Sách Phố và đường Hà Nội

Thảo luận trong 'Sách Du Lịch' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Phố và đường Hà NộiSau một phần tư thế kỷ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc mới cho in bộ sách thứ hai về các đường phố Hà Nội. Cũng vẫn một mục đích khiêm tốn là: “Đáp ứng yêu cầu tìm hiểu lịch sử các đường phố cổ Hà Nội”, song bộ sách hơn 800 trang này đã giới thiệu được lịch sử của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
    So với “Đường phố Hà Nội” in năm 1979 thì số lượng đường phố, quảng trường, công viên tăng từ 371 đơn vị lên 601. Tức là có tới 230 mục từ phải làm mới hoàn toàn, từ nghiên cứu, sàng lọc đến khảo sát .
    Nhưng đối với 371 mục từ cũ thì tác giả cũng phải làm mới lại. Tức là từng mục từ cũng có chỉnh lý, bổ sung, loại những nhầm lẫn, thêm những thông tin mới; và nhất là bố cục lại kết cấu từng mục từ cho hợp lý, để đúng với mục tiêu là viết lịch sử đường phố chứ không phải viết lịch sử danh nhân.
    Đây thực sự là một cuốn sách được biên soạn kỹ càng, khoa học và nghiêm túc. Kỹ càng vì không một phố, một ngõ lớn nhỏ nào có mặt cho đến ngày biên soạn sách mà lại không được đề cập, giới thiệu tương đối toàn diện; khoa học và nghiêm túc. Mỗi đơn vị được sắp xếp, giới thiệu theo một trật tự nghiêm ngặt theo vị trí, độ dài, gốc tích, lai lịch, di tích lịch sử, cách mạng và những công trình mới. Nội dung đó lại được thể hiện với bút pháp khảo cứu, có đối chiếu và bổ sung, uốn nắn những điểm nhầm lẫn, sai sót của những người đi trước và của chính tác giả với tinh thần kế thừa và phát triển công việc biên soạn, khảo cứu về Thăng Long - Hà Nội đã có từ trước.
    Qua Phố và đường Hà Nội, người đọc có đủ những thông tin cần thiết để “tham quan, du lịch” bất kỳ một phố, một ngõ nào theo ý muốn; còn người nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật có thể “săn lùng” dấu vết hoặc tìm hiểu về công trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội; người nghiên cứu lịch sử thì có thể có được những tư liệu tin cậy về các mặt lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội . của Hà Nội.
    Có thể nêu một ví dụ: trong bản dịch “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Hà Nội, mục các bến đò có ghi tên bến Trù Mộc, một tên gọi rất lạ đối với người nghiên cứu về Hà Nội cổ. Trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 152, bài “Thêm một số tài liệu về Ba Vành”, Hương Sơn - Cần Mẫn cho biết: Theo gia phả cụ Nguyễn Hữu Xuân ghi chép, thì có nhà sư Thanh Giản “bị chém ở miếng đất trên bờ sông Tô Lịch gần chùa bà Móc (?)”. Trong khi đó Hoàng Xuân Hãn trên Tập san Khoa học xã hội số 4-1978, khi bàn về chùa bà Mọc, lại đoán bến ấy “ở gần đầu phố Hàng Buồm và cửa sông Tô Lịch” (tr.150).
    Với “Phố và đường Hà Nội” thì địa danh mơ hồ chưa xác định đó đã được chỉ dẫn một cách cụ thể. Mục phố Nguyễn Thiếp (tr.468), tác giả đã ghi: “ở giữa phố có một ngôi chùa cổ tên là “chùa bà Móc”, nay là số nhà 27 . Vào thời Lê, chùa này đã cho một bến sông Hồng mượn tên: Bến chùa Bà Móc, ở chỗ đầu cầu Long Biên ngày nay”. Và như vậy thì chữ Trù Mộc chính là chữ nôm, phải đọc là bến Chùa Móc và Móc chứ không phải Mọc.
    Chính do đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều giới nên “Phố và đường Hà Nội” hẳn được đông đảo bạn đọc ưa thích. Đáng trân trọng nữa là cuối sách có ba bản Phụ lục.
    Phụ lục I cho thấy ở Hà Nội sự việc đổi tên Nôm trên ba chục phường thôn ra tên Hán Việt mà nay còn bảo lưu là xảy ra đầu thời Minh Mạng (khoảng 1821). Phụ lục II, một thiên nghiên cứu công phu, đối chiếu các phường thôn Hà Nội trải bốn thời: thời Nguyễn Gia Long, đầu thời Minh Mạng, cuối thời Nguyễn Minh Mạng đến thời Đồng Khánh và cuối cùng là thời các phố xá hiện nay. Phụ lục III: Là bảng đối chiếu tên phố Hà Nội qua bốn thời kỳ: thời Pháp thuộc, thời sau Cách mạng tháng 8-1945, thời tạm chiếm (1947-1954) và thời hiện tại (từ 1955 đến nay).
    Tuy nhiên, nếu có điều cần góp ý thì đó là bộ sách nên tăng những thông tin chính trị - kinh tế - văn hóa hiện tại như trụ sở và lịch sử các cơ quan Trung ương và thành phố, các khách sạn nhà hàng lớn và nhất là từng con phố nên có vẽ sơ đồ. Cũng cần có một Sách dẫn về nhân danh, địa danh, nghề cổ truyền, di tích và sự kiện lịch sử.
    Cuối cùng là qua các mục từ, người đọc cảm nhận rằng sự hiểu biết của tác giả về con đường nẻo phố Hà Nội còn dày dặn hơn nhiều. Nếu có dịp, mong tác giả viết kỹ thêm, đầy đủ thêm để bộ sách trở thành công cụ tra cứu đầy tin tưởng.
     
Đang tải...