Luận Văn Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Thảo luận trong 'Đầu Tư' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    PTKTBV nhấn mạnh đến khả năng phát triển liên tục lâu dài, không gây ra những hậu quả tai hại khó khôi phục
    ở những lĩnh vực khác, nhất là thiên nhiên và xã hội. Phát triển kinh tế mà làm hủy hoại môi trường là phát triển không
    bền vững, phát triển mà chỉ dựa vào những loại tài nguyên có thể cạn kiệt (mà không lo trước đến ngày chúng cạn kiệt)
    là phát triển không bền vững. Chẳng hạn, trữ lượng dầu mỏ thế giới theo một số tính toán chỉ có thể khai thác được
    khoảng 50 - 60 năm nữa; trữ lượng than đá thì còn khoảng trên dưới 120 năm nữa . Vậy, nếu các ngành kinh tế chỉ dựa
    vào những nguồn năng lượng này thì không thể bảo đảm tính bền vững lâu dài được. Đồng thời muốn kéo dài sự tồn tại
    của các ngành kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch thì chỉ có thể là phải sử dụng tiết kiệm chúng hoặc là tìm
    nguồn năng lượng thay thế.
    Ngoài ra, có quan điểm còn cho rằng, mô hình phát triển kinh tế mà để phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực
    (như FDI) cũng là khó bền vững, vì nguồn ấy có nhiều rủi ro, không chắc chắn. Nói ngắn gọn, phát triển kinh tế là
    không bền vững nếu nó thật "nóng", không thể giữ lâu, nền kinh tế chóng rơi vào khủng hoảng, hay ít nhất cũng
    chậm lại trong tương lai.
    Không thể chối cãi: "phát triển kinh tế bền vững" là một khái niệm một phạm trù đang được toàn thế giới
    lưu tâm. "Phát triển kinh tế bền vững” có nội hàm rất rộng, mỗi thành tố trong đó đều có một ý nghĩa riêng. Một
    mẫu hình PTBV là mỗi địa phương, vùng, quốc gia không nên thiên về thành tố này và xem nhẹ thành tố kia. Vấn
    đề là áp dụng nó như thế nào ở các cấp độ trên và trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
    Nhưng chỉ để ý đến liên hệ giữa môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và tăng trưởng kinh tế là chưa
    toàn diện, chưa bao quát hết nội hàm của khái niệm "bền vững" trong phát triển kinh tế. Khái niệm đó sẽ toàn diện
    và toàn vẹn hơn nếu được áp dụng vào hai thành tố nòng cốt khác của phát triển, đó là văn hóa và xã hội. Để
    chuyển hoá khái niệm PTKTBV từ cấp độ lý thuyết áp dụng vào thực tiễn, khái niệm cần được làm sáng tỏ sau đó
    áp dụng trực tiếp đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
    Nhiều công trình nghiên cứu khác đã đi sâu nghiên cứu hệ thống và công phu về PTBV. Tuy nhiên, như trên
    đã phân tích, PTBV có nội hàm rất rộng, bao gồm nhiều thành tố, mỗi thành tố trong đó đều có một ý nghĩa riêng. Bởi
    vậy, các nghiên cứu chuyên biệt về PTKTBV đang chưa được thực hiện một cách thật hệ thống, nhất là đặt nó trong
    mối liên hệ tương tác với các thành tố quan trọng khác của PTBV. Mặt khác, thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam
    đã bộc lộ những dấu hiệu của tính không bền vững. Từ những lý do trên, Luận án đã được lựa chọn với đề tài “Phát
    triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
    Từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX, "phát triển bền vững về kinh tế" đã trở thành một đề tài được thế giới loài
    người không những quan tâm đặc biệt, mà còn tập trung nhiều trí tuệ để giải quyết các vấn đề của nó. Cội nguồn của
    sự xuất hiện vấn đề và ngày càng trở nên bức thiết mang tính toàn cầu là ở chỗ, nó phản ánh sự quan ngại đối với một
    số quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế quá nhanh, tạo bước đi vội vã, chọn cách phát triển thiển cận, miễn sao tăng thu
    nhập hiện tại cho nhanh, mà không để ý đến những nguy hại dài lâu của lối phát triển ấy đến môi trường sinh thái (tàn
    phá rừng, sa mạc hóa .), đến trữ lượng hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên (quặng mỏ, dầu hỏa, khí đốt), đến tình
    trạng khoét sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo.
