Phương thức bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở nhà trường phổ thông Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: B2008 – 37 – 59 (đề tài cấp Bộ)
    Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Đỗ Tiến Đạt
    Các thành viên tham gia: PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga
    PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phương
    PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
    TS Lương Việt Thái
    TS Nguyễn Lan Phương
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: từ tháng 07 năm 2008 / tháng 07 năm 2010

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Trong vài thập kỉ tới, thế giới sẽ có nhiều thay đổi lớn về kinh tế - xã hội. Các quốc gia đều tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng, phát triển nhân tài và thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu”.

    Đại hội XI của Đảng đã giao cho ngành ta “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.

    Mô hình bồi dưỡng năng khiếu ở nước ta là một mô hình giáo dục được đầu tư trọng điểm - ở cấp THPT, có trường riêng, quy chế tuyển chọn riêng, và chương trình chuyên sâu và tài liệu riêng. Phương thức thực hiện của ta có những hạn chế là: chưa chú trọng bồi dưỡng năng khiếu ở cấp Tiểu học, THCS; ở cấp THPT thì còn hiểu sai lệch về mục tiêu (thiên về đoạt giải HS giỏi và đỗ đại học hơn là phát triển năng khiếu); chưa tuyển chọn chính xác được những HS có năng khiếu vì không đánh giá trí thông minh, trí sáng tạo; thiếu các lĩnh vực năng khiếu về thực tiễn xã hội; chưa có phương thức đánh giá kết quả học tập phù hợp với HS năng khiếu; Để khắc phục triệt để những hạn chế trên, cần nghiên cứu đề tài “Phương thức bồi dưỡng HS năng khiếu ở nhà trường phổ thông Việt Nam”.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Nghiên cứu và đề xuất một số phương thức chủ yếu để bồi dưỡng HS năng khiếu ở nhà trường phổ thông Việt Nam

    4. Nội dung nghiên cứu

    Cơ sở lý luận; Kinh nghiệm quốc tế; Kinh nghiệm Việt Nam; Phương hướng nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS năng khiếu.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Phương thức bồi dưỡng, định hướng nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS năng khiếu ở nhà trường phổ thông Việt Nam (thông qua một số lĩnh vực hoặc một số môn học như Toán, Ngữ văn, Nghệ thuật, ).

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Nghiên cứu lí luận; so sánh quốc tế; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm; và phương pháp toán học.

    7. Kết cấu của đề tài


    Cấu trúc đề tài: gồm 3 phần

    Phần 1. Cơ sở lí luận
    1.1. Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Phương thức nhận dạng, phát hiện HS năng khiếu
    1.3. Phương thức bồi dưỡng HS năng khiếu

    Phần 2. Cơ sở thực tiễn
    2.1. Kinh nghiệm quốc tế về bồi dưỡng HS năng khiếu
    2.2. Kinh nghiệm, nhu cầu của Việt Nam về bồi dưỡng HS năng khiếu

    Phần 3. Đề xuất một số định hướng nâng cao chât lượng bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường phổ thông việt
    3.1. Một số quan điểm chung
    3.2 Định hướng nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS năng khiếu
    3.3. Điều kiện thực hiện phương thức bồi dưỡng HS năng khiếu

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Cơ sở lí luận

    a) Đề tài đã phân tích nội hàm một số khái niệm cơ bản như năng lực, năng khiếu, tài năng, thiên tài, nhân tài. Theo đó: i) năng khiếu là những thuộc tính nhân cách cho phép con người có thể hoạt động với chất lượng cao, nhưng có tính chất bẩm sinh, di truyền; ii) tài năng cũng là những thuộc tính nhân cách cho phép con người tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và mới đối với xã hội, nhưng phải qua quá trình học tập và rèn luyện. Cấu trúc của tài năng gồm bốn thành tố là, trí thông minh, tính sáng tạo, năng lực chuyên biệt và động cơ hoạt động. Nguyễn Huy Tú nhấn mạnh thêm sự tương tác của các thành tố này với các yếu tố môi trường (xã hội, gia đình, trường học và bạn bè). Như vậy, năng khiếu và tài năng không chỉ được nghiên cứu dưới góc độ tâm lý, mà còn dưới góc độ văn hóa - xã hội.

