Thạc Sĩ Quan điểm của triết học Mác-Lênin về con người với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ cô

Thảo luận trong 'Triết Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Tư tưởng về con người của triết học Mác-Lênin được hình thành trên cơ kế thừa biện chứng những tư tưởng tiến bộ của nhân loại; từ đó, triết học Mác - Lênin đã khẳng định vai trò cải tạo thế giới, làm nên lịch sử của con người. Trong tư tưởng khoa học và cách mạng ấy, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của lịch sử. Bản chất nhân đạo, mục tiêu cao cả, thước đo nhân văn của sự phát triển xã hội là phát triển vì con người, đưa con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do.
    Triết học Mác-Lênin còn khẳng định rằng, để có những con người phát triển toàn diện, cần phải có một nền kinh tế phát triển cao, một nền văn hóa tiên tiến, một nền khoa học - kỹ thuật hiện đại, một nền giáo dục phát triển. Việc tạo ra những thành tựu kinh tế - xã hội đó không những là điều kiện để làm tăng thêm nền sản xuất xã hội, mà còn là điều kiện duy nhất để tạo ra những con người phát triển toàn diện; trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
    Những quan điểm trên của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã được thực tiễn hơn một thế kỷ qua chứng minh tính đúng đắn của nó. Song, ngày nay, đứng trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và quan niệm về con người của triết học Mác-Lênin nói riêng đang bị tấn công từ nhiều phía. Những kẻ chủ trương xét lại chủ nghĩa Mác cho rằng, tư tưởng giải phóng con người của triết học Mác đã cũ, lạc hậu, một chiều và không tưởng; rằng, học thuyết Mác đã bị những người kế tục làm cho xơ cứng, trở thành cái không thể vận dụng và phát triển phù hợp với thời đại mà khoa học - kỹ thuật đang tiến nhanh như vũ bão; rằng, triết học Mác đã bị giáo điều hóa, học thuyết Mác về con người bị khủng hoảng, ngừng trệ; rằng, do chỉ do chú ý đến con người trong đấu tranh giai cấp mà chưa chú ý đến con người cá nhân, con người với tư cách là chủ thể sáng tạo, nên quan niệm của triết học Mác về con người đã bộc lộ nhiều bất cập, trở thành cái mang tính áp đặt, giả tạo và duy ý chí, v.v.
    Trước tình hình đó, việc làm rõ thực chất quan điểm của triết học Mác-Lênin về con người để bảo vệ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin là một yêu cầu cấp thiết.
    Trên bình diện thực tiễn, nhờ những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lượng sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
    Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và tại các Hội nghị Trung ương của mình, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa phải lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững . Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, giáo dục. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và đồng bộ; kết hợp đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp với bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nhằm hình thành một đội ngũ lao động giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có tác phong công nghiệp, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có ý thức phấn đấu vì sự phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chỉ những con người như vậy mới đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    Trong khi vấn đề đặt ra như vậy thì, do nhiều nguyên nhân, vấn đề xây dựng con người, phát huy vai trò của họ lại đang đứng trước những khó khăn không nhỏ cả từ phương diện nhận thức lẫn tổ chức thực tiễn. Về nhận thức, chúng ta thấy có hai cực đoan sai lầm: Một là, tuyệt đối hóa vai trò nhân tố con người tới mức tái sinh trở lại yếu tố của bệnh duy ý chí; hai là, tuyệt đối hóa nhân tố kỹ thuật-công nghệ dẫn tới xuất hiện yếu tố của chủ nghĩa kỹ trị. Về mặt thực tiễn: việc đầu tư cho sự phát triển nguồn lực con người chưa thật sự được xem trọng; việc phát huy nguồn nhân lực đang có cũng chưa thật có hiệu quả . Không khắc phục những thiếu sót trên đây, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khó đi tới đích. Để góp phần giải quyết có hiệu quả vấn đề vừa nêu, việc làm rõ giá trị khoa học, bản chất cách mạng trong quan điểm của triết học Mác-Lênin về con người sẽ giúp chúng ta thấy rõ rằng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay chỉ có thể thắng lợi nhờ chiến lược phát triển con người Việt Nam toàn diện với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đó.
    Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi chọn vấn đề: "Quan điểm của triết học Mác-Lênin về con người với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" làm đề tài của luận án này.
    2.Tình hình nghiên cứu đề tài
    Vấn đề con người trong triết học Mác - Lênin đã được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đề cập đến từ nhiều góc độ khác nhau.
