Luận Văn Quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
    Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi cá nhân. Nhân cách của con người được hình thành và hoàn thiện dần chính nhờ giao tiếp với môi trường xung quanh. Để tồn tại, mỗi người phải học hỏi từ gia đình, từ xã hội. Và có khi họ phải tiếp thu những kiến thức từ những nơi rất xa. Trong sản xuất, để nâng cao năng suất lao động, các cá nhân phải biết phân công và hợp tác lao động. Khi kinh tế hàng hoá phát triển, nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ càng được đặt lên hàng đầu. Thế giới đang tiến vào kỷ nguyên văn minh. Các phương thức truyền tin thủ công thời xa xưa (thư, điện tín) đang dần được thay thế bằng những phương thức hiện đại. Ngày nay, ở mỗi doanh nghiệp, điện thoại và máy tính nối mạng Internet là phương tiện thông tin liên lạc không thể thiếu. Và đa phần người dân ở các thành phố đã sử dụng điện thoại di động.
    Với sự phát triển công nghệ như vũ bão, dịch vụ viễn thông góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Để trao đổi thông tin, mọi người không nhất thiết phải gặp mặt nhau trực tiếp, mà có thể trao đổi qua điện thoại, Internet . Các phương tiện đó giúp quá trình truyền tin diễn ra nhanh chóng, chính xác, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt với xu hướng người dân ở các tỉnh di cư về những thành phố lớn, nhiều người còn phải đi làm việc xa quê hương, thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông để trao đổi thông tin với người thân tăng lên đáng kể. Trong hầu hết các doanh nghiệp, hệ thống Internet và điện thoại góp phần đáng kể vào kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, sự tiện lợi đó cũng có mặt trái. Lợi dụng các “lỗ hổng” của mạng viễn thông, nhiều thế lực thù địch chống phá quốc gia đã tìm cách tấn công bằng “diễn biến hoà bình”, tuyên truyền kích động chống lại đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ thông tin xuất hiện, nhằm phá huỷ kết cấu hạ tầng, hạ thấp uy tín cá nhân và tổ chức, lấy trộm tiền . Chính vì vai trò quan trọng với an ninh - chính trị quốc gia và với nền kinh tế - xã hội như vậy, sự phát triển của thị trường dịch vụ viễn thông ở mỗi nước rất được quan tâm.
    Việt Nam đang gia nhập vào quá trình toàn cầu hoá. Và viễn thông là yếu tố quan trọng góp phần mở rộng mạng lưới liên kết giữa các quốc gia trên thế giới. Với đặc điểm là kết tinh tri thức cao của con người, công nghệ viễn thông biến đổi rất nhanh, các sản phẩm, dịch vụ mới xuất hiện thường xuyên, liên tục. Chính sự đa dạng này đã tạo ra nhiều khó khăn cho quản lý nhà nước (QLNN), đòi hỏi những người trong cơ quan quản lý phải có hiểu biết về chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin.
    Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra muộn. Xét về hạ tầng kĩ thuật, nước ta vẫn phát triển sau các nước tiên tiến. Và thực tế Việt Nam đã trở thành bãi rác thải công nghệ của nhiều nước. Phần lớn hạ tầng mạng viễn thông của Việt Nam được phát triển dựa trên công nghệ cũ. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn khi muốn triển khai những dịch vụ gia tăng tiện ích cho khách hàng. Ngoài hạn chế đó, thị trường dịch vụ viễn thông còn đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp đua nhau khuyến mãi, giảm giá, mà không quan tâm đến chất lượng hạ tầng mạng. Đó là một trong số những bất ổn của thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam.
    Trước thực trạng trên, QLNN đối với thị trường còn nhiều lúng túng. Các cơ quan quản lý đưa ra những ý kiến trái ngược nhau trong việc xác định xem doanh nghiệp có bán phá giá hay không, hay có hiện tượng ngăn chặn kết nối giữa các mạng không Do kinh nghiệm quản lý một thị trường phức tạp như viễn thông còn hạn chế, nên QLNN gặp phải rất nhiều khó khăn. Và với một thị trường trong giai đoạn phát triển nhanh chóng như Việt Nam thì càng đòi hỏi phải có các giải pháp giúp cơ quan QLNN kiểm soát và thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn.
    Kinh nghiệm kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chưa nhiều. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tập trung trước đây đã kìm hãm sự phát triển của tất cả các ngành kinh tế, trong đó có viễn thông. Nhờ quá trình Đổi mới hơn 20 năm qua, ngành đã có cơ hội để tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, công nghệ của chúng ta vẫn đi sau các nước. Các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thua kém các tập đoàn trên thế giới. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bắt buộc nước ta phải mở cửa nhiều thị trường, trong đó có thị trường dịch vụ viễn thông. Trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, hay trong các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), viễn thông luôn là lĩnh vực được đàm phán căng thẳng. Với quy luật thị trường “Cá lớn nuốt cá bé” như hiện nay, thì các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang có nguy cơ thua ngay tại thị trường trong nước.
    Từ trước đến nay, đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các bài viết đó chưa nghiên cứu sâu khía cạnh QLNN. Những lý do trên là cơ sở để tôi lựa chọn đề tài “Quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam” làm Luận văn tốt nghiệp của mình.
