Thạc Sĩ Quan hệ Việt Nam - Hoa Kì tư khi bình thường hóa đến năm 2006

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kì từ khi bình thường hóa đến năm 2006​
    Information
    MS:LVLS-LSVN020
    SỐ TRANG: 129
    TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
    NGÀNH: LỊCH SỬ
    CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM
    NĂM: 2008

    Information
    MỞ ĐẦU

    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

    Quan hệ ngoại giao ngày nay là một yếu tố quan trọng để đưa bất kỳ
    nước nào đến thành công. Xu thế hợp tác hóa, toàn cầu hóa đã đưa các nước
    xích lại gần nhau hơn kể cả những nước trước đây từng thù địch nhau, nay
    làm bạn, hợp tác với nhau để phát triển. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa
    Kỳ từ 1995 đến nay là một trong những điển hình của chính sách “Khép lại
    quá khứ, hướng về tương lai” đó.
    Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không
    phải diễn ra một cách suôn sẻ. Năm 1976, chính quyền của Tổng thống
    Jimmy Carter đã có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhưng
    không thành công do hai bên có nhiều bất đồng về việc giải quyết hậu quả
    chiến tranh. Từ giữa thập niên 80 đã có những nỗ lực của cả hai phía để chính
    thức nối lại quan hệ ngoại giao nhưng do “Hội chứng Việt Nam” còn rất nặng
    nề trong xã hội Hoa Kỳ, thậm chí ngay cả về phía Việt Nam không hẳn mọi
    người đã đồng ý bắt tay lại với Hoa Kỳ. Mặt khác, tình hình khu vực và quốc
    tế vào thời điểm ấy còn nhiều yếu tố gây trở ngại cho tiến trình này. Từ nửa
    sau thập niên 80, tình hình thế giới có nhiều thay đổi làm đẩy nhanh nhịp độ
    đi đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, do quan hệ giữa
    Việt Nam và Hoa Kỳ được xây dựng lại trên cơ sở xóa đi những mâu thuẫn
    trong và sau chiến tranh nên nó không tránh khỏi những khập khiễng. Vì vậy,
    việc nhận định bản chất và xu hướng của việc thiết lập lại mối quan hệ giữa
    Việt Nam và Hoa Kỳ là hết sức cần thiết cho việc hoạch định chính sách đối
    ngoại của chúng ta.
    Sau khi nối lại quan hệ ngoại giao, tất cả các mặt trong quan hệ giữa
    Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển một cách tích cực và toàn diện. Hai nước
    đã tiến hành đối thoại và trao đổi nhiều đoàn ngoại giao, Quốc hội, doanh
    nghiệp, du lịch Hai Tổng thống gần đây nhất của Hoa Kỳ là Bill Clinton và
    George W. Bush đã sang thăm chính thức Việt Nam. Những ảnh hưởng về
    kinh tế giáo dục, văn hóa của Hoa Kỳ ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Tất cả
    những điều đó đã tạo ra nhu cầu tìm hiểu về những thay đổi trong chính sách
    ngoại giao giữa hai nước từ đó tìm ra nguyên nhân của những thay đổi mau
    lẹ đó.
    Bên cạnh những mặt tích cực mà Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được từ khi
    bình thường hóa, đã nảy sinh một số mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước
    đặc biệt là vấn đề dân chủ, nhân quyền và tranh chấp thương mại. Đây không
    phải là ngoại lệ trong quan hệ quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy có rất nhiều
    nước đã gặp phải những vấn đề tương tự trong quan hệ với Hoa Kỳ mà điển
    hình là Trung Quốc. Do vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân đưa đến những mâu
    thuẫn trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và đưa ra phương hướng để khắc
    phục là hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn đẩy nhanh hơn nữa mối quan hệ
    này.
    Có thể nói, việc bình thường hóa và phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ
    góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong
    thời kỳ đổi mới đất nước. Tạo dựng lại mối quan hệ với Hoa Kỳ là chìa khóa
    để mở ra những cơ hội cho Việt Nam phát triển nhanh và cũng phù hợp xu
    hướng toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay. Xuất phát từ những nhu cầu có
    tính chất khoa học và thực tiễn trên, tôi đã chọn đề tài “Quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa đến năm 2006” làm đề tài luận văn tốt
