Đồ Án Quy hoach môi trường đô thị

Thảo luận trong 'Môi Trường' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương trình Quy hoạch Môi trường Đô thị Việt Nam là chương trình hợp tác giữa giữa Cộng đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam với mục tiêu tổng thể là cải thiện chất lượng quy hoạch đô thị góp phần cải thiện điều kiện môi trường ở các đô thị cấp tỉnh tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện qua 4 năm (2005-2009) ở ba hợp phần chính là Hợp phần Dự án tài trợ nhỏ (DATTN), Hợp phần Nâng cao năng lực và Đào tạo (NCNL&ĐT), và Hợp phần Kết nối đô thị và Tăng cường thể chế (KNĐT&TCTC).

    Hợp phần DATTN nhằm tạo cơ hội nâng cao nhận thức và năng lực quy hoạch địa phương cho các thành phố và đô thị cấp tỉnh ở Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long để tìm các giải pháp bền vững cho các vấn đề môi trường đô thị nhằm mang lợi trực tiếp cho các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm hộ nghèo. Khoản tài trợ 2,9 triệu ơ-rô dành cho các dự án địa phương dựa trên những sáng kiến, mô hình triển vọng và sự đa dạng về môi trường. Các Ban liên hiệp (gồm các đơn vị chính quyền đô thị, các cơ quan ban ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp) đề xuất tài trợ các DATTN thông qua quá trình Kêu gọi đề xuất và hai vòng lựa chọn cạnh tranh.

    Sau chuyến đi giới thiệu việc Kêu gọi đề xuất DATTN dành cho các đơn vị hợp lệ ở tất cả các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian từ tháng 10/2005 – 02/2006, Vòng
    1 Kêu gọi đề xuất được khởi động qua Hội thảo đối tác quốc gia vào ngày 25/12/2006 tại Cần Thơ để kêu gọi các tỉnh nộp đăng ký tóm tắt. Đến tháng 5/2006 có 32 dự án tóm tắt gửi tới Văn phòng Dự án (VPDA) và Ban thẩm định đã lựa chọn 16 dự án vào vòng 2 để đề xuất dự án chi tiết trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2006.

    Vào tháng 11/2006, 10 dự án tốt nhất được chọn dựa trên các tiêu chí lựa chọn và được Ban chỉ đạo Bộ Xây dựng và Phái đoàn Ủy ban Châu Âu phê duyệt tài trợ. Sau khi ký kết các hợp đồng tài trợ này, các Ban liên hiệp địa phương đã chịu trách nhiệm triển khai các DATTN trong giai đoạn từ tháng 12/2006 đến tháng 3/2009 theo cơ chế phân quyền hậu kiểm. Văn phòng Dự án đóng vai trò là cơ quan chủ hợp đồng và hỗ trợ quá trình triển khai các DATTN.

    Mặc dù hầu hết các DATTN mang các chủ đề hỗn hợp nhưng có thể phân theo 3 loại chủ đề chính. Bốn DATTN (Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Cà Mau) tập trung vào nâng cấp đô thị (đường, thoát nước, vệ sinh, và nhà ở). Ba dự án khác (Kiên Giang, Long An và Cao Lãnh) về quản lý chất thải rắn. Hai dự án Cần Thơ và An Giang là về quản lý chất thải và cây xanh đô thị. DATTN Trà Vinh chỉ tập trung vào phủ xanh đô thị.

    Trên cơ sở mục tiêu của Chương trình, đặc trưng của các DATTN (xét về tính chất, nội dung và bối cảnh) và hiện trạng quy hoạch môi trường đô thị ban đầu ở Hợp đồng tài trợ, VPDA đã chuẩn bị và tổ chức các đợt đào tạo cho các thành viên Ban liên hiệp để họ giải quyết các vấn đề chung (quy hoạch và quản lý dự án, sự tham gia của cộng đồng, tài chính và hành chính), và các chủ đề kỹ thuật (thoát nước và vệ sinh, quản lý chất thải rắn, và phủ xanh đô thị) trong các Kế hoạch hoạt động năm. Sau đó, tất cả các chuyến công tác tư vấn và các ghi chép kỹ thuật được ghi lại thành cuốn sổ tay thực hiện DATTN để hỗ trợ các Ban liên hiệp DATTN trong công tác vận hành hàng ngày.