    b) Tài năng là những thuộc tính nhân cách có thể giáo dục, đào tạo được và phải bắt đầu từ những HS năng khiếu. Để nhận dạng, phát hiện HS năng khiếu xu thế chung là dùng hai phương pháp: định lượng (đánh giá trí thông minh bằng test trí tuệ chuẩn hóa IQ, đánh giá trí sáng tạo bằng test trí tuệ chuẩn hóa CQ, đánh giá trình độ nhận thức bằng test năng lực nhận thức CAT và các test truyền thống); và định tính (nhận xét của chuyên gia, GV, cha mẹ, bạn bè và sản phẩm học tập).

    c) Bồi dưỡng năng khiếu được hiểu là quá trình phát triển ở HS năng khiếu hứng thú và khát vọng thực hiện các hoạt động trí tuệ (trí thông minh, khả năng sáng tạo, và các năng lực chuyên biệt) với mức độ cao nhất. Phương thức bồi dưỡng HS năng khiếu đã được xem xét một cách toàn diện gồm:
    - Mục tiêu giáo dục hướng tới hình thành, phát triển trí thông minh, trí sáng tạo, các năng lực chuyên biệt, và động cơ hoạt động.
    - Nội dung giáo dục năng khiếu được xây dựng xoay quanh ba trục là, trí thông minh, tính sáng tạo và năng lực chuyên biệt, được nhúng trong môi trường thực tiễn, xã hội. Từ đó, có những nội dung mang tính khoa học hàn lâm và mang tính thực tiễn, xã hội. Nội dung được xây dựng theo hướng, tăng tốc và rộng – sâu.
    - Phương pháp giáo dục phù hợp với HS năng khiếu là dạy học giải quyết vấn đề, phát triển phong cách làm việc nhóm, hợp tác, cộng tác,
    - Có ba xu thế tổ chức giáo dục năng khiếu là, học trong trường/lớp bình thường, với cùng chương trình, tài liệu, và phương pháp dạy học; học trong trường/lớp riêng, với chương trình, tài liệu và phương pháp dạy học riêng; và dung hòa giữa hai xu thế trên. Trong đó xu thế thứ ba đang là phổ biến.

    Cơ sở thực tiễn

    Đề tài đã phân tích kỹ giáo dục năng khiếu ở Hoa Kỳ và Hồng Kông, tìm hiểu khái quát một số nước châu Âu, châu Úc và châu Á để xác định xu thế bồi dưỡng HS năng khiếu trên thế giới. Đồng thời, tổng kết kinh nghiệm và tìm hiểu nhu cầu về giáo dục năng khiếu ở trong nước. Có thể tóm lược những nội dung cơ bản sau:

    a) Các nước phát triển và Việt Nam đều rất coi trọng giáo dục năng khiếu. Điều này thể hiện ở các điều Luật, ở chương trình giáo dục năng khiếu riêng.

    b) Các nước đều cho rằng, năng khiếu thường nảy nở từ rất sớm nên phát triển hệ thống nhận dạng, phát hiện năng khiếu từ tiểu học là một nhiệm vụ trọng đại quốc gia. Ở đó, luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội, luôn kết hợp cả đánh giá định tính và đánh giá định lượng, với các bộ công cụ chuẩn hóa nhằm đo lường các năng lực trí tuệ hiện đại.