    nghiệp.
    Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một vấn đề rất được quan tâm, không
    những ở góc độ nhà nước hay ngành ngoại giao mà còn ở góc độ nghiên cứu
    khoa học, vì mối quan hệ này là một hiện tượng tiêu biểu cho xu thế hợp tác,
    toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay. Mục đích của việc thực hiện đề tài này
    là khái quát lại tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và
    cung cấp một cái nhìn tổng quan về quan hệ giữa hai nước sau khi bình
    thường hóa đến nay.
    Về mặt lý luận, nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là tiếp cận một
    khía cạnh rất quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam sau khi nước ta
    chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình và tái thiết đất nước. Một thời gian dài
    mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bị gián đoạn vì nhiều lý do chủ quan
    của hai nước và khách quan của tình hình quốc tế, khi mà hai khối xã hội chủ
    nghĩa và tư bản chủ nghĩa luôn có xu hướng đối đầu và gần như cự tuyệt quan
    hệ với nhau. Vì vậy, việc Việt Nam và Hoa Kỳ vượt qua những trở ngại về
    tâm lý, chính trị và lịch sử để nối lại quan hệ giữa hai nước là một trong
    những biểu hiện cụ thể của sự thay đổi trong tiến trình lịch sử thế giới và việc
    nghiên cứu mối quan hệ này là góp phần lý giải xu hướng mới đó của thời đại.
    Do vai trò to lớn của Hoa Kỳ trong việc điều hòa các mối quan hệ trên
    toàn thế giới, nên việc tìm hiểu mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tạo
    cơ sở để nhận định về con đường phát triển của ngoại giao Việt Nam trong
    những thập niên gần đây. Đường lối ngoại giao rụt rè trước đây đã được thay
    thế bằng tư duy mới thông thoáng hơn; những hạn chế trong ngoại giao thời
    kỳ Chiến tranh lạnh đã dần được xóa bỏ đặt nền ngoại giao Việt Nam đứng
    trước những cơ hội rộng mở để thể hiện vai trò của mình.
    Về mặt thực tiễn, việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tạo
    cơ hội cho việc thông hiểu giữa hai nước; từ đó củng cố và thúc đẩy mối quan
    hệ này lên những tầm cao mới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến
    trình phát triển của Việt Nam vì Hoa Kỳ không những là một cường quốc
    phát triển mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế,
    chính trị của toàn thế giới. Tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ chính là cơ
    hội để Việt Nam mở rộng quan hệ với bên ngoài.
    Những vấn đề tồn tại được vạch ra từ việc nghiên cứu quan hệ giữa
    Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ góp phần định hướng cho việc hoạch định chiến lược
    ngoại giao trong tương lai của Việt Nam nhằm giải quyết những hạn chế trong
    quan hệ giữa hai nước để vừa khai thác tối đa những lợi ích từ ngoại giao vừa
    đảm bảo tính độc lập, bền vững về chính trị, kinh tế.
    Tìm hiểu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau bình thường hóa cũng là cơ
    hội để hàn gắn lại tình cảm giữa hai dân tộc vốn ít nhiều bị tổn thương trong
    chiến tranh. Trong quá khứ, hai dân tộc vốn có những mối quan hệ tốt đẹp,
    từng sát cánh với nhau trong cuộc chiến tranh chống lại phát xít, do vậy, việc
    nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cơ hội để nhân dân hai nước tìm
    lại mối quan hệ tốt đẹp vốn có của mình.
    Đối với bản thân, việc thực hiện đề tài này giúp tôi củng cố và nâng cao
    kiến thức về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng và
    với bạn bè thế giới nói chung làm nền tảng cho việc học tập, giảng dạy và
    nghiên cứu lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tôi trau dồi
    những kỹ năng cơ bản trong công tác nghiên cứu lịch sử cũng như thực hành
    những phương pháp lịch sử mà tôi được tiếp cận từ giảng đường đại học và
    sau đại học lâu nay. Từ việc thực hiện đề tài này, tôi có cơ hội góp nhặt một
    phần hiểu biết nhỏ bé của mình vào kho tàng kiến thức về lịch sử quan hệ
    ngoại giao của Việt Nam thời kỳ hiện đại.

