Tiến Sĩ Quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 11/11/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SĨ
    NĂM 2015
    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    Đội ngũ giáo viên (GV) được xem là nguồn lực quan trọng của các cơ sở giáo dục, nhà trường và xã hội. Trong một công trình nghiên cứu về giáo dục, tác giả Raja Roy Singh (1994) khẳng định: “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những GV làm việc cho nó” [68, tr.115]. Nhận định trên phần nào phác họa bức tranh mô tả khái quát trọng trách cao cả của người GV, nhất là bối cảnh giáo dục đang có nhiều khởi sắc và thay đổi trong thế kỷ XXI. Điều này cũng phản ánh thực tiễn phát triển giáo dục, theo đó chất lượng giáo dục không thể cao hơn chất lượng đội ngũ GV mà chính nền giáo dục ấy đã tạo ra.
    Công cuộc đổi mới giáo dục thời gian qua đề cập khá nhiều đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Một số chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm công tác bồi dưỡng GV, tạo cơ hội thúc đẩy sự chuyển biến về cách thức tổ chức quản lý nhà trường và quản lý công tác bồi dưỡng GV nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục. Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục nêu rõ: “Trước yêu cầu mới của sự phát triển giáo dục thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục có những hạn chế, bất cập. Số lượng GV còn thiếu nhiều, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số . Cơ cấu GV đang mất cân đối giữa các môn học, bậc học, các vùng, miền. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu ” Ngoài ra, chỉ thị còn xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục” [1, tr.1]. Trước những thay đổi trên, CBQL nhà trường cần thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng cao, đồng thời tăng cường hơn nữa năng lực quản lý nhà trường, quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp.
    Văn kiện hội nghị lần 2 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh” [21, tr.19, 28, 45]. Luật Giáo dục hiện hành khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình” [66, tr.27]. Điều đó cho thấy, đội ngũ giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục, tham gia thực hiện các hoạt động của nhà trường. Vì thế muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
    Những chủ trương, định hướng và con đường phát triển giáo dục mà văn bản trên đề cập chứa đựng nhiều nội dung quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện trong tương lai. Đây cũng là vấn đề thời sự không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn thu hút sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội.
    Là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, nhà trường tiểu học thực hiện mục tiêu: “giúp học sinh (HS) hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để tiếp tục học trung học cơ sở” [66, tr.7]. Hoạt động giáo dục tại trường tiểu học hướng đến tạo dựng tiền đề ban đầu cơ bản và bền vững trong quá trình phát triển nhân cách HS, có bản sắc riêng và có tính độc lập tương đối. Để thực hiện tốt sứ mệnh, mục tiêu này thì giáo dục tiểu học phải hội đủ yếu tố và nguồn lực cần thiết, nhất là yếu tố liên quan đến nguồn lực con người và chất lượng đội ngũ GV. Tính chuẩn mực trong chất lượng giáo dục thể hiện qua các lĩnh vực công tác giáo dục, các mặt đời sống nhà trường, tiêu chuẩn trường lớp, trang thiết bị, chương trình, sách giáo khoa, tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và nội dung liên quan khác. Chất lượng giáo dục tiểu học chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi kết quả lao động sư phạm của GV tiểu học. Theo đó, mức độ đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá kết quả và chất lượng lao động sư phạm của GV tiểu học.
    Chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học được cấu thành bởi các thành tố: phẩm chất đạo đức, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Những tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp được thiết kế theo mô hình phát triển mở rộng, mức độ tăng dần và cao hơn so với chuẩn đào tạo, là định hướng phấn đấu liên tục, suốt đời trong sự nghiệp của GV tiểu học. Do vậy, quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ GV tiểu học có đủ phẩm chất đạo đức, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp là vấn đề quan trọng và cấp thiết góp phần phát triển giáo dục tiểu học trong tương lai.
