Thạc Sĩ Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình

Thảo luận trong 'Du Lịch' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình



    Luận văn dài 142 trang



    MỞ ĐẦU



    1. Tính cấp thiết của đề tài

    1.1. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo này, ngay từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh bảo vệ cổ tích. Ngày nay, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23-11 hàng năm là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

    Như vậy, di tích, cổ tích, hay gọi đầy đủ là di sản văn hóa, cho dù ở hoàn cảnh lịch sử nào, giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn luôn đặc biệt quan bảo vệ vì nó là hồn của dân tộc, là nền tảng tinh thần, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững, nhất là giai đoạn đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.

    1.2. Quảng Bình là một tỉnh ở khu vực Bắc miền Trung, có diện tích khiêm tốn, song chính từ mảnh đất này chứa đựng nhiều giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích và danh thắng nói riêng hết sức phong phú và đa dạng. Nơi đây là một trong những đầu mối giao thoa và tiếp biến của các nền văn hóa: Đông Sơn - Sa Huỳnh; Đại Việt - Chiêm Thành; Đàng Trong và Đàng Ngoài . Nơi đây còn có thể được xem là mảnh đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi gắn liền với các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đặc biệt, Quảng Bình còn có Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

    Theo thống kê đến tháng 5 năm 2009, Quảng Bình có hơn 300 di tích và danh thắng, trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng. Tuy số lượng di tích và danh thắng không nhiều nhưng lại đầy đủ các loại hình, phân bố khá tập trung, ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa và truyền thống, di tích và danh thắng ở Quảng Bình có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.

    1.3. Giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích và danh thắng nói riêng là vô cùng to lớn, song điều quan trọng hơn cả là việc bảo tồn và phát huy những giá trị của nó như thế nào để phát triển mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay mới chính là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, nhất là những người làm công tác quản lý văn hoá hiện nay.

    Điều dễ nhận ra là di tích và danh thắng gắn bó mật thiết với hoạt động du lịch, thậm chí nó còn được xem là tài nguyên của du lịch, chính vì lẽ đó nếu không nhận thức đầy đủ mối quan hệ mang tính biện chứng, hữu cơ thì nguồn "tài nguyên" ấy cũng đến lúc cạn kiệt; ngược lại, nếu không biết sử dụng một cách khoa học vốn "tài nguyên" ấy thì nó cũng trở thành lãng quên, khô cứng, uổng phí những gì vốn có từ giá trị của nó. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để di sản văn hóa nói chung, di tích và danh thắng nói riêng phải trở thành bộ phận hợp thành nên nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mang tính bền vững thông qua các hoạt động du lịch từ những giá trị của di tích và danh thắng mang lại, đó chính là vấn đề cần phải được giải quyết một cách khoa học, biện chứng.

    Nhận thức tầm quan trọng cũng như tính bức thiết của vấn đề nêu trên ở tỉnh Quảng Bình, tôi đã chọn đề tài "Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình" làm luận văn tốt nghiệp bậc cao học của mình, với hy vọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di tích và danh thắng nhằm bảo tồn và phát huy tác dụng của nó một cách bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên quê hương Quảng Bình.

    2. Lịch sử nghiên cứu

    Vấn đề bảo tồn di tích và danh thắng cũng như khai thác tiềm năng của di tích và danh thắng là vấn đề nhiều quốc gia, địa phương đã và đang triển khai thực hiện; do vậy đây không phải là vấn đề mới, nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề cập đến vấn đề nay. Tuy nhiên, để nghiên cứu một cách có hệ thống giữa công tác bảo tồn và phát triển một cách bền vững trong điều kiện chúng ta chưa có đủ các điều kiện để bảo tồn một cách nghiêm ngặt, khoa học và đồng bộ thì chưa có tác giả, nhóm tác giả nào nghiên cứu đề tài này ở Quảng Bình.

