Thạc Sĩ Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu


    MỞ ĐẦU



    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI


    Sau 26 năm xâm lược và bình định nước ta, bằng các âm mưu thâm độc và chiến tranh xâm lược tàn bạo, thực dân Pháp đã bắt triều đình nhà Nguyễn ký điều ước Hác - măng đầu hàng Pháp.
    Để đặt cơ sở thống trị lâu dài trên toàn cõi Việt Nam, từ năm 1884 thực dân Pháp xúc tiến xâm lược các tỉnh trung du và thượng du Bắc Kỳ.
    Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tài nguyên, khoáng sản quí và phong phú lại có địa bàn chiến lược hết sức quan trọng nên sau khi đánh chiếm được thành Bắc Ninh, tháng 3 năm 1884 thực dân Pháp từ Bắc Ninh mở cuộc tấn công đánh chiếm tỉnh thành Thái Nguyên. Kể từ đó phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Thái Nguyên đã nổ ra và ngày càng mạnh mẽ.
    Tuy nhiên thực dân Pháp phải mất hơn 10 năm chinh phục và bình định phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên mới có thể xây dựng hoàn chỉnh bộ máy thống trị, bóc lột ở vùng này.
    Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, chịu sự tác động của phong trào yêu nước, cách mạng của nhân dân, phong trào đấu tranh của binh lính Việt Nam chống lại chính sách cai trị của Pháp đã nổ ra ngày càng mạnh.
    Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, chịu ảnh hưởng của các hoạt động của Việt Nam Quang phục hội, phát huy truyền thống yêu nước đấu tranh của binh lính Việt Nam đã làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Đây là cuộc nổi dậy khởi nghĩa của binh lính người Việt trong quân đội Pháp kéo dài nhất và có tiếng vang nhất ở Việt Nam trong thời kỳ này.

    Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên thời kỳ 1884 - 1918 là một mốc lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng. Nó quan trọng không chỉ bởi đây là thời kỳ đấu tranh kiên cường của nhân dân các dân tộc ở Thái Nguyên chống thực dân Pháp xâm lược, mà nó còn góp phần phát huy truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp vì mục tiêu độc lập, tự do của dân tộc. Đặc biệt cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt trong quân đội Pháp do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, nó khiến cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ, chính quyền Pháp ở Đông Dương bị chấn động, góp phần răn đe hệ thống cai trị của Pháp.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, vai trò của Lương Ngọc Quyến và tinh thần anh dũng đấu tranh của binh sĩ yêu nước trong khởi nghĩa Thái Nguyên đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Trường Chinh cũng đã ghi nhận khởi nghĩa Thái Nguyên là một trong những sự kiện lớn xảy ra ở thị xã Thái Nguyên. Tác giả Trần Huy Liệu, trong cuốn Lịch sử tám mươi năm chống Pháp cũng đã nhắc đến cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên như là một tấm gương sáng cho các cuộc khởi nghĩa khác noi theo nhân dân Thái Nguyên với lòng tự hào của mình đã ghi nhớ công lao to lớn của thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên - lập đền thờ Đội Cấn Tên tuổi của những người lãnh đạo khởi nghĩa Thái Nguyên đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhiều đường phố, khu dân cư, trường học, mang tên Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn. Các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học ở Việt Nam trong các thập kỷ đã qua có nhiều công trình nghiên cứu và đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên trong lịch sử.
    Để hiểu thêm về phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Thái Nguyên, nhất là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, góp phần khẳng định những trang sử vàng trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhândân các dân tộc trong tỉnh em mạnh dạn chọn đề tài: “Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918” làm luận văn thạc sĩ của mình.

    2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

    Liên quan tới đề tài “Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918” trên nhiều khía cạnh khác nhau đã có một số cơ quan, cá nhân giới sử học trong nước đề cập đến trong một số cuốn sách đã được công bố.
    Có lẽ tác phẩm ra đời sớm nhất tố cáo chính sách thống trị, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương và Thái Nguyên là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ năm 1917 đó là : “Bản án chế độ thực dân Pháp ” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm được Người viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921 - 1925 và được xuất bản lần đầu tiên năm 1925 tại Pari - Thủ đô nước Pháp
    Cuốn “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp ” của Trần Huy Liệu, tác giả viết về cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước chống Pháp, trong đó có đề cập đến hoàn cảnh, diễn biến cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.
    Nhân dịp kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Thái Nguyên ( 1917 - 1997 ), Sở văn hóa thông tin tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện sử học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về khởi nghĩa Thái Nguyên và cho xuất bản cuốn: “Khởi nghĩa Thái Nguyên 80 năm nhìn lại ”. Cuốn sách mang tính chất kỷ yếu, tập hợp các công trình khoa học và các tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử về khởi nghĩa Thái Nguyên tại hội thảo. Ở góc độ và mức độ khác nhau, các nhà khoa học đã đề cập xoay quanh các vấn đề: nguyên nhân, hoàn cảnh lịch sử, diễn biến và tính chất khởi nghĩa Thái Nguyên trong lịch sử.