    2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

    Như tên đề tài luận văn, đối tượng nghiên cứu là quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa. Thuật ngữ “quan hệ” ở đây nhằm chỉ quan
    hệ đối ngoại giữa những nước độc lập và có đầy đủ chủ quyền. Trước khi
    bình thường hóa, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có một vài mối quan hệ qua
    lại nhưng thường là những phi vụ kinh tế nhỏ lẻ ở mức độ cá nhân hoặc sự
    giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ tại Việt Nam chứ chưa
    được nâng lên tầm nhà nước. Sau khi bình thường hóa, mối quan hệ Việt Nam
    – Hoa Kỳ đã có những thay đổi về cả lượng và chất, những giới hạn do chính
    sách cấm vận trước đây của Hoa Kỳ dần được gỡ bỏ và quan hệ giữa hai nước
    trở nên sôi động hơn rất nhiều. Từ đó có thể thấy bình thường hóa chính là
    môi trường thuận lợi của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ năm 1995 đến
    nay và cũng là không gian nghiên cứu của đề tài luận văn.
    Phạm vi thời gian nghiên cứu chính của đề tài bắt đầu từ năm 1995
    khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với
    Việt Nam (11/07/1995) đến khi ký chính thức thỏa thuận song phương Việt
    Nam – Hoa Kỳ về việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới
    WTO (31/05/2006). Tương ứng với mốc thời gian trên là hai đời Tổng thống
    Hoa Kỳ Bill Clinton (tính từ 1995 đến 2001) và George W. Bush (tính từ
    2001 đến 2006). Đây là hai cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa đến nay. Nếu như năm 1995 là thời điểm hai
    nước chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao, thì năm 2006 là thời điểm
    diễn ra nhiều sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai
    nước, thể hiện sự bình thường hóa hoàn toàn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ theo
    những tiêu chí mà hai nước đề ra.
    Trong thời gian này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra nhiều hoạt
    động ngoại giao, nhiều động thái chính trị – kinh tế tương đối phức tạp. Vì
    vậy, trong phạm vi một luận văn tốt nghiệp cao học, tôi không thể đề cập
    được hết tất cả các mặt cũng như tất cả những chi tiết của mối quan hệ này mà
    chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:
    Chính sách đối ngoại của Việt Nam và Hoa Kỳ từ khi hai nước bình
    thường hóa với nhau. Trong đó, chúng tôi cố gắng làm rõ những thay đổi cơ
    bản của những chính sách này so với thời kỳ trước tạo cơ sở thuận lợi cho
    việc nhận thức tốt hơn xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
    Về những thành tựu đã đạt được trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa
    Kỳ, chúng tôi tập trung chính vào quan hệ kinh tế và chính trị. Đây là hai lĩnh
    vực cơ bản hàng đầu của quan hệ quốc tế hiện đại. Trọng tâm của chính sách
    đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là tranh thủ mọi nguồn lực từ
    bên ngoài để phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải đảm bảo ổn định về
    chính trị. Về phía Hoa Kỳ, sau khi đã đạt được những kết quả khả quan việc
    giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh, đã chuyển dần sang
    mục tiêu hợp tác kinh tế với Việt Nam để khai thác một thị trường mới đầy
    tiềm năng sau một thời gian dài cấm vận. Hai nước đã đạt được một số thành
    tựu đáng kể đặc biệt là việc ký Hiệp định thương mại song phương (năm
    2001) và thỏa thuận gia nhập WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng do xuất
    phát điểm kinh tế của hai nước rất khác nhau cùng với sự hiểu biết chưa đầy
    đủ chính sách pháp luật của nhau nên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã xuất hiện
    một số tranh chấp thương mại cần được quan tâm giải quyết để thúc đẩy hơn
    nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trong lĩnh vực chính trị, hai nước đã chính
    thức thiết lập đại sứ quán, tiến hành trao đổi nhiều đoàn ngoại giao, chính trị,
    quân sự mà nổi bật nhất là các chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo
    Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy vậy, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục thi hành những
    quan điểm chính trị của mình trong quan hệ với Việt Nam về vấn đề nhân
    quyền, dân chủ, tự do tôn giáo . đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo và khéo léo
    trong ứng xử ngoại giao để vừa duy trì quan hệ hợp tác vừa giữ vững độc lập
    và tự chủ về chính trị.
    Trong quá trình thực hiện đề tài, để phục vụ tốt hơn cho việc nghiên
    cứu đối tượng chính, tôi cũng đề cập đến một số lĩnh vực khác trong quan hệ
    Việt Nam – Hoa Kỳ như quân sự, giáo dục, y tế, văn hóa để làm rõ hơn
    những thành tựu về quan hệ kinh tế và chính trị mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã
    đạt được đồng thời thể hiện tính toàn diện trong quan hệ giữa hai nước.
    Từ những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi
    bình thường hóa đến năm 2006 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho
    ngoại giao Việt Nam đặc biệt là trong quan hệ với các cường quốc như Hoa
    Kỳ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc
    phát huy vai trò của đối ngoại nhằm phát triển kinh tế – xã hội trong thời điểm
    hiện tại và tương lai.