    Giai đoạn từ 10/2005 đến tháng 3/2009 là cả một giai đoạn thực sự sôi động từ lúc khởi đầu, xây dựng cho đến khi thực hiện các DATTN nhằm cải thiện hiện trạng môi trường ở các thành phố thuộc tỉnh. Nắm bắt cơ hội từ các chuyến đi hướng dẫn lộ trình và Kêu gọi đề xuất, các Ban liên hiệp DATTN gồm các tổ chức địa phương đã tích cực tham gia và gửi đề xuất tới VPDA. Trong giai đoạn nộp đề xuất từ tháng 2/2006 đến tháng 12/2006, từ tổng số 32 đăng ký tóm tắt đã có 10 DATTN tốt nhất được chọn cấp tài trợ (khoảng 300.000 ơ rô cho một dự án) và đã đi vào thực hiện đến cuối tháng 3/2009.




    Cho đến nay, tất cả các Ban liên hiệp đã hoàn thành các mục tiêu dự án và đảm bảo đóng góp nhiều tiền mặt và vật chất. Ban liên hiệp An Giang đã lắp đặt hệ thống thu gom rác 10 tấn/ngày, cùng với các cây xanh được chăm tưới và 12.000 cây trồng mới trong khu vực du lịch núi Sam ở thị xã Châu Đốc. Ban liên hiệp Cà Mau đã thiết kế dự án, huy động cư dân địa phương và phục hồi lại khu phố và khu ven sông của 128 hộ gia đình, trở thành mô hình cho thành phố đi vào nâng cấp tất cả các khúc sông trong thành phố. Ban liên hiệp Cần Thơ vận động quần chúng, cung cấp các công cụ truyền thông và sách báo, trồng mới cây xanh các khu chợ, trường học, khu dân cư tại 13 phường thuộc huyện Ninh Kiều, cùng với mô hình nhỏ về quản lý chất thải rắn cho 400 hộ gia đình khu vực 8, phường An Bình. Ban liên hiệp Đồng Tháp đã huy động 2.200 hộ gia đình thuộc phường 2 phân loại đúng 65% lượng rác, ủ phân vi sinh 5 tấn rác và hỗ trợ 75 hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh. Ban liên hiệp tỉnh Hậu Giang thành công khắc phục các kênh ô nhiễm, xây dựng nhà vệ sinh trường học cho các khu 4 và 5, phường 4, thị xã Vị Thanh. Ban liên hiệp Kiên Giang đã xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn tại phường Vĩnh Bảo với việc phân loại đúng 45% lượng rác và ủ 8 tấn phân vi sinh/ngày. Ban liên hiệp Long An đã xây dựng mô hình nhỏ về quản lý chất thải rắn cho các hộ gia đình ở phường 1 để thực hiện phân loại, thu gom và ủ 3 tấn rác/ngày tại xưởng ủ phân được xây khá tốt. Ban liên hiệp Sóc Trăng khắc phục được 648 m kênh rạch ô nhiễm cho 489 hộ gia đình và xây dựng nhà vệ sinh cho 58 hộ gia đình thuộc Khóm 2, phường 3. Ban liên hiệp Trà Vinh bảo dưỡng trên 1.000 cây cổ thụ và trồng mới 10.000 cây dọc các tuyến phố và khu công nghiệp. Ban liên hiệp tỉnh Vĩnh Long cải thiện được khu chợ Phước Thọ không còn đọng nước, vệ sinh ô nhiễm và thu gom rác kém hiệu quả để phục vụ cho 200 hộ kinh doanh và 2.000 người đi chợ. Qua những quá trình này, còn có các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực và hành động hiệu quả. Những khía cạnh chính từ các thành tích nêu trên có thể được tổng kết dưới đây:

    Hình thành và thực hiện thể thức Ban liên hiệp: Đây là lần đầu tiên một Chương trình ở Việt Nam áp dụng rộng thể thức đối tác địa phương này, song hành với mô hình chung là Ban quản lý dự án. Các thành viên Ban liên hiệp (ít nhất là 3 thành viên và trong đó có một thành thành viên là tổ chức đoàn thể như trường hợp Cà Mau) cùng làm việc theo trách nhiệm và quyền lực nêu rõ trong Thỏa thuận cộng tác. Hầu hết các Ban liên hiệp áp dụng tốt mô hình này cho hoạt động kết nối ở các đô thị địa phương, ở cấp vùng và quốc gia. Các đối tác chính quyền và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và đóng góp kinh phí cho các DATTN. Tuy nhiên, một số Ban liên hiệp cũng gặp một số khó khăn như các thành viên chưa thực sự tích cực tham gia, thiếu thành viên cần thiết để phối hợp các bên liên quan, hoặc thiếu cán bộ chuyên trách, vv.

