). Trong bài văn nghị luận, sự hấp dẫn, chính xác của nội dung nghị bàn được thể hiện rõ trong từng TTLL. Không chỉ có vậy, tính lôgic, chặt chẽ, mạch lạc của bài văn nghị luận được bộc lộ qua việc kết hợp TTLL khi lập luận. Như vậy, TTLL chính là hạt nhân cốt lõi giúp người nghị luận thực hiện lập luận. Đồng thời nó cũng là yếu tố tạo nên hiệu quả cho bài văn nghị luận. Vì thế, để giúp học sinh (HS) tạo ra những VBNL có giá trị, việc dạy học làm văn nghị luận không thể không chú trọng tới lập luận nói chung, TTLL nói riêng.
    1.2. Năng lực sử dụng các thao tác lập luận của học sinh PT hiện nay chưa tốt
    Trong chương trình Ngữ văn từ Trung học cơ sở (THCS) đến Trung học phổ thông (THPT) hiện hành, lập luận là một trong những nội dung kiến thức được đặc biệt chú trọng khi dạy học kiểu VBNL. Mục đích của việc triển khai hệ thống kiến thức này trong chương trình không chỉ đơn thuần là trang bị những hiểu biết về lập luận khi tạo lập văn bản cho HS, mà quan trọng hơn là thông qua đó giúp các em biết vận dụng vào thực tế viết văn của bản thân. Tuy nhiên, cho đến nay, khi tiếp cận với sản phẩm của chủ thể học tập, có thể nhận thấy năng lực lập luận, trong đó có năng lực sử dụng các TTLL của các em còn chưa tốt.
    Tiếp cận với những bài viết của HS tạo ra có thể nhận thấy nhiều bài viết bộc lộ rõ thái độ thiếu ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào quá trình viết văn. Chỉ xét riêng về hình thức văn bản, một số lượng không nhỏ bài viết (được khảo sát) của các em chưa phù hợp với đặc trưng của một văn bản. Không chỉ như vậy, những sản phẩm của HS tạo ra còn bộc lộ hạn chế về mặt diễn đạt. Tuy các em được trang bị một hệ thống kiến thức về lập luận nhưng đa số chủ thể học tập chưa biết vận dụng tri thức đã có vào quá trình sáng tạo của bản thân. Nhìn một cách khái quát, lời diễn đạt của HS vẫn khô khan, chưa mạch lạc. Lập luận trong nhiều bài viết mới chỉ là cách diễn giải nôm na những điều mà các em hiểu. Phần lớn HS chưa biết cách tổ chức lời giải thích, hay phân tích, chứng minh nghị bàn, cũng chưa biết cách đưa ra những lời bàn luận, nhận xét về nội dung cần nghị luận. Tất cả những biểu hiện đó đã minh chứng rất rõ năng lực sử dụng TTLL của HS phổ thông (PT) hiện nay. Không chỉ có vậy, một số HS còn sao chép bài trong những cuốn bài văn mẫu, bài văn hay mà chưa độc lập sáng tạo, chưa mạnh dạn trình bày nhận thức của bản thân. Điều đó dẫn tới một thực tế là giá trị bài viết của các em không cao, chưa đáp ứng được với những mục tiêu và yêu cầu của quá trình dạy học Làm văn. Có thể nói, năng lực lập luận nói chung, năng lực sử dụng các TTLL nói riêng của HS PT hiện nay trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm của giáo dục Việt Nam.
    1.3. Việc dạy học các thao tác lập luận trong Làm văn nghị luận ở THPT còn nhiều tồn tại, cần khắc phục
    TTLL là một trong số những nội dung kiến thức quan trọng trong chương trình Ngữ văn. Mục đích triển khai hệ thống tri thức này trong Làm văn nghị luận là giúp HS có những kỹ năng quan trọng để thực hiện hành động lập luận khi tạo lập VBNL. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế dạy và học ở một số trường THPT, chúng tôi nhận thấy việc dạy học các TTLL vẫn còn hạn chế.
    Hạn chế dễ nhận thấy là trong giờ dạy học lý thuyết về các TTLL, một bộ phận giáo viên (GV) vẫn còn nhiều lúng túng. Biểu hiện rõ nhất của thái độ trên là cách tổ chức hoạt động hình thành kiến thức, nhất là kiến thức về cách thực hiện các TTLL. Sự lí giải kiến thức, khái quát thành các bước thực hiện của GV chưa thỏa đáng. GV chưa tạo được hứng thú cho HS trong quá trình học tập.
    Mặt khác, việc rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cho các em cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Các giờ thực hành được GV tổ chức theo tinh thần ôn tập kiến thức và HS làm các bài tập (BT) có trong sách giáo khoa (SGK). GV chưa mạnh dạn lựa chọn những BT bên ngoài sách để rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cho HS. Chính điều đó dẫn tới năng lực sử dụng TTLL khi viết văn của HS chưa tốt.