    3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

    Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thu
    hút sự chú ý của giới nghiên cứu không chỉ vì Hoa Kỳ là một nước lớn, đóng
    vai trò quan trọng trong nền ngoại giao toàn cầu mà còn do yếu tố lịch sử
    trong quan hệ giữa hai nước. Hai nước đã trải qua một cuộc chiến tranh kéo
    dài gần 30 năm và cắt đứt hoàn toàn quan hệ trong 20 năm, do vậy việc hai
    nước thiết lập quan hệ năm 1995 là một sự kiện mang tính lịch sử, được dư
    luận rất quan tâm. Mặt khác, những tác động tích cực của quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam càng thúc đẩy nhu
    cầu tìm hiểu về mối quan hệ này.
    Do mốc thời gian của vấn đề mà đề tài này nghiên cứu gần với thời
    điểm hiện tại nên đến nay vẫn chưa có một công trình chính thức nào trình
    bày một cách toàn diện đến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong khoảng 10
    năm sau bình thường hóa nhưng từng mặt, lĩnh vực của mối quan hệ này ít
    nhiều đã được đề cập đến trong các tác phẩm nghiên cứu lịch sử ngoại giao
    Việt Nam, bài viết chuyên đề và một số công trình khoa học khác nhau.
    Việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ mới được tiến hành trong
    khoảng mười năm trở lại đây vì mối quan hệ này chỉ thực sự được nối lại từ
    năm 1995. Có thể xem tạp chí “Châu Mỹ ngày nay” là tạp chí đi đầu trong
    việc nghiên cứu mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ những ngày đầu sau khi
    bình thường. Từ đó đến nay, mỗi sự kiện quan trọng trong mối quan hệ ấy đều
    được tạp chí này ghi nhận dưới dạng các bài giới thiệu nhận xét, đánh giá của
    nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, ngoại giao, kinh tế Thông qua tạp chí
    này, phong trào nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thu hút được sự quan
    tâm của rất nhiều học giả như Phó Giáo sư Phó Tiến sĩ Đỗ Lộc Diệp, Tiến sĩ
    Phạm Thị Thi thuộc Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ; Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn
    Thiết Sơn, Tiến sĩ Lê Khương Thùy của Viện nghiên cứu Châu Mỹ
    Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ còn là đề tài thu hút sự chú ý của giới
    nghiên cứu nước ngoài như Mark E. Manyin tìm hiểu về quá trình bình
    thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và những thành tựu đạt được trong
    quan hệ hợp tác giữa hai nước sau khi bình thường hóa. Emiko và Will Martin
    thuộc Nhóm nghiên cứu phát triển của Ngân hàng thế giới với chuyên khảo
    “Ảnh hưởng của việc Mỹ trao quy chế Tối huệ quốc cho Việt Nam”. Ngoài ra
    còn có sự đóng góp của những nhà chính trị, ngoại giao Hoa Kỳ như Đại sứ
    Hoa Kỳ tại Việt Nam Douglas Pete Peterson (nhiệm kỳ 1997 – 2001),
    Raymond Burghardt (nhiệm kỳ 2001 – 2004), Thượng Nghị sĩ John F. Kerry,
    John McCain
    Năm 2003, tổ chức Asia Foundation đã kết hợp với Học viện Quan hệ
    quốc tế của Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo về quan hệ Việt Nam – Hoa