    Điều hành DATTN trong bối cảnh địa phương: Việc điều hành các quy chế dự án và hệ thống tài chính kép là những cách làm phức tạp nhất. Việc tuân thủ các Hướng dẫn thủ tục của EC, các quy định địa phương, các yêu cầu và phê duyệt kiểm toán là rất phức tạp và chiếm nhiều thời gian trong quá trình thực hiện vốn đã rất ngắn ngủi của VPDA và các DATTN. Trong bối cảnh những văn bản thông thường ở cấp địa phương chỉ là tiếng Việt, việc áp dụng ngôn ngữ tiếng Anh là chính cũng làm mất nhiều thời gian và không mang tính linh hoạt. Tuy nhiên, VPDA đã làm việc cùng với các DATTN dần xây dựng được nền tảng phối kết hợp, các thủ tục hành chính và tài chính để có thể vận hành được.

    Phát triển cộng đồng: Đây thực là những kinh nghiệm năng động và ý nghĩa về những hỗ trợ của VPDA và những nỗ lực của các DATTN trong các hoạt động huy động con người. Có được nhận thức cao, sự tham gia tích cực và tinh thần làm chủ địa phương, tất cả những điều này đều là do sự quan tâm và những giải pháp chu đáo đối với lợi ích của cộng đồng sở tại, thông qua các đối tác phù hợp (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, và các nhóm cộng tác viên liên quan). Quy chế cộng đồng được xây dựng và nhất trí nhằm đảm bảo các thành tích thu được. Những bài học chính có được là các Ban liên hiệp phải hành động như người làm dâu trăm họ để thông báo, giải thích và vận động sự tham gia của cư dân địa phương vào tất cả các giai đoạn dự án. Giải pháp kỹ thuật: Hầu hết các DATTN đã kết hợp điều kiện tài trợ (thời gian ngắn, ngân sách ít) và yêu cầu (mô hình có thể nhân rộng) với tính phù hợp với bối cảnh địa phương (chi phí thấp cho các khu vực nghèo, dọn dẹp khu thực địa, thiết kế theo tập quán của địa phương, vv).

    Các DATTN về nâng cấp đô thị (như Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang) chủ yếu áp dụng các ống cống có nắp (cấu trúc gạch bê tông) để thay thế các cống đất, rạch ứ đọng nước. Các dự án này




    cũng thiết kế hệ thống thu gom rác thường xuyên để rác không làm tắc nghẽn hệ thống cống vào mùa mưa bão. Các bên liên quan và sự tham gia từ cộng đồng trong quá trình quy hoạch và xây dựng đã giúp họ khắc phục nhiệm vụ khó khăn nhất, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

    Các nhóm tư vấn địa phương cũng có ý kiến phản hồi trong quá trình thực hiện. Bài học chính thu được là thiết kế thi công dự án (ví dụ Cà Mau và Châu Đốc) cần phải đầy đủ.

    Trong tất cả các trường hợp, quá trình thiết kế-thầu- phê duyệt các công trình thi công theo yêu cầu của chính quyền địa phương thường rất lâu.

    Về quản lý chất thải rắn: Hầu hết các Ban liên hiệp thực hiện các hoạt động quản lý chất thải rắn theo các dạng khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm Cần Thơ, Cao Lãnh, Kiên Giang và Long An, đã hoàn thành hầu hết quy trình, từ phân loại rác tại hộ gia đình, thu gom và xử lý rác vô cơ và hữu cơ bằng kỹ thuật than thiện môi trường. Các Ban liên hiệp An Giang, Sóc Trăng, và Hậu Giang thiết lập hệ thống thu gom rác mới nhằm ngăn ô nhiễm ở các khu trọng điểm (khu du lịch, khu dân cư nghèo). Vĩnh Long và Cà Mau cải thiện các dịch vụ thu gom cho các khu chợ và dân cư ven sông. Các hoạt động theo hình thức trình diễn cho thấy các giải pháp cho các vấn đề chất thải đô thị là có thể. Nhưng để đảm bảo tính bền vững cần có những nỗ lực thường xuyên, quy hoạch đúng và cơ chế tài chính phù hợp đối với toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn.

