Thạc Sĩ Quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 27/12/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài
    Đất nước ta đang trên con đường hội nhập với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) sôi nổi, có sức lan truyền tới mọi địa phương. Quá trình này đã làm thay đổi rất lớn tới kinh tế, xã hội, tới đời sống của người dân. Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình này cũng đã làm xuất hiện nhiều vấn đề mà trong thực tế khó tìm được cách giải quyết hợp tình, hợp lí.
    Long Thành – một trong những huyện thuộc tỉnh Đồng Nai – đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến quốc lộ 51 nối liền các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại có thể thông với quốc lộ 1A nên quá trình này càng phải có tốc độ phát triển nhanh hơn nữa để kịp thời đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Vì vậy bên cạnh những thành tựu to lớn mà quá trình này đem lại thì cũng có nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh.
    Là người sống tại địa phương, dưới góc độ khoa học Địa lí, chúng tôi muốn tìm hiểu quá trình chuyển đổi kinh tế từ một huyện sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành trong thời kì CNH – HĐH nhằm tìm ra những ảnh hưởng của nó đến kinh tế, xã hội, môi trường và đời sống người dân địa phương. Nhận thấy đây là vấn đề còn mới, tôi mạnh dạn chọn nó làm đề tài nghiên cứu của mình với tên: Quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai thời kì CNH – HĐH.
    2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
    Mục đích của đề tài được xác định là:
    - Nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế từ huyện sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.
    - Kiến nghị những phương hướng và biện pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành trên cơ sở khoa học và lâu dài.
    Dựa trên mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ của đề tài được xác định là:
    - Hệ thống hóa các vấn đề có liên quan đến quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, tìm hiểu các khái niệm và những tác động của quá trình này đến kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm chuyển đổi quá trình sản xuất của các địa phương.
    - Điều tra, khảo sát các số liệu cần thiết.
    - Phân tích tác động của quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp đến một số mặt kinh tế, xã hội, môi trường và đời sống người dân trên địa bàn huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai: những thành tựu đạt được và những hạn chế cần khắc phục.
    - Tham khảo và đưa ra những định hướng phát triển của huyện trong tương lai và những biện pháp thực hiện khả thi.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài
    Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng của đề tài được xác định là quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai trong thời kì CNH – HĐH và những ảnh hưởng của nó đến kinh tế - xã hội dưới góc độ địa lý kinh tế - xã hội.
    Phạm vi nghiên cứu
    Về nội dung: tập trung nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai trong thời kì CNH – HĐH và những ảnh hưởng của nó.

    Về không gian:
    nghiên cứu trên địa bàn huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai
    Về thời gian: chủ yếu tập trung nghiên cứu trong giai đoạn từ 1995 cho đến nay (năm 1994 huyện Nhơn Trạch mới tách ra khỏi Long Thành).
    4. Hệ thống quan điểm và phương pháp nghiên cứu
    Hệ thống quan điểm
    Quan điểm tổng hợp lãnh thổ
    Đây là quan điểm cơ bản, truyền thống và được xem là đặc trưng của Địa lý học, đó là: khi xem xét các sự vật hiện tượng địa lý phải đặt chúng trong mối quan hệ về không gian. Quan điểm này luôn chiếm được sự đồng thuận bởi trong thực tế các sự vật và hiện tượng địa lý luôn luôn có sự phân hóa về không gian, làm cho chúng có sự khác biệt giữa nơi này với nơi khác. Trong nghiên cứu về quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp trong thời kì CNH – HĐH, chúng tôi luôn đặt Long Thành trong mối quan hệ không gian với các huyện khác trong tỉnh và trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để xem xét và đánh giá.