    Liên quan tới đề tài này, ở Liên xô (trước đây) và Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) đã có nhiều cuốn sách được xuất bản. Chẳng hạn: N.M.Beredơnôi: "Vấn đề con người trong các tác phẩm của C.Mác", M.,1981; D.M.Kakabátde: "Con người với tư cách một vấn đề triết học", Tbidixi, 1970; "Những vấn đề về chủ nghĩa nhân đạo trong triết học Mác - Lênin", M., 1975. Nhiều bài báo, công trình nghiên cứu về con người đã được đăng tải trên tạp chí Những vấn đề triết học của Nga, có nhiều bài đã được dịch ra tiếng Việt và được đăng trên tạp chí Triết học. Trong số các công trình có liên quan tới đề tài này, đáng chú ý nhất là hai tập: "Con người-những ý kiến mới về một đề tài cũ" do nhà xuất bản Điétxơ xuất bản năm 1982 tại Béc-lin, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội dịch và cho xuất bản năm 1986. Đây là một công trình phối hợp của một số nhà khoa học Liên xô và Cộng hòa dân chủ Đức.
    Những năm gần đây, nhiều cuốn sách về con người tiếp tục được xuất bản tại Liên bang Nga, song, do điều kiện hạn chế, chúng tôi không thể đề cập tới trong luận án này.
    Trong những năm qua ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu vấn đề con người trong triết học Mác - Lênin. Chỉ điểm qua tình hình nghiên cứu vấn đề này từ năm 1975 đến nay cũng đủ thấy điều đó. Năm 1978, Viện Triết học đã cho xuất bản cuốn: "Về vấn đề con người và xây dựng con người mới" (Giáo sư Phạm Như Cương chủ biên), trong đó giới thiệu một cách tương đối hệ thống những ý kiến của Mác, Ăngghen, Lênin và các đồng chí lãnh đạo Đảng ta về vấn đề con người. Trong những năm tiếp theo, nhiều bài viết đã đề cập tới vấn đề: làm thế nào để tạo ra được những con người lao động kiểu mới, những con người biết tổ chức, biết quản lý nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Từ năm 1991 đến năm 1995, công trình khoa học cấp nhà nước KX-07: "Con người Việt Nam-mục tiêu và động lực phát triển kinh tế-xã hội" do GS-TS. Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. Cùng với quá trình thực hiện chương trình nghiên cứu cơ bản này, đã có hàng trăm bài báo, báo cáo khoa học của các nhà khoa học trong cả nước viết về con người được liên tục đăng tải trên các tạp chí Cộng sản, Triết học, Nghiên cứu lý luận, Thông tin lý luận, Khoa học xã hội . Các tác giả như Nguyễn Duy Quý, Lê Hữu Tầng, Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Thị Ngọc Trầm, Dương Phú Hiệp, Lê Thi, Phạm Như Cương, Nguyễn Ngọc Long, Phạm Ngọc Quang, Đặng Hữu Toàn, . đã công bố nhiều bài báo đề cập đến các góc độ khác nhau của việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    Nhiều luận án tiến sĩ xung quanh vấn đề con người cũng đã được bảo vệ trong những năm qua. Chẳng hạn, Nguyễn Thế Kiệt: "Vai trò của những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong việc xây dựng con người mới trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"; Vũ Thị Tùng Hoa: "Mối liên hệ giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội trong quá trình hình thành và phát triển con người" . Các luận án tiến sĩ trên đã đi sâu giải quyết ở các góc độ khác nhau nhiều vấn đề có liên quan tới quan niệm của triết học Mác - Lênin về con người, tới việc xây dựng con người Việt Nam. Song, cho đến nay, việc vận dụng quan điểm của triết học Mác-Lênin về con người vào việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tư cách là một luận án tiết sĩ triết học vẫn chưa có. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài nêu trên để thực hiện luận án tiến sĩ triết học của mình.
    3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
    Luận án có mục đích: Góp phần nhận thức những quan điểm cơ bản của triết học Mác-Lênin về con người. Trên cơ sở đó, phân tích những yêu cầu đối với việc xây dựng con người Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đề ra phương hướng, giải pháp nhằm xây dựng con người đáp ứng yêu cầu đó.
    Để đạt được mục đích đó, luận án có nhiệm vụ:
    - Trình bày một cách khái quát những quan điểm cơ bản của triết học Mác-Lênin về con người.
    - Làm rõ thực chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta và một số vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng con người Việt Nam hiện nay.
    - Đề ra phương hướng và một số giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    - Luận án được thực hiện trên cơ sở những tác phẩm chính yếu của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người; các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời, tham khảo các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong, ngoài nước có liên quan đến đề tài.
    - Phương pháp tổng quát được vận dụng trong quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án là phương pháp biện chứng duy vật; kết hợp các phương pháp: lịch sử và lôgíc, phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, hệ thống hóa và điều tra xã hội học.
    5. Cái mới về mặt khoa học của luận án
    - Luận án góp phần nhận thức rõ hơn những quan điểm cơ bản của triết học Mác-Lênin về con người.
    - Góp phần làm rõ những yêu cầu đối với việc xây dựng con người Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    - Góp phần đề ra phương hướng và những giải pháp có tính khả thi nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
    - Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo trong việc hoạch định chiến lược phát triển con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay.
    - Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác-Lênin nói chung, quan niệm của triết học Mác - Lênin về con người nói riêng trong sự vận dụng cụ thể vào nước ta hiện nay.
    7. Kết cấu của luận án
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm ba chương, 7 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...