Thạc Sĩ Quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (4/1972 - 1/1973)

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 15/6/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SĨ
    NĂM 2014

    MỤC LỤC
    MỞ ĐẦU 01

    CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN 07
    1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 07
    1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU . 25
    CHƯƠNG 2: ĐẾ QUỐC MỸ MỞ CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI MIỀN BẮC LẦN THỨ HAI VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM .26
    2.1. BỐI CẢNH TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ TRƯỚC CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI MIỀN BẮC LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ . 26
    2.2. ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN PHÁ HOẠI MIỀN BẮC LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM . 53

    CHƯƠNG 3: QUÂN VÀ DÂN MIỀN BẮC ĐÁNH THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ . 64
    3.1. QUÂN VÀ DÂN MIỀN BẮC ĐÁNH TRẢ KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN MỸ 64
    3.2. ĐÁNH BẠI CUỘC TẬP KÍCH ĐƯỜNG KHÔNG CHIẾN LƯỢC CUỐI THÁNG 12-1972 CỦA ĐẾ QUỐC MỸ . 97

    CHƯƠNG 4: NHẬN XÉT, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM . 119
    4.1. NHẬN XÉT . 119
    4.2. Ý NGHĨA LỊCH SỬ 131
    4.3. MỘT SỐ KINH NGHIỆM 134
    KẾT LUẬN 150
    DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN . 154
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO . 155
    PHỤ LỤC . 172