    Quan điểm hệ thống
    Quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp của một địa phương không phải là một quá trình đơn lẻ, độc lập mà sẽ gắn kết với các quá trình khác. Xét trong mối quan hệ nhân quả thì đây vừa là kết quả của những vấn đề kinh tế xã hội này, vừa là nguyên nhân của những vấn đề kinh tế xã hội khác. Vì thế khi nghiên cứu quá trình này tại huyện Long Thành, chúng tôi luôn đặt quá trình này trong quan điểm hệ thống để nghiên cứu nhằm có những phân tích mang tính khoa học và đảm bảo tính chất dây chuyền của các đối tượng.
    Quan điểm lịch sử - viễn cảnh
    Các sự vật hiện tượng trong tự nhiên không chỉ biến đổi về mặt không gian mà còn có sự phát triển theo thời gian. Việc nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai được xem xét kĩ lưỡng ttrong mối liên hệ quá khứ - hiện tại – tương lai để làm rõ hơn bản chất của vấn đề theo thời gian và dự báo được hướng phát triển của nó, bảo đảm tính logic, khoa học và chính xác.
    Quan điểm sinh thái và phát triển bền vững
    Quá trình phát triển của con người luôn chịu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Đồng thời con người cũng có những tác động làm biến đổi môi trường xung quanh. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của con người trong quá trình phát triển của mình đến môi trường xung quanh cần phải quán triệt quan điểm sinh thái và phát triển bền vững khi nghiên cứu vấn đề. Trong việc nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai cũng phải xem xét đến ảnh hưởng của nó đến môi trường xung quanh và đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trưvờng à phát triển bền vững.
    Phương pháp nghiên cứu
    Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã thực hiện các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
    - Phương pháp sưu tầm và xử lí tài liệu: quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài có nhiều nguồn tư liệu khác nhau nên cần có một quá trình sưu tầm và xử lí số liệu sao cho có hiệu quả và đáng tin cậy.
    - Phương pháp điều tra, đánh giá: do địa phương nghiên cứu giới hạn trong một huyện nên những tài liệu tìm được chưa đủ để có thể hoàn thành đề tài. Vì vậy, việc điều tra đánh giá để tìm ra những số liệu mới là rất quan trọng để có thể hoàn thành được đề tài.
    - Phương pháp thực địa: là phương pháp cần thiết để tăng thêm độ tin cậy và tính khách quan cho đề tài.
    - Phương pháp bản đồ: phương pháp này tạo một cái nhìn tổng quát và khách quan, đặc biệt là đối với những đối tượng không thể kiểm soát hết bằng mắt thường trong thực tế, đồng thời tìm ra mối quan hệ giữa các đối tượng với nhau để có những hướng giải quyết phù hợp.
    - Phương pháp chuyên gia: trong quá trình thực hiện đề tài, để đảm bảo tính khoa học và đưa ra được những dự báo chính xác, hợp lí . cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực qui hoạch, kinh tế, môi trường .
    5. Ý nghĩa của đề tài
    Cho đến hiện nay, chưa có đề tài nghiên cứu nào tại địa phương nghiên cứu về vấn đề này. Do vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp cung cấp một cách nhìn khách quan những vấn đề đang tồn tại và buộc các nhà quản lí phải có những thay đổi để giải quyết những vấn đề đó trong quá trình chuyển Long Thành thành một huyện sản xuất công nghiệp.
    Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng giúp cho những địa phương khác có được những bài học kinh nghiệm để có thể thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mình tốt hơn.
    6. Lịch sử nghiên cứu đề tài
    Quá trình CNH ở Việt Nam diễn ra muộn hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới. Vì vậy Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước để có được những kết quả nhanh chóng và hiệu quả như mong muốn. Việc gắn CNH với HĐH là một sự sáng tạo trong chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, do đó nó cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và nhà kinh tế .