    2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
    Thị trường dịch vụ viễn thông là một vấn đề được bàn thảo nhiều trên báo chí. Tuy nhiên chưa có nhiều công trình nghiên cứu đầy đủ về QLNN đối với thị trường này ở Việt Nam. Một số công trình nghiên cứu liên quan có thể kể ra ở đây là:
    - Vũ Đức Đam (1996), Phát triển viễn thông trong nền kinh tế hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    - Phạm Thị Hương Duyên (2000), Một số vấn đề về đầu tư phát triển ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
    - Đỗ Doãn Quý (2004), Chính sách hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông của Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2005), Nghiên cứu về cạnh tranh ngành Viễn thông Việt Nam, báo cáo Nghiên cứu chính sách - VNCI.
    - Lê Bửu Trân (2005), Báo cáo Phát triển thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
    - Lê Thanh Dũng (2005), Các dịch vụ viễn thông của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Nxb Bưu điện, Hà Nội.
    - Nguyễn Thành Phúc (2006), Viễn thông và Internet Việt Nam hướng tới năm 2010, Báo Bưu điện Việt Nam.
    - Phan Thị Minh Huệ (2007), Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
    - Trần Đăng Khoa (2009), Phát triển ngành viễn thông Việt Nam đến năm 2020, Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
    - Đoàn Phúc Thanh (2000), Nguyên lý quản lý kinh tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
    - Lương Xuân Quỳ (2006), Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

    Cơ sở lý luận về vai trò quản lý kinh tế của nhà nước đã được khá nhiều người nghiên cứu. Các công trình đã chỉ ra 3 nội dung của QLNN đối với một thị trường: Tạo lập môi trường pháp lý để điều tiết hoạt động của thị trường; Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển thị trường; Ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Các chức năng QLNN được xem xét trên 2 phương diện. Với cách tiếp cận phương hướng tác động quản lý, gồm các chức năng: Tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; Dẫn dắt và hỗ trợ những nỗ lực phát triển thông qua kế hoạch và các chính sách kinh tế; Hoạch định và thực hiện các chính sách xã hội; Quản lý và kiểm soát việc sử dụng tài sản quốc gia. Theo phương diện giai đoạn tác động, QLNN có 6 chức năng: Xác định phương hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Lập chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng và thực hiện pháp luật về quản lý; Tổ chức các hệ thống kinh tế trong nước hoạt động; Kiểm tra, kiểm soát nền kinh tế đảm bảo đúng định hướng phát triển; Điều chỉnh và tìm kiếm các biện pháp phát triển nền kinh tế, mở rộng và khai thông môi trường kinh tế đối ngoại.
    Tuy nhiên việc xem xét nội dung QLNN trong lĩnh vực viễn thông thì chưa được nhiều người quan tâm. Với một thị trường đặc thù như viễn thông, vấn đề QLNN cần được nghiên cứu và làm rõ những đặc điểm riêng có.
    Phần lớn các đề tài trên tập trung vào yếu tố cung trên thị trường, tức ngành viễn thông. Tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được phân tích ở nhiều khía cạnh. Nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và ngành đã được đưa ra. Một số vấn đề: cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông, vốn đầu tư phát triển ngành, được đề cập. Các đề tài đã gợi mở một số hướng phát triển của ngành, và hướng quản lý của nhà nước trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu đó đều chưa cụ thể, chưa hoàn chỉnh. Mặt khác, chưa tập trung vào vai trò QLNN - như một trong các yếu tố phát triển bền vững của thị trường.
    3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
    - Mục đích nghiên cứu: Đánh giá thực trạng quản lý của nhà nước với thị trường dịch vụ viễn thông những năm qua và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước với thị trường dịch vụ viễn thông.
    - Nhiệm vụ nghiên cứu:
    + Hệ thống hoá các vấn đề lý luận về QLNN đối với thị trường dịch vụ viễn thông.
    + Nghiên cứu thực trạng thị trường dịch vụ viễn thông ở một số quốc gia trên thế giới, để từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.
    + Phân tích, đánh giá những thành công và những vấn đề còn tồn tại của QLNN.
    + Tìm ra nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại đó.
    + Đề xuất các quan điểm định hướng, giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với thị trường này.
    4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    - Đối tượng nghiên cứu: Quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam.
    - Phạm vi nghiên cứu: Chỉ giới hạn các dịch vụ viễn thông trong đất liền hiện nay ở Việt Nam (không xét viễn thông hàng hải); Về thời gian: từ khi Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông được ban hành (năm 2002) cho tới nay.
    5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Dưới góc độ Kinh tế chính trị, luận văn sử dụng các phương pháp luận: duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, kết hợp với phương pháp nghiên cứu trừu tượng hoá khoa học nhằm khái quát hoá các nội dung, vấn đề cơ bản. Ngoài ra, còn có các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác: phân tích và tổng hợp, thống kê, xử lý số liệu, dự báo theo xu thế . được vận dụng linh hoạt cho phù hợp với định hướng nghiên cứu.
    6. DỰ KIẾN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
    - Đánh giá những thành công và hạn chế trong QLNN đối với thị trường dịch vụ viễn thông những năm qua. Các công trình trước đây cũng có nghiên cứu thực trạng QLNN, tuy nhiên ở dưới một số khía cạnh khác nhau, chưa toàn diện. Do vậy, luận văn này sẽ đánh giá thực trạng QLNN theo các tiêu chí chức năng quản lý kinh tế của nhà nước. Đây là phương pháp tiếp cận mới, phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu.
    - Đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những bất cập trong việc quản lý viễn thông của nhà nước. Những bất cập trên sẽ được luận văn giải quyết, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
    7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm có 3 chương:
    - Chương 1: Một số vấn đề chung về dịch vụ viễn thông và quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông
    - Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam
    - Chương 3: Quan điểm định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...