Sách Phi Thuyền Nguyễn Trường Tộ

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CHƯƠNG 1

    Chiếc Hưng Đạo K 79, phi cơ phản lực của hãng Hàng không Việt Nam như một mũi tên lao nhanh trong không trung trên con đường Vọng các – Sài gòn.

    Hành khách có trên trăm người.

    Hoài Việt cùng chú Kim cùng đáp chuyến phi cơ về Sài gòn.

    Tiếng động cơ kêu rì rì như một luồng gió nhẹ thổi.

    Máy ghi âm để lan ra trong phòng phi cơ những điệu nhạc êm dịu.

    Hành khách phần đông ngả mình trên những chiếc ghế đầy đủ tiện nghi. Tiếng nhạc ru hồn họ vào giấc ngủ êm đềm, giúp họ quên đi trong chốc lát những vật lộn của cuộc đời.

    Người nữ chiêu đãi nhẹ nhàng đi đi lại lại chăm chú phục vụ khách hàng.

    Người nữ chiêu đãi ấy, chú Kim trong những lúc vui tính vẫn gọi đùa là những “nàng tiên không cánh mà bay”.

    Nụ cười luôn luôn sẵn nở trên môi, nàng dịu dàng cúi xuống thì thào vài câu chuyện với một cô bé chưa ngủ, đắp gọn lại chiếc mền len cho một bà lão, nhặt cái tẩu thuốc cho một cụ già, lượm mấy tấm hình vừa rời khỏi tay người hành khách trai trẻ bay nằm dưới sàn, khẽ đẩy chiếc võng cho một chú nhỏ còn đang mút tay chùn chụt Người tiên nữ không cánh mà bay ấy như để ý đến mỗi người, không bỏ sót một ai, mà mọi người như cũng đã quen thuộc với những cử chỉ, những công việc của người thiếu nữ ấy. Người tiên nữ mỉm cười để phục vụ hành khách. Hành khách mỉm cười để biết ơn tiên nữ.

    Hoài Việt không sao chợp mắt được. Hoài Việt vẫn nao nao vì bức thư của Hoài Anh, người em gái 14 tuổi của anh mới viết cho anh gọi anh về ngay Sài gòn. Cô em gái kém anh có một tuổi rưỡi ấy tuy hay nhõng nhẽo với anh, nhưng rất thông minh, rất hợp tính anh ở chỗ cùng ưa mạo hiểm, thích đương đầu với những khó khăn. Nhiều lần hai anh em đã đùa nghịch bảo nhau một cách dí dỏm thế này : “Làm con của một khoa học gia nổi tiếng như cha chúng mình mà không can đảm, không ưa mạo hiểm thì người ta cười cho chết mất” Từ lúc nhận được thư của em gái, Việt đã đoán nhiều, đoán mãi. Anh đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác. Rút cục anh vẫn chưa tìm ra một câu trả lời nào gọi được là đích đáng.

    Hoài Việt lấy thư của em, đọc lại một lần nữa :

    Anh Hoài Việt,

    Thôi, Hoài Việt ơi, chấm dứt cuộc phiêu lưu của anh ở Thái Lan đi. Anh xách vali về ngay Sài gòn. Ba bảo em viết cho anh thế. Thú ghê, Hoài Việt ạ ! Về ngay, để cùng đi với ba. Đi đâu ? Bí mật Tối bí mật Thậm bí mật Cực bí mật Em không nói kiểu chú Kim, cái gì cũng tối, thậm, cực đâu ! Cuộc đi này có cả em nữa cơ. Mà có lẽ em đi, nên anh mới được đi đấy. Anh đừng quên ơn em gái nhé. Để “bắt” anh tỏ lòng biết ơn em ngay, anh phải hứa từ nay không được gọi em là “nhõng nhẽo của anh” nữa mặc dầu em thỉnh thoảng có nhõng nhẽo tí chút. Tại em là em nên em có quyền nhõng nhẽo chứ. Nhưng em không bằng lòng cho anh gọi em là nhõng nhẽo đâu.