    Còn Nhà nước ta thì chú trọng lựa chọn HS năng khiếu cấp THPT và qua phương thức thi tuyển là chủ yếu. Nhu cầu của CBQL, GV là cần đổi mới quy trình tuyển chọn, trong đó chú trọng đến đo lường trí thông minh, trí sáng tạo và phỏng vấn về thái độ, động cơ học tập của HS.

    c) Việt Nam và tất cả các quốc gia khác đều phát triển chương trình giáo dục năng khiếu từ chương trình giáo dục phổ thông. Các quốc gia rất chú trọng đến việc phát triển các thành tố của tài năng (trí thông minh, tính sáng tạo, các năng lực chuyên biệt, và động cơ hoạt động) ở tất cả các khâu, từ mục tiêu, đến nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, và đánh giá kết quả học tập. Họ đã xác định ba thành tố cốt lõi của giáo dục năng khiếu là kỹ năng tư duy cao, tính sáng tạo và các năng lực cá nhân – xã hội; từ đó phát triển các nội dung giáo dục gồm nhiều cấp độ, và tổ chức nhiều hình thức giáo dục phù hợp với các cấp độ nội dung đó.

    Còn ở nước ta, nội dung chuyên sâu được xây dựng theo cách tiếp cận “rộng – sâu”, hướng tới lý thuyết khoa học hàn lâm hơn là hướng vào thực tiễn xã hội; định hướng giảng dạy phổ biến là bồi dưỡng trí thông minh, chứ chưa thực sự chú trọng đến phát triển tính sáng tạo, trí tuệ xã hội, trí tuệ cảm xúc, Vì vậy nhiều ý kiến đề nghị: i) cần qui định rõ ràng mục tiêu giáo dục năng khiếu, bổ sung thêm các lĩnh vực năng khiếu khác như khả năng lãnh đạo, sáng tạo, nghệ thuật, và tiếp cận xây dựng theo hướng tăng tốc, ii) bổ sung thêm một số hình thức tổ chức giáo dục khác như, tăng tốc, tách rời, tổ chức các khoá học nâng cao vào kỳ nghỉ hè, thử trí tuệ sau giờ học chính khóa ở trường, ; iii) xây dựng phương thức đánh giá kết quả học tập phù hợp hơn với HS năng khiếu, trong đó chú trọng đánh giá các thành tố trí thông minh, tính sáng tạo, năng lực chuyên biệt và động cơ học tập.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS năng khiếu, cần đổi mới toàn diện, từ quan niệm, đến phương thức phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, đến các điều kiện đảm bảo thực hiện phương thức đó.

    Khuyến nghị

    Đổi mới quan niệm về HS năng khiếu: Giáo dục phải nhận dạng HS có năng khiếu, bồi dưỡng để phát triển thành HS giỏi, từ đó tạo tiền đề đào tạo thành người tài. Do đó các thuật ngữ HS giỏi, năng khiếu, xuất sắc, chuyên, tài năng, đều nên gọi là 'HS năng khiếu”. Năng khiếu đó thường là một lĩnh vực, bao gồm một số môn học gần gũi ở phổ thông.

    Đổi mới phương thức nhận dạng, phát hiện và tuyển chọn năng khiếu: Việc nhận dạng, phát hiện HS năng khiếu không chỉ thực hiện ở lớp đầu cấp mà nên bổ sung, sàng lọc hàng năm, và ở tất cả các trường phổ thông; Phương thức nhận dạng, phát hiện năng khiếu gồm xét tuyển và thi tuyển; Quy trình tuyển chọn HS năng khiếu theo 5 bước: i) Thăm dò ý kiến của cha mẹ/người giám hộ và GV; ii) Sơ tuyển qua hồ sơ; iii) Thi truyền thống về lĩnh vực năng khiếu; iv) Kiểm tra trí thông minh, trí sáng tạo và cảm xúc; v) Phỏng vấn HS đã trúng tuyển để tư vấn về lĩnh vực năng khiếu sẽ theo học;