    Trước tiên, có thể nói thực tiễn phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn vừa qua cho thấy, việc đổi mới giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa những năm gần đây ít nhiều tác động đến hoạt động quản lý nhà trường. Trong số những thành tựu đạt được do công cuộc đổi mới giáo dục mang lại có thể kể đến: cơ sở vật chất ngày càng khang trang, tài chính cho giáo dục và nhất là nguồn lực con người ngày càng được chú trọng hơn. Số lượng GV tiểu học trực tiếp đứng lớp đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo ngày càng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chuẩn đào tạo giáo viên chưa thể hiện rõ sự kết nối chặt chẽ với kết quả thực hiện công việc của GV theo yêu cầu chuẩn nghề nghiệp. Minh chứng là, báo cáo đánh giá tình hình giáo dục thời gian qua, Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu; Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu, một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” [19, tr.1].
    Đánh giá này chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay là cần quan tâm hơn nữa đến yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục, nhất là vấn đề quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp. Tập trung tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của CBQL đối với hoạt động quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo GV tiểu học đáp ứng yêu cầu thực tế.
    Hai là, chủ trương tiếp tục lộ trình đổi mới giáo dục và đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục tiểu học trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nhà trường và đội ngũ GV tiểu học. Nhà trường tiểu học cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, tổ chức bồi dưỡng GV tiểu học theo kịp yêu cầu, tình hình mới.
    Ba là, tìm hiểu công việc của GV tiểu học cho thấy một số vấn đề như: áp lực thời gian, số lượng công việc hành chính, hoạt động phong trào, sổ sách quá nhiều, sự thay đổi liên tục về cơ chế, chính sách, yêu cầu công việc thực tế đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, bồi dưỡng của GV tiểu học. Do vậy, cần thiết phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, từ đó phát hiện cách thức quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp phù hợp.



    Bốn là, số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, quy mô trường lớp, số lượng HS tiểu học đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng nhu cầu GV tiểu học. Việc tăng cường thêm nguồn lực GV mới đòi hỏi nhà trường tiểu học cần chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tổ chức bồi dưỡng đội ngũ GV này sao cho vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng vừa đảm bảo chất lượng. Vì thế, quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực nghề nghiệp thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trở thành một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách của quản lý nhà trường tiểu học giai đoạn hiện nay.
    Năm là, đặc điểm lao động sư phạm GV tiểu học có những đặc trưng riêng: GV tiểu học đảm trách giảng dạy nhiều môn học, phải hiểu biết nhiều lĩnh vực khoa học; Đối tượng lao động của GV tiểu học là HS trong độ tuổi đang phát triển, chứa đựng nhiều khả năng tiềm ẩn, hơn nữa các em mới bước đầu làm quen với môi trường học tập mới mẻ của giáo dục phổ thông; Kết quả lao động của GV tiểu học tạo ra sản phẩm nhân cách HS, sản phẩm này là tiền đề, là nền tảng để các em tiếp tục học tập cao hơn; Ngoài ra sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đang tác động, ảnh hưởng làm thay đổi phần nào môi trường học tập, rèn luyện của HS và GV tiểu học. Những nét đặc thù trên đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với GV tiểu học, đòi hỏi họ phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nghề nghiệp.
    Mặc dù hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước bàn về quản lý giáo dục, quản lý nhân sự, trong đó có những nghiên cứu về quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo ở các địa phương khác nhau, kết quả những nghiên cứu này được sử dụng để tham khảo trong quá trình thực hiện luận án. Tuy nhiên qua tìm hiểu tổng quan nghiên cứu vấn đề vẫn chưa thấy công trình nào nghiên cứu về quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp trên cơ sở tiếp cận chức năng quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp một cách đồng bộ, tường minh.
    Những lý do nêu trên cho thấy cần thiết phải nghiên cứu vấn đề “Quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp” một cách đầy đủ và hệ thống.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp tại một số trường tiểu học, từ đó xây dựng biện pháp quản lý công tác bồi dưỡng GV tiểu học phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục.
     
Đang tải...