    Trong chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng chỉ ban hành quyết định mang tính tổng thể bao gồm nhiều loại hình du lịch, tour du lịch, dịch vụ và phát triển kinh tế từ du lịch là cơ bản. Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích, danh thắng ở Quảng Bình giai đoạn 2005 - 2015 lại tập trung vào các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng của di tích, danh thắng thông qua giáo dục truyền thống là chủ yếu, chưa đi sâu tìm giải pháp phát triển du lịch thông qua di tích, danh thắng.

    Một số công trình nghiên cứu văn hóa, địa chí về Quảng Bình cũng chỉ ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu từng mảng nội dung theo tiêu chí của công trình nghiên cứu, biên soạn như:

    - Nguyễn Tú: Quảng Bình, nước non và lịch sử, xuất bản năm 1998.

    - Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, Phong Nha Kẻ Bàng - Tư liệu tổng quan, xuất bản năm 2002.

    - Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình, Quảng Bình di tích và danh thắng, Tập 1 và 2, xuất bản năm 2002.

    - Nhiều tác giả: Thám hiểm du lịch Phong Nha, xuất bản năm 1998.

    .

    Vì vậy, đề tài "Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình" có thể được xem là đề tài đầu tiên ở Quảng Bình đi sâu nghiên cứu về một lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này.

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, tác giả luận văn sẽ tiếp thu, kế thừa những kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của luận văn.

    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

    3.1 Mục đích

    Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, luận văn đi sâu phân tích thực trạng quản lý di tích và danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình hiện nay. Từ đó, đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý văn hóa và du lịch hiện nay.

    3.2. Nhiệm vụ

    Để đáp ứng mục đích nghiên cứu, đề tài có những nhiệm vụ chủ yếu sau:

    - Một số vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế du lịch.

    - Thực trạng công tác quản lý di tích, danh thắng ở Quảng Bình.

    - Quan điểm định hướng và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý di tích, danh thắng nhằm phát triển du lịch một cách bền vững.

    4. Đối tượng, phạm vi, thời gian nghiên cứu

    4.1. Đối tượng nghiên cứu

    Hệ thống di tích lịch sử, và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trọng tâm là hệ thống di tích khảo cổ, di tích đường Hồ Chí Minh và danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng.

    4.2. Phạm vi nghiên cứu

    Nghiên cứu thực trạng quản lý di tích, danh thắng; cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, quan điểm định hướng và giải pháp nhằm vừa bảo tồn, tôn tạo di tích, danh thắng vừa phát triển kinh tế du lịch bền vững từ việc khai thác có hiệu quả những giá trị của di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

    4.3. Thời gian nghiên cứu

    Tính từ năm thành lập Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Quảng Bình (tháng 4-1995) đến nay, trong đó trọng tâm là những số liệu để chứng minh được cập nhật từ năm 2002.

    5. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp điều tra, khảo sát, phân tích, so sánh, thống kê và tổng hợp.

    - Đặc biệt, luận văn chú trọng sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành: khoa học quản lý văn hóa, quản lý kinh tế, văn hóa học, giáo dục học, tâm lý học, xã hội học và chính trị học, .

    6. Đóng góp của luận văn

    - Góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa và sự phát triển kinh tế du lịch.

    - Đánh giá công tác quản lý và phát huy giá trị của hệ thống di tích và danh thắng trong giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc cũng như góp phần phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch thông qua hệ thống di tích và danh thắng tỉnh Quảng Bình.

    - Đưa ra quan điểm định hướng và đề xuất một số giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý di tích, danh thắng, đồng thời khai thác và phát triển du lịch mang tính bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.

    - Kết quả của luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý văn hóa của giảng viên, sinh viên đại học văn hóa và cán bộ quản lý văn hóa.

    Nếu có thể, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nâng thành một đề án trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020.

    7. Bố cục của luận văn

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, Nội dung của luận văn gồm 3 chương.

    Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch.

    Chương 2: Thực trạng công tác quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình thời gian qua.

    Chương 3: Quan điểm định hướng và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý di tích, danh thắng nhằm phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...