Luận Văn Phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thừ

Thảo luận trong 'Đầu Tư' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Do đó, trong thời gian qua, hàng trăm KCN, CCN đã được xây dựng và phát triển. Đó là giải pháp quan trọng nhằm tập trung hóa sản xuất, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; giúp các nhà doanh nghiệp tiết kiệm trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thuận lợi trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư và tổ chức quản lý, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; tạo điều kiện bảo vệ tốt môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên . Tính đến đầu tháng 12 năm 2010, cả nước đã có 255 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 69.253 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN, đạt trên 45.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN đạt 50%, riêng các KCN đã vận hành, tỷ lệ này là 60%. Cả nước có 171 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 43.580 ha và 84 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 25.673 ha. Về tình hình đầu tư, đến cuối năm 2010, các KCN nước ta đã thu hút 3.960 dự án FDI (53,6 tỷ USD) và 4.380 dự án trong nước (336.000 tỷ đồng) trong đầu tư sản xuất kinh doanh [38]. Tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của 255 KCN trên cả nước đạt gần 3 tỷ USD và gần 110.000 tỷ đồng. Các KCN hiện thu hút được 1,5 triệu lao động trực tiếp [28]. Bên cạnh các KCN, nhiều địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh xây dựng và đưa vào vận hành các CCN. Theo thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2010, các địa phương trong cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 CCN với tổng diện tích 76.520 ha. Trong đó, 918 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 40.597 ha. Hiện nay, diện tích đã sử dụng và cho thuê trong các CCN cả nước là 7.510 ha, chiếm 26,4% tổng diện tích các CCN đã hoạt động [43]. Thừa Thiên Huế là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của Miền Trung và cả nước. Trong quá trình phát triển và hội nhập, Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi cả về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế, xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh là chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, trong đó lấy ngành công nghiệp, thương mại làm động lực chính nhằm phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Tỉnh phấn đấu trở thành một trong số 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu cả nước và trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo lớn, đủ sức chủ động hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, các KCN, CCN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề và thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào hoạt động 5 KCN và 3 CCN và các KCN và CCN đang trên đà phát triển, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản, các KCN, CCN cũng còn tồn tại những hạn chế như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chậm và thiếu đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy ở một số KCN và CCN còn thấp, nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các KCN và CCN . Vì vậy, việc đánh giá đúng thực trạng, xác định những hạn chế đang tồn tại trong quá trình phát triển các KCN, CCN của tỉnh Thừa Thiên Huế là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Đó là cơ sở để đề xuất những giải pháp đẩy mạnh phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Với ý nghĩa đó, tôi chọn đề tài Phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế làm luận văn thạc sĩ của mình.

    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Mảng đề tài liên quan đến KCN, khu chế xuất (KCX) và CCN có nhiều công trình nghiên cứu đề cập dưới các góc độ khác nhau. Các công trình này có thể được chia thành 3 nhóm:
    Nhóm thứ nhất: các công trình nghiên cứu của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý về phát triển các KCN, CCN.
    Các cơ quan quản lý nhà nước xuất bản một số cuốn sách tiêu biểu như­: “Kinh nghiệm thế giới về phát triển KCN, KCX và đặc khu kinh tế” của Viện Kinh tế học, xuất bản năm 1994; Quy hoạch, quản lý và phát triển các KCN ở Việt Nam” của Vụ Kiến trúc, Bộ Xây dựng, xuất bản năm 1998; “KCN, KCX các tỉnh phía Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư, xuất bản năm 2002 . Các công trình này đã khái quát những tiềm năng, đánh giá những thành công và hạn chế của các KCN, KCX tại các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm; tổng kết các bài học kinh nghiệm của thế giới; định hướng quy hoạch, phát triển KCN, KCX cho mỗi vùng và cả nước.
    Các cơ quan quản lý nhà nước còn chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ với chủ đề Điều tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp thiết kế quy hoạch KCN Việt Nam thời kỳ 1996 – 2010” của Bộ Xây dựng, năm 1996, đề tài cấp bộ với chủ đề “Nghiên cứu mô hình quản lý nhà nư­ớc về KCN, KCX ở Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2002 . Các đề tài này đánh giá thực trạng công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý nhà nước đối với các KCN và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN.
    Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước còn tổ chức các hội thảo về phát triển KCN, KCX. Năm 2004, cả nư­ớc đã có 6 hội thảo về phát triển KCN, KCX, trong đó Hội thảo với chủ đề “Phát triển KCN, KCX ở các tỉnh phía Bắc – những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư phối hợp với Tạp chí Cộng sản và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại Thanh Hóa. Các hội thảo này đã tập trung vào một số vấn đề lý luận cơ bản về KCN, KCX như vị trí, vai trò của các KCN, KCX; quan điểm của Đảng và Nhà nư­ớc ta về phát triển KCN, KCX; công tác quy hoạch phát triển các KCN, KCX; các chính sách liên quan đến phát triển KCN, KCX; những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong quá trình phát triển của các KCN phía Bắc so với các KCN phía Nam; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX và vấn đề tạo động lực phát triển cho các KCN, KCX. Năm 2006, nhân kỷ niệm 15 năm xây dựng các KCN, KCX, Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư đã tổ chức “Hội nghị – hội thảo quốc gia 15 năm xây dựng và phát triển các KCN, KCX ở Việt Nam” tại Long An nhằm nhìn nhận lại những thành tựu đạt đ­ược, những hạn chế và kinh nghiệm xây dựng và phát triển KCN, KCX ở nư­ớc ta, trên cơ sở đó đề xuất phư­ơng hư­ớng, giải pháp và các kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các KCN, KCX.
    Các nhà quản lý cấp Trung ương và các địa phương cũng có nhiều công trình nghiên cứu về KCN, CCN như: Phan Tuấn Giang, Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Định hướng chính để phát triển KCN”, 2009; ThS. Vũ Quốc Huy – Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Quản lý nhà nước về môi trường KCN – Thực trạng và nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới”, 2009; ThS. Lê Tuấn Dũng, Văn phòng chính phủ, Định hướng hoàn thiện hoạch định chính sách đầu tư phát triển KCN ở Việt Nam”, 2009; Phan Ngọc Thọ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế, 2009; Nguyễn Hữu Trân – Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế – Điểm đến hấp dẫn của các Nhà đầu tư”, 2010 . Các công trình này thể hiện quan điểm của các tác giả về thực trạng, tiềm năng, định hướng phát triển các KCN, CCN của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.
    Nhóm thứ hai: một số công trình của các nhà nghiên cứu.
    Các nhà nghiên cứu có những đề tài tiêu biểu như: PTS. Lê Văn Nin, đề tài KC11 – 03,”Cơ sở hình thành, phát triển các KCN tập trung ở Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước KC11; GS.TS. Trần Ngọc Hiên, “Cơ sở lý luận phát triển mô hình KCN trong quá trình CNH, HĐH nước ta” . Các công trình này tập trung làm rõ các luận cứ khoa học cho việc hình thành, phát triển các KCN tập trung ở Việt Nam.
    Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn có một số bài viết đăng trên các tạp chí. Các bài như: Đỗ Hữu Hào, “Các KCN tập trung và vai trò của nó trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam”, năm 2004; PGS, TS. Vũ Văn Phúc – TS. Trần Thị Minh Châu, “Vai trò KCN, KCX đối với việc nâng cao trình độ công nghệ, quản lý doanh nghiệp và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng”, năm 2006 . phân tích vai trò và sự cần thiết khách quan phải xây dựng các KCN, CCN. Các bài: Lê Mạnh Hợp, “Cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của các KCN, KCX và khu công nghệ cao”; GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, “Một số vấn đề trong công tác cải tạo và quy hoạch phát triển các KCN hiện nay”; TS Chu Thái Thành, KCN, KCX với vấn đề bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội”; TS. Trần Ngọc Hưng, “Đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN”, năm 2006 . chỉ rõ những vấn đề cần giải quyết trong xây dựng KCN như tạo nguồn nhân lực, công tác quy hoạch, công tác quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư trong quá trình xây dựng KCN.
    Nhóm thứ ba: một số luận văn, luận án nghiên cứu về KCN, CCN.