    "Phát triển kinh tế bền vững” là khái niệm mới ở Việt Nam. Tiến hành xây dựng và thao tác hoá khái niệm
    này phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay sẽ có ý nghĩa quan trọng. Các nghiên cứu khoa học
    môi trường, khoa học xã hội, trong đó đặc biệt là kinh tế học, xã hội học và luật học đã có những đóng góp nhất định
    cho việc hoàn thiện hệ thống quan điểm lý luận về PTKTBV ở nước ta trong những thập niên sắp tới.
    Trong một công bố trên Tạp chí Xã hội học (2003) của tác giả Bùi Đình Thanh với tiêu đề "Xã hội học Việt Nam
    trước ngưỡng của thế kỷ XXI", tác giả cũng chỉ ra 7 hệ chỉ báo cơ bản về PTBV: Chỉ báo kinh tế, xã hội, môi trường. Khái
    niệm “phát triển bền vững” được biết đến ở Việt Nam vào khoảng cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Mặc dù xuất hiện ở
    Việt Nam khá muộn nhưng nó lại sớm được thể hiện ở nhiều cấp độ.
    Về mặt học thuật, thuật ngữ này được giới khoa học nước ta tiếp thu nhanh. Đã có hàng loạt công trình
    nghiên cứu liên quan mà đầu tiên phải kể đến là công trình do giới nghiên cứu môi trường tiến hành như "Tiến tới
    2
    môi trường bền vững” (1995) của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
    Công trình này đã tiếp thu và thao tác hoá khái niệm PTBV theo báo cáo Brundtland như một tiến trình đòi hỏi
    đồng thời trên bốn lĩnh vực: Bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt nhân văn, bền vững về mặt môi trường, bền
    vững về mặt kỹ thuật. "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển bền vững cấp quốc gia ở Việt Nam - giai đoạn I”
    (2003) do Viện Môi trường và PTBV, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tiến hành. Trên cơ sở
    tham khảo bộ tiêu chí PTBV của Brundtland và kinh nghiệm các nước: Trung Quốc, Anh, Mỹ, các tác giả đã đưa ra
    các tiêu chí cụ thể về PTBV đối với một quốc gia là bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường.
    Đồng thời cũng đề xuất một số phương án lựa chọn bộ tiêu chí PTBV cho Việt Nam.
    Công trình nghiên cứu "Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững” (2000) do Lưu Đức Hải và cộng
    sự tiến hành đã trình bày hệ thống quan điểm lý thuyết và hành động quản lý môi trường cho PTBV. Công trình
    này đã xác định PTBV qua các tiêu chí: bền vững kinh tế, bền vững môi trường, bền vững văn hoá đã tổng quan
    nhiều mô hình PTBV như mô hình 3 vòng tròn kinh kế, xã hội, môi trường giao nhau của Jacobs và Sadler (1990),
    mô hình tương tác đa lĩnh vực kinh tế, chính trị, hành chính, công nghệ, quốc tế, sản xuất, xã hội của WCED
    (1987), mô hình liên hệ thống kinh tế, xã hội, sinh thái của Villen (1990), mô hình 3 nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội,
    môi trường của World Bank.