    Hơn nữa, ngay trong các giờ viết bài, nhiều GV mới chỉ hướng dẫn HS cách lập dàn ý, tìm ý . mà không chú trọng tới hoạt động hướng dẫn các em vận dụng và sử dụng các TTLL để tổ chức lập luận. Còn trong những giờ trả bài, GV cũng không nhận xét và chỉ ra những thiếu sót của các em trong việc vận dụng các TTLL. Cũng vì thế năng lực sử dụng các TTLL của HS PT chưa tốt.
    1.4. Rèn luyện năng lực sử dụng các thao tác lập luận là một trong những con đường hiện thức hóa mục tiêu của việc dạy học Làm văn
    Trong quá trình dạy học, mỗi môn học được lựa chọn và triển khai nhằm những mục tiêu giáo dục nói riêng. Theo đó, mỗi hợp phần tri thức lại được giới thiệu nhằm đáp ứng được những yêu cầu đào tạo con người HS ở những phương diện cụ thể. Không là ngoại lệ, Làm văn được triển khai cũng nhằm những mục đích giáo dục nhất định. Về cơ bản, việc dạy học Làm văn ở trường PT hướng tới các mục tiêu: hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng về các kiểu văn bản; nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ (nói, viết đạt hiệu quả giao tiếp) và rèn luyện năng lực tư duy cho HS. Dạy học các TTLL thực chất là trang bị cho HS có những hiểu biết về TTLL, qua đó hình thành và rèn luyện cho các em kỹ năng vận dụng và sử dụng chúng vào quá trình tạo lập văn bản. Nói một cách khác, việc triển khai các TTLL cho HS nhằm mục đích là giúp các em biết cách sử dụng kỹ năng tổ chức lập luận để biểu đạt các nội dung nghị luận theo dụng ý của cá nhân các em. Như vậy, mục đích của việc giới thiệu các TTLL là rèn cho HS kỹ năng lập luận khi diễn đạt nội dung nghị bàn, và qua đó hướng tới mục tiêu là rèn cho các em kỹ năng biểu đạt tốt (nói, viết) đạt hiệu quả.
    Không chỉ có vậy, các TTLL đều mang những đặc trưng của các hoạt động tư duy logic, bởi nghị luận là loại văn suy lý. Cũng bởi thế, tên của các TTLL đều gắn với những thao tác của tư duy như phân tích, chứng minh, giải thích, bác bỏ, so sánh . Bởi thế rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cũng là nhằm rèn luyện năng lực tư duy cho các em. Như vậy, có thể nói, việc rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cho HS một mặt rèn cho các em năng lực ngôn ngữ để biểu đạt, mặt khác là rèn năng lực tư duy cho HS. Nói một cách khác rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cho HS là con đường để hiện thực hóa mục tiêu của việc dạy Làm văn, thông qua một kiểu văn bản là VBNL.
    Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài:
    Rèn luyện các thao tác lập luận trong dạy học Làm văn nghị luận ở THPT”.
    2 - Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
    2.1. Mục đích nghiên cứu
    Từ việc xác định cơ sở lý thuyết khoa học về các TTLL trong VBNL, luận án đề xuất hệ thống BT được sử dụng như một phương tiện chủ yếu để hình thành và rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL nhằm nâng cao chất lượng diễn đạt của HS.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, chúng tôi xác định các nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm:
    - Xác định cơ sở lý thuyết và thực tiễn của việc dạy học các TTLL: phân tích, so sánh, bác bỏ và bình luận cho học sinh THPT.
    - Đề xuất hệ thống BT rèn luyện năng lực sử dụng các TTLL cho HS THPT.
    - Tổ chức thực nghiệm để đánh giá khả năng thực thi và hiệu quả của hệ thống BT đã được giới thiệu.
    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, chúng tôi chọn nghiên cứu các TTLL và quá trình rèn luyện năng lực sử dụng các thao tác này cho HS THPT.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Trong VBNL, để tổ chức lập luận, người nói, người viết phải sử dụng nhiều TTLL. Tuy nhiên, gắn với nội dung đề tài, luận án tập trung hình thành và rèn luyện năng lực sử dụng bốn TTLL: phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
    4.1. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết
    4.1.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết
    Đây là PP được sử dụng triệt để trong quá trình nghiên cứu các thành tựu của các ngành khoa học liên quan (ngôn ngữ học, ngữ dụng học, lôgic học, tâm lý học hoạt động .) và những thành tựu đã đạt được của PPDH Tiếng Việt để đưa ra những nội dung mang tính chất là cơ sở lý luận và những tiền đề thực tiễn để rèn luyện các TTLL khi dạy học Làm văn nghị luận cho HS THPT.