    Kỳ tại đại học Georgetown. Những bài tham luận tại Hội thảo đã được tập
    hợp thành một công trình chung mang tên: “Đối thoại về quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ, những vấn đề nội tại” (Dialouge on U.S – Vietnam relations,
    domestic dimensions) với sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu như
    Frederick Z. Brown, Mark E. Manyin, Phan Doãn Nam, Phạm Quốc Bảo, Vũ
    Xuân Trường Thông qua việc phân tích tình hình thực tế của từng nước
    trong vài thập niên gần đây như công cuộc đổi mới và những thay đổi trong
    chính sách đối ngoại của Việt Nam; vai trò của Quốc hội hai nước trong tiến
    trình bình thường hóa quan hệ; đường lối hợp tác phát triển kinh tế trong
    tương lai các nhà khoa học của hai bên đã bước đầu đi đến sự đồng thuận
    về khả năng thúc đẩy nhanh hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở
    hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
    Nhân dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa
    Kỳ, từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 3 năm 2005, đã diễn ra một cuộc hội thảo
    quy mô với chủ đề quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 10 năm thiết lập quan hệ
    ngoại giao và 30 năm cuộc chiến tranh Việt Nam tại Trung tâm Việt Nam
    thuộc Trường Đại học Texas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Cuộc hội thảo đã thu
    hút được đông đảo các diễn giả nổi tiếng của Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu
    hàng đầu về Việt Nam cùng các quan chức cấp cao, trong đó có cựu Đại sứ
    Mỹ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt và đại sứ hiện nay Michael
    Marine tham dự. Các tham luận trình bày tại hội thảo đều tập trung phân tích
    chủ đề nhìn lại quá khứ để hướng về tương lai trong mối quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ. Trong đó tham luận của học giả Larry Berman "Một thập kỷ hòa
    giải: Việt Nam – Mỹ hôm nay và ngày mai" được đặc biệt chú ý. Hội nghị là
    cơ hội để các nhà nghiên cứu nhìn nhận lại chặng đường 10 năm quan hệ Việt
    Nam – Hoa Kỳ từ đó đưa ra những triển vọng hợp tác giữa hai nước trong
    tương lai.
    Cũng trong dịp kỷ niệm này, Hội Việt Mỹ – một tổ chức hợp tác phát
    triển giáo dục đã xuất bản tập san: “Việt Nam – Hoa Kỳ, những triển vọng
    mới” (Vietnam – US set in motion) gồm nhiều bài viết trình bày những vấn đề
    lịch sử trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, những nhận
    định về mối quan hệ này trong tương lai Tuy không mang tính chất lịch sử
    chuyên ngành, nhưng đóng góp lớn nhất của tập san này là cung cấp cái nhìn
    sinh động về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng
    như những thành tựu đối ngoại mà hai nước đã đạt từ sau khi bình thường
    hóa. Các tác giả của những bài viết này đa phần là những người đã trực tiếp
    hoặc gián tiếp góp phần vào việc phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên
    nhiều lĩnh vực khác nhau do đó mà nhận định của họ tương đối chân thực và
    có giá trị lịch sử.