    Đổi mới phương thức bồi dưỡng HS năng khiếu: Mục tiêu giáo dục HS năng khiếu đổi mới theo hai hướng: i) Đảm bảo giáo dục toàn diện; ii) Nhấn mạnh hình thành và phát triển trí thông minh, sự sáng tạo, động cơ hoạt động mạnh mẽ, và các năng lực chuyên biệt. ; Nội dung năng khiếu được đổi mới theo năm hướng: i) Vẫn duy trì các lĩnh vực lý thuyết khoa học, bổ sung các lĩnh vực thực tiễn - xã hội như Sáng tạo, Kỹ thuật và công nghệ, Nghệ thuật, ; ii) Xây dựng các nội dung xoay quanh ba thành tố cốt lõi là, kĩ năng tư duy cao, sự sáng tạo, và các năng lực cá nhân – xã hội; iii) Vẫn tiếp cận xây dựng nội dung theo chiến lược “rộng - sâu” và bước đầu tiếp cận chiến lược “tăng tốc”; iv) Xây dựng nội dung theo ba cấp độ là, 1- toàn lớp, 2- tách nhóm, 3- cá nhân. Xây dựng 5 loại nội dung 1A, 1B, 2C, 2D và 3E nhằm: phát triển ba thành tố cốt lõi cho mọi năng khiếu; phát triển mỗi lĩnh vực năng khiếu cụ thể; Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực nhưng theo cách tiếp cận “dạy cách tự học, tự nghiên cứu” nhằm phù hợp với các thuộc tính nhân cách đặc biệt của HS năng khiếu. Đổi mới hình thức tổ chức dạy học: i) học trong trường bình thường phải chú trọng bồi dưỡng giảng dạy năng khiếu cho GV và lựa chọn các nội dung học tập cấp độ 1A, 1B, 2C, 2D; ii) học ở trường riêng biệt thì tạo cơ hội để HS vận dụng vào thực tiễn, giao lưu với các bạn ở trường bình thường, và lựa chọn các nội dung học tập cấp độ 2C, 2D và 3E; Phương thức đánh giá kết quả học tập của HS năng khiếu cần được đổi mới theo các hướng: i) Sử dụng đa dạng các phương pháp đánh giá, nhất là tự đánh giá và đánh giá thực; ii) Chú trọng đánh giá cả bốn thành tố là trí thông minh, tính sáng tạo, các năng lực chuyên biệt và động cơ hoạt động của HS; iii) Xây dựng chuẩn đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực đảm bảo đo lường việc đạt mục tiêu, sự tiến bộ và kết quả đầu ra; iv) Thiết kế các mẫu công cụ đánh giá; v) Vận dụng kết quả đánh giá để đổi mới phương pháp dạy học

    Đa dạng hóa các mô hình bồi dưỡng HS năng khiếu. Một mặt phát triển đa dạng, phong phú các cách thức kiểu hình, dạng loại bồi dưỡng HS năng khiếu. Mặt khác, phải tổ chức hợp lí hệ thống các kiểu hình, nâng cao chất lượng và trình độ nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác bồi dưỡng HS năng khiếu, chú trọng gắn kết với các trung tâm nghiên cứu, đào tạo có uy tín, xây dựng cơ chế quản lí thực sự có hiệu lực, xác định điều kiện và nguồn tài lực để thực hiện công việc.

    Phát triển đội ngũ GV cốt cán về công tác bồi dưỡng HS năng khiếu; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để bồi dưỡng năng khiếu; Hoàn thiện và xây dựng chính sách về bồi dưỡng HS năng khiếu: Pháp chế hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng HS năng khiếu; Khôi phục lại chính sách tuyển thẳng vào đại học những HS đoạt giải giỏi quốc gia; Điều chỉnh lại chính sách học bổng, học phí, miễn giảm, trợ cấp, đối với HS năng khiếu, HS giỏi; Điều chỉnh chính sách đối với nhà giáo dục làm công tác bồi dưỡng năng khiếu; Xây dựng chính sách gửi HS, GV giao lưu, học tập ở các nước tiên tiến; Xây dựng Chiến lược phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài.

    Từ khóa: 1/ Giáo dục chuyên biệt; 2/ Bồi dưỡng năng khiếu; 3/ Giáo dục phổ thông.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...