    Một số công trình nghiên cứu thuộc nhóm này là: Nguyễn Xuân Hinh, “Quy hoạch xây dựng KCN ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Luận án Tiến sĩ Kiến trúc, năm 2003; Lê Tuyển Cử, Những biện pháp phát triển và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với KCN ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ kinh tế, năm 2003; Đoàn Duy Khương, “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển KCN, KCX ở Hải Phòng”, Luận án tiến sĩ kinh tế, năm 2002. Phạm Văn Sơn Khanh,Hoàn thiện hoạt động các KCN tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010”, Luận án tiến sĩ kinh tế, năm 2006; Hồng Yến, Hoàn thiện chính sách và mô hình tổ chức quản lý nhà nước đối với việc phát triển KCN Việt Nam (thông qua thực tiễn các KCN miền Bắc)”, Luận án tiến sĩ kinh tế, năm 2007 . Các tác giả đã trình bày về mục đích hình thành, yêu cầu đối với việc phát triển các KCN ở Việt Nam; xác định các nhân tố tác động đến quá trình hình thành, phát triển các KCN và hiệu quả của nó đối với phát triển kinh tế – xã hội; nêu lên những giải pháp phát triển KCN ở các địa phương và cả nước.
    Nhìn chung, các công trình khoa học của các tác giả nghiên cứu quá trình xây dựng KCN, CCN ở Việt Nam phong phú và phản ánh nhiều góc độ khác nhau. Các công trình đã khẳng định yêu cầu khách quan và tính cấp thiết phải xây dựng mô hình kinh tế KCN, KCX, CCN ở Việt Nam và đã phản ánh khá rõ nét thực trạng cũng như đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển KCN, KCX, CCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới tập trung nghiên cứu những vấn đề chung trên phạm vi tổng thể cả nước, hoặc trên một địa bàn, một vùng, một tỉnh khác. Đến nay, ở tỉnh Thừa Thiên Huế chư­a có công trình khoa học nào dư­ới góc độ kinh tế chính trị nghiên cứu về vấn đề phát triển các KCN, CCN trong quá trình CNH, HĐH. Do đó, đề tài tôi lựa chọn nghiên cứu không trùng lặp với công trình khoa học nào đã thực hiện trước đây.
    3. Mục đích nghiên cứu – Nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các KCN, CCN. Cụ thể: + Hệ thống khái niệm liên quan đến các KCN, CCN. + Quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các KCN, CCN. + Quá trình hình thành, phát triển các KCN, CCN của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế. – Đánh giá đúng vị trí, vai trò, thực trạng, tiềm năng và những bài học rút ra từ thực tiễn trong quá trình phát triển các KCN, CCN của tỉnh Thừa Thiên Huế. – Đề xuất các giải pháp, kiến nghị cơ bản để thúc đẩy phát triển các KCN, CCN. 4. Đối tượng nghiên cứu Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm các KCN do Chính phủ thành lập và các CCN vừa và nhỏ do UBND tỉnh thành lập. Cụ thể là, KCN Phú Bài (huyện Hương Thủy), KCN Phong Điền (huyện Phong Điền), KCN Tứ Hạ (huyện Hương Trà), KCN La Sơn (huyện Phú Lộc), KCN Phú Đa (huyện Phú Vang) CCN Hương Sơ (Phường An Hòa, Thành phố Huế), CCN Thủy Phương (huyện Hương Thủy), CCN Hương Hòa (Huyện Nam Đông). 5. Phạm vi nghiên cứu + Về không gian: nghiên cứu các KCN, CCN trên địa bàn thành phố Huế và các huyện Hương Thủy, Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông. + Về thời gian: Giai đoạn từ khi tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu xây dựng KCN (1998) đến nay và đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo. 6. Phương pháp nghiên cứu Ngoài các phương pháp chung (phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp logic lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá khoa học ), luận văn còn sử dụng các phương pháp: – Phương pháp điều tra, khảo sát: + Phát phiếu điều tra để thu thập thông tin, số liệu tại các 5 KCN và 3 CCN. + Điều tra các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các KCN, CCN. – Phương pháp thống kê, so sánh. – Phương pháp chuyên gia: trao đổi, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý và lãnh đạo của địa phương. 7. Những đóng góp mới của luận văn + Đánh giá tổng quát về thực trạng phát triển các KCN, CCN trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. + Tìm ra những hạn chế và những vấn đề vướng mắc trong phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. + Đề xuất các giải pháp, kiến nghị cơ bản để thúc đẩy phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, luận văn được kết cấu thành 3 chương và 8 tiết: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chương 2: Thực trạng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn hiện nay. Chương 3: Quan điểm, phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...