Luận Văn Quản Trị 315 - Xây dựng chiến lược kinh doanh cho Công ty xây dựng Sao Mai giai đoạn 2006 – 2010

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:


    Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động kinh doanh, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được trên thương trường thì việc quan trọng và cần thiết nhất là phải hướng công ty đi trên một con đường đúng đắn và phù hợp với sự thay đổi thường xuyên và đột ngột của môi trường kinh doanh nhằm đạt được sự thích nghi cao độ, đảm bảo sự bền vững cho doanh nghiệp. Để đạt được điều này, không gì khác hơn, các doanh nghiệp phải xác định và xây dựng một chiến lược kinh doanh thật đúng đắn cho chính doanh nghiệp mình, bởi vì chiến lược kinh doanh chính là cơ sở, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.

    Vì lẽ đó, vấn đề chung và chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng - một lĩnh vực đang phát triển rầm rộ theo xu hướng tiêu dùng, thuộc một trong ba nhu cầu thiết yếu của con người, đó là ăn, mặc và ở - là phải xây dựng một chiến lược kinh doanh đúng đắn, phù hợp với môi trường cạnh tranh luôn biến động và sao cho tương thích với điều kiện, khả năng hiện có của mình. Vấn đề này lại càng cần thiết và cấp bách hơn khi hiện nay nhu cầu của con người là rất đa dạng và đòi hỏi tính thẩm mỹ cao kể cả trong nơi ở cũng như nơi làm việc hàng ngày của mình.

    Thêm vào đó, cùng với xu hướng phát triển chung của cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần về công nghiệp, xây dựng và giảm dần về nông nghiệp. Trong đó, dự báo nhịp độ tăng trưởng của ngành xây dựng đến năm 2010 là 16,4% ( so với giai đoạn 1996 –2000 là 14,79%). Ngoài ra, dự báo về mức tăng dân số của khu vực ĐBSCL trong giai đoạn này cũng khá cao: 21,1 triệu người với GDP dự kiến đạt được khoảng 7.557.000 đồng /người /năm (Nguồn: Bộ Kế hoạch và đầu tư). Từ đó cho thấy mức cầu về nhà ở cũng như các cơ quan, công trình, phục vụ cho nhu cầu sinh sống và làm việc của con người chắc chắn sẽ tăng cao ở khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đó cũng chính là những cơ hội đặt ra cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, trong đó có Sao Mai. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trước mắt như thế, công ty Sao Mai có gặp phải những mối đe doạ, nguy cơ hay bản thân công ty có những điểm yếu nào cần khắc phục cũng như những điểm mạnh nào cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa để công ty có thể tồn tại và phát triển bền vững trong cuộc chiến đầy gay go trên thương trường hiện nay hay không? Để nhận ra điều đó và đạt được kết quả như mong muốn không gì khác hơn là phải xây dựng cho Sao Mai một chiến lược kinh doanh thật đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn trước mắt, giai đoạn 2006 -2010. Vì lẽ đó - xuất phát từ thực trạng của môi trường kinh doanh đầy biến động, cũng như từ thực tiễn cuộc sống và do sự cuốn hút bởi vai trò quan trọng không thể thiếu của chiến lược kinh doanh trong doanh nghiệp, tôi quyết định chọn đề tài “Xây dựng chiến lược kinh doanh cho Công ty xây dựng Sao Mai giai đoạn 2006 – 2010”.

    2. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:

    2.1. Mục tiêu nghiên cứu:

    Việc chọn đề tài “Xây dựng chiến lược kinh doanh cho Công ty xây dựng Sao Mai giai đoạn 2006 – 2010” nhằm đạt được các mục tiêu sau đây:

    Phân tích tác động của môi trường kinh doanh đến các hoạt động của Sao Mai.

    Nhận định điểm mạnh và điểm yếu của Công ty cũng như các cơ hội và đe dọa mà môi trường kinh doanh mang lại cho Công ty.

    Xây dựng một chiến lược phù hợp cho hoạt động kinh doanh của Công ty trong giai đoạn 2006 – 2010 trên cơ sở hạn chế, khắc phục các điểm yếu và phát huy các điểm mạnh hiện có để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả mà công ty đã đạt được như hiện nay nhằm duy trì sự phát triển một cách liên tục và bền vững.

    2.2. Phạm vi nghiên cứu:

    - Đối tượng khảo sát: các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty Sao Mai.

    - Thời gian nghiên cứu: trong giai đoạn từ 14/02/2006 đến 15/05/2006.

    - Không gian nghiên cứu: Công ty xây dựng Sao Mai.

    - Giới hạn nghiên cứu: Công ty Sao Mai hoạt động trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều thị trường khác nhau nhưng luận văn này chỉ tập trung vào phân tích chiến lược về lĩnh vực xây dựng của Công ty ở thị trường An Giang. Bên cạnh đó, do thời gian nghiên cứu và khả năng tiếp cận đến các doanh nghiệp xây dựng trong Tỉnh An Giang là có giới hạn nên đề tài chỉ có thể nghiên cứu và phân tích các đối thủ cạnh tranh của Sao Mai là những công ty điển hình (Công ty Xây lắp An Giang, Địa Ốc An Giang, Thuận Thiên, Thiên Lộc và Hoàng Quân).

    3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

    Các phương pháp được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài, gồm:

    3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu:

    Thu thập dữ liệu sơ cấp: được tác giả ghi nhận bằng các phương pháp:

    - Phương pháp quan sát trực tiếp các hoạt động diễn ra hàng ngày trong Công ty, chủ yếu là quá trình làm việc, tiếp xúc với các đối tác, của nhân viên trong Công ty.