    Cuốn “ Đội Cấn - Thái Nguyên ” do Việt Hải biên soạn nói về cuộc đời của Đội Cấn, một số nét về nguyên nhân, diễn biến của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên .
    Năm 1917 Đào Trinh Nhất xuất bản cuốn “Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên ” chủ yếu nói đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Lương Ngọc Quyến, đồng thời tác giả cũng trình bày sơ lược về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên .
    Từ sau khi tỉnh Thái Nguyên được tái thành lập (1 - 1 - 1997) thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, năm 1999, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên biên soạn và phát hành cuốn “ Thái Nguyên lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941 - 1954)”; năm 2003, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo biên soạn và xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (1936 - 1965)”. Hai cuốn sách nêu trên ở mức độ khác nhau đã đề cập đến phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trước khi có đảng cộng sản Việt Nam ra đời.

    Từ năm 2002 trở lại đây, thực hiện chỉ thị số 15 - CT/TW ngày 28 - 8- 2002 của Ban bí thư trung ương Đảng, chỉ thị số 17 - CT /TW ngày 31 - 12 - 2002 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ngành trong tỉnh”, các đơn vị cấp huyện và cơ sở trong tỉnh đã tiến hành sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống. Đến nay, đã có 9/9 huyện, thành, thị biên soạn lịch sử đảng bộ; lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 7 xã biên soạn được lịch sử đảng bộ xã. Các sách viết về lịch sử các ngành, các tổ chức xã hội ở trong tỉnh như: công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ lần lượt được biên soạn, xuất bản. Nội dung các công trình nghiên cứu này ít nhiều có liên quan đến phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân tỉnh Thái Nguyên từ 1884 - 1918.
    Các tác phẩm của các nhà lãnh đạo cách mạng và những công trình nghiên cứu của các cơ quan và các nhà khoa học nói trên là nguồn tài liệu quan trọng giúp em hoàn thành nghiên cứu đề tài này.
    3. ĐỐI TưỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI

    3.1. Đề tài nghiên cứu:

    Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918.
    3.2. Phạm vi của đề tài

    - Đề tài đề cập tới địa bàn chiến lược tỉnh Thái Nguyên và truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
    - Nội dung chính của đề tài là nghiên cứu Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918.
    3.3. Nhiệm vụ của đề tài

    Thông qua các tư liệu lịch sử cụ thể, đề tài tái dựng lại bức tranh lịch sử về phong trào kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Thái Nguyên từ năm 1884 đến năm 1918, làm nổi bật được hoàn cảnh lịch sử trong nước dẫn đến phong trào đấu tranh chống pháp của nhân dân Thái Nguyên, diễn biến của phong trào qua các giai đoạn. Xác định vị trí, tính chất của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên trong lịch sử.
    4. NGUỒN Tư LIỆU VÀ PHưƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    4.1. Nguồn tư liệu

    Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã sử dụng các tác phẩm của: Các Mác, Enghen, Lênin; các Văn kiện Đảng, những bài viết và tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bài viết của đồng chí Trường Chinh, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố, các bài viết đăng trên tạp chí: Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu lịch sử Đảng, Lịch sử quân sự giáo trình các trường đại học, kỉ yếu hội thảo khoa học viết về lịch sử liên quan đến phong trào chống Pháp của nhân dân Thái Nguyên trong những năm
    1884 - 1918 là nguồn tài liệu cơ bản để thực hiện đề tài này.

    4.2. Phương pháp nghiên cứu

    Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp phương pháp lôgíc là chủ yếu. Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh để làm sáng tỏ nội dung của đề tài.
    5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

    - Luận văn góp phần làm rõ vị thế chiến lược của tỉnh Thái Nguyên trong đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc.
    - Luận văn trình bày một cách có hệ thống Phong trào đấu tranh chống

    Pháp của tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ 1884 - 1918.

    - Luận văn làm rõ vị trí, vai trò phong trào đấu tranh chống Pháp khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược và bình định Thái Nguyên. Đặc biệt luận văn làm rõ nguyên nhân bùng nổ, diễn biến, vị trí, vai trò cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên.
    6. KẾT CẤU LUẬN VĂN

    Ngoài phần mở đầu và kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo đề tài gồm 3 chương:

    Chương 1: Vị trí chiến lược, con người và truyền thống đấu tranh bất khuất của tỉnh Thái Nguyên
    Chương 2: Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược ở tỉnh Thái Nguyên (1884 - 1914).
    Chương 3: Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược ở tỉnh Thái Nguyên (1914 - 1918 ).
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...