    Ở cấp vĩ mô và trong nhiều ngành kinh tế, đã có rất nhiều sách và công trình nghiên cứu của nhiều tác giả khác nhau viết về vấn đề CNH – HĐH và những ảnh hưởng của nó như:
    - Trong giai đoạn đầu thực hiện CNH – HĐH, tác giả Đặng Kim Sơn đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề CNH từ nông nghiệp – lí luận thực tiễn và triển vọng áp dụng ở Việt Nam (2001) đã đặt nền móng cho việc thực hiện CNH – HĐH từ nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
    - Năm 2002, dưới sự chủ biên của GS.TS. Nguyễn Trong Chuẩn; PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa; PGS. TS. Đặng Hữu Toàn cuốn sách có tựa đề CNH, HĐH ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan, toàn diện về quá trình CNH – HĐH ở Việt Nam trong những năm đầu của thế kỉ XXI.
    - Năm 2004, đóng góp vào những nghiên cứu về quá trình CNH – HĐH ở Việt Nam để có được kết quả toàn diện và sâu sắc hơn, nhóm tác giả Đào Thế Tuấn, Đào Thế Anh và Nguyễn Vũ Quang đã cho xuất bản cuốn sách Cơ sở khoa học của vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH – HĐH ở Việt Nam trong tương lai.
    - Để cụ thể hóa những chỉ tiêu trong quá trình thực hiện CNH – HĐH đất nước, tác giả Vũ Năng Dũng cũng đã cho ra đời cuốn sách được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép có tựa đề Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng tiêu chí, bước đi, cơ chế chính sách trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn (năm 2004).
    - Năm 2006, nhìn lại chặng đường 20 năm đổi mới, tác giả Đỗ Quốc Sam đã viết Mt số vấn đề CNH, HĐH sau 20 năm đổi mới với những đánh giá hết sức khách quan về những thành tựu đạt được và những tồn tại trong quá trình thực hiện CNH – HĐH đất nước.
    - Với những thay đổi to lớn của đất nước, các khía cạnh của quá trình CNH – HĐH cũng như ảnh hưởng của nó đến các ngành kinh tế cũng được nghiên cứu kĩ hơn trong những công trình nghiên cứu sau:
    + Đề tài Xác định nội dung và phương thức CNH – HĐH trong thương mại ở nước ta thời kì tới 2010 (năm 2003) của tác giả Vũ Tiến Dương và đề tài Nghiên cứu cán cân thương mại trong sự nghiệp CNH – HĐH ở Việt Nam (năm 2005) của tác giả Nguyễn Văn Lịch thuộc Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu rất kĩ những vấn đề trong ngành thương mại ở nước ta thời kì CNH – HĐH.
    + Nói đến một khía cạnh khác, tác giả Nguyễn Thành Nghị cũng có viết Nghiên cứu và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lí và sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình CNH – HĐH đất nước (năm 2005). Bên cạnh đó, tác giả Đặng Hữu cũng có viết Xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức và tác động của nó đến sự phát triển và lựa chọn chiến lược CNH – HĐH ở Việt Nam (năm 2005), giúp chúng ta có một cách nhìn mới về quá trình CNH – HĐH.
    + Quan tâm đến việc phát triển kinh tế của lãnh thổ trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, năm 2006 tác giả Nguyễn Xuân Thu đã cho ra đời cuốn sách có tựa đề Phát triển kinh tế vùng trong quá trình CNH – HĐH.
    + Việc thay đổi cơ cấu kinh tế cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong quá trình CNH – HĐH. Do đó Viện kinh tế Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trong quá trình CNH – HĐH năm 2006.
    Nhìn chung, có rất nhiều công trình trong và ngoài nước nghiên cứu đến vấn đề CNH – HĐH nhưng đa số đều ở tầm vĩ mô chứ chưa nghiên cứu nó trong một phạm vi lãnh thổ nhỏ (một huyện). Với đề tài Quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai thì vấn đề CNH – HĐH với những ảnh hưởng của nó lần đầu tiên được nghiên cứu ở cấp độ vi mô và cũng là đề tài đầu tiên nghiên cứu về quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Long Thành trong thời kì CNH – HĐH.
    7. Bố cục Luận văn gồm 3 chương:
    Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
    Chương 2: THỰC TRẠNG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG CÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN LONG THÀNH TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA
    Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG CÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN LONG THÀNH TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...