    MỞ ĐẦU

    1. Lí do chọn đề tài
    Trong cuộc KCCMCN, việc quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (4-1972 – 1-1973) có vai trò rất quan trọng, góp phần cùng với thắng lợi của quân và dân miền Nam làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Dù đã nỗ lực tối đa nhưng Mỹ vẫn không thể đạt được một chiến thắng có ý nghĩa chính trị, quân sự như đã tính toán.
    Chiến thắng của quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đặc biệt là thắng lợi của trận “ Điện Biên Phủ trên không” đã trực tiếp dẫn đến Hiệp định Paris. Đó là thắng lợi quyết định của công cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
    Mảng đề tài chiến tranh phá hoại miền Bắc nói chung, chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai nói riêng cũng như cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh này đã được đề cập ở nhiều công trình nghiên cứu. Có những công trình đề cập trực tiếp cuộc chiến tranh phá hoại lần miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ; có công trình nghiên cứu về hậu phương miền Bắc trong cuộc KCCMCN, trong đó có nội dung về chống chiến tranh phá hoại, về chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ở từng địa phương, đơn vị, ngành trong lực lượng vũ trang. Cách tiếp cận của các công trình nghiên cứu về mảng đề tài này cũng rất đa dạng. Có công trình tiếp cận dưới góc độ chuyên ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên ngành lịch sử Việt Nam; có công trình là dạng những báo cáo, những công trình tổng kết chiến tranh nhân dân của một đơn vị hay một ngành trong lực lượng vũ trang hoặc địa phương miền Bắc trong cuộc chiến đấu này .
    Mặc dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng xung quanh mảng đề tài về quân và dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, đặc biệt là chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972 vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với giới nghiên cứu. Trên ý nghĩa đó, tôi quyết định chọn: Quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (4/1972 - 1/1973), làm đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ lịch sử của mình. Thực hiện thành công đề tài này không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn.
    Về mặt khoa học: Góp phần khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, QUTW, Bộ Quốc phòng; Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tác chiến phòng không.
    Về mặt thực tiễn: Trong tình hình hiện nay, những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ (về biển đảo, về nhận dạng vùng phòng không, .) diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những “điểm nóng” chứa đựng nhiều nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đó là những thách thức mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt. Nếu chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam, có thể địch sẽ triển khai từ nhiều hướng: trên bộ, trên không, từ biển vào, có thể diễn ra cùng một lúc trên phạm vi toàn quốc với một nhịp độ cao, cường độ lớn ngay từ đầu hoặc trong suốt quá trình chiến tranh. Rất có khả năng đối phương sẽ đánh phủ đầu giành quyền làm chủ chiến tranh để phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đánh qụy khả năng chống trả của ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiến công trên bộ, trên biển, đổ bộ đường không, . Qua đó, địch sẽ gây sức ép về chính trị hoặc buộc chúng ta phải chấp nhận điều kiện chính trị do chúng đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn đề bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang được đặt ra cấp thiết, việc chuẩn bị các phương án tác chiến trên không, trên chiến trường sông biển được coi là vấn đề sống còn trong công cuộc phòng vệ quốc gia.
    Vì thế, giá trị lịch sử của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc luôn là thực tiễn sinh động, có tính thời sự sâu sắc. Đó cũng là cơ sở lí luận và thực tiễn quý báu để ngày nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu vận dụng, bổ sung hoàn thiện những cách đánh mới phù hợp, nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    2.1. Mục đích
    Nghiên cứu, tái hiện một cách hệ thống và toàn diện cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (từ tháng 4-1972 - 1-1973). Qua đó làm sàng rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam cũng như những đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến đường không, đường biển nói riêng; rút ra những kinh nghiệm lịch sử cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
    2.2. Nhiệm vụ
    - Sưu tầm và hệ thống hóa tư liệu về quá trình quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ.
    - Làm rõ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai.
    - Phân tích, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai và chủ trương đối phó của Đảng ta.
    - Phục dựng cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần hai của Mỹ.
    - Trên cơ sở giải quyết những nhiệm vụ trên, luận án rút ra một số nhận xét, ý nghĩa, kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần hai của đế quốc Mỹ.
    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng
    Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (4-1972 - 1-1973) gắn với bối cảnh của cuộc chiến đấu ở miền Nam, diễn biến ở Hội đàm Paris (phân tích những tác động của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của quân và dân miền Bắc đối với tình hình chiến sự miền Nam, đối với cuộc đàm phán Paris, đối với vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế).
    3.2. Phạm vi
    - Về nội dung: Thực chất của chiến tranh phá hoại miền Bắc là chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ đối với hậu phương miền Bắc và cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh ngăn chặn.
    Chiến tranh ngăn chặn của Mỹ nhằm mục đích: đánh phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, làm suy yếu miền Bắc, bao vây cô lập, cắt đứt nguồn viện trợ từ ngoài vào và ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam; Làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, buộc miền Bắc phải thương lượng theo điều kiện của Mỹ.
    Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc là cuộc chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ. Quân và dân miền Bắc đã quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ đối với tiền tuyến, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn chủ yếu bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972.
    - Về thời gian: Tập trung nghiên cứu từ tháng 4-1972 đến tháng 1-1973, tức là từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai đến khi Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn, không điều kiện mọi hoạt động ném bom, bắn phá miền Bắc. Để thấy rõ được tính lôgic của vấn đề, trong quá trình nghiên cứu, luận án cũng có mở rộng phạm vi nghiên cứu trước và sau khoảng thời gian trên.
    - Về không gian: toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải miền Bắc Việt Nam, trong đó, tập trung chủ yếu ở các địa phương “trọng điểm đánh phá” của đế quốc Mỹ như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, .
    4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
    4.1. Nguồn tài liệu
    - Các văn kiện của BCT, BCHTWĐ, QUTW, nghị quyết của đảng bộ các địa phương miền Bắc có liên quan.
    - Công trình nghiên cứu, bài viết, bài nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội.
    - Tài liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ Đảng, Nhà nước, Quân đội.
    - Một số công trình tổng kết, lịch sử của các cơ quan nghiên cứu Trung ương, của các địa phương, đơn vị.
    - Một số công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí, một số luận văn, luận án có liên quan đến đề tài.
    - Hồi kí của các nhà lãnh đạo, chỉ huy tác chiến thời kì này.
    - Các công trình nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam của các học giả nước ngoài. Hồi kí của các tướng lĩnh, phi công Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
    4.2. Phương pháp nghiên cứu
    Để thực hiện luận án này, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp phương pháp lôgic. Ngoài ra, còn sử dụng một số phương pháp khác như: phân tích, thống kê, so sánh, . để giải quyết các vần đề liên quan đến nội dung của luận án.
    5. Đóng góp của luận án
    - Hình thành tập hợp tư liệu về cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn từ tháng 4-1972 đến tháng 1-1973.
    - Phục dựng được một cách khách quan và chân thực cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ.
    - Đưa ra một số đánh giá về tác động của cuộc chiến đấu cũng như chiến thắng của quân và dân miền Bắc đến cục diện chiến tranh, đến kết quả Hội nghị Paris.
    - Một số kinh nghiệm được luận án đúc kết có ý nghĩa thiết thực, có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
    - Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần vào công tác giáo dục truyền thống và phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy lịch sử KCCMCN.
    6. Bố cục của luận án
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương.
    Chương 1: Tổng quan.
    Chương 2: Đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai và chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam.
    Chương 3: Quân và dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ.
    Chương 4: Nhận xét, ý nghĩa lịch sử và một số kinh nghiệm
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...