Luận Văn Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (Thời kỳ 1990 – 2007)

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    Ngược dòng lịch sử chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ thương mại từ hàng trăm năm nay. Ngay từ thế kỷ thứ XVI đã có những thương gia Nhật Bản đến kinh doanh ở Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, quan hệ giữa hai nước cũng có nhiều thăng trầm nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì. Và kể từ khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản được thiết lập vào tháng 9 năm 1973 thì quan hệ thương mại giữa hai nước có điều kiện phát triển mạnh. Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thị trường trong nước, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng tạo động lực cho quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh hơn nữa. Đặc biệt, từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong những năm gần đây với tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quan hệ ngoại thương giữa hai nước vẫn còn khá nhiều hạn chế bất cập đòi hỏi sự cố gắng chung của cả hai nước để khắc phục nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế khu vực đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
    Một trong những điểm sáng của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2008 là hai bên đã chính thức ký Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) - thỏa thuận song phương mang tính toàn diện về kinh tế, thương mại và đầu tư. Trải qua 9 phiên đàm phán bắt đầu từ tháng 1 năm 2007, hai nước đã hoàn tất hiệp định EPA - cơ sở pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, đồng thời mở rộng quan hệ thương mại song phương Hy vọng rằng với EPA này quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt kim ngạch mậu dịch song phương 18 tỷ USD vào năm 2010 theo dự báo của các cơ quan kinh tế thương mại hai nước.
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và hiện nay là nước nhập khẩu hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Liên tục trong vòng 11 năm từ 1991 đến 2001, Nhật Bản luôn là quốc gia nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm Nhật Bản nhập khẩu khối lượng hàng hoá trị giá 330 – 400 tỷ USD, năm 2003 trị giá nhập khẩu đạt 381,2 tỷ USD. Trong đó nhập từ Việt Nam khoảng 2,3 – 2,9 tỷ USD, chiếm khoảng 13 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 3,79 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2003 và nhập khẩu từ Nhật Bản đạt khoảng 3,12 tỷ USD. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 4,56 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2004. Trong đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng 15,3% so với 2004. Quan hệ thương mại Việt - Nhật đang phát triển với tốc độ cao. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản thời gian gần đây luôn tăng trung bình từ 15 - 20% so với năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam là dầu thô, hàng hải sản, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, gạo, than Ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu sang nước ta các mặt hàng như: máy tính và linh kiện điện tử, ô tô các loại, xe máy, xăng dầu Cơ cấu các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước thay đổi theo từng năm, góp phần tác động tới kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2000, kim ngạch thương mại song phương đạt 4,5 tỷ USD, năm 2006 đã tăng lên 9,9 tỉ USD. Và phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 15 tỉ USD vào năm 2010.
    Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Số mặt hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam năm 2005 gấp khoảng ba lần số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Sáu tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 2,63 tỷ USD, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2006 chủ yếu là nhờ xuất khẩu một số mặt hàng như dây điện, cáp điện và dầu thô. Việt Nam chỉ là bạn hàng nhỏ bé trên thị trường Nhật Bản rộng lớn, đầy tiềm năng. Ngoài ra còn tồn tại không ít các yếu tố cản trở sự phát triển về quan hệ mậu dịch giữa hai nước. Bởi vậy, xuất hiện câu hỏi: “Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã phát triển như thế nào? Sự phát triển đó diễn ra nhờ những nhân tố gì? Liệu có thể phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước trong tương lai hơn nữa hay không? Việt Nam cần phải làm gì để tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản? Làm thế nào để đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương? .
    Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (Thời kỳ 1990 – 2007)” là nội dung nghiên cứu chính của luận văn.
    2. Tình hình nghiên cứu
    Cho đến nay, đã có nhiều tài liệu đề cập đến quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, các tài liệu này chỉ tập trung về từng mặt hàng cụ thể như: nông sản, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ hoặc khái quát quan hệ kinh tế, thương mại.
    a. Thương mại một số mặt hàng
    - Nguyễn Thế Vinh, Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà nội 2006. Nội dung luận văn tập trung vào các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản từ Việt nam sang Nhật Bản.
    - Phạm Thị Phương Nga, Xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam sang Nhật Bản, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà nội 2006. Nội dung luận văn tập trung vào thực trạng xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam sang Nhật Bản và các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất sang thị trường này.
    - Nguyễn Thị Nhiễu (chủ nhiệm), Giải pháp chủ yếu nhằm phát triển xuất khẩu nông, thuỷ sản và hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Thương mại, Hà nội 2004. Nội dung đề tài tập trung vào tình hình xuất khẩu nông, thuỷ sản và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản và các giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường xuất khẩu những mặt hàng này vào thị trường Nhật Bản.
