Thạc Sĩ Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 28/8/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Trong giai đoạn hiện nay, nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, như Nghị quyết Đại hội XI chỉ rõ: “Trên thế giới: Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe doạ an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường còn tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế” [35, tr.182-183]. Vì thế, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội mới, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức đan xen. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản cách mạng đang ra sức chống phá công cuộc đổi mới của Việt Nam bằng mọi âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi và xảo quyệt, trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại Trước tình hình đó, để góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh nhằm tạo sức mạnh tổng hợp răn đe và sẵn sàng chiến thắng khi có tình huống xảy ra.
    Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Một số tỉnh biên giới phía Bắc có vị trí chiến lược rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là địa bàn có tiềm năng kinh tế lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thời kỳ mới, tình hình biên giới đất liền cũng như biên giới phía Bắc trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được giải quyết theo hướng hoà bình, hữu nghị. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trong khu vực nói chung và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng. Do đó, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột cả biên giới trên bộ và trên biển. Cùng với đó, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình” Chính vì vậy, biên giới phía Bắc vẫn là khu vực chiến lược quan trọng mà các lực lượng thù địch luôn tìm cách lợi dụng, chống phá cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra hết sức quan trọng là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia nói chung, biên giới phía Bắc nói riêng. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Có như vậy mới tạo ra cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội vững chắc nhằm đảm bảo quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới.
    Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, một số tỉnh biên giới phía Bắc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước bằng việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trên thực tế, các tỉnh biên giới phía Bắc có điều kiện địa lý khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu và không đồng bộ, điểm xuất phát thấp, đặc biệt là phát triển kinh tế thực trạng đó đã tác động tới mất ổn định về kinh tế - xã hội; quốc phòng và an ninh không được đảm bảo. Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc vừa là yêu cầu cơ bản, lâu dài của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, vừa là đòi hỏi cấp thiết cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Với lý do đó, tác giả lựa chọn đề tài: “Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc” làm luận án tiến sỹ.
    2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
    - Mục tiêu:
    Trên cơ sở làm rõ lý luận về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và phân tích, đánh giá thực trạng ở một số tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, luận án đề xuất những quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số địa phương.
    - Nhiệm vụ: Để đạt được mục tiêu trên, luận án có các nhiệm vụ sau:
    + Tổng quan tình hình nghiên cứu về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; chỉ ra những nội dung đã được đề cập nghiên cứu, cũng như những vấn đề chưa được đề cập, nghiên cứu.
    + Hệ thống hoá và làm rõ khuôn khổ lý thuyết của việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
    + Phân tích và đánh giá đúng việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của chúng và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới.
    + Đề xuất quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc trong thời kỳ mới.
    3. Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án được xác định là phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc. Cụ thể là: mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và các đối tượng có liên quan thuộc nhóm các nhân tố ảnh hưởng như: điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chính trị
    Trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội là yếu tố quyết định đến quốc phòng, an ninh. Ngược lại, quốc phòng, an ninh có tác động tích cực trở lại kinh tế - xã hội, bảo vệ và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngày nay, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh càng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Phát triển kinh tế - xã hội ổn định nhanh, bền vững giữ vai trò quyết định cho đảm bảo quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh không chỉ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, mà còn đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hoà bình, ổn định, là tiền đề, điều kiện không thể thiếu đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bởi vậy, phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh phù hợp với từng điều kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể trên từng địa phương.
    4. Phạm vi nghiên cứu
    - Về nội dung: luận án nghiên cứu lý luận, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, tập trung làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; nội dung phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và các đối tượng có liên quan thuộc nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
    Đảm bảo quốc phòng, an ninh theo nghĩa hẹp là đảm bảo nhu cầu vật chất - kỹ thuật, tài chính và nhân lực (xét ở mặt kỹ thuật, thuộc phạm vi chuyên ngành Kinh tế quân sự - Hậu cần quân sự); theo nghĩa rộng, đảm bảo quốc phòng, an ninh là chủ quyền quốc gia không bị xâm phạm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo (môi trường hoà bình, ổn định được đảm bảo), theo đó luận án nghiên cứu đảm bảo quốc phòng, an ninh theo nghĩa rộng.
    - Về không gian: luận án nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó tập trung vào 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng.
    - Về thời gian: luận án nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, tập trung vào 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng từ năm 2001 đến 2013.
    5. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
    - Cơ sở lý luận, thực tiễn
    Luận án được nghiên cứu dựa trên những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế quân sự, học thuyết bảo vệ Tổ quốc và các văn kiện của Đảng, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; những chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới phía Bắc; các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Quốc phòng; các báo cáo tổng kết, số liệu thống kê của các cơ quan, sở, ban, ngành ở một số tỉnh biên giới phía Bắc; các công trình liên quan đến đề tài đã được công bố; kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu thực tế có liên quan đến đề tài là cơ sở lý luận, thực tiễn của luận án.
    - Phương pháp nghiên cứu
    Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của kinh tế chính trị Mác - Lênin; sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học, kết hợp các phương pháp lôgíc và lịch sử; phân tích và tổng hợp; thống kê so sánh và phương pháp chuyên gia để làm sáng tỏ nội dung luận án. Phương pháp đó được vận dụng vào các chương cụ thể như sau:
    Chương 1, Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Phương pháp nghiên cứu trong chương này chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê, kết hợp với phương pháp phân tích. Cuối chương sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học, gạt bỏ những yếu tố ngẫu nhiên xảy ra trong những quá trình và những hiện tượng phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh đã được nghiên cứu, từ đó tách ra những cái điển hình, bền vững, ổn định trong những hiện tượng và quá trình đó, trên cơ sở ấy nắm được bản chất của các hiện tượng, từ bản chất cấp một tiến đến bản chất ở trình độ sâu hơn, hình thành những phạm trù và những quy luật phản ánh những bản chất, để thấy được bản chất của vấn đề mà các công trình khoa học, các đề tài, luận án trước đó đã nghiên cứu. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển để làm cơ sở cho nghiên cứu các chương sau của luận án.
    Chương 2, Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phương pháp nghiên cứu trong chương này chủ yếu sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học để hình thành các khái niệm, phạm trù khoa học đặc trưng cho các mặt khác nhau của các hiện tượng quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, tiến tới hình thành các qui luật, xác lập sự phụ thuộc và tác động lẫn nhau một cách nhân quả, ổn định của các hiện tượng và quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh mà đề tài luận án đưa ra. Cùng với phương pháp trừu tượng hoá khoa học là phương pháp phân tích để thấy được những nội dung, những nhân tố ảnh hưởng và kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
    Chương 3, Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc. Phương pháp nghiên cứu trong chương này kết hợp sử dụng các phương pháp: phân tích và tổng hợp, thống kê so sánh, chuyên gia; sau đó sử dụng phương pháp phân tích và phương pháp trừu tượng hoá khoa học. Trên cơ sở đó hoàn thành chương 4: quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc trong thời kỳ mới.
    Trong suốt quá trình viết luận án, nhất là sự chuyển tiếp, kế thừa nội dung các chương và nội dung toàn luận án cần phải chú ý vận dụng tốt phương pháp logic và lịch sử.
    6. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
    - Hệ thống hoá và làm rõ hơn một bước cơ sở khoa học về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
    - Phân tích, đánh giá thực trạng và nhận diện những vấn đề đang đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là trong tình hình phức tạp hiện nay.
    - Đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở một số tỉnh biên giới phía Bắc thời gian tới.
    7. Kết cấu của luận án
    Luận án gồm: phần mở đầu; 4 chương, 12 tiết; kết luận; danh mục các công trình nghiên cứu của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài luận án; danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
     
Đang tải...