    4.1.2. Phương pháp so sánh đối chiếu
    PP này được sử dụng khi làm rõ những đặc trưng cơ bản của từng TTLL. Thông qua việc so sánh, đối chiếu, luận án sẽ chỉ ra những nét tương đồng cũng như những dấu ấn khác biệt của mỗi thao tác. Đồng thời việc sử dụng PP này còn giúp luận án có cơ sở để khái quát hoá quy trình thực hiện các TTLL khi tạo lập văn bản.
    4.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
    4.2.1. Phương pháp điều tra, khảo sát
    PP này được sử dụng trong quá trình đánh giá cơ sở thực tiễn của việc dạy học cũng như năng lực lập luận của học sinh. Việc điều tra khảo sát được thực hiện qua các công việc như phiếu thăm dò, điều tra ý kiến của GV, khảo sát bài viết của HS, thăm dò phản ứng, thái độ, ý kiến của HS trong quá trình học tập.
    4.2.2. Phương pháp thực nghiệm
    Đây là PP không thể thiếu được đối với việc nghiên cứu các vấn đề khoa học giáo dục. Trong luận án, PP này được sử dụng trong giai đoạn thực nghiệm sư phạm nhằm đánh giá khả năng thực thi của hệ thống BT được đề xuất khi tổ chức rèn luyện kỹ năng sử dụng các TTLL cho HS THPT.
    4.2.3. Phương pháp thống kê
    Để đánh giá mức độ tính khả thi của hệ thống BT được giới thiệu khi rèn luyện
    năng lực sử dụng TTLL, chúng tôi sử dụng PP này để thu thập, đúc kết và phân tích các số liệu đã thu được trong quá trình thực nghiệm.
    5. Giả thuyết khoa học
    TTLL là yếu tố quan trọng giúp người nghị luận thực hiện hành động lập luận. Nếu việc rèn luyện các TTLL có một cơ sở khoa học đáng tin cậy, một hệ thống BT phù hợp với HS thì chúng ta có thể củng cố, nâng cao năng lực sử dụng các TTLL, góp phần tăng hiệu quả lập luận khi viết văn nghị luận cho HS THPT.
    6. Đóng góp của luận án
    - Về mặt lý luận, đề tài góp một phần nhỏ vào việc khẳng định giá trị của TTLL trong quá trình lập luận. Trong VBNL, lập luận là hành động quan trọng giúp cho người nghị luận triển khai các nội dung cần trình bày. Để tổ chức lập luận, người nghị luận tiến hành các TTLL theo dụng ý riêng. Đồng thời luận án đề xuất hệ thống BT được sử dụng để hình thành, củng cố và nâng cao năng lực tiến hành các TTLL khi lập luận.
    - Về mặt thực tiễn, giúp GV nhận thức sâu hơn, biết cách hình thành và nâng cao năng lực sử dụng các TTLL cho HS. Qua đó hình thành và rèn luyện cho các em ý thức nghiêm túc, cẩn thận khi sử dụng chúng trong quá trình tạo lập văn bản. Đây là một trong những việc làm cần thiết để khơi gợi khả năng sáng tạo cho HS khi học Làm văn.
    - Về ý nghĩa xã hội, ngoài mục đích trang bị cho HS những kỹ năng cơ bản để tổ chức lập luận khi tạo lập VBNL, việc nghiên cứu đề tài này còn hướng tới việc rèn luyện cho HS thái độ độc lập, sáng tạo và biết cách thể hiện những suy nghĩ, thái độ, quan điểm của bản thân một cách chính xác nhưng cũng rất hấp dẫn qua VBNL. Nói một cách khác, rèn luyện năng lực sử dụng TTLL là một việc làm cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu đào tạo con người của xã hội hiện đại.
    7. Bố cục luận án
    Ngoài các phụ lục được sử dụng khi nghiên cứu đề tài, hệ thống tài liệu tham khảo (bao gồm cả các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh), luận án được triển khai theo cấu trúc sau:
    - Mở đầu: Phần này tập trung trình bày các nội dung có tính định hướng cho việc triển khai luận án.
    Tổng quan: Phần này được triển khai nhằm đánh giá lịch sử nghiên cứu các TTLL ở Việt Nam và thế giới, qua đó tìm ra hướng nghiên cứu cho luận án.
    - Nội dung: Ở phần này, chúng tôi tập trung vào các nội dung:
    Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc rèn luyện các thao tác lập luận
    cho HS THPT.
    Chương 2: Hệ thống bài tập được sử dụng khi rèn luyện các thao tác lập luận cho HS THPT.
    Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
    - Kết luận: Chốt lại toàn bộ những nội dung đã được trình bày trước đó (ở phần mở đầu, phần nội dung).
    - Danh mục công trình công bố của tác giả
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...