    À, anh Hoài Việt này ! Để anh em mình đi chuyến này, mẹ phải lên gân ghê lắm nhé. Cha phải thuyết phục mẹ mãi đấy. Em thấy như mẹ lo lo làm sao ấy. Em cũng thương mẹ ! Nhưng mẹ chúng mình thì can đảm ghê lắm rồi.

    Hoài Anh mong chóng gặp anh. Chúng mình cần phải bàn mảnh với nhau về cuộc đi này chứ. Em chào thăm chú Kim nhé. Anh nhớ dặn chú đừng có quên quà của em đấy. Chú mà quên thì Hoài Anh sẽ bớt phần “đế” của chú ngay.

    Thân ái chào anh,

    HOÀI ANH

    Thì cũng lại vẫn thế. Đọc lại thư của Hoài Anh, Việt cũng không đoán thêm được gì mới hơn. Chuyến đi gì đây ? Đi thám hiểm Nam Cực ư ? Cha đã nói tới nhiều lần. Đâu có còn gì bí mật nữa : Những cuộc thám hiểm đầy lý thú tương tự thế, Hoài Việt đã được theo cha nhiều lần rồi. Và trong những lần ấy, anh cũng đã giữ những vai trò không kém cần thiết để phụ lực cha nữa.

    Phòng phi cơ lúc ấy gần như hoàn toàn yên tĩnh. Mọi người như đã đắm mình trong một giấc ngủ êm đềm. Một vài tiếng cựa mình của hành khách. Mấy tiếng mút tay chùn chụt đều đều của vài chú bé. Tiếng nhac vẫn nhẹ nhẹ loãng ra. Tất cả đều nương nhẹ, như không muốn làm tan mất làn không khí tĩnh mịch. Chỉ có một thứ âm thanh bên cạnh Hoài Việt nổi lên trội hơn cả là tiếng ngáy của chú Kim

    Việt quay nhìn sang chú Kim, người chuyên viên cộng tác của giáo sư Tôn, cha anh. Anh mến chú Kim nhiều. Mà Hoài Anh mến chú cũng không kém. Chú Kim là một cựu đại úy không quân, đã một thời danh tiếng lừng lẫy. Chú Kim đã đứng tuổi, tính tình bộc tuệch nóng nảy, nhưng rất thẳng thắn, tận tụy. Nơi chú Kim có rất nhiều cái đặc biệt. Mà đáng kể hơn cả là bộ râu quai nón rậm rạp của chú, mớ tóc không mấy khi chải của chú. Không một cuộc hành trình thám hiểm nào của giáo sư Tôn mà không có chú Kim cùng đi. Không một khó khăn nào lại vắng mặt chú Kim. Tuy chỉ là một cộng sự viên của ông, nhưng gia đình ông coi chú Kim như người trong nhà, cho đến người làm cũng đều thân mật gọi chú là “chú”. Riêng Hoài Anh rất thích nhõng nhẽo với chú Kim, hết bắt thường chú chuyện nọ đến chuyện kia. Chú Kim nóng tính nên rất hay “xửng cồ” với bất kỳ ai mỗi khi họ không làm đúng ý của chú nhưng chú lại rất nể Hoài Anh và “yếu đuối” mềm mỏng với cháu Hoài Anh của chú. Ai mà làm cho cháu Hoài Anh của chú khóc thì phải biết với chú

    Hoài Việt có ý hỏi chú Kim xem chú đã tìm ra được gì mới trong việc Hoài Anh nói trong thư không. Nhưng chú Kim ngủ ngon quá. Tiếng ngáy của chú còn to hơn cả các thứ âm thanh lúc ấy.

    Nhìn xuống sàn, chó Tô cũng yên lặng ngon giấc. Hoài Việt đưa tay nhẹ vuốt trên đầu Tô. Con chó nhỏ thó này có thể nói được là người bạn thân như hình với bóng của anh. Nó đã theo anh khắp nơi. Nó đã giúp đỡ anh không ít trong các cuộc thám hiểm.

    Hoài Việt như cảm thấy mình trơ trọi. Anh nao nức không yên
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...