    - Nguyễn Thanh Đức, Nhật Bản - Thị trường mở cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản & Đông Bắc Á, số 5, tháng 10/2004. Bài viết tìm hiểu về tình hình xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam sang Nhật Bản và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản.
    - Đoàn Tất Thắng, Xuất khẩu hoa tươi sang Nhật Bản - Một thị trường có nhiều triển vọng, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2, tháng 4/2006. Bài viết khái quát nhu cầu nhập khẩu hoa của Nhật Bản và những quy định về việc nhập khẩu hoa vào Nhật Bản.
    - Trần Thu Cúc, Thực trạng thị trường nhập khẩu tôm của Nhật Bản và giải pháp đối với Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản & Đông Bắc Á, số 3, tháng 6/2003. Nội dung đề cập tới thị trường nhập khẩu tôm của Nhật Bản, các giải pháp nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
    - Dương Hồng Nhung - Trần Thu Cúc, Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản & Đông Bắc Á, số 1, tháng 2/2005. Nội dung bài viết đề cập tới thị trường nhập khẩu rau quả của Nhật Bản và thực trạng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Nhật Bản, cũng như một số giải pháp nhằm tăng xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản.
    b. Khái quát quan hệ hệ kinh tế, thương mại
    - Trần Anh Phương, 25 năm quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Tiến trình phát triển và vấn đề đặt ra, 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973 - 1998, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội 1999. Nội dung bài viết khái quát quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản từ năm 1973 -1998 và tổng kết những hạn chế còn tồn tại trong trao đổi mậu dịch song phương như: quy mô buôn bán còn nhỏ hẹp, cơ cấu hàng hoá trao đổi còn nhiều bất cập
    - Trần Quang Minh, Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Thành tựu, vấn đề và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản & Đông Bắc Á, số 5, tháng 10/2005. Nội dung bài viết đánh giá thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, nêu ra một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai nước.
    - Nguyễn Duy Dũng, Thực trạng và triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 1, tháng 6/1995. Phùng Thị Vân Kiều: Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản những năm gần đây, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 3, tháng 6/1999. Vũ Văn Hà, Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản những năm gần đây, Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản, số 1, tháng 2/2000. Nội dung các bài viết tập trung về quan hệ kinh tế Việt Nam thông qua thương mại, đầu tư, ODA và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa hai nước.
    Do vậy, tác giả luận văn muốn tổng hợp và cập nhật các tài liệu có liên quan để nghiên cứu đầy đủ hơn về quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 – 2007), tập trung vào một số mặt hàng xuất và nhập khẩu chủ yếu. Từ đó, góp phần tạo nên cơ sở tham khảo cho việc hoạch định chính sách thương mại của Việt Nam đối với Nhật Bản thời gian tới.

    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    Mục đích nghiên cứu là phân tích thực trạng, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế của mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 – 2007). Đồng thời, lý giải thực trạng của mối quan hệ này trong thời kỳ trên, đưa ra các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp.
    Nhiệm vụ nghiên cứu là tổng hợp, thống kê số liệu, so sánh để phân tích rõ thực trạng quan hệ thương mại song phương.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản (thời kỳ 1990 – 2007).
    Trong phạm vi nghiên cứu quan hệ xuất nhập khẩu, luận văn chọn một số mặt hàng chủ yếu để phân tích. Cụ thể là 6 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản và 6 sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản. Bốn mặt hàng chủ yếu này thay đổi theo từng năm. Về thời gian, luận văn nghiên cứu quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản từ năm 1990 đến năm 2007.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn sử dụng hệ phương pháp kết hợp logic và lịch sử, khái quát hoá và cụ thể hoá, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh trên cơ sở phân tích và tổng hợp số liệu. Ngoài ra còn dựa trên các lý thuyết về thương mại quốc tế và chính sách thương mại.
    6. Dự kiến những đóng góp mới của luận văn
    - Hệ thống hoá các vấn đề về lý luận và thực tiễn về quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.
    - Phân tích mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản từ năm 1990 đến năm 2007, chỉ ra được những thành tựu, những tồn tại và lí giải để tìm ra các nguyên nhân của chúng.
    - Đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hơn nữa trong tương lai.
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các chữ viết tắt, danh mục bảng biểu, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương.
    Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản.
    Chương 2. Thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản từ năm 1990 đến năm 2007.
    Chương 3. Một số giải pháp chính sách đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...