    - Phỏng vấn các trưởng phòng (phòng Kinh doanh, Phòng Kế hoạch, Phòng Marketing) để tìm hiểu rõ về đối tượng khách hàng, nhà cung cấp, các đối tác khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty cũng như các chính sách về nhân sự mà Công ty đang thực hiện. Ngoài ra, có thể phỏng vấn ngay các nhân viên của công ty để hiểu được thái độ của họ đối với công ty hiện nay như thế nào.

    - Phỏng vấn các đối tượng là khách hàng và là đối thủ cạnh tranh của Công ty:

    + Phỏng vấn đối thủ cạnh tranh: với cỡ mẫu là 5 (do đề tài đã giới hạn và xác định chỉ phân tích 5 đối thủ điển hình của Sao Mai trong địa bàn Tỉnh An Giang), phương pháp chọn mẫu là phương pháp thuận tiện – là phương pháp chọn mẫu dựa vào tính dễ tiếp cận với đối tượng được phỏng vấn). Trong đó, các đối tượng được phỏng vấn chủ yếu là giám đốc bộ phận và nhân viên quản lý của các Công ty: Địa Ốc AG, Xây lắp AG, Thiên Lộc, Thuận Thiên và Hoàng Quân. Cuộc phỏng vấn được thực hiên trong thời gian từ ngày 05/04/2006 – 10/04/2006 nhằm thu thập thông tin về hoạt động của các Công ty này (về sản phẩm, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động, ) cũng như những nhận định của họ về các tác động ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Tỉnh An Giang hiện nay, v v (Nội dung cụ thể được trình bày trong phần Phụ lục 1).

    + Phỏng vấn khách hàng: với cỡ mẫu 20 ( vẫn được chọn theo phương pháp thuận tiện), số lượng mẫu được phân phối đều đến những khách hàng đã mua nền nhà trong các khu dân cư, khu đô thị của Sao Mai trong địa bàn Tỉnh An Giang: Long Xuyên, Chợ Mới, Phú Hòa, Tịnh Biên, . Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong thời gian từ ngày 15/04/2006 – 22/04/2006 nhằm khảo sát ý kiến khách hàng về sản phẩm (chất lượng, giá cả, .) cũng như các chính sách quan tâm đến khách hàng mà Sao Mai đang áp dụng v v (Nội dung cụ thể được trình bày trong phần Phụ lục 2).

    Thu thập dữ liệu thứ cấp: bằng cách ghi nhận từ các nguồn:

    - Các báo cáo, tài liệu của công ty Sao Mai và các đối thủ cạnh tranh của công ty. Các phòng ban cung cấp gồm: phòng Kế hoạch, phòng Kinh doanh, phòng Kế toán và phòng Marketing của Công ty.

    + Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2000 – 2005, báo cáo chi tiết về các yếu tố có liên quan đến các tỷ số tài chính, như: cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn, (Phòng Kế toán).

    + Các tài liệu về đối tác của công ty, như nhà cung cấp, khách hàng, đơn vị cho vay, (Phòng Kinh doanh và Marketing).

    + Các tài liệu về kế hoạch, phương hướng phát triển của công ty trong giai đoạn 2006 – 2010 (Phòng Kế hoạch và Marketing).

    + Trên báo chí, truyền hình, mạng internet. Trong đó, chủ yếu là mạng internet, với các trang web: www.angiang.gov.vn và www.gso.gov.vn

    + Nghiên cứu trước đây: chuyên đề của sinh viên thực tập (năm học
    2003 – 2004) tại Công ty với đề tài “Kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm xây lắp”.

    3.2. Phương pháp phân tích dữ liệu:

    Phương pháp so sánh, tổng hợp: So sánh các chỉ tiêu đạt được của Công ty với các chỉ tiêu mà đối thủ cạnh tranh đạt được trong cùng những điều kiện như sau: không gian, thời gian, nội dung kinh tế, đơn vị đo lường, phương pháp tính toán, qui mô và điều kiện kinh doanh.

    Phương pháp quy nạp: nhận định từ những vấn đề nhỏ, chi tiết rồi mới đi đến kết luận chung của vấn đề cần phân tích.

    Phương pháp phân tích SWOT: là phương pháp then chốt trong xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu bên trong doanh nghiệp cũng như các cơ hội, nguy cơ thuộc môi trường bên ngoài nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, phương pháp phân tích còn được sử dụng trong các ma trận khác: ma trận BCG, ma trận SPACE, ma trận chiến lược chính, Các phương pháp này sẽ được trình bày trong phần Cơ sở lý thuyết của việc xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp.

    4. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU:

    Với hy vọng và mong muốn vận dụng những gì đã được học về bộ môn Quản trị chiến lược, một môn khoa học kinh tế còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam hiện nay, vào thực tiễn cũng như có thể góp thêm một ít kinh nghiệm vào việc vận dụng quản trị chiến lược trong các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh An Giang, đề tài đã hướng đến xây dựng chiến lược kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng của công ty Sao Mai là một điển hình, hy vọng rằng kết quả mà đề tài mang lại thực sự là những kinh nghiệm mà các doanh nghiệp trong ngành cũng như các ngành khác có thể nghiên cứu, xem xét để rút ra kinh nghiệm trong công tác xây dựng chiến lược của doanh nghiệp mình.

    Ngoài ra, đề tài cũng hy vọng góp một phần nhỏ trong việc khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược kinh doanh trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp An Giang nói riêng nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng đó của chiến lược và tiến hành xây dựng chiến lược phát triển một cách nghiêm túc và khoa học.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...