    Ngoài ra, trong giới khoa học xã hội còn có các công trình như "Đổi mới chính sách xã hội - Luận cứ và
    giải pháp" (1997) của Phạm Xuân Nam. Trong công trình này, tác giả làm rõ 5 hệ chỉ báo thể hiện quan điểm
    PTBV: Phát triển xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển chính trị, tinh thần, trí tuệ, văn hoá, vai trò
    phụ nữ và chỉ báo quốc tế. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu này có một điểm chung là thao tác hoá khái niệm
    PTBV theo Brundtland. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, những thao tác này còn mang tính liệt kê, tính thích ứng của
    các chỉ báo với thực tế Việt Nam, cụ thể là ở cấp độ địa phương, vùng, miền, hay các lĩnh vực hoạt động của đời
    sống xã hội vẫn chưa được làm rõ.
    Tiếp theo là Đề tài cấp Bộ “Phát triển bền vững từ quan niệm đến hành động” của PGS.TS. Hà Huy Thành
    (chủ nhiệm), Viện nghiên cứu Môi trường và PTBV là cơ quan chủ trì thực hiện. Đề tài đã nghiên cứu tổng quan
    nội dung cơ bản và quá trình hình thành và phát triển của khái niệm, khung khổ, chương trình hành động, chỉ tiêu
    PTBV của Liên hợp quốc và các quốc gia, khu vực trên thế giới. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học về PTBV phù
    hợp với điều kiện của Việt Nam.
    Trong “Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam có đưa ra nhiều vấn đề cần ưu tiên để thực hiện PTBV, trong đó
    5 lĩnh vực cần được ưu tiên để PTBV về kinh tế, đó là: duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững; thay đổi mô hình sản xuất
    và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch; phát triển nông nghiệp và
    nông thôn bền vững; PTBV các vùng và địa phương.
    Trong bài “Bàn thêm về PTBV” đăng trên Tạp chí nghiên cứu PTBV số tháng 6/2006 của Bùi Tất Thắng,
    Viện chiến lược – Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã phân tích PTBV về mặt kinh tế để thực hiện PTBV là tốc độ tăng
    trưởng phải cao và quan trọng là có sự thay đổi cơ cấu kinh tế, cùng với việc nâng cao đời sống của dân chúng và
    bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên
    Lê Bảo Lâm với tác phẩm “Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn: Lý thuyết và thực tiễn
    ở Việt Nam” (2007) và một số các tác phẩm khác của các tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng, “Kinh tế – xã hội Việt Nam
    hướng tới chất lượng tăng trưởng hội nhập phát triển bền vững”; Nguyễn Văn Thương, “Tăng trưởng kinh tế Việt
    Nam - những rào cản cần vượt qua”; Phạm Ngọc Trung, “Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam”; cũng chỉ
    nghiên cứu và bàn luận đến những vấn đề xoay quanh việc sử dụng các nhân tố được chú ý và cần phải tiếp tục sử
    dụng một cách có hiệu quả để nhằm tạo ra sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Các vấn đề đã được nghiên cứu
    trong nhóm các tác giả trên cũng chỉ mới đưa ra, một cách rời rạc và chưa có tính chất hệ thống lý thuyết về sự
    PTKTBV, chỉ đưa ra những phân tích, đánh giá về vấn đề xã hội, hay môi trường và một số tiêu chí trong nghiên
    cứu sự phát triển một cách “bền vững” đối với Việt Nam.
    Trong tác phẩm “Phát triển bền vững của Việt Nam: Thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng”, NXB Lao
    động – xã hội, Hà Nội – 2007, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái và PGS.TS. Ngô Thắng Lợi đã nghiên cứu, phân tích
    thực trạng phát triển của kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian đổi mới, phân tích những yếu tố hay điều kiện để
    có thể giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ khả quan để thực hiện PTBV, trong đó có đề cập đến những nội dung
    của vấn đề tăng trưởng với chất lượng cao thể hiện ở những tiêu chí như xác định cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ
    3
    cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Mặc dù, chưa đề cập trực tiếp đến khái niệm PTKTBV nhưng cũng đã đưa ra những
    tiêu chí và nội dung của PTKTBV.