    Cây xanh đô thị: Phủ xanh đô thị là yếu tố quan trọng trong môi trường thị xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các DATTN đã thực hiện một số hoạt động can thiệp điển hình. Ban liên hiệp Trà Vinh tập trung gìn giữ hệ thống cây xanh đô thị trong toàn bộ khu vực thị xã Trà Vinh. Ban liên hiệp tỉnh An Giang thực hiện nâng chất cây xanh ở khu vực du lịch nổi tiếng Núi Sam. Ban liên hiệp Cần Thơ thiết kế và trồng mới các các loại cây xanh cho quận trung tâm Ninh Kiều. Những DATTN này cho thấy việc trồng mới cây xanh và bảo dưỡng cây lâu năm phục vụ cộng đồng đô thị là có thể ở tất cả các thành phố (chi phí thấp, các kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản), nhưng chúng cần những nỗ lực và sự quan tâm thường xuyên của thành phố trong việc quy hoạch, sự tham gia của quần chúng, việc trồng và bảo dưỡng cây xanh.

    Tính bền vững: Những kinh nghiệm thu được cho thấy sự quan tâm và nỗ lực duy trì các DATTN và nhân rộng/áp dụng trên diện rộng tới các thành phố/khu vực khác. Đối với hoạt động nâng cấp và phủ xanh đô thị, những kinh nghiệm gồm việc thiết kế, thực hiện, kế hoạch vận hành và bảo dưỡng, chuyển giao và giám sát các kết quả dự án. Với hệ thống đường nước hiện tại, việc chăm tưới cây xanh ở khu vực núi Sam tỉnh An Giang mang tính bền vững hơn việc tưới nước bằng xe tưới. Dự án Cà Mau đưa ra được kế hoạch và những kinh nghiệm hữu ích đối với thị xã để tiếp tục phục hồi khu ven sông ở các đoạn sông khác. Đối với các dự án quản lý chất thải rắn, việc tiếp tục sau dự án gặp nhiều thách thức hơn, vì cách tiếp cận và hoạt động can thiệp tài trợ rất khác với các điều kiện thông thường. Tuy nhiên, một số hoạt động nhân rộng và áp dụng trên diện rộng cũng đang được tìm kiếm ở các DATTN. Dự án Long An đã chuyển giao xưởng ủ phân vi sinh cho một đơn vị tư nhân và nhân rộng mô hình sang 6 thị trấn khác bằng việc sử dụng ngân sách môi trường tỉnh. Dự án Kiên Giang chuyển giao hệ thống sang huyện Châu Thành. Cao Lãnh và Cần Thơ chuyển giao hệ thống ủ phân vi sinh cho các công ty công trình công cộng tỉnh, và cam kết áp dụng sang các khu vực khác ở đô thị.

    Bên cạnh những đánh giá giữa kỳ, những đánh giá nội bộ của những bên liên quan (lãnh đạo thành phố, cá cơ quan ngành dọc, hội phụ nữ), tình hình thực tế và nhận xét của các thành viên DATTN cho thấy đã có những thay đổi đáng kể về nhận thức, năng lực nâng cao và cải thiện về môi trường mang lại từ quá trình thực hiện các DATTN. Mặc dù những kết quả thu được từ các DATTN vẫn tùy thuộc vào đánh giá cuối cùng của địa phương cũng như đoàn đánh giá EC, song Văn phòng Dự án và các Ban liên hiệp tin tưởng rằng các DATTN sẽ là các tài liệu tham khảo hữu ích để các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long và nơi khác cải thiện môi trường của họ.


    MỤC LỤC



    THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI VÀ NÂNG CHẤT CÂY XANH
    Ở KHU DU LỊCH NÚI SAM, TỈNH AN GIANG

    DỰ ÁN THIẾT KẾ, CHỈNH TRANG TUYẾN DÂN CƯ VEN SÔNG RẠCH
    TRUNG TÂM THÀNH PHỐ CÀ MAU

    CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TẠI KHU VỰC QUẬN NINH KIỀU,
    THÀNH PHỐ CẦN THƠ

    DỰ ÁN THÍ ĐIỂM PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN VÀ HỖ TRỢ VỆ SINH
    Ở THÀNH PHỐ CAO LÃNH, TỈNH ĐỒNG THÁP

    XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỞNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
    Ở THỊ XÃ VỊ THANH, TỈNH HẬU GIANG

    MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
    Ở THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ

    HIỆN HỮU TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TÂN AN, TỈNH LONG AN

    CẢI THIỆN HẠ TẦNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG Ở KHÓM 2,
    PHƯỜNG 3 THÀNH PHỐ SÓC TRĂNG

    BẢO DƯỠNG CÂY CỔ THỤ VÀ TRỒNG MỚI CÂY XANH ĐƯỜNG PHỐ
    VÀ TRONG CÔNG VIÊN THỊ XÃ TRÀ VINH

    QUY HOẠCH VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG CHỢ PHƯỚC THỌ
    TẠI THÀNH PHỐ VĨNH LONG
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...