Luận Văn Quản Trị 301 - Phân tích doanh thu và lợi nhuận của nhà máy xi măng An Giang

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI MỞ ĐẦU

    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Thực hiện đường lối đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, từ đó tạo điều kiện để nước ta bước vào thời kỳ mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từng bước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

    Quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đặt ra cho các doanh nghiệp nước ta nhiều cơ hội và thách thức. Đó là cơ hội thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tiếp thu cách làm việc, kinh doanh, quản lý khoa học của nước ngoài, có cơ hội đưa sản phẩm của mình đến nhiều nước trên thế giới Mặt khác, các doanh nghiệp phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trong nền kinh tế thị trường, một khi không còn sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp nước ta phải tự điều hành, quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả để đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải tạo được doanh thu và có lợi nhuận, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mọi diễn biến và kết quả của quá trình sản xuất kinh doanh. Bởi vì thách thức lớn nhất hiện nay không chỉ là tăng đầu tư hay tăng sản lượng mà là tăng cường hiệu quả kinh doanh. Như vậy, thường xuyên quan tâm phân tích hiệu quả kinh doanh nói chung, doanh thu, lợi nhuận nói riêng trở thành một nhu cầu thực tế cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

    Trong thời gian học tập ở trường đại học, em được trang bị một nền tảng lý thuyết về kinh tế, phương pháp phân tích kinh tế. Thời gian thực tập tại Nhà máy xi măng An Giang, em được tiếp cận với thực tiễn sinh động ở một đơn vị sản xuất kinh doanh ngành xi măng. Bản thân em có cố gắng nghiên cứu, tìm tòi và nhận thấy việc phân tích doanh thu, lợi nhuận là một việc làm hết sức quan trọng cần thiết. Bởi vì, doanh thu, lợi nhuận không chỉ phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh mà còn là cơ sở để tính ra các chỉ tiêu chất lượng khác nhằm đánh giá đầy đủ hơn hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ hoạt động. Thông qua việc phân tích này, các nhà quản lý sẽ nắm được thực trạng của doanh nghiệp, phát hiện những nguyên nhân và sự ảnh hưởng của các nhân tố lên doanh thu, lợi nhuận. Từ đó, chủ động đề ra những giải pháp thích hợp khắc phục những mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của các nhân tố ảnh hưởng và huy động tối đa các nguồn lực nhằm làm tăng doanh thu, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

    Xuất phát từ những vấn đề trên đây, em chọn đề tài:

    “PHÂN TÍCH DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CỦA NHÀ MÁY XI MĂNG AN GIANG”


    2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:


    - Đánh giá tình hình doanh thu và lợi nhuận đạt được của nhà máy qua 3 năm 2001, 2002, 2003.

    - Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình biến động của doanh thu và lợi nhuận.

    - Đề ra một số giải pháp nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận để nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà máy.

    3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

    Để phân tích doanh thu và lợi nhuận, em sử dụng một số phương pháp sau:

    - Phương pháp thu thập - thống kê - tổng hợp số liệu: Trong đề tài này đòi hỏi cần phải có những số liệu trong những năm gần đây, các số liệu được tập hợp, thu thập từ các báo cáo, tài liệu của cơ quan thực tập, các thông tin trên báo, đài, internet Sau đó tiến hành thống kê, tổng hợp lại cho có hệ thống để phân tích.

    - Phương pháp so sánh: Là phương pháp xem xét một chỉ tiêu dựa trên việc so sánh với một chỉ tiêu cơ sở, qua đó xác định xu hướng biến động của chỉ tiêu cần phân tích.

    Tùy theo mục đích phân tích, tính chất và nội dung của các chỉ tiêu kinh tế mà ta có thể sử dụng các kỹ thuật so sánh thích hợp như so sánh tuyệt đối, so sánh tương đối.

    - Phương pháp thay thế liên hoàn: Là phương pháp thay thế các nhân tố theo một trình tự nhất định để xác định mức độ ảnh hưởng của chúng đến chỉ tiêu phân tích. Các nhân tố này phải có quan hệ với chỉ tiêu phân tích dưới dạng tích số hoặc thương số.

    - Phương pháp liên hệ: Để lượng hóa các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế. Có nhiều cách liên hệ như liên hệ cân đối, liên hệ tuyến tính, liên hệ phi tuyến Bài viết này sử dụng phương pháp liên hệ tuyến tính là liên hệ theo một hướng xác định giữa các chỉ tiêu. Chẳng hạn lợi nhuận có quan hệ cùng chiều với doanh thu, giá bán có quan hệ ngược chiều với chi phí.

    - Phương pháp chi tiết: Là phương pháp phân tích các chỉ tiêu kinh tế một cách chi tiết theo các hướng:


    + Chi tiết theo các bộ phận, hay yếu tố cấu thành của chỉ tiêu.

    + Chi tiết theo thời gian.

    + Chi tiết theo địa điểm.

    Trong phạm vi bài viết này sử dụng phương pháp chi tiết theo bộ phận hay yếu tố cấu thành.

    4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU:

    Đề tài này xin được giới hạn trong phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các số liệu về kết quả doanh thu tiêu thụ, lợi nhuận đạt được của Nhà máy xi măng An Giang.

    Do thời gian thực tập ngắn ngủi và sự hạn chế của người viết, bài viết không đi sâu vào chi tiết, chỉ đánh giá tình hình doanh thu và lợi nhuận qua số liệu thu thập được từ các báo cáo tài chính của nhà máy. Không phân tích tất cả các nhân tố mà chỉ phân tích một số nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến tình hình biến động doanh thu, lợi nhuận của nhà máy. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...