    3.1 Những công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam

    Để đóng góp vào việc tìm hiểu lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa
    Kỳ, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Xanh đã xuất bản tác phẩm “Góp phần tìm hiểu
    lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ” đề cập đến quan hệ giữa hai nước từ
    những ngày đầu (1787) đến khi Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến
    tranh Đông Dương (1949). Qua đó, tác giả muốn làm rõ “những cơ hội tốt
    đẹp cho hai dân tộc hiểu biết lẫn nhau, làm bạn với nhau trong suốt gần 200
    năm đó, nhưng những cơ hội đều bị bỏ lỡ, do nhiều nguyên nhân khác nhau
    cả khách quan lẫn chủ quan” [57, tr. 6]. Tuy không liên quan trực tiếp đến
    nội dung của đề tài này nhưng những tư liệu mà tác giả Phạm Xanh đưa ra đã
    giúp trang bị cho người viết những cái nhìn tổng quan ban đầu về lịch sử quan
    hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, từ đó nhận thấy được những tiềm năng và cơ hội tốt
    đẹp để hai dân tộc hiểu biết nhau hơn.
    Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một bộ phận không thể tách rời của
    ngoại giao Việt Nam nói chung và chịu sự chi phối của đường lối, chính sách
    đối ngoại mà Đảng và chính phủ đã đề ra. Do vậy mà, việc tìm hiểu lịch sử
    ngoại giao Việt Nam trong những thập niên gần đây là rất cần thiết tạo nền
    tảng cơ bản cho việc nghiên cứu tốt quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Tác phẩm
    “Đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới” của Phó Tiến sĩ Phạm Văn Linh là một
    tài liệu tham khảo tốt về vấn đề này, quyển sách đề cập nhiều nội dung quan
    trọng trong quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam với hầu hết các nước, khu vực, tổ
    chức và diễn đàn quốc tế trong khoảng 20 năm gần đây với phương châm là
    khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bằng cả ngoại giao nhà nước, ngoại giao
    nhân dân làm cho các bên hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng độc lập chủ quyền của
    nhau, giữ vững hòa bình, ổn định và cùng phát triển. Trong đó có những mối
    quan hệ hợp tác với các nước truyền thống, láng giềng thủy chung; Những
    quan hệ với các nước lớn có tiềm năng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an
    ninh; Với các nước đang phát triển và cả những bạn bè, các tổ chức chính trị,
    phi chính phủ đã kề vai sát cánh với dân tộc ta trong đấu tranh giữ vững độc
    lập dân tộc trước đây và phát triển đất nước hiện nay.
    Trong những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình nội bộ Hoa Kỳ có nhiều
    biến động làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này. Điều này
    được phản ánh trong công trình “Nước Mỹ đầu thế kỷ XXI” của tác giả
    Trương Thị Thủy. Quyển sách cung cấp cái nhìn khái quát về tình hình kinh
    tế – chính trị – xã hội của Hoa Kỳ những năm đầu thiên niên kỷ cũng như
    chính sách quan hệ của Hoa Kỳ với các nước trên thế giới trong đó có Việt
    Nam.
    Hợp tác kinh tế là lĩnh vực sôi động nhất trong quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ và cũng là mảng đề tài được các nhà nghiên cứu trong thời điểm hiện
    nay quan tâm nhiều nhất thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu như “Quan
    hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ” của Đỗ Đức Định, “Việt Nam – Hoa Kỳ, Quan
    Hệ Thương Mại Và Đầu Tư” của Nguyễn Thiết Sơn, “Nước Mỹ ngày nay và
    hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ” của tập thể tác giả Trần Tất
    Thắng, Quỳnh Hải Hà, Nguyễn Đức Tư
    Trong quyển sách “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ”, từ những
    nguồn tư liệu vô cùng phong phú, tác giả Đỗ Đức Định đã cố gắng đi sâu tìm
    hiểu các quan hệ kinh tế giữa hai nước trong ba thời kỳ chính, đó là thời kỳ
    chiến tranh 1954 – 1975, thời kỳ cấm vận và trừng phạt 1975 – 1995 và thời
    kỳ bình thường hóa từ 1995. Trọng tâm nghiên cứu tập trung vào ba lĩnh vực
    chính là quan hệ thương mại, đầu tư và viện trợ, từ đó cung cấp cho người đọc
    một cái nhìn lịch sử tương đối xuyên suốt về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam –
    Hoa Kỳ. Tác phẩm này đã giúp chúng tôi có được cái nhìn cơ bản về một lĩnh
    vực quan trọng hàng đầu trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm
    gần đây đó là hợp tác kinh tế. Trong đó, tác giả đã nêu lên một cách rõ nét
    những tác động ngày càng lớn của Hoa Kỳ đối với sự phát triển của nền kinh
    tế Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, xúc tiến thương mại,
    viện trợ phát triển
    Một trong những người đi tiên phong và có đóng góp nhiều nhất trong
    việc nghiên cứu lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung và quan hệ
    kinh tế nói riêng phải kể đến Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiết Sơn, Viện trưởng
    Viện Nghiên cứu châu Mỹ. Ông là tác giả của rất nhiều bài nghiên cứu trên
    các tạp chí chuyên ngành về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cùng với công trình
    chuyên khảo về quan hệ kinh tế giữa hai nước mang tên “Việt Nam – Hoa Kỳ,
    quan hệ thương mại và đầu tư”. Quyển sách này đã trình bày một cách hệ
    thống tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ, những
    kết quả đạt được trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, những vấn
    đề, những khó khăn bước đầu mà Việt Nam đang vấp phải và triển vọng quan
    hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ.