    Tuy nhiên, đánh giá thật công bằng thì các nghiên cứu hiện có chưa đề cập sâu đến PTKTBV, cũng như
    đánh giá mức độ tác động của PTKTBV trong mối quan hệ đối với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm bền vững
    về mặt xã hội, văn hóa ., từ đó, khẳng định vai trò quyết định của PTKTBV đến PTBV nói chung, đưa ra những
    kết luận về nội dung cũng như tiêu chí của PTKTBV.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu: nền kinh tế quốc dân cùng với các vùng, ngành của nó trong quãng thời gian tương
    đối thuần nhất để làm rõ động thái, khuynh hướng của nó dưới lăng kính của PTKTBV.
    Phạm vi nghiên cứu: luận án chỉ giới hạn nghiên cứu nền kinh tế quốc dân Việt Nam dưới góc độ
    PTKTBV, bao gồm những vấn đề tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế xã hội, môi trường.
    Thời gian nghiên cứu: từ năm 1986 đến nay.
    4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án
    Mục đích nghiên cứu của luận án: Luận giải một số vấn đề lý luận và thực tiễn về PTKTBV; đánh giá, phân tích
    thực trạng nền kinh tế quốc dân kể tử khi thực hiện mô hình kinh tế mới để chỉ ra những mặt được và chưa được trong
    việc thực hiện mục tiêu bền vững; đề xuất một số giải pháp cơ bản bảo đảm PTKTBV trong thời gian tới.
    Để thực hiện mục tiêu trên, luận án xác định những nhiệm vụ cụ thể như sau: tổng hợp tài liệu, tư liệu đã nghiên
    cứu PTKTBV; tổng hợp một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc bảo đảm PTKTBV; sử dụng các công cụ
    phân tích để làm rõ những thành tựu đã đạt được cũng như những mặt còn hạn chế của kinh tế Việt Nam trong việc vừa duy
    trì tốc độ tăng trưởng cao, vừa bảo đảm tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị
    để làm cho chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới được cao và ổn định, bền vững hơn, hạn chế những tác động tiêu cực
    từ bên ngoài, nhất là tính chu kỳ của khủng hoảng trong kinh tế thị trường.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu áp dụng trong Luận án
    Luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh;
    quan điểm, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam; các thành tựu khoa học trong kinh tế
    chính trị nói chung và kinh tế học phát triển nói riêng. Luận án có sử dụng một số phương pháp khác như phương
    pháp thống kê, phân tích và tổng hợp, mô tả và so sánh, mô hình hóa, kết hợp nghiên cứu lý luận với tổng kết thực
    tiễn.
    6. Những đóng góp khoa học của Luận án
    - Hệ thống hóa cơ sở lý luận về PTKTBV, thông qua việc làm rõ các nội dung và các tiêu chí đánh giá
    PTKTBV. Nghiên cứu PTKTBV là để rút ra bài học cho Việt Nam trong vấn đề phát triển
    - Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, luận chứng những vấn đề đang đặt ra trong việc thực
    hiện mục tiêu chiến lược là duy trì tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, thực sự tác động tích cực và lan tỏa đến các
    vấn đề văn hoá, xã hội, môi trường và có cơ cấu kinh tế phù hợp phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Nội dung của
    PTKTBV gồm cả yếu tố văn hoá, xã hội được xem là vấn đề mới.
    - Đề xuất quan điểm và định hướng giải pháp cơ bản để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững. Kết
    quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và đào tạo trên lĩnh vực kinh tế
    chính trị và lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam, kinh tế học phát triển.
    7. Kết cấu của Luận án:
    Ngoài Lời nói đầu, Danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương,
    7 mục và 14 tiểu mục.
    Chương 1: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về PTKTBV.
    Chương 2: Thực trạng phát triển kinh tế của Việt Nam và những vấn đề đặt ra về phát triển bền vững.
    Chương 3: Quan điểm và giải pháp nhằm bảo đảm PTKTBV ở Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...