    3.2 Những công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

    Đến thời điểm chúng tôi thực hiện đề tài, vẫn chưa có công trình chính
    thức nào của các học giả nước ngoài về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi
    bình thường hóa đến nay mà chỉ dừng lại ở các bài nghiên cứu, báo cáo của
    các cá nhân hoặc các tổ chức có liên quan .
    Tiến sĩ Nick J. Freeman, một người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư cao
    cấp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đóng góp vào việc nghiên cứu quan hệ Việt
    Nam – Hoa Kỳ từ khi hai nước chưa bình thường hóa với công trình “Cấm
    vận kinh tế của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam” (United States’s economic
    sanctions against Vietnam) trình bày và phân tích những ảnh hưởng của chính
    sách cấm vận của Hoa Kỳ đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh của nước
    ngoài tại Việt Nam. Trên cương vị của mình, Nick J. Freeman đã tìm hiểu rất
    kỹ về thị trường Việt Nam và những cơ hội đầu tư vào thị trường này. Năm
    2002, ông đã công bố bài viết “Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Campuchia,
    Lào và Việt Nam: một tầm nhìn mang tính khu vực” (Foreign direct
    investment in Cambodia, Laos and Vietnam: a regional overview) nghiên cứu
    về tình hình đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư của Hoa Kỳ vào thị trường
    Đông Dương.
    Liên quan trực tiếp nhất đến đề tài là các bài nghiên cứu đã được công
    bố năm 2005 của Mark E. Manyin, chuyên viên phân tích các vấn đề châu Á
    của Cục Đối ngoại, Quốc phòng và Thương mại Hoa Kỳ bao gồm: “Quan hệ
    Việt Nam – Hoa Kỳ. Tiến trình bình thường hóa” (The Vietnam – US.
    Normalization Process) và “Viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam” (U.S.
    Assistance to Vietnam). Mark E. Manyin đã điểm lại những cột mốc đáng nhớ
    trong quan hệ giữa hai nước trước và sau khi bình thường hóa, nêu lên những
    đóng góp của Hoa Kỳ thông qua hình thức viện trợ vào việc phát triển kinh tế
    – xã hội tại Việt Nam.

    3.3 Những vấn đề còn tồn tại trong nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và hướng nghiên cứu của đề tài

    Từ việc trình bày, phân tích và đánh giá những công trình nghiên cứu
    về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa, chúng tôi nhận thấy
    việc nghiên cứu vấn đề này vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
    Các công trình nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hầu như chỉ
    tập trung vào lĩnh vực hợp tác kinh tế mà chưa đề cập nhiều đến các lĩnh vực
    khác. Điều này làm cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chưa được nhìn nhận
    một cách toàn diện và đầy đủ. Thêm vào đó, việc nghiên cứu quan hệ Việt
    Nam – Hoa Kỳ thường dừng lại ở mức độ chính phủ, nhà nước mà chưa đi
    vào quan hệ hợp tác nhân dân, vốn đã được hình thành từ trước khi hai nước
    bình thường hóa quan hệ với nhau.
    Một số tác giả nước ngoài còn có cái nhìn phiến diện về quan hệ Việt
    Nam – Hoa Kỳ, xem xét mối quan hệ này theo chiều hướng áp đặt của một
    nước lớn, một cường quốc của thế giới tư bản đối với một nước nhỏ, trình độ
    phát triển thấp. Chính vì vậy mà họ không thấy được sự tương hỗ trong quan
    hệ giữa hai nước, không thấy được những tác động trở lại từ phía Việt Nam
    đối với Hoa Kỳ.
    Ngược lại, trong quan niệm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam, Hoa
    Kỳ vẫn là một “đế quốc” đầy tham vọng bành trướng nên phải hết sức dè
    chừng trong quan hệ ngoại giao. Quan điểm này ảnh hưởng đến tính khách
    quan trong nội dung nghiên cứu đồng thời gây hạn chế kết quả nghiên cứu.
    Trong thực tiễn sẽ tạo ra tính bảo thủ gây trở ngại cho việc phát triển quan hệ
    hai nước.
    Từ những nhận xét, đánh giá về những vấn đề còn tồn tại hạn chế trong
    việc nghiên cứu quan hệ Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa, chúng tôi xác định
    mục đích nghiên cứu của đề tài là:
    – Tìm hiểu những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và
    Hoa Kỳ trong những thập niên cuối của thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, làm
    nền tảng cho việc trình bày, giải thích và đánh giá mối quan hệ giữa hai nước.
    – Tìm hiểu những thành tựu trên nhiều lĩnh vực mà hai nước đã đạt
    được trong khoảng hơn 10 năm kể (từ 1995 đến 2006); Tác động của những
    thành tựu đó trong quá trình phát triển đất nước của Việt Nam và đối với xã
    hội Hoa Kỳ. Từ đó đưa ra những đánh giá và nhận xét xác đáng về vai trò và
    vị trí của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lịch sử đối ngoại Việt Nam thời
    hiện đại.

    4. NGUỒN SỬ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    4.1 Nguồn sử liệu

    Trong quá trình thực hiện việc nghiên cứu đề tài “Quan hệ Việt Nam –
    Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa đến năm 2006”, tôi có điều kiện để tiếp
    xúc với các nguồn tư liệu sau đây:
    1. Các tài liệu gốc như thư tín, các tuyên bố và văn bản ngoại giao liên
    quan đến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là những tài liệu chính thức của
    Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tại các cổng thông tin điện tử
    của nhà nước Hoa Kỳ.
    2. Văn kiện đại hội, hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam trong các nhiệm
    kỳ VI, VII, VIII, IX, X có liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam
    thời kỳ đổi mới. Các tuyên bố, văn bản ngoại giao do chính phủ Việt Nam
    tuyên bố với Hoa Kỳ. Ngoài ra, tôi còn sử dụng hồi ký của một số nhà ngoại
    giao Việt Nam như một dạng tư liệu gốc phục vụ cho đề tài này.
    3. Các tác phẩm, bài báo bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch
    sử, ngoại giao, kinh tế Việt Nam có liên quan trực tiếp đến đề tài.
    4. Các tác phẩm, bài nghiên cứu của các sử gia, các nhà chính trị –
    ngoại giao, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ
    sau khi bình thường hóa.
    5. Các tạp chí trong và ngoài nước, luận văn, luận án có liên quan.

    4. 2 Phương pháp nghiên cứu:

    1. Cũng như các đề tài luận văn lịch sử khác, phương pháp cơ bản nhất
    mà tôi sử dụng là phương pháp lịch sử. Trên cơ sở phân tích, so sánh các sự
    kiện lịch sử, đề tài này cố gắng trình bày các luận điểm trên cơ sở bám sát sự
    kiện lịnh sử, trình bày lịch sử như nó từng có.
    2. Phương pháp tiếp cận hệ thống: Yêu cầu của phương pháp này là đặt
    đối tượng nghiên cứu trong một hệ thống mối quan hệ nhất định. Ở đây,
    chúng tôi đặt quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh khu vực và thế giới.
    Từ đó thấy được quan hệ này vừa là yếu tố tham gia vào các mối quan hệ
    chung trong khu vực đồng thời chịu sự tác động của các mối quan hệ ấy.
    3. Phương pháp liên ngành: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi bình
    thường hóa diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, vừa mang tính khoa học xã hội vừa
    mang tính khoa học tự nhiên. Vì vậy mà chúng tôi cũng sử dụng phương pháp
    này trong quá trình thực hiện đề tài trên cơ sở tài liệu phân ngành: lịch sử học,
    ngoại giao học, kinh tế học, chính trị học

    5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN

    Trên cơ sở tập hợp, lựa chọn, xử lý các tư liệu có được từ nhiều nguồn
    khác nhau, luận văn mô tả lại một cách trung thực và khách quan bức tranh
    tổng thể quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi bình thường hóa, năm 1995 đến
    khi hai nước đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương
    mại thế giới vào tháng 5 năm 2006. Chúng tôi hy vọng luận văn sẽ cung cấp
    hệ thống thư mục trong và ngoài nước cùng với những ý kiến và luận điểm cơ
    bản của các nhà nghiên cứu về vấn đề này, góp phần bổ sung vào việc nghiên
    cứu một vấn đề còn tương đối mới trong lịch sử Việt Nam.
    Không dừng lại ở việc trình bày, hệ thống hóa các nguồn tư liệu và các
    luận điểm cơ bản của các nhà nghiên cứu, luận văn còn đi sâu phân tích, giải
    thích những nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ từ khi bình
    thường hóa đến năm 2006, đồng thời chỉ ra sự tác động tương hỗ trong quan
    hệ giữa hai nước. Luận văn cũng cố gắng hệ thống hóa những thành tựu nổi
    bật trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thấy được tính biện chứng
    trong quá trình phát triển của mối quan hệ này.
    Cuối cùng, nội dung của luận văn có thể là nguồn tư liệu phục vụ cho
    việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng
    và lịch sử ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại nói chung.

    6. BỐ CỤC LUẬN VĂN

    Luận văn được trình bày trong 120 trang gồm phần mở đầu, 3 chương
    nội dung và phần kết luận.
    Chương 1: TIẾN TRÌNH BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ (1975 – 1995)
    Chương 2: QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ TỪ KHI BÌNH THƯỜNG HÓA ĐẾN CUỐI NHIỆM KỲ THỨ HAI CỦA TỔNG THỐNG BILL CLINTON (1995 – 2000)
    Chương 3: QUAN HỆ VIỆT NAM HOA KỲ DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG GEORGE BUSH (